Tổ chức dân sự - lời giải cho bài toán cứu trợ trong thiên tai
Trước cảnh thiên tai lũ lụt đang diễn ra ở miền Bắc, người dân cả nước đang tìm nhiều cách
Hệ quả của việc xem mọi sự khác biệt đều là hiểm họa.
Maysem chưa bao giờ nghĩ mình không phải là người Trung Quốc.
Cô cũng chưa bao giờ nghi ngờ gì về vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản.
Ở Tân Cương, nơi Maysem sinh ra và lớn lên, “đảng chăm lo cho tất cả mọi người”, cô luôn nghĩ.
Maysem, một người Duy Ngô Nhĩ, không thấy mình có gì khác biệt với những người Trung Quốc khác.
Cộng sản, Trung Quốc, Duy Ngô Nhĩ - với cô đều là một.
Cô tự hào về danh tính đó, và cô có đầy đủ lý do cho sự tự tin này.
Maysem được sinh ra trong một gia đình Duy Ngô Nhĩ hiếm hoi vừa có điều kiện vật chất sung túc, vừa có quan hệ lẫn quyền lực. Cha cô là một cán bộ chính quyền. Ông ngoại cô từng là một lãnh đạo đảng bộ địa phương. Con đường học hành của cô suôn sẻ: đứng đầu trường trung học địa phương, thi đỗ vào trường đại học hàng đầu của thủ đô, du học thạc sĩ ở nước ngoài.
Dường như không có gì ngăn trở ước mơ của Maysem được làm việc trong ngành ngoại giao, đại diện cho đất nước cô yêu quý.
Cho tới một ngày tháng Chín năm 2016, khi Maysem đang trong kỳ nghỉ thăm gia đình ở Tân Cương trước khi quay lại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khóa học thạc sĩ.
Cô được chính quyền yêu cầu tập trung tại một “trung tâm cải tạo” (reeducation center) ở thành phố, buộc phải tham gia khóa học kéo dài một tháng.
Nhiều người khác, phần lớn từng đi nước ngoài, cũng bị triệu tập cho “khóa học”.
Trong bảng xếp hạng tín dụng xã hội (social credit ranking) của chính quyền, họ đều bị phân loại “không đáng tin” (untrustworthy) chỉ vì lý do đã từng đi nước ngoài.
Maysem phản đối quyết liệt vì chương trình này khiến cô bị trễ kế hoạch học thạc sĩ.
Rất nhanh, cô bị chuyển từ trung tâm cải tạo đến “trại tập trung” (detention center), một trong hàng trăm nhà tù trá hình được dựng lên ở Tân Cương để “nhốt tất cả những ai nên bị nhốt”, như lệnh của người đứng đầu Đảng Cộng sản tại khu vực.
Cô bị các nhân viên an ninh tống lên xe chở đi như một tội phạm, không kịp thông báo gì cho người nhà.
Hình thức giáo dục đầu tiên cô được thụ hưởng ngay khi vào trại là bị cột tay chân vào ghế cọp (tiger chair), thiết bị chuyên dụng để tra tấn. Maysem bị trói vào ghế, phơi nắng ngoài trời suốt tám tiếng đồng hồ.
Cô bị nhốt cùng khoảng 20 người khác trong một phòng giam có diện tích chưa tới 30 mét vuông. Tất cả dùng chung một chiếc xô cho nhu cầu vệ sinh cá nhân.
Maysem cùng các “học viên” trải qua các chương trình huấn luyện để “tẩy rửa virus tư tưởng” trong đầu họ, giúp họ nhận ra “sự thật đúng đắn”.
Họ được dạy phải hô to nhiều lần những khẩu hiệu như “tôi yêu Chủ tịch Tập Cận Bình”, “tôi yêu Đảng Cộng sản”. Mỗi ngày, họ phải chép đầy bảy trang giấy những gì mình học được. Nội dung được chấm là đạt yêu cầu khi lặp đi lặp lại những câu như “tôi yêu chính quyền, tôi yêu đất nước, tôi yêu giáo viên tuyệt vời của mình, tôi hạnh phúc được học hỏi điều đúng đắn từ giáo viên, v.v.”.
