‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Một xã hội hài hòa trong lý tưởng, hay thế giới rừng xanh thời hiện đại?
Bạn hỏi cưới người mình mong muốn. Đám cưới chuẩn bị diễn ra. Nhưng bố mẹ vợ chưa yên tâm, tìm đến chính quyền hỏi về “điểm số xã hội” của con rể tương lai. Hạnh phúc trăm năm của bạn vì vậy vẫn treo lơ lửng.
Bạn tìm được một ngôi trường lý tưởng để gửi gắm con. Đứa trẻ cũng thích thú với môi trường mới. Bạn có mọi điều kiện như những phụ huynh khác. Nhưng khi nộp đơn, trường từ chối nhận con bạn với lý do “điểm số xã hội” của cha mẹ thấp hơn tiêu chuẩn.
Với cùng lý do “điểm số xã hội” không đạt chuẩn, bạn có thể bị cấm đi máy bay ra nước ngoài, bị cấm đi xe lửa qua tỉnh khác, thậm chí bị cấm không được bước vào quán ăn ở đầu ngõ.
Những ai trong tình cảnh trên giống như đang bị cầm tù dù không ở đằng sau song sắt - đó là thứ ai cũng dễ nhìn thấy.
Điều mà nhiều người không nhìn ra, hay không muốn nhìn ra, là bất kỳ ai ở trong một môi trường như vậy đều là những tù nhân, hay nói khó nghe hơn, là những nô lệ thời hiện đại.
Quyển sách “We Have Been Harmonized: Life in China's Surveillance State” của Kai Strittmatter, nhà báo Đức đã dành hơn một thập niên tìm hiểu về Trung Quốc, giúp người đọc hình dung chi tiết về một xã hội như vậy.
Đó là nơi được gắn nhãn “xã hội hài hòa” nhưng lại mang đầy đặc điểm của một thế giới rừng xanh thời hiện đại.
Những trường hợp kể ra lúc đầu, được lấy trong sách, là những gì đã và đang diễn ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc.
Các điểm số ở đây nằm trong một thứ được gọi là “hệ thống tín dụng xã hội” (social credit system).
Theo đó, mỗi người đều có một “điểm số xã hội” (social credit), và tùy theo các hành vi tốt hoặc xấu, điểm của họ sẽ tăng hay giảm. Điểm cao đến một mức nào đó sẽ được xem là công dân gương mẫu và tưởng thưởng, ví dụ bằng các ưu đãi khi sử dụng dịch vụ công ích. Điểm thấp dưới một chuẩn đặt ra sẽ bị đưa vào danh sách đen, và có thể bị từ chối sử dụng các dịch vụ công lẫn tư.
Sẽ có người nghĩ đây là một hệ thống hoàn toàn hợp lý. Chúng ta đều sống trong một xã hội với các quy ước rõ ràng, ai làm tốt thì đáng được thưởng, ai vi phạm nó nên bị trừng phạt.
Kai Strittmatter không trực tiếp phản bác hệ thống này, nhưng thông qua vô số các câu chuyện và dẫn chứng trong sách, người đọc có thể thấy được ít nhất ba vấn đề của nó.
Một là nó do chính quyền tự đặt ra, với tất cả các tiêu chuẩn, hành vi, định nghĩa tốt xấu, thang điểm cộng trừ, v.v. hoàn toàn nằm trong tay một nhóm người.
Người dân không những không có quyền tham gia quyết định, mà trong nhiều trường hợp như tác giả trực tiếp tìm hiểu, còn không biết địa phương mình đang áp dụng một hệ thống tính điểm như vậy.
Từ đó phát sinh vấn đề thứ hai: tính tùy tiện và xâm phạm.
Xả rác, vượt đèn đỏ, đóng thuế trễ, chửi thề trên mạng - mọi thứ lớn nhỏ đều được quy thành các hành vi tốt/ xấu với các điểm số cộng/ trừ tương ứng. Những người vi phạm có thể bị dán ảnh bêu tên trên các bảng thông báo của chính quyền địa phương.
Và trong danh sách “các hành vi xấu” tất nhiên không thể thiếu việc “chống lại chính quyền”.
Bạn bị xử oan và nhiều lần lên kinh khiếu kiện? Hoàn toàn có thể bị khép vào hành vi gây rối. Trừ điểm.
Thấy bất công và lên tiếng chỉ trích quan chức? Xúc phạm, vu khống cán bộ. Trừ điểm.
Chất vấn các số liệu của cơ quan nhà nước? Lan truyền thông tin sai. Trừ điểm.
Các tiêu chuẩn tùy tiện cho thấy vấn đề thứ ba, và cũng là bản chất của hệ thống này: nó được đặt ra với mục đích chính để kiểm soát người dân.
Xã hội hài hòa mà nó muốn xây dựng là một nơi con người chỉ biết tuân lệnh, không ai được đi chệch hướng, thậm chí còn không có quyền đặt câu hỏi.
