Hai chí sĩ họ Phan và buổi đầu của tư tưởng lập hiến ở Việt Nam

Một nghiên cứu tiên phong cho sự phát triển của luật học Việt Nam trên trường quốc tế.

Hai chí sĩ họ Phan và buổi đầu của tư tưởng lập hiến ở Việt Nam
Ảnh bìa sách: Amazon. Ảnh nền: AP. Đồ họa: Luật Khoa.

Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười Một năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành trên ấn bản PDF đề ngày 3/11/2022.


“Confucian Constitutionalism in East Asia” (tạm dịch: Chủ nghĩa hợp hiến Nho giáo tại Đông Á) là một trong những quyển sách có tầm ảnh hưởng đối với giới nghiên cứu lập pháp, nghiên cứu hiến pháp Đông Á nói riêng và nghiên cứu pháp lý phương Tây nói chung. Tác giả của cuốn sách này là một người Việt Nam: Tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn.

Nhóm đề tài Nho giáo và chủ nghĩa lập hiến Đông Á vốn thường do các tác giả Trung Quốc và Nhật Bản thống trị. Việc tác giả Bùi Ngọc Sơn “chiếm sóng” và phân tích đề tài này từ góc nhìn Việt Nam, lồng ghép lịch sử lập hiến của Việt Nam vào lịch sử của các nước lớn trong khu vực dường như đã tạo cho người đọc quốc tế cảm giác tươi mới và thú vị.

Việc gọi Việt Nam là một quốc gia Đông Á trước tiên phản ánh niềm tin cá nhân của tác giả vào vai vế lịch sử của Việt Nam trong khu vực, cũng như tham vọng xem mình là quốc gia đồng văn với Trung Hoa trong suốt các giai đoạn lịch sử chính trị Việt Nam.

Tuy nhiên, đi sâu vào nội dung các chương, tác giả Bùi Ngọc Sơn cho thấy việc phân tích chủ nghĩa hợp hiến Nho giáo tại Việt Nam trong mối tương quan sâu rộng với các quốc gia Đông Á khác như Trung Quốc và Nhật Bản là hoàn toàn chính đáng.

Điều này được thể hiện hoàn hảo nhất trong chương Ba của quyển sách có tên “Chủ nghĩa hợp hiến Nho giáo hiện đại”. Trong đó, tác giả giới thiệu chủ nghĩa hợp hiến Nho giáo Việt Nam thông qua hai nhà Nho của phong trào dân tộc dân chủ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam: Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Nền tảng lịch sử của chủ nghĩa hợp hiến Nho giáo tại Việt Nam

Khác với nhiều nghiên cứu quốc tế về pháp lý mà bạn đọc có thể đã từng tiếp cận, vốn thường khá sâu, các lát cắt thông tin đôi khi phân mảnh thiếu thống nhất, kèm theo đó là nhiều thuật ngữ chuyên môn, phong cách viết của tác giả Bùi Ngọc Sơn gợi nhớ về những cuốn sách giáo khoa Việt Nam những năm 1990.

Mỗi khi nhắc đến bất kỳ chủ đề nào mà tác giả cho là không quen thuộc với độc giả, ông đều dành ít nhất hai đến ba đoạn để mô tả khái quát các nội dung cơ bản liên quan đến vấn đề.

Ví dụ, khi nói về Phan Bội Châu, tác giả Bùi Ngọc Sơn thậm chí dành hẳn một trang để nói về tiểu sử của vị này, với những tình tiết thường chỉ xuất hiện trong sách lịch sử và sách tập đọc của học sinh Việt Nam như: cụ Phan từ lúc ba tuổi đã thuộc lòng Tam tự kinh, 18 tuổi đỗ thủ khoa trong các kỳ thi truyền thống. Cách tiếp cận các thông tin lịch sử cùng với lối hành văn chính thống và trong sáng có lẽ là một trong những ưu điểm khiến cho các tác phẩm của tác giả Bùi Ngọc Sơn được cộng đồng khoa học phương Tây đón nhận.

Và cũng nhờ lợi thế này, cuốn sách đã giải thích được nền tảng chính trị hay thậm chí là lý do hình thành của trào lưu chủ nghĩa hợp hiến Nho giáo tại Việt Nam chỉ trong phần mở đầu chương Ba của cuốn sách.

Ví dụ, để lý giải vì sao các nhà dân tộc dân chủ yêu nước đời đầu của Việt Nam không trực tiếp sử dụng các hệ tư tưởng phương Tây, tác giả chỉ ra rằng tiếng Hoa lúc đó là thứ ngôn ngữ nước ngoài duy nhất mà các nhóm trí thức này rành rọt và tự tin sử dụng. Do đó, giới học giả trong nước tiếp thu tư duy chính trị phương Tây trước tiên thông qua các học giả và phong trào ở Trung Quốc, Nhật Bản. Tự thân cách tiếp cận này có nhiều hạn chế.

