Luật Khoa tròn 10 tuổi 🎉
Hôm nay, 5/11, là ngày kỷ niệm 10 năm thành lập của Luật Khoa. Chúng tôi hân hạnh có
Khi chọn được vật tế thần, ta yên chí rằng chỉ cần loại nó đi, tất cả sẽ sạch tội.
Bên dưới bức thư xin lỗi đăng trên trang Facebook Muối và Ánh sáng của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng ngày 30/5/2021 là hàng loạt các bình luận chửi bới, mỉa mai, công kích.[1]
“Tắt văn dùm, vì sự vô ý thức, thái độ thiếu trung thực của các ông các bà mà ảnh hưởng đến bao người. Thay vì cảm ơn chúa thì hãy cảm ơn các y bác sĩ ấy.”
“Nếu ngay từ đầu hợp tác và khai báo trung thực thì hậu quả đâu đến mức này? Giờ viết thư xin lỗi để làm gì trong khi biết bao nhiêu con người ngoài kia đang phải chịu ảnh hưởng và gồng mình chống dịch […]”
“Thay vì viết cái lá thư sáo rỗng này thì ông bà nên thành thật khai báo đã tiếp xúc những ai để cho chính quyền còn biết mà khoanh vùng dịch cho đúng. Khỏi bệnh rồi thì bán hết tài sản để nộp cho quỹ phòng chống dịch bệnh đi, nguy hại mà gia đình ông bà gây ra cả mấy triệu dân ở thành phố này đang phải gánh chịu đấy. Đừng có nói mồm hay viết tay suông.”
“Tụ tập đông người trong phòng kín, không đeo khẩu trang (mặc dù đang có dịch và có quy định phải đeo khẩu trang nơi công cộng và chỗ đông người) thì lỗi của ai đây? Thiệt hại của hàng triệu con người cả thành phố do hậu quả của việc này thì ai chịu trách nhiệm đây?”
Giữa đợt bùng phát dịch lần thứ tư tại Việt Nam, tất cả sự chú ý dường như đang dồn vào một cái tên: Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Từ ba ca nhiễm được phát hiện vào hôm 26/5, họ bị quy kết trách nhiệm cho hàng ngàn ca nhiễm mới trong thành phố. Truyền thông đưa tin dồn dập về họ. [2] Các phản ứng chính sách diễn ra liên tiếp chỉ trong vài ngày: khởi tố vụ án (30/5), đề nghị đình chỉ hoạt động và rút giấy phép hoạt động tôn giáo (1/6). [3] [4] Ban Tôn giáo còn lên tiếng cả về cách họ gọi tên tổ chức mình (không phải hội thánh!), cách họ gọi tên chức sắc tôn giáo của mình (không phải mục sư!). [5]
Các bài viết về chuyện xử lý vụ việc này thu hút hàng loạt bình luận cho rằng nhà nước thật “anh minh”, và việc quản lý các điểm nhóm tôn giáo phải được siết chặt hơn nữa.
Có một vài dữ kiện mà những người đang nhiệt tình kết án nhóm sinh hoạt chỉ có hơn 50 thành viên kia bỏ qua.
Thứ nhất, không có bằng chứng cho thấy nhóm sinh hoạt này giấu thông tin hay vi phạm các quy định phòng chống dịch. Các thông tin trên báo chí về chuyện đeo khẩu trang hay không, tập trung bao nhiêu người đều rời rạc và thiếu căn cứ. Người quản nhiệm hội thánh khẳng định rằng họ đã tuân thủ các quy định và không giấu thông tin. [6] Cho dù viết thư xin lỗi và mong được lượng thứ, họ không hề thừa nhận làm lây lan dịch bệnh. Vụ án mới chỉ bắt đầu được điều tra, chưa đưa ra kết luận gì.
