Ngô Đình Diệm và tờ Thời Luận: Thuở hồng hoang của báo chí tự do Việt Nam

Câu chuyện về tờ báo độc lập và đối lập nổi tiếng một thời của Việt Nam Cộng hòa.

Ngô Đình Diệm và tờ Thời Luận: Thuở hồng hoang của báo chí tự do Việt Nam
Ông Ngô Đình Diệm năm 1954. Ảnh: Records of the U.S. Information Agency.

Người Việt Nam sinh sống vào giai đoạn 1957 – 1958 luôn nín thở chờ kỳ tiếp theo của báo Thời Luận.

Họ không biết lần này Thời Luận sẽ chỉ trích chính quyền ông Ngô Đình Diệm điều gì.

Và nhiều người đồn đoán không biết qua bao nhiêu kỳ xuất bản nữa, hai cây bút chủ lực của Thời Luận – Nghiêm Xuân Thiện và Phan Quang Đán – sẽ bị “đẩy ra Côn Đảo”.

Ngô Đình Diệm không ưa gì báo chí đối lập. Đó không phải điều gì mới lạ. Nhưng cách ông này ứng xử với giới báo chí cũng chưa từng được sử sách chính thống Việt Nam đương đại mô tả một cách hoàn toàn chính xác. Mối quan hệ giữa Ngô Đình Diệm và Thời Luận có thể xem là một trong những đối tượng nghiên cứu đáng giá để hiểu hơn về tự do báo chí của Việt Nam Cộng hòa giai đoạn này. Qua nghiên cứu có tên gọi “‘Renegades’: The Story of South Vietnam’s First National Opposition Newspaper 1955–1958” của Tiến sĩ Jason A. Picard, [1] hiện đang là giáo sư về lịch sử và văn hóa Việt Nam tại Vin University, chúng ta có thể tìm chút ít thông tin về vụ việc.

***

Chính quyền miền Nam Việt Nam sau năm 1954 giữ lại phần lớn các đạo luật thuộc địa thời Pháp đang có hiệu lực. Các đạo luật này bao gồm quy định về quản lý báo chí vốn bắt buộc tất cả các báo phải nộp lưu chiểu mỗi ấn bản cho cơ quan quản lý truyền thông trước khi được phát hành cho công chúng.

Tuy nhiên, điều này thay đổi hoàn toàn với Lệnh số 23/TTP vào ngày 19/2/1956. Theo đó, Ngô Đình Diệm bãi bỏ quy định tiền kiểm đối với phát ngôn của báo chí (khái niệm “prior restraint” đã được giới thiệu trên Luật Khoa trước đây). [2] Điều này được Nguyễn Việt Chước trong tác phẩm “Lược sử Báo chí Việt Nam” gọi là mốc đánh dấu thuở vàng son của báo chí Việt Nam Cộng hòa. [3]

Hiển nhiên, như đã nói, gia đình họ Ngô không thích báo chí độc lập. Không lâu sau, Sắc dụ 13 được ban hành, trao thẩm quyền cho phép chính quyền mới phạt tiền, đe dọa phạt tù và đóng cửa các tòa soạn “thân Cộng”, “chống chính quyền” hay “vu khống”.

Ông Nghiêm Xuân Thiện (thắt cà vạt), cây bút chủ lực của tờ Thời Luận. Ảnh: petruskyaus.net.

Tuy nhiên, việc nới lỏng quy định liên quan đến tiền kiểm báo chí cũng được xem là một điểm nhấn tiến bộ mới của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Họ không kiểm soát hoàn toàn khâu quản lý nhân sự, sản xuất nội dung và định hướng báo chí như chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều này mở ra nhiều cơ hội hơn cho thảo luận báo chí tự do, thậm chí là những chỉ trích cụ thể nhắm vào chính quyền Ngô Đình Diệm và cá nhân ông Diệm.

Ví dụ, năm 1957, khi Ngô Đình Diệm vừa từ Hoa Kỳ trở về nước sau một chuyến công du, Thời Luận tung bài viết “Quan niệm dân chủ và hành động dân chủ”.

Trong bài viết này, Phan Quang Đán và Nghiêm Xuân Thiện yêu cầu Tổng thống Ngô Đình Diệm cho biết rõ kế hoạch để xây dựng một xã hội dân chủ thực thụ vắng bóng cộng sản. Theo họ, chúng ta không thể chỉ nói về dân chủ mà không có một biện pháp thực tế nào để thực thi dân chủ.