Thay vì đọc và hiểu trực tiếp Jean- Jacques Rousseau hay Montesquieu để cân nhắc tình hình trong nước, giới trí thức yêu nước Việt Nam tìm hiểu thông qua phong trào Bách nhật Duy tân của Khang Hữu Vi, Cách mạng Tân Hợi của Tôn Trung Sơn hay các tài liệu cải cách của Lương Khải Siêu.

Những tài liệu này thường được biết đến với tên gọi “Tân thư”, du nhập sang Việt Nam qua các cảng biển lớn như Hải Phòng, Sài Gòn, hay Đà Nẵng. Trước tiên, chúng đến tay các Hoa kiều đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, rồi sau đó được giới thiệu với các trí thức yêu nước.

Tác giả Bùi Ngọc Sơn không bình luận nhiều về tác động của vấn đề này, nhưng tổng hợp lại, có thể thấy, với rào cản ngôn ngữ và rào cản địa lý ảnh hưởng đến cách thức mà các tài liệu thứ cấp này du nhập vào Việt Nam, không khó hiểu khi giới yêu nước và ủng hộ cải cách đời đầu như Phan Bội Châu hay Phan Châu Trinh gặp rất nhiều khó khăn trong việc cụ thể hóa đường lối cách mạng của họ.

Thêm vào đó, phần mở đầu tác phẩm cũng chỉ ra một thực tế là trong những năm đầu thế kỷ thứ 20, các nhóm trí thức được đào tạo theo phong cách Tây học vẫn còn chưa nghĩ đến cách mạng hay cải cách, mà chủ yếu tiếp tục làm việc trong hệ thống hành chính Pháp thuộc. Các nhóm Nho gia thì lại chia ra làm hai phe gồm nhóm quan lại Nho giáo và nhóm nhà Nho tự do.

Nhìn chung, khó khăn trong tập hợp tiếng nói của các nhóm yêu nước, khó khăn trong rào cản ngôn ngữ, cũng như việc tiếp cận các tư tưởng cải cách phương Tây chỉ thông qua tư liệu Hán văn là các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của trào lưu chủ nghĩa hợp hiến Nho giáo tại Việt Nam.

Chủ nghĩa hợp hiến Nho giáo của Phan Bội Châu - Phan Châu Trinh

Sau phần giới thiệu, tác giả Bùi Ngọc Sơn trình bày hệ thống tư tưởng của hai nhà cách mạng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh một cách vô cùng trực quan và dễ hiểu thông qua các đầu mục quan điểm và chính sách.

Trong đó, chúng ta có thể kể đến mối quan hệ giữa dân chủ lập hiến và quân chủ chuyên chế (despotic monarchy vs. constitutional democracy), các nhóm dân quyền tự do (liberal rights), quan điểm về phân chia quyền lực (separation of powers), hay sự lồng ghép của tư tưởng Nho giáo (Confucianism) vào những khái niệm mới này.

Đối với Phan Bội Châu, tư tưởng lập hiến nhanh chóng trở thành đường lối chủ trương của ông mà không cần đấu tranh hệ tư tưởng giữa “Nho giáo” và “phương Tây”. Tuy nhiên, tác giả cũng ghi nhận sự thay đổi cơ bản trong tư tưởng của ông về việc lựa chọn giữa quân chủ lập hiến và một nền cộng hòa toàn diện.

Trước Cách mạng Tân Hợi Trung Quốc năm 1911, Phan Bội Châu dường như vẫn còn kỳ vọng duy trì mô hình quân chủ hạn chế (limited monarchy) mà ông lý giải là bởi vì dân chúng Việt Nam có vẻ vẫn còn yêu quý và quen thuộc với mô hình này.

Tuy nhiên, sau cuộc cách mạng của Tôn Trung Sơn, Phan Bội Châu nhận ra rằng đã đến lúc cần xây dựng một mô hình cộng hòa mới hoàn chỉnh. Điều này được ghi nhận trong “Việt Nam Quang phục quân phương lược”.

Về nhóm quyền tự do cá nhân, Phan Bội Châu sử dụng lại gần như hoàn toàn các lý thuyết nhân quyền/ dân quyền của chính trị phương Tây, với các nhóm quyền mà cho đến nay chúng ta vẫn còn sử dụng như quyền bầu cử, quyền tự do báo chí, quyền tự do hội họp.