Thứ hai, chưa rõ nguồn lây nhiễm và thời điểm lây nhiễm của những ca bệnh thuộc hội thánh này. Những dấu hiệu đầu tiên của đợt lây nhiễm mới nhất đã xuất hiện từ tháng Tư, nhưng các hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Người dân cả nước vẫn nghỉ lễ và du lịch khắp nơi trong kỳ nghỉ 30/4 và 1/5. Đến ngày bầu cử 23/5, khi dịch đã bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Bắc, nhà nước truyền đi thông điệp quyết tâm tổ chức thành công kỳ bầu cử trong mọi tình huống của dịch. [7] Ngay cả tâm dịch Bắc Ninh và Bắc Giang cũng hô hào quyết tâm. [8] Các cán bộ mang luôn cả thùng phiếu vào trong bệnh viện, tới tận giường của những bệnh nhân nằm liệt tại chỗ để họ bỏ phiếu. [9]
Nếu như mầm bệnh đã có trong cộng đồng từ lâu, chỉ với hai sự kiện nói trên, việc truy nguyên là gần như bất khả. Các ca nhiễm từ hội thánh hoàn toàn có thể là lây chéo từ những chuyến du lịch trong kỳ nghỉ lễ, hay những điểm bầu cử mà họ tham gia trước đó. Việc gán nguyên nhân của chuỗi lây nhiễm mới với các sinh hoạt tôn giáo của hội thánh này, cho đến nay, là vô căn cứ.
Thứ ba, có sự phân biệt đối xử đối với Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Khi dịch bùng phát ở các khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, không cá nhân nào bị đem ra chỉ trích. Khi có ca nhiễm từ tổ bầu cử ở Goldmark City, Hà Nội, chẳng ai chất vấn ai đã vi phạm quy định. [10] Thế nhưng, khi một nhóm sinh hoạt tôn giáo tiếp tục hoạt động và có ca nhiễm, vụ việc lại bị khởi tố.
Ngày 21/5/2021, Bộ Y tế ra một công văn yêu cầu không cung cấp cho báo chí danh tính, lịch trình di chuyển và quá trình tiếp xúc của bệnh nhân, nhằm tránh xâm phạm đời tư của người bệnh.11 [11] Quy định này sau đó được báo chí tuân thủ, nhưng đến trường hợp của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng thì lại như chưa từng tồn tại.
Các tờ báo chạy đua với nhau đăng thông tin cá nhân, [12] lịch trình di chuyển của những ca nhiễm là thành viên của nhóm. [13] Giữa hàng trăm ca nhiễm mới được đánh số, bỗng dưng lại có vài nhân vật có danh tính, tôn giáo, địa chỉ rõ ràng. Không khó hiểu tại sao tất cả sự căm ghét dồn về phía họ.
Từ việc quy kết mọi lỗi lầm cho một tổ chức tôn giáo, người ta bắt đầu chất vấn cả loại hình tổ chức của họ. Kết quả là khi sự việc chưa ngã ngũ, hội thánh đã bị dọa rút giấy phép hoạt động. Các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tương tự thì bị đưa vào đối tượng nguy cơ cao cần xét nghiệm đầu tiên. [14] Những lời yêu cầu nhà nước tăng cường quản lý điểm nhóm tôn giáo xuất hiện ở nhiều diễn đàn, bất chấp một thực tế rằng chính sách quản lý tôn giáo ở Việt Nam đã luôn khắt khe đến mức báo động trên thế giới. [15]
Con người không được tạo hóa thiết kế để thấy dễ chịu trong những tình huống rủi ro và bất định. Khi có chuyện gì xấu xảy ra, bản năng đổ lỗi (blame instinct) sẽ được kích hoạt để tìm ra một nguyên do đơn giản, rõ ràng cho nó. Như một cơ chế tự vệ, bản năng này có nhiệm vụ tìm ra ai đó chịu trách nhiệm cho việc này, nếu không thì thế giới sẽ thật khó đoán, rối bời, đáng sợ. [16]
Đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt lây nhiễm mới nhất với những biến chủng nguy hiểm và khó lường, rõ ràng đã đặt chúng ta vào một tình thế bấp bênh chưa từng có.