Hai đồng tác giả khẳng định lời nói không có ý nghĩa gì nếu các biện pháp cải cách dân chủ không được thực thi. Bài viết cũng đưa ra một số phân tích như lý do người Việt Nam không quen với việc chỉ trích chính quyền, coi đó là tư duy “khinh quân”, và cho rằng chỉ trích hay phản đối người cầm quyền là quấy rối trị an hay có ý tranh cướp chính quyền.

Trong liên tiếp các bài viết như “Kêu gọi của khối dân chủ” và “Đối lập dân chủ: Không có đối lập là bất thành dân chủ”, Thời Luận chỉ ra và yêu cầu một không gian mở rộng hơn để thảo luận dân chủ và loại trừ truyền thống tư duy phong kiến quân – thần.

Trong một sự kiện nổi bật khác, Thời Luận ra mặt chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm liên quan đến chính sách “bài Hoa”.

Theo đó, với hai Sắc dụ 48 và 53 (lần lượt vào tháng Tám và tháng Chín năm 1956), chính quyền Việt Nam Cộng hòa kỳ vọng kiểm soát tầm ảnh hưởng của cộng đồng người Hoa đối với hệ thống kinh tế nói chung. Ví dụ, Sắc dụ 53 là văn bản ghi nhận 11 nghề không cho phép Hoa Kiều tham gia, bao gồm cho vay – tín dụng hay buôn gạo.

Thời Luận cho rằng ngay cả khi cấm người Hoa, năng lực sẵn có của các cơ sở sản xuất người Việt cũng không thể thay thế các hội nhóm kinh doanh này. Việc loại trừ người Hoa khỏi nền tảng kinh tế Việt Nam cũng sẽ khiến Việt Nam Cộng hòa lệ thuộc hơn vào một nhóm ngoại quốc khác – Hoa Kỳ.

Các bài viết liên quan đến nguồn viện trợ Hoa Kỳ như “Viện trợ Mỹ”, “Viện trợ Mỹ chuyển hướng thế nào cho thêm hiệu quả”, “Nhân việc khởi công xa lộ Saigon – Biên Hòa: Bàn về Viện trợ Mỹ”, v.v. đều thách thức trực tiếp đến các chính sách mà ông Diệm đề ra.

Sau đó, họ còn ra mắt nhiều bài báo mạnh bạo hơn và ra mặt chống chính quyền hơn như bênh vực cho các can phạm trong vụ xung đột vũ trang giữa quân lực Việt Nam Cộng hòa và Bình Xuyên.

Đầu năm 1958, trước sinh nhật của Ngô Đình Diệm chỉ vài ngày, Thời Luận cho đăng nhiều bài viết chỉ trích Quốc hội mới của Việt Nam Cộng hòa là không phục vụ nhân dân, thay vào đó không khác gì con rối của chính quyền ông Diệm. Điều này dẫn đến việc bản thân vị tổng thống xuất hiện trên tờ Cách mạng Quốc gia (tờ báo chính thức duy nhất do chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý), cảnh báo rằng có quá nhiều thành phần đang cố tình kích động phá hoại sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống cộng sản.

Tuy nhiên, trong suốt nhiều tháng sau đó, Thời Luận tiếp tục công kích mạnh mẽ hầu hết các cơ quan công quyền và chính sách của chính quyền ông Ngô.

Tính đến tháng Tư năm 1958, Thời Luận xuất bản được đúng 440 số báo, mỗi số bán được hàng chục vạn bản. Đó là con số mà báo chí thời nay cũng phải mơ ước.

Một số tờ báo ở miền Nam trước năm 1975. Ảnh: Sài Gòn Nhỏ.

***

Chính quyền Ngô Đình Diệm từ năm 1955 đến 1957 ít công kích trực tiếp báo chí và sử dụng hệ thống pháp luật hình sự như là công cụ chính yếu để chèn ép tự do báo chí.

Tuy nhiên, các công cụ khác không phải là không có. Điển hình nhất có thể kể đến việc phân phối giấy in và mực in.

Nói cho dễ hiểu, dù chưa đến mức chủ động can thiệp vào thị trường báo chí như chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính quyền Việt Nam đương đại, chính quyền Ngô Đình Diệm có thể kiểm soát mức độ lan tỏa của một tờ báo bằng cách giới hạn số lượng ấn bản của nó. Như vậy, về mặt lý thuyết, họ không cấm báo chí tự do, nhưng báo chí tự do đến tay được bao nhiêu người thì lại là chuyện khác.