Nó là nơi mà các “đầy tớ” đường hoàng làm ông chủ, còn các “ông chủ” răm rắp nghe lời đầy tớ.
Quyển sách là một tập hợp phong phú các câu chuyện mô tả về xã hội thời hiện đại ở Trung Quốc. Thông qua rất nhiều từ khóa trong đó, người đọc có một bức tranh sinh động về bản chất của nó.
Có ba từ khóa đáng để nhớ đến.
Một là “không đồng ý” (不同意).
Vào đầu năm 2018, ba chữ vô thưởng vô phạt này được đưa thêm vào danh sách dài dằng dặc những từ bị kiểm duyệt ở Trung Quốc.
Đó là khi hiến pháp nước này bị sửa đổi, trong đó có điều khoản cho phép Tập Cận Bình nắm quyền trọn đời, thay vì chỉ hai nhiệm kỳ như các lãnh đạo trước đó.
Vào thời điểm trên, bất cứ ai gửi tin nhắn có ba chữ “không đồng ý” đều sẽ bị lỗi và nhận được thông báo nội dung này “vi phạm pháp luật”.
Từ khóa thứ hai là một thành ngữ: chỉ lộc vi mã (指鹿為馬).
Điển tích này xuất phát từ câu chuyện vào đời nhà Tần cách đây hơn 2.000 năm. Thừa tướng Triệu Cao khi đó dẫn một con hươu vào triều. Ông chỉ vào con hươu và nói rằng muốn tặng cho vua “một con ngựa”. Nhà vua ngạc nhiên, chỉ ra đó là hươu, không phải ngựa. Triệu Cao vẫn khẳng định đó là ngựa, và quay sang hỏi ý các đại thần trong triều. Nhiều đại thần khôn ngoan và ngay lập tức lên tiếng đồng ý với Triệu Cao - người nắm toàn bộ thực quyền thời đó. Một số ít vẫn khẳng định hươu là hươu, không thể là ngựa. Họ sau này bị Triệu Cao bắt bỏ tù hoặc hành hình xử tử.
“Chỉ lộc vi mã”, hay “chỉ hươu nói ngựa”, được dùng để nói về những người sẵn sàng đổi trắng thay đen, và rộng hơn, một xã hội nơi thị phi đảo lộn.
Đó là cách mà nhiều người Trung Quốc hình dung về xã hội mình đang sống. Nơi đó, không chỉ những người nắm quyền lực có thể vẽ hươu nói vượn, mà rất nhiều “dân đen” cũng lựa chọn nhắm mắt chỉ tay theo hướng của người khác để được yên thân.
Cuối cùng, từ khóa đắt nhất có lẽ là câu nói dân gian “mày chết tao mới được sống” (你死我活).
Châm ngôn này mô tả sống động cuộc chiến quyền lực trong tầng lớp lãnh đạo của đảng, nơi các màn thanh trừng đấu đá diễn ra khốc liệt. Đó cũng được cho là một phần lý do Tập Cận Bình quyết tâm sửa hiến pháp để làm lãnh đạo đến trọn đời, vì lo sợ sẽ bị các kẻ thù đáp trả khi xuống ngựa.
Nhưng nó không chỉ đúng với tầng lớp tinh hoa. Đó còn là mô tả đáng buồn về xã hội hiện đại Trung Quốc.
Tác giả dẫn kết quả một cuộc thăm dò toàn cầu vào năm 2017, tìm hiểu về điều gì khiến người dân lo lắng nhất. Đa phần những người được khảo sát ở các quốc gia đều lo ngại nhất về tình trạng thất nghiệp, nạn tham nhũng hay bất bình đẳng. Trung Quốc là nơi duy nhất mà người dân xem “suy thoái đạo đức” (moral decline) là mối lo lắng hàng đầu.
Nếu đọc từ đầu quyển sách, bạn sẽ hiểu vì sao xã hội hiện đại Trung Quốc có một lỗ đen thăm thẳm về đạo đức, một thứ mà chính quyền độc tài nước này không có cách gì vá nổi, khi chính họ là nguồn cơn gây ra thảm họa đó.
Họ vẫn sẽ tiếp tục xây dựng một “xã hội hài hòa” vĩ đại, nhưng không có cách nào thay đổi sự thật rằng đằng sau bức màn nhung đó, nó chỉ là một thế giới rừng xanh thời hiện đại, nơi các con người thời nay phải sống theo các quy tắc sinh tồn của động vật.
Ghi chú: Tình huống đầu tiên ở phần mở bài đã được sửa lại cho chính xác với dữ liệu từ sách. Cập nhật vào lúc 21:25 GMT+7. Chân thành xin lỗi quý độc giả.
Bạn có thể mua quyển “We Have Been Harmonized: Life in China's Surveillance State” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.