Giống như nhiều người khác, Maysem được dạy, và tự nhận ra rằng cách thức sinh tồn tốt nhất là không được phép suy nghĩ, như cách nhiều “bài tập” được thiết kế để kiểm tra họ.
Một ví dụ là giáo viên đặt hai ly nước trên bàn, một đựng đầy nước và một trống rỗng.
“Tôi nói ly nước đầy có đầy nước. Tôi nghĩ ly nước không cũng đầy nước. Các anh chị nghĩ sao?”
“Vâng, cả hai ly đều đầy nước”, học viên trả lời.
“Tốt lắm”, giáo viên khen ngợi.
***
Irfan có một công việc mà hiếm người Duy Ngô Nhĩ nào có được: quản lý hệ thống giám sát của chính quyền địa phương.
Bằng mối quan hệ cá nhân, và với kỹ năng kiến thức sẵn có, Irfan được giao quản lý hệ thống công nghệ thông tin của một công ty viễn thông. Nhiệm vụ của anh là thiết lập một trong những hệ thống theo dõi giám sát đầu tiên tại khu vực Tân Cương.
Irfan cùng đội của mình khảo sát khắp các ngõ ngách tại Urumqi, thủ đô của khu tự trị Tân Cương, xác định các vị trí tốt nhất để lắp đặt camera và kết nối chúng với hệ thống theo dõi của công an địa phương.
Anh nghĩ mình đang góp phần giúp thành phố chống lại nạn tội phạm, như cách cấp trên truyền đạt lại chủ trương của chính quyền. Irfan xem đó là một công việc đầy tự hào.
Cho đến khi anh phát hiện ra mục đích thật sự của hệ thống camera giám sát dày đặc.
Khi hệ thống bắt đầu được đưa vào vận hành, đội của Irfan phát hiện ra một trường hợp giết người. Anh chuyển cho công an hình ảnh thu được về hung thủ. Công an không làm gì ngoài việc viết một báo cáo về vụ việc. Hung thủ không bao giờ bị bắt.
Những trường hợp phạm tội khác được đội của Irfan chuyển cho công an đều không được xử lý.
Cơ sở dữ liệu hạn chế vào thời điểm đó khiến việc xác minh danh tính của các nghi phạm gặp nhiều khó khăn. Nhưng Irfan cho rằng vấn đề còn nằm ở ưu tiên của chính quyền.
Một ngày đẹp trời, một người Duy Ngô Nhĩ biểu tình trước văn phòng nơi Irfan làm việc với lá cờ biểu trưng cho phong trào đòi độc lập của Tân Cương. Ngay lập tức, hệ thống camera đưa ra cảnh báo, và cảnh sát nhanh chóng xuất hiện để bắt giữ người này.
Đối tượng được nhắm đến thực sự của hệ thống giám sát tại Tân Cương là những người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh, người Hồi - tất cả những ai không phải gốc Hán và bị xem là “không đáng tin”.
Để giải quyết các mâu thuẫn xã hội tăng cao giữa những tộc người trên và người Hán - vốn có nguồn gốc từ các chính sách thiên vị của chính quyền - Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định biến toàn bộ Tân Cương thành một nhà tù khổng lồ, kiểm soát tất cả những “thành phần chống đối”.
Khi các ưu tiên được lộ rõ, vai trò của Irfan, một người Duy Ngô Nhĩ hiếm hoi được tiếp cận hệ thống giám sát chính người dân của mình, ngày càng bị thu hẹp.
Anh bị mất quyền truy cập những thông tin nhạy cảm, không được tham gia các buổi họp quan trọng, và thường xuyên bị các đồng nghiệp người Hán nghi kỵ về lòng trung thành.
***
Ilham Tohti là một trong những học giả Duy Ngô Nhĩ hiếm hoi được nhiều người kính trọng ở Trung Quốc.
Ông sinh ra trong một gia đình khá giả, với nhiều thành viên giữ cấp bậc cao trong chính quyền, đặc biệt là trong Bộ Công an.