Một tờ báo được xem là quá khiêu khích, chống đối đường lối của chính quyền sẽ bị hạn chế quyền tiếp cận với mực in và giấy in. Tuy nhiên, trong trường hợp của Thời Luận, nhiều thông tin cho thấy tờ báo này tiếp cận với nguồn giấy và mực in chợ đen để sản xuất đủ nhu cầu của bạn đọc miền Nam Việt Nam.

Mặt khác, dù không đến mức cấm đoán báo chí thành lập, chính quyền Diệm tìm cách kìm hãm một phần các tờ đối lập bằng cách quyết định tờ nào được trở thành nhật báo, tờ nào là tuần san, và tờ nào là nguyệt san.

Trong trường hợp của Thời Luận, Bộ Thông tin của chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhất quyết không cho phép tờ này được xuất bản hằng ngày. Tuy nhiên, việc cấm cản Thời Luận thì vẫn chưa được xem xét, và trong một khoảng thời gian đáng kể tờ này tiếp tục được tồn tại, phát triển và biến thành tờ báo lớn nhất miền Nam Việt Nam thời kỳ bấy giờ.

Hiển nhiên, chuyện gì đến cũng phải đến.

Việc một tờ báo phổ thông, lấy tiếng vang bằng việc công kích chính quyền và thành công vang dội về mặt doanh số lẫn số báo bán ra trong thời kỳ còn chưa bình ổn về mặt quân sự lẫn chính trị dẫn Thời Luận đến một kết quả đã được báo trước.

Tờ báo bị đóng cửa vào tháng Tư năm 1958.

Chủ bút Nghiêm Xuân Thiện bị bỏ tù 10 tháng với tội danh “sử dụng báo chí để phỉ báng chính quyền”.

Tuy nhiên, các ngòi bút chủ lực như Phan Quang Đán không gặp vấn đề gì với chính quyền Ngô Đình Diệm.

***

Tính đến tận năm 1960, sau khi ông Diệm trở nên bị cô lập và không tin tưởng hệ thống chính trị miền Nam Việt Nam vì cuộc đảo chính không thành cùng năm, có thể nói các chính sách quản lý của ông và hệ quả dành cho các ngòi bút chỉ trích trực tiếp chính quyền là không đáng kể.Nhìn vào tình hình báo chí Việt Nam hiện nay, với hàng trăm tờ báo nằm dưới quyền biên tập duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và con số án tù đến hàng chục năm dành cho các nhà báo độc lập (như vụ các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy Lê Hữu Minh Tuấn đều nhận trên 10 năm tù), có thể nói chính quyền ông Diệm vẫn còn non tay. [4]


Chú thích:

1.   PICARD, J. A. (2015). “Renegades”: The Story of South Vietnam’s First National Opposition Newspaper, 1955–1958. Journal of Vietnamese Studies, 10(4), 1–29. https://www.jstor.org/stable/26377890

2.  Trung, N. Q. T. (2018, September 29). 4 án lệ định hình tự do báo chí tại Hoa Kỳ. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2015/06/4-an-le-dinh-hinh-tu-do-bao-chi-tai-hoa-ky

3.  Chước, N.V (1974). Lược sử Báo chí Việt Nam. Nhà xuất bản Nam Sơn. https://vietbooks.info/threads/luoc-su-bao-chi-viet-nam-nxb-nam-son-1974-nguyen-viet-chuoc-122-trang.42610

4.  Chính, Y. K. (2021, January 11). 37 năm tù cho ba nhà báo tự do. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2021, from https://www.luatkhoa.org/2021/01/37-nam-tu-cho-ba-nha-bao-tu-do

Cuộc trưng cầu dân ý đưa Ngô Đình Diệm lên chức tổng thống có dân chủ?
Bầu cử ở Việt Nam Cộng hòa, nhất là cuộc trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại, lập nền cộng hòa và đưa Ngô Đình Diệm lên chức tổng thống, theo mô tả của báo chí đương đại hiện nay, có thể tổng hợp trong vài từ như “giả hiệu”, “giật dây”, “trắng trợn”, […]
4 nhân vật dân sự xuất sắc của Việt Nam Cộng Hòa có thể bạn chưa biết
Khi nhắc đến các nhân vật chính trị hàng đầu của Việt Nam Cộng hòa, bạn có thể đang nghĩ đến một vị tướng lãnh nào đó. Thật vậy, ngay sau cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm năm 1963, hầu hết những cái tên đáng kể trên chính trường miền Nam Việt Nam đều có […]

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.