‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực
‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực0:00/335.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 là hệ quả của một chính sách thiếu tính chính danh.
Chiều tối ngày 24/7, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, tôi đạp xe tới trung tâm thương mại cách nhà khoảng 2km với ý định rút tiền mặt và mua thêm thực phẩm dự trữ. Tuy nhiên, máy ATM bị hỏng nên tôi không rút được tiền. Tôi cũng thay đổi ý định không mua thêm đồ dự trữ nữa và quay về vì muốn “đánh cược” với suy đoán rằng sẽ không thiếu thực phẩm.
Cách nhà khoảng 100 mét, sáu anh công an và dân phòng (họ mặc những loại đồng phục, thường phục khác nhau) chặn tôi lại. Họ hỏi lý do tôi ra đường với thái độ khá thô bạo. Lời giải thích của tôi không được chấp nhận. Một anh công an quăng xe đạp của tôi lên thùng xe bán tải và yêu cầu tôi về công an phường để làm việc. Tôi ngồi trên buồng lái, cách anh công an khoảng nửa mét. Anh không đeo khẩu trang.
Tại trụ sở công an phường, anh công an bàn giao tôi cho đồng nghiệp rồi lái xe đi tiếp. Anh công an trực ban hỏi địa chỉ nơi tôi cư trú, yêu cầu tôi gọi điện cho người nhà mang giấy tờ tùy thân tới để làm việc. Anh thông báo tôi có thể bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng theo quy định của Điểm a, Khoản 1, Điều 12 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Sau đó, anh ăn tối (một chiếc bánh mỳ kẹp) và mời tôi ăn cùng.
Một anh công an khác xuất hiện. Anh hỏi tôi lý do ra đường và tôi trình bày lại câu chuyện. Anh yêu cầu được xem thẻ ATM. Tôi lấy cho anh xem và anh hỏi: Trong thẻ của chị có bao nhiêu tiền? Tôi đáp: Đó là thông tin cá nhân và tôi không có nghĩa vụ trả lời. Anh hỏi tiếp: Nếu vậy làm sao tôi biết thẻ của chị không hoạt động? Tôi im lặng. Anh nói tiếp: Chị đi xe đạp và đang mặc đồ thể thao nên có dấu hiệu ra đường để tập thể thao. Tôi đáp: Tôi đã mặc sẵn bộ đồ này và tập trong nhà, bộ đồ đủ tử tế nên tôi mặc nó ra đường mà không thay đồ khác. Anh yêu cầu tôi làm biên bản kê khai lại hành vi của mình. Sau đó anh bỏ ra ngoài.
Một anh nữa xuất hiện. Anh mặc thường phục nên tôi không biết vai trò của anh là gì. Anh hỏi tôi chuyện gì xảy ra. Tôi kể lại câu chuyện một lần nữa. Anh nói đơn giản: Thôi, cô về nhà đi, và hạn chế ra đường. Anh thứ hai không có phản ứng/ý kiến gì với quyết định này vì đang dán mắt vào màn hình điện thoại. Cả ba viên công an ở đó đều không đeo khẩu trang.
Câu chuyện nhỏ này cho thấy: sự phối hợp hành động giữa các chiến sỹ công an, dân phòng không theo quy trình, và khuôn mẫu nào cả. Chỉ thị 16 được ban hành năm 2020. Việc thực hiện nó tại thời điểm 2020 và 2021 là rất khác nhau. Có thể tôi đã sai khi không tuân thủ nghiêm túc Chỉ thị 16 (vốn không đủ rõ ràng và chi tiết để có thể tuân thủ). Có thể những người bắt giữ tôi lại chỉ có ý định “dọa/răn đe” tôi để đảm bảo thực hiện Chỉ thị 16. Nhưng nếu mục đích của Chỉ thị 16 là để “chống dịch” hay ngăn chặn sự lây lan/bùng phát của COVID-19 thì dường như nó không được thiết kế và vận hành để phục vụ mục đích này.
Phần tiếp theo sẽ xem xét Chỉ thị 16 dưới góc nhìn của lý thuyết về tính chính danh (legitimacy) của ngành xã hội học.
Kỳ vọng về tính chính danh (legitimacy expectation) là một khái niệm hữu ích để đánh giá tính hiệu quả của các chính sách công.
Nó được hiểu là quan niệm được chấp nhận rộng rãi về sự phù hợp trong hành động của một chủ thể nào đó – tùy thuộc vào những khuôn mẫu, giá trị, và niềm tin của xã hội. [1] Các khuôn mẫu, giá trị và niềm tin này được kiến tạo qua quá trình vận động xã hội (socially constructed).