Về vấn đề xây dựng và phân chia quyền lực trong bộ máy nhà nước, Phan Bội Châu mô tả một hệ thống tương tự với dân chủ đại nghị, nơi nghị viện là đại diện cao nhất của quyền lực nhân dân, và chính quyền dựa theo chủ quyền tối cao này mà thực hiện.

Điểm thú vị nhất trong tư tưởng của Phan Bội Châu về nghị viện có lẽ là việc chia nghị viện ra ba nhánh gồm Thượng viện, Trung viện và Hạ viện với khả năng đối trọng và kiểm soát lẫn nhau. Tuy nhiên, đáng tiếc là tác giả Bùi Ngọc Sơn không phân tích sâu thêm phần này.

Về phía Phan Châu Trinh, tác giả cho rằng ông thể hiện sự chống đối với chế độ phong kiến Việt Nam hơn Phan Bội Châu. Điều này được phản ánh rõ nhất thông qua "Thất điều thư" kể ra bảy tội lỗi đối với quốc gia của vua Khải Định.

Đi xa hơn nữa so với tiền bối cùng họ, Phan Châu Trinh cho rằng sự thất bại của chính quyền nhà Nguyễn trước Pháp không đơn thuần chỉ là định mệnh lịch sử, mà còn là sự yếu kém và cố chấp có tổ chức của triều đình khi không chấp nhận phát triển dân quyền và cải cách đất nước. Vì lý do này, ngay từ đầu, Phan Châu Trinh đã kêu gọi việc dỡ bỏ hoàn toàn gốc rễ phong kiến Việt Nam để xây dựng một nền cộng hòa dân chủ trọn vẹn.

Không chỉ vậy, Phan Châu Trinh còn nhấn mạnh việc kiểm soát quyền lực nhà nước, bổ sung và gầy dựng hệ thống dân quyền - nhân quyền cấp tiến với đầy đủ các quyền chính trị - dân sự như Phan Bội Châu đề xuất. Quan trọng hơn, Phan Châu Trinh cũng được xem là một trong những nhà cách mạng Việt Nam đầu tiên chú trọng xây dựng tư pháp độc lập.

Yếu tố Nho giáo trong chủ nghĩa hợp hiến: Vài lời phản biện

Với tư cách một độc giả và một nhà nghiên cứu, người viết có cảm giác không thỏa mãn với lối hành văn cũng như lượng thông tin được cung cấp.

Theo người viết, việc liệt kê thông tin với lối hành văn mô phạm mà chúng ta nhắc đến ban đầu như một lợi thế lại khiến cho nghiên cứu thiếu đi độ sâu về quan điểm, độ kết nối về thông tin và quan trọng nhất là tính tổng quan cho toàn nghiên cứu với một góc nhìn mới mẻ hơn cho độc giả.

Người viết mạn phép chứng minh sơ lược thông qua cách mà tác giả nói về Nho giáo trong chủ nghĩa hợp hiến của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Dù yếu tố Nho giáo là yếu tố quan trọng nhất khiến cho tư tưởng của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh mới lạ hơn và “có khả năng” so sánh được với các tư tưởng lớn khác trên thế giới, nhưng việc tác giả Bùi Ngọc Sơn tách phần tư tưởng Nho giáo này thành một phần riêng biệt khiến cho người đọc rất khó để hiểu tác giả muốn mô tả chủ nghĩa hợp hiến Nho giáo là như thế nào.

Ví dụ, tác giả chỉ liệt kê Phan Bội Châu ủng hộ mô hình giáo dục Khổng giáo để phát triển đạo đức và tri thức của quần chúng, hay Phan Châu Trinh chỉ trích cách hiểu Nho giáo xưa cũ. Những yếu tố này không đủ sức nặng để chúng ta thật sự hiểu và hình dung được thế nào là một mô hình hợp hiến Nho giáo.

Nói cách khác, nếu đã cho rằng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh mong muốn xây dựng chủ nghĩa hợp hiến Nho giáo, thì việc quan trọng nhất cần làm là giải thích Nho giáo được thể chế hóa như thế nào vào mô hình nhà nước hợp hiến mà chúng ta kể ở trên.

Dù người viết còn nhiều thắc mắc cho nghiên cứu này, không thể phủ nhận rằng tác giả Bùi Ngọc Sơn và tác phẩm “Confucian Constitutionalism in East Asia” cho đến nay vẫn được xem là nền tảng tiên phong cho làn sóng phát triển của luật học Việt Nam trên trường quốc tế. Đây chắc chắn là một sản phẩm nghiên cứu không thể bỏ qua.


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.


Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.