Mark Schaller, giáo sư tâm lý tại Đại học British Columbia, tác giả cuốn “Social Psychology of Prejudice” cho rằng mối liên quan giữa đại dịch và việc đổ lỗi có nguồn gốc tiến hóa. [17] Phản ứng đó là một phần của khái niệm mà ông gọi là hệ miễn dịch tâm lý hành vi (behavioral immune system), tương tự như hệ miễn dịch của cơ thể. Ta đẩy lỗi cho ai đó khác để bản thân có thể yên tâm rằng mình vô can. Và để khiến cho sự đùn đẩy của mình có lý lẽ, chúng ta tự động gán cho đối tượng những đặc tính tiêu cực.
Cơ chế này dường như khớp với cách mà chúng ta đang đòi Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng chịu trách nhiệm cho đợt lây lan dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, trong khi mọi thứ còn đang là dấu hỏi. Từ vài lời kể rời rạc, chúng ta vội vàng quy kết rằng họ làm sai quy định, họ giấu giếm không hợp tác. Suy nghĩ đó dựa trên một niềm tin rằng nếu tuân thủ quy định thì hẳn là đã không sao rồi.
Niềm tin đó rõ ràng là mong manh, chỉ cần xét riêng một chuyện là hàng chục triệu người dân cả nước vẫn đi du lịch khắp nơi và đi bầu khi dịch đã bắt đầu bùng phát. Thực tế cho thấy, các diễn biến xảy ra bất ngờ, và tất cả mọi người, bao gồm cả các đơn vị chuyên trách, đều đang ở thế căng mình để chống chọi. Phần lớn có lẽ đều đang ở trong trạng thái như người quản nhiệm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng chia sẻ khi biết chuyện: “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra”. [18] Nhưng thừa nhận sự bất lực này lại không phải thói quen của bản năng đổ lỗi. Bằng cách chỉ ngay ngón tay vào người đã dám “không biết”, dư luận khước từ gánh nặng của việc phải chấp nhận một sự thật khó nhằn.
Nếu đổ lỗi là một bản năng tự vệ của từng cá nhân, thì việc lựa chọn ai làm người gánh chịu tội lỗi lại phản ánh những định kiến, niềm tin, lý tưởng của cộng đồng. Hành vi này gọi là “scapegoating”.
“Scapegoat” trong tiếng Anh được ghép từ “escape” – chạy thoát và “goat” – con dê. Từ này có nguồn gốc từ Kinh thánh, mô tả một nghi thức đền tội của người Do Thái với Thiên Chúa của họ, trong đó có hai con dê được chọn. [19] Một con bị giết để dâng lên làm vật đền tội, con còn lại thì gánh tất cả tội lỗi của một cộng đồng và sau khi cầu nguyện thì được thả vào trong hoang mạc. Bằng cách đó, tất cả được sạch tội.
Các nhà tâm lý học xã hội mượn từ này để xác lập lý thuyết vật tế thần (scapegoat theory). Theo Peter Glick, giáo sư Đại học Lawrence, khái niệm này mô tả một hình thái định kiến cực đoan, trong đó một nhóm ngoại lai bị đổ lỗi cố tình gây ra tai ương cho một nhóm nội bộ. [20]
Các phong trào tế thần (scapegoat movement) trong một cộng đồng thường diễn ra khi họ phải đối mặt với những tình huống phức tạp, trong đó, chướng ngại vật để vượt qua là không rõ ràng. Các cuộc săn linh vật tế thần thu hút nhiều người tham gia là do nó có thể đưa ra một câu trả lời đơn giản hơn. Trong cuộc săn tìm đó, người ta thường đưa ra các lựa chọn phi lý trí, do nỗi sợ và tâm lý vội vàng ảnh hưởng đến năng lực nhận thức, và do thiếu thông tin.
Trong chương 15 của cuốn sách “On the Nature of Prejudice: Fifty Years after Allport”, Peter Glick tổng hợp các lý do giải thích cho lựa chọn vật tế thần trong các lý thuyết tâm lý xã hội đương đại. [21] Theo đó, vật tế thần thường là một nhóm thiểu số với các tiêu chí: (1) quyền lực không quá mạnh để có thể phản kháng, nhưng cũng không quá yếu (vì yếu quá thì không thể gây ra tai ương), (2) khớp với những định kiến có sẵn trước đó trong cộng đồng và (3) tiện lợi.