Ba thành tố của tính chính danh ảnh hưởng tới hành động của các chủ thể là: tính chính danh về lợi ích (pragmatic legitimacy), tính chính danh về đạo đức (moral legitimacy), và tính chính danh về nhận thức (cognitive legitimacy). Ba thành tố này không tách rời mà có thể đan xen với nhau.
Tính chính danh về lợi ích
Tính chính danh về lợi ích thể hiện sự đánh giá về lợi ích/nghĩa vụ vật chất mà một quy định nào đó mang lại cho những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của quy định đó.
Ví dụ: các anh công an (người thi hành công vụ) muốn áp dụng Chỉ thị 16 để phạt hành chính hành vi của tôi. Tôi bị thiệt hại vật chất, vốn là một loại lợi ích, nhưng việc xử phạt tôi lại chẳng liên hệ trực tiếp gì với một lợi ích khác lớn hơn mà tôi mong muốn là chống được dịch. Tôi mất tiền nhưng không đổi được lợi ích gì tương đương.
Chính danh về lợi ích phổ biến ở Việt Nam vì cả chính quyền và người dân đều quen thuộc với việc phạt tiền những “hành vi sai phạm”, lợi ích bị/được ảnh hưởng được lượng hóa tương đối rõ ràng.
Tính chính danh về đạo đức
Tính chính danh về đạo đức dựa trên quan niệm phổ biến của xã hội về thế nào là đúng và thế nào là sai của một khuôn mẫu hành xử. Khuôn mẫu hành xử tạo ra trật tự xã hội mà các thành viên trong xã hội tự nguyện tuân theo. Xã hội đánh giá tính chính danh về đạo đức của một hành vi dựa trên kết quả của nó, cách thức nó được tiến hành, và những giá trị tiềm ẩn trong nó.
Chính danh về đạo đức là vấn đề rắc rối ở Việt Nam vì sự thiếu khuôn mẫu/chuẩn mực thống nhất cho hành vi của cơ quan công quyền và người dân. Sự thiếu khuôn mẫu dẫn tới thiếu hợp tác giữa nhà nước và xã hội trong việc sử dụng nguồn lực và hợp tác hành động vì mục đích chung. COVID-19 (vốn chưa có tiền lệ trong lịch sử) làm lộ rõ hơn điểm yếu này.
Các anh công an có thể cho rằng họ “đúng” khi thực hiện phận sự của mình là thi hành nghiêm túc Chỉ thị 16. Tuy nhiên, ví dụ nhỏ của tôi cho thấy các anh không hành động theo một quy trình đồng bộ và khuôn mẫu thống nhất. Nếu đeo khẩu trang là khuôn mẫu bắt buộc để ngăn ngừa sự phát tán virus thì khuôn mẫu này đã không được các anh công an áp dụng thống nhất. Thông tin từ báo chí cũng cho thấy Chỉ thị 16 được áp dụng khác nhau tại những địa bàn khác nhau trong cùng một thành phố.
Chính sách chống dịch dựa trên một loạt những quyết định hành chính để huy động lực lượng của chính quyền. Nó thiếu vắng thông tin khoa học, các bằng chứng xác thực (evidence/data) để lý giải cho các quyết sách của chính quyền, và hướng dẫn hành xử cộng đồng. Những con số về các ca nhiễm COVID-19 hoặc số người chết dễ gây hoang mang vì không kèm theo lời giải thích/hướng dẫn của các nhà khoa học hoặc chuyên gia dịch tễ. Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế cũng chỉ gồm những thông tin vắn tắt. Dù chưa biết các biện pháp chống dịch sẽ tạo ra kết quả gì, nhưng nếu nó không đạt được độ tin cậy về mặt khoa học thì việc thực thi nó cũng thiếu tính chính danh.
Việc thực thi Chỉ thị 16 thông qua cưỡng chế cũng mâu thuẫn với khẩu hiệu đã tồn tại 75 năm của ngành công an, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, vốn là thứ được tuyên truyền để tạo nên tính chính danh về đạo đức cho ngành công an. Nhiều người dân (trong đó có tôi) không bị/được thuyết phục rằng các anh công an hành động vì lợi ích công cộng hay phục vụ người dân. Đồn công an phường vốn ít được coi là nơi “đón tiếp” công dân và giúp giải quyết những rắc rối của họ. Thay vào đó, nó là nơi “xử lý sai phạm”. Những câu hỏi mà tôi bị hỏi tại công an phường thực sự không liên quan gì tới mục đích cơ bản của việc tương tác giữa tôi và chính quyền là ngăn chặn sự lây lan của virus.
