‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười Một năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành lần đầu trên ấn bản PDF đề ngày 3/11/2022.
Nói hơi ngoa một chút thì ở nước ta, khi nào không còn gì để đọc thì người ta mới đọc Hiến pháp. Thế nhưng nỗ lực tuyên truyền của Đảng Cộng sản cũng như thông tin “ngoài luồng” đã giúp một điều khoản trong Hiến pháp trở nên nổi tiếng: Điều 4.
Nói “Điều 4” là người ta đủ hiểu nói đến cái gì, đó chính là điều khoản hiến định hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cái này cũng giống như bên Mỹ, thay vì nói quyền tự do ngôn luận thì người ta nói “quyền theo Tu chính án thứ Nhất", thay vì nói quyền sở hữu súng thì người ta nói “quyền theo Tu chính án thứ Hai”, rồi thay vì nói tôi từ chối cung khai thì người ta nói “I take the Fifth", ý chỉ