Thử dùng lý thuyết này để xem xét vụ việc Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng bị chỉ trích, ta thấy nhóm này thỏa các điều kiện đã nêu của một “vật tế thần”. Họ là một nhóm tôn giáo thiểu số, không có tổ chức mạnh nhưng đã được công nhận hoạt động điểm nhóm, thuộc tầng lớp trung lưu (không quá mạnh, không quá yếu). Hoạt động của các nhóm sinh hoạt tôn giáo tự phát từ lâu đã nhận nhiều định kiến từ phía dư luận, bị nhà nước xem là “tà đạo” (định kiến). Thông tin về họ được công bố theo cách vừa đủ để dư luận suy đoán và đánh giá (tiện lợi).
So sánh với các nguồn lây nhiễm khả thi khác, như một tổ chức tôn giáo lớn hơn, những nhóm công nhân yếu thế, hay các hội đồng bầu cử, ta thấy việc đổ lỗi cho hội thánh nhỏ này “tiện lợi” hơn nhiều.
Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng có phải là vật tế thần hay không chỉ là một giả thuyết. Vẫn tồn tại khả năng họ thực sự đã cố tình làm sai, xem nhẹ an toàn của cộng đồng. Nhưng việc các nhóm tôn giáo thiểu số trở thành mục tiêu đổ lỗi trong đại dịch COVID-19 thì không phải là chuyện lạ trên thế giới, và còn có tính lịch sử. [22]
Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển (Institute of Development Studies – Anh) đã tư liệu hóa sự phân biệt đối xử và đổ lỗi mang tính hệ thống với người Hồi giáo ở Ấn Độ, người Yazidis, Kaka’i và các nhóm theo đạo Cơ Đốc ở Iraq, và người Khmer theo đạo Hồi ở Campuchia. [23] Những cộng đồng này thường bị cáo buộc làm lây lan dịch bệnh. Họ trở thành nạn nhân của các chiến dịch thù ghét trên mạng xã hội, với sự tham gia của cả các chính khách và giới báo chí. Đáng chú ý, họ đều đã là nạn nhân của định kiến phổ biến từ trước đó, khớp với lý thuyết được giáo sư Peter Glick nêu phía trên.
Đơn cử, vào tháng 3/2020, khi một nhóm người Hồi giáo trở về Campuchia sau khi tham gia một sự kiện ở Malaysia, họ được phát hiện dương tính với COVID-19. Thông tin về tôn giáo của những người này được chính bộ trưởng y tế Campuchia tiết lộ trên Facebook cá nhân, trong khi Bộ Y tế yêu cầu truyền thông cẩn trọng khi công bố thông tin người bệnh. Chi tiết về tôn giáo lập tức tạo nên một làn sóng thù ghét và đổ lỗi nhắm vào người Khmer theo đạo Hồi, vốn đã là nhóm yếu thế so với những người Khmer theo đạo Phật ở Campuchia. [24]
“Họ nên bị nhốt trong nhà”, một người dùng Facebook viết.
“Tại sao mấy người có thể ngu ngốc và vô tâm đến mức mang lại phiền toái cho biết bao người khác”, một người khác bình luận.
Các bình luận dạng này cũng xuất hiện nhiều trong phong trào đổ lỗi cho người Hồi giáo ở Ấn Độ, cùng thời điểm tháng 3/2020. [25] Khi một số nhà truyền giáo Ấn Độ được phát hiện nhiễm virus SARS-coV-2 sau một sự kiện quốc tế tổ chức tại Delhi, bộ trưởng phụ trách các vấn đề của cộng đồng thiểu số đã công khai gọi những người tổ chức sự kiện này là “tội phạm Taliban”. Những làn sóng chỉ trích, lăng mạ đi kèm với thông tin sai lệch lan rộng với phạm vi khoảng 170 triệu tài khoản Twitter.