Ngoài công an, lực lượng dân phòng cũng được huy động để thực hiện Chỉ thị 16. Đây là lực lượng không chuyên nghiệp, vốn không được huấn luyện để thực hiện những nhiệm vụ phức tạp. Dưới góc độ pháp luật, họ cũng chỉ là những công dân bình thường như mọi công dân khác. Dưới góc độ sinh học, họ có thể bị lây nhiễm virus như bất kỳ người nào. Vì vậy, tính chính danh trong hoạt động của lực lượng này là câu hỏi không có câu trả lời.
Tính chính danh về nhận thức
Chính danh về nhận thức gắn với hệ thống niềm tin (tín ngưỡng, tôn giáo hoặc tư tưởng chiếm địa vị chi phối) của một đất nước (bao gồm cả nhà nước và xã hội). Chính danh về nhận thức thường được thể hiện qua những diễn ngôn lớn (meta narratives) và ngôn ngữ là công cụ để thể hiện những diễn ngôn này. [2]
Sau hai năm đối phó với đại dịch, dường như tính chính danh về nhận thức ở Việt Nam chưa tiến hóa đủ nhanh để thích ứng với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Xã hội đương đại Việt Nam có sự pha trộn nhiều loại tín ngưỡng/tôn giáo khác nhau. Những tín ngưỡng/tôn giáo này thường không phải là nguồn tri thức khoa học để giúp cộng đồng tư duy/ứng phó với dịch bệnh. [3]
Dường như tư tưởng dân tộc chủ nghĩa (nationalism) chiếm địa vị chi phối trong phản ứng của Việt Nam và chính quyền mong muốn xây dựng tính chính danh trên nền tảng này. Chính sách chống dịch hướng tới việc sản xuất vaccine trong nước. [4] Việc thể hiện niềm tin vào sức mạnh của “cộng đồng tưởng tượng” mang tên Việt Nam cũng phổ biến trong công chúng. [5] Tuy nhiên, theo chuyên gia dịch tễ/y tế cộng đồng, chính mong muốn sản xuất vaccine trong nước và sự ngần ngại tham gia thị trường vaccine toàn cầu đã dẫn tới sự chậm trễ của Việt Nam trong việc kiểm soát chủng Delta. [6]
***
COVID-19 gây khủng hoảng trên toàn thế giới. Với nước nghèo như Việt Nam, thiệt hại mà nó gây ra là to lớn và dài lâu. Tình trạng khủng hoảng hiện giờ có thể là hệ quả trực tiếp của một chính sách yếu về tính chính danh. Dù sao, tôi vẫn phải nuôi hy vọng rằng sự dẻo dai của người Việt sẽ giúp chúng ta vượt qua thử thách lịch sử này.
Chú thích:
1. Mark C. Suchman, ‘Managing Legitimacy: Strategic and Institutional Approaches’ (1995) 20(3) The Academy of Management Review 571, 574.
2. Ví dụ, COVID-19 làm phát sinh nhiều thuật ngữ mới trong tiếng Anh. Những thuật ngữ này đã được từ điển Oxford chính thức ghi nhận. https://theconversation.com/how-covid-19-is-changing-the-english-language-146171
3. Tiếng Việt chỉ thêm một số ít từ vựng liên quan tới đại dịch, ví dụ Ghen Cô Vi.
4. Bộ Y tế. (2021, August 3). Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam. Website Bộ Y Tế. https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-truong-bo-y-te-tiep-truong-ai-dien-who-tai-viet-nam
5. Ví dụ: Ca sỹ Hồng Nhung tình nguyện tiêm vaccine Nanocovax https://vnexpress.net/hong-nhung-tiem-vaccine-nanocovax-4304788.html; Xem thêm https://www.eastasiaforum.org/2020/06/24/nationalism-heroism-and-media-in-vietnams-war-on-covid-19,
https://jci.vn/khoi-dong-chien-dich-phuc-vu-cong-dong-trong-dai-dich-covid-19-stay-strong-vietnam
6. Flower, B. (2021, July 30). Delta variant sets off alarm bells in Vietnam. East Asia Forum. https://www.eastasiaforum.org/2021/08/01/delta-variant-sets-off-alarm-bells-in-vietnam