Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Bảo tồn các giá trị văn hóa châu Á không xung đột với tự do ngôn luận.
Quyền tự do biểu đạt (freedom of expression) là một quyền con người cơ bản được ghi nhận trong cả Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát (UDHR) lẫn Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Tuy nhiên, vai trò của quyền này trong hệ thống pháp luật tại các quốc gia châu Á thì không tương xứng với cách mà pháp luật quốc tế ghi nhận.
Một trong những lý do thường được viện dẫn nhất là lập luận cho rằng các giá trị châu Á (Asian values) không trùng lắp với các tiêu chuẩn nhân quyền vốn “chỉ do phương Tây áp đặt”.
Lý luận này có hai dạng diễn ngôn đặc trưng.
Diễn ngôn đầu tiên cho rằng triết lý phương Đông đặt nặng lợi ích của cộng đồng chứ không phải quyền lợi cá nhân. Vậy nên trách nhiệm với cộng đồng, với gia đình và với nhà nước phải được ưu tiên so với lợi ích cá nhân.
Diễn ngôn thứ hai nghiêng về các vấn đề kinh tế. Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các quốc gia châu Á vẫn còn trong giai đoạn đang phát triển, và vì vậy, hy sinh lợi ích cá nhân để thống nhất quản lý và phát triển kinh tế mới là con đường đúng đắn.
Một số người cho rằng mối liên kết giữa việc quản trị nhà nước tốt và các giá trị nhân quyền cấp tiến thường bị nói quá lên, và có nhiều con đường để hiện đại hóa mà không cần thiết phải cải thiện các quyền cá nhân như tự do ngôn luận.
Những diễn ngôn này đúng đến đâu? Liệu có phải cứ bảo tồn giá trị châu Á là lúc nào cũng đi ngược lại với quyền lợi của từng cá thể?
Có rất nhiều nghiên cứu mong muốn đào sâu vấn đề này, nhưng người viết cho rằng nghiên cứu của hai tác giả Fei Shen và Lokman Tsui vào năm 2018 mang tên “Revisiting the Asian Values Thesis: An Empirical Study of Asian Values, Internet Use, and Support for Freedom of Expression in 11 Societies” có giá trị khái quát tốt, độ tổng hợp cao và tính cập nhật nhất. [1]
Là một nghiên cứu định lượng, hai tác giả trước tiên dành khá nhiều thời gian để liệt kê và đánh giá tình hình nghiên cứu về mối tương quan giữa các giá trị châu Á và quan điểm của công chúng về kiểm soát hay đàn áp tự do ngôn luận.
Họ dẫn một vài ví dụ quan trọng như nghiên cứu của Chang và Chu có tên gọi “Confucianism and Democracy”. [2] Trong đó, hai tác giả Chang và Chu nhận thấy rằng niềm tin vào các giá trị truyền thống có tỷ lệ nghịch với niềm tin vào nền dân chủ tại Hong Kong, Đài Loan và Trung Quốc đại lục.
Trong một nghiên cứu khác có tên “Authority Orientations and Democratic Attitudes”, hai tác giả Dalton và Ong tổng hợp hệ thống dữ liệu của riêng mình và khẳng định rằng tác động của “các giá trị xã hội truyền thống” (traditional social values) đến niềm tin và sự ủng hộ dành cho dân chủ và các định chế nhà nước cấp tiến giữa phương Tây và phương Đông không khác nhau đáng kể như người ta tưởng tượng. [3]
Một số tác giả khác như Fetzer và Soper thì khẳng định trong nghiên cứu của họ về Đài Loan rằng các giá trị văn hóa truyền thống không đóng bất kỳ vai trò cản đường nào đối với các giá trị dân chủ.
Ngược lại, trong một nghiên cứu tập trung vào hệ thống dữ liệu của East Asia Barometer Survey, hai tác giả Park và Shin khẳng định các giá trị truyền thống châu Á làm mất cân bằng cảm xúc của công chúng về dân chủ và hướng họ theo các chính thể độc tài. [4]
Qua quá trình cân nhắc các nghiên cứu đã có, Fei Shen và Lokman Tsui nhìn nhận các kết quả còn quá khác biệt và chưa thống nhất. Mặt khác, hai tác giả cũng nhận thấy nhiều vấn đề trong cách mà các nghiên cứu trước định hình và cụ thể hóa giá trị châu Á.
Ví dụ, nghiên cứu của Park và Shin cho rằng giá trị châu Á xoay quanh hòa hợp nhóm (group harmony) với bốn chỉ số: phân cấp xã hội, hòa hợp xã hội, ưu thế nhóm và chống đa nguyên.
Chang và Chu thì đánh đồng giá trị châu Á với giá trị Khổng giáo, từ đó phân tích thông qua các chỉ số như thói quen phục tùng, sự cần cù và định kiến giới.
Dalton và Ong lại cho rằng giá trị châu Á chính là xu hướng chuyên quyền, với sáu tiêu chí đánh giá gồm: sự phục tùng và tôn trọng dành cho cha mẹ, nghĩa vụ dành cho cha mẹ, niềm tự hào gia tộc, tính phục tùng, ứng xử trước các hình thức kỷ luật trong công việc và cuối cùng là quan điểm về thẩm quyền nhà nước.
Hai tác giả của chúng ta cho rằng cách cụ thể hóa giá trị châu Á như vậy là còn chưa đầy đủ và có nhiều vấn đề, đặc biệt khi một số tiêu chí được xem là châu Á tự thân nó đã giả định tính độc đoán “phải có” của các giá trị truyền thống này. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng của các nghiên cứu và không phản ánh đúng bức tranh và quan điểm chính trị của người dân tại các quốc gia này.