“Đại dịch đã cho thấy người Hồi giáo Ấn Độ là những kẻ phản bội và không trung thành với tổ quốc.”
“Ấn Độ cần được tự do khỏi Corona và Jihad (từ ám chỉ những người Hồi giáo với nghĩa tiêu cực) vì cả hai đều là những vũ khí chết người.”
Khi đã chọn được con dê tế thần, người ta được trấn an với ảo giác rằng chỉ cần loại nó ra khỏi cộng đồng thì mọi chuyện sẽ được giải quyết.
Cơn say đổ tội thường sẽ khiến chúng ta ngừng tìm hiểu các nguyên nhân khác, cũng như giải pháp để ngăn chặn các vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai. Đối tượng được chọn làm vật tế thần thì chẳng biết mình có tội gì, nhưng vừa phải chịu đau đớn thể xác vì nhiễm bệnh, lại vừa phải chịu hành hạ về tinh thần trước những lời nhẫn tâm không ngừng trút xuống lúc này, mà chắc chắn để lại hậu quả kỳ thị dài lâu.
Hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng đại dịch không thể được giải quyết bằng những cách hành xử phi lý trí đó.
Luật Khoa hoan nghênh các quan điểm khác nhau. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
1. Facebook – Muối và Ánh sáng. (2021, May 30). Thư xin lỗi của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. https://www.facebook.com/muoivaanhsang.vn/photos/a.107188747601372/330038375316407
2. Ngọc, T. (2021, June 3). Toàn cảnh truyền thông về Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/06/toan-canh-truyen-thong-ve-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung
3. congan.com.vn. (2021, May 31). Khởi tố hình sự vụ án làm lây lan dịch COVID-19. Báo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh. http://congan.com.vn/tin-chinh/khoi-to-vu-an-ve-hoat-dong-cua-hoi-truyen-giao-phuc-hung-lam-lay-lan-dich-benh_113189.html
4. Tuổi Trẻ Online. (2021, June 1). Bộ Nội vụ đề nghị TP.HCM tạm đình chỉ hoạt động của hội nhóm truyền giáo Phục Hưng. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/bo-noi-vu-de-nghi-tp-hcm-tam-dinh-chi-hoat-dong-cua-hoi-nhom-truyen-giao-phuc-hung-20210601100110072.htm
5. Duy Tính, Phan Thương (2021 June 1). Nóng: ‘Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng chỉ là điểm nhóm, người đứng đầu không phải mục sư. Thanh Niên Online. https://thanhnien.vn/thoi-su/nong-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-chi-la-diem-nhom-nguoi-dung-dau-khong-phai-muc-su-1392018.html
6. Vỹ N. (2021, June 3). Đại diện Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng lên tiếng: “TO. . . danviet.vn. https://danviet.vn/dai-dien-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-len-tieng-tu-day-long-chung-toi-thanh-that-xin-loi-2021053116583805.htm
7. Hanoimoi.Com.Vn. (2021, May 10). Trong mọi tình huống, phải tổ chức thành công cuộc bầu cửhttps://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/998919/trong-moi-tinh-huong-phai-to-chuc-thanh-cong-cuoc-bau-cu
8. Cao Tuân. (2021, May 22). “Tâm dịch” Bắc Ninh và Bắc Giang quyết tâm tổ chức thành công cuộc bầu cử. Giadinh.Net.Vn. https://giadinh.net.vn/xa-hoi/tam-dich-bac-ninh-va-bac-giang-quyet-tam-to-chuc-thanh-cong-cuoc-bau-cu-20210521124755956.htm
9. Quân đội Nhân dân (2021b, May 24). Ngày hội non sông Kỳ bầu cử đặc biệt và những hình ảnh đặc biệt. https://www.qdnd.vn/phong-su-anh/ngay-hoi-non-song-ky-bau-cu-dac-biet-va-nhung-hinh-anh-dac-biet-660453
10. Vũ, H. (2021, May 24). Hà Nội: Thành viên tổ bầu cử mắc Covid-19, lập chốt kiểm soát 4 tòa nhà. Thanh Niên. https://thanhnien.vn/thoi-su/ha-noi-thanh-vien-to-bau-cu-mac-covid-19-lap-chot-kiem-soat-4-toa-nha-1388265.html
