Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Mười hai năm, một tham vọng.
Bài viết này nằm trong số báo tháng Chín năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành lần đầu trên ấn bản PDF đề ngày 1/9/2022.
Cuộc sống của người Việt Nam sẽ có thay đổi lớn trong những năm tới đây, khi chính quyền quản lý người dân qua dữ liệu cá nhân, đặc biệt là định danh điện tử trên điện thoại di động.
Việt Nam có trở thành một phiên bản khác của Trung Quốc hay không tùy thuộc vào sự giám sát, phản ứng của bạn đối với việc thu thập dữ liệu cá nhân của chính quyền. Dữ liệu cá nhân chính là tài sản của bạn, nó có thể được dùng để phục vụ bạn nhưng cũng có thể chống lại bạn.
Vào lúc này, chưa quá muộn để tìm hiểu tham vọng của chính quyền Việt Nam trong việc số hóa dữ liệu cá nhân. Dưới đây các động thái chính sách quan trọng về việc thu thập và số hóa dữ liệu cá nhân của toàn dân trong 12 năm qua.
***
Thu thập dữ liệu của toàn dân bằng một nghị định
Chính phủ thông qua Nghị định 90/2010/NĐ-CP cho phép Bộ Công an thu thập 23 thông tin của mỗi công dân Việt Nam để tập hợp thành Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư. [1] Số định danh cá nhân được nhắc đến trong nghị định. Dữ liệu sẽ được thu thập từ việc chuẩn hóa dữ liệu sẵn có về dân cư, thu thập từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành (như bảo hiểm, y tế, v.v.) hay qua việc điền các biểu mẫu điện tử.
Đề án 896 ra đời nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư
Quyết định 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu hoàn thành các cơ sở pháp lý cho việc thu thập dữ liệu của người dân nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có yêu cầu xây dựng nghị định mới để thay thế cho Nghị định 90/2010. [2]
Quyết định này cũng nêu rõ hơn về triết lý quản lý dữ liệu dân cư: “quản lý tập trung, thống nhất từ khi công dân sinh ra (đăng ký khai sinh) đến khi chết (đăng ký việc tử)”. Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư được dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Các loại giấy tờ sẽ được tích hợp vào “thẻ công dân điện tử”.
Quốc hội thông qua Luật Căn cước Công dân, Luật Hộ tịch
Luật Căn cước Công dân năm 2014 đã luật hóa các quy định về thu thập dữ liệu cá nhân trong Nghị định 90/2010/NĐ-CP năm 2010, đồng thời ban hành quy định mới về căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân. [3] Luật Căn cước Công dân đến nay là quy định cấp cao nhất cho phép nhà nước thu thập thông tin của người dân.
Luật Hộ tịch năm 2014 - quản lý các thông tin, sự kiện về nhân thân (khai sinh, kết hôn, khai tử, v.v. ) - cho phép kết nối với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư với Cơ sở Dữ liệu Hộ tịch Điện tử. [4]