Tohti tự học và thông thạo nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, Nhật, Hàn và Nga. Ông trở thành giáo sư kinh tế và được mời giảng dạy tại trường Đại học Dân tộc Trung ương (Minzu University).
Ở địa vị của mình, nếu chỉ “chăm chăm kiếm tiền, lo chuyện của bản thân”, như cách nhiều người xung quanh thường xuyên khuyên nhủ, Tohti chắc chắn sẽ có một cuộc sống sung túc yên ấm.
Nhưng Tohti không thể ngồi yên khi chứng kiến chính quyền ngày càng có những chính sách đẩy các tộc người thiểu số vào vị thế của kẻ thù.
Ông lên tiếng phản đối các chính sách thiên vị dành cho Tập đoàn Xây dựng và Sản xuất Tân Cương, còn được gọi là “binh đoàn”. Tổ chức có hàng triệu thành viên này, vốn có nòng cốt là các cựu quân nhân, đóng vai trò hàng đầu trong chiến lược “thực dân hóa” vùng đất biên giới Tây Bắc của Trung Quốc, đẩy những người Tân Cương bản địa ra khỏi khu vực sinh sống truyền thống hàng ngàn năm qua, biến họ thành các nhân tố bên lề trong quá trình phát triển kinh tế địa phương.
Năm 2011, Tohti từng viết: “Tôi yêu mảnh đất đã nuôi dưỡng mình. Nhưng tôi lo sợ quê hương và đất nước mình đang rơi vào hỗn loạn và chia rẽ. Tôi hy vọng Trung Quốc, một nước đã trải qua nhiều đau thương, sẽ trở thành quốc gia vĩ đại, nơi các dân tộc chung sống hòa hợp và cùng phát triển một nền văn minh chói lọi.”
Tohti lập ra trang web Uyghur Online, một diễn đàn để các học giả người Duy Ngô Nhĩ và người Hán cùng trao đổi quan điểm về các vấn đề nhạy cảm.
Ông cổ xúy cho cách tiếp cận ôn hòa, lý tính và bao dung trong các vấn đề xung đột sắc tộc của Trung Quốc.
Nhưng chính quyền không có nhu cầu lắng nghe những người như Tohti, đặc biệt là khi ông càng lúc càng gây dựng được uy tín trong xã hội.
Nhiều người Duy Ngô Nhĩ xem ông là lãnh đạo tinh thần của họ, dù Tohti vẫn luôn khẳng định mình chỉ làm nhiệm vụ của một học giả, không có nhu cầu hoạt động chính trị hay lãnh đạo ai.
***
Tohti bị chính quyền bắt giữ vào năm 2014 và kết án chung thân, với tội danh “kích động ly khai” (separatism).
Maysem thoát khỏi Tân Cương trong một cuộc trốn chạy thường chỉ thấy trong phim ảnh.
Irfan trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2018 và sau đó tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Câu chuyện của họ, cùng với nhiều người khác, được thuật lại trong quyển sách “The Perfect Police State: An Undercover Odyssey into China's Terrifying Surveillance Dystopia of the Future” của nhà báo Geoffrey Cain.
Cuốn sách cho người đọc một cái nhìn tương đối chi tiết về mô hình công an trị hoàn hảo mà Trung Quốc nhiều năm qua xây dựng ở Tân Cương, kết hợp các ứng dụng công nghệ hiện đại và những thủ pháp kiểm soát công dân quen thuộc của các chế độ phát xít.
Điểm chung của các nạn nhân trong hệ thống này, giống như câu chuyện của ba nhân vật ở trên, là việc họ hoàn toàn không có ý đồ gì chống đối chính quyền.
Họ luôn xem mình là một phần trong hệ thống, luôn yêu quý đất nước, và luôn tự hào với danh tính kết hợp sắc tộc - cộng sản - Trung Quốc.
Nhưng chính quyền lại không ngừng tìm cách tạo ra kẻ thù từ chính những người ủng hộ mình.
Và điều đó sẽ tiếp diễn ngày nào họ còn thực thi chế độ công an trị, xem tất cả mọi sự khác biệt là hiểm họa phải diệt trừ.
---
Bạn có thể mua quyển “The Perfect Police State” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.