11. Công văn số 4191/BYT-TT-KT về việc phối hợp điều chỉnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống dịch COVID-19 https://thuvienphapluat.vn/cong-van/The-thao-Y-te/Cong-van-4191-BYT-TT-KT-2021-cong-tac-cung-cap-thong-tin-cho-bao-chi-ve-phong-chong-COVID-19-475142.aspx
12. Phú, L. (2021, May 30). Ổ dịch tại Hội truyền giáo Phục Hưng đã hình thành như thế nào? Báo Công an Nhân Dân Điện Tử. http://cand.com.vn/Xa-hoi/O-dich-tai-Hoi-truyen-giao-Phuc-Hung-da-hinh-thanh-nhu-the-nao-643599
13. Tuổi Trẻ Online. (2021, May 28). Bệnh nhân COVID-19 liên quan hội thánh truyền giáo đi 12 điểm ở Đà Lạt. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/benh-nhan-covid-19-lien-quan-hoi-thanh-truyen-giao-di-12-diem-o-da-lat-20210528224908059.htm
14. Sỹ, Đ. (2021, June 2). TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 với 145 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo. Thanh Niên. https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-lay-mau-xet-nghiem-tam-soat-covid-19-voi-145-diem-nhom-sinh-hoat-ton-giao-1392796.html
15. Thanh, T. (2021, May 12). Tôn giáo tháng 4/2021: Hoa Kỳ đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần “quan tâm đặc biệt.” Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/05/ton-giao-thang-4-2021-hoa-ky-de-nghi-dua-viet-nam-vao-danh-sach-cac-quoc-gia-can-quan-tam-dac-biet
16. Rosling, H., Rosling, O., & Rönnlund, A. R. (2018). Factfulness: ten reasons we’re wrong about the world – and why things are better than you think. pp 206-222.
17. Cole, D. (2020, August 29). Why Scapegoating Is A Typical Human Response To A Pandemic. Npr.org. https://www.npr.org/sections/goatsandsoda/2020/08/29/906225199/why-scapegoating-is-a-typical-human-response-to-a-pandemic
18. Dân Trí. (2021b, May 31). Mục sư hội thánh: “Tôi cúi đầu xin lỗi, khao khát nhận được sự lượng thứ.” Báo điện tử Dân Trí. https://dantri.com.vn/xa-hoi/muc-su-hoi-thanh-toi-cui-dau-xin-loi-khao-khat-nhan-duoc-su-luong-thu-20210531112358485.htm
19. MJL. (2002, August 27). Leviticus 16:1–34: The Scapegoat Ritual. My Jewish Learning. https://www.myjewishlearning.com/article/leviticus-161-34-the-scapegoat-ritual
20. Dovidio, J. F., Glick, P., & Rudman, L. A. (2005). Choice of Scape Goat. In On the Nature of Prejudice: Fifty Years after Allport (1st ed., pp. 244–261). Blackwell.
21. Xem 20.
22. Wilson, E. (2020, July 6). Scapegoating of religious minorities during Covid-19: is history repeating itself? Institute of Development Studies. https://www.ids.ac.uk/opinions/scapegoating-of-religious-minorities-during-covid-19-is-history-repeating-itself
23. Institute of Development Studies. (2020, October 6). Religious inequalities and the impact of Covid-19. https://www.ids.ac.uk/news/religious-inequalities-and-the-impact-of-covid-19
24. VOA Cambodia. (2020, March 23). Linked to Viral Outbreak, Cambodian Muslims Facing Backlash. VOACambodia.Com. https://www.voacambodia.com/a/linked-to-viral-outbreak-cambodian-muslims-facing-backlash/5341035.html
25. Wilson, E. (2020a, June 4). India’s Muslim minority experiences increased targeting and violence during Covid-19. Institute of Development Studies. https://www.ids.ac.uk/opinions/indias-muslim-minority-experiences-increased-targeting-and-violence-during-covid-19