Để giải quyết thỏa đáng mối tương quan giữa giá trị truyền thống Á châu với tự do ngôn luận, hai tác giả cho rằng chúng ta cần phải giải quyết song song hai câu hỏi:
Ngoài ra, để bảo đảm không phạm lỗi giả định sớm của các nghiên cứu trước đó, hai tác giả đặt ra đến 16 tuyên bố làm nền tảng cho việc đánh giá giá trị châu Á. Một số tuyên bố thú vị và có tính gợi mở cao có thể kể đến như:
Để bảo đảm số liệu mình thu thập có tính đại diện và bao quát hết cho khái niệm giá trị châu Á, hai tác giả dành thời gian thu thập một lượng thông tin lớn từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á (Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Pakistan, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam).
Theo họ, nhóm các quốc gia được khảo sát này bao quát sự đa dạng văn hóa của toàn châu Á, với các quốc gia đại diện cho nền tảng văn hóa Phật giáo, Khổng giáo, Hồi giáo lẫn không tôn giáo. Đồng thời, các quốc gia này cũng tồn tại nhiều mô hình nhà nước đa dạng. Điều này sẽ giúp hai tác giả tránh khỏi các sai sót trước đó vì giới hạn nội dung nghiên cứu trong một vài quốc gia có văn hóa Khổng giáo áp đảo dù họ muốn đưa ra nhận định về giá trị châu Á nói chung.
Kết quả nghiên cứu cho chúng ta những kết quả hết sức bất ngờ.
Trước tiên, người dân tại hầu hết các quốc gia châu Á được khảo sát đều thể hiện mong muốn tự do biểu đạt, dù ở mỗi lĩnh vực thì có chút khác biệt.
Trường hợp cá biệt là Pakistan, khi kết quả cho thấy công chúng nước này có vẻ không ưa bất kỳ thể loại tự do biểu đạt nào.
Nhìn chung, công chúng của hầu hết các quốc gia được khảo sát đều ủng hộ tự do ngôn luận tổng thể (speech freedom). Ở mảng này, Việt Nam bất ngờ đạt vị trí cao thứ hai chỉ sau Hong Kong (trong bối cảnh của năm 2018 khi Trung Quốc chưa thực hiện đàn áp các phong trào đối lập tại thành phố này).
Người dân các quốc gia châu Á được khảo sát có vẻ dè dặt hơn về tự do báo chí (press freedom). Kết quả khảo sát ở mảng này cho thấy Việt Nam rớt xuống vị trí thứ năm với số điểm giảm hẳn.
Tuy nhiên, xét về mức độ ủng hộ cho tự do Internet (Internet freedom), Việt Nam vượt tất cả các quốc gia (với mặt bằng chung tăng cao) để dẫn đầu nhóm khảo sát cùng với Ấn Độ, Malaysia và Hong Kong.
Phân bổ ủng hộ cho tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do Internet vào bảng điều chỉnh có ảnh hưởng của các giá trị Á châu, các tác giả cho biết chúng ta sẽ chỉ chứng minh được sự tương quan giữa hai nhóm tổng biến nếu đường đồ thị có xu hướng là đường thẳng. Do chúng ta không thể kết nối các điểm giá trị giao nhau bằng một đường đồ thị thẳng, có thể khẳng định giá trị Á châu không tạo nên xu thế chống lại các quyền tự do trong cộng đồng các quốc gia nói trên.
Khi phân tích đến mức độ cá nhân - vi mô, hai tác giả còn phát hiện ra nhiều điều bất ngờ khác.
Các biến số như chủ nghĩa tập thể (collectivism), xem trọng chuẩn mực xã hội (norm conformity), xem trọng giá trị và thành tựu gia đình, tính khiêm tốn, v.v. thật ra thuận chiều với thái độ ủng hộ cho tự do ngôn luận.
Điều này có nghĩa là các cá nhân càng trân trọng và tuân thủ các giá trị Á châu lại càng có thái độ ủng hộ các loại hình tự do ngôn luận nói chung.
***
Theo người viết, công trình của hai tác giả Fei Shen và Lokman Tsui (mới chỉ thực hiện vào năm 2018) là một nghiên cứu đặc biệt quan trọng để phản biện kiểu lập luận thường thấy cho rằng tự do ngôn luận là không phù hợp với “thuần phong mỹ tục” hay xã hội châu Á vốn sống khép kín.
Vấn đề của tự do ngôn luận tại các quốc gia này có vẻ là vấn đề của thể chế và môi trường thù địch “nhân tạo” mà chính phủ các nước này áp đặt mà thôi.
Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích:
1. Shen, F., & Tsui, L. (2018). Revisiting the asian values thesis an empirical study of asian values, internet use, and support for freedom of expression in 11 societies. Asian Survey, 58(3), 535-556. https://doi.org/10.1525/AS.2018.58.3.535
2. Yu-tzung Chang and Yun-han Chu, ‘‘Confucianism and Democracy: Empirical Study of Mainland China, Taiwan, and Hong Kong,’’ Asian Barometer, Working Paper Series 1 (2002): 3–32. http://www.asianbarometer.org/publications/7ea512deebc0e3b3d0fac4a52898c5c0.pdf
3. Joel S. Fetzer and J. Christopher Soper, ‘‘The Effect of Confucian Values on Support for Democracy and Human Rights in Taiwan,’’ Taiwan Journal of Democracy 3:1 (2007): 143–54. http://www.tfd.org.tw/export/sites/tfd/files/publication/journal/dj0301/143-154.pdf
4. Chong-Min Park and Doh Chull Shin, ‘‘Do Asian Values Deter Popular Support for Democracy in South Korea?’’ Asian Survey 46:3 (2006): 341–61. https://www.jstor.org/stable/10.1525/as.2006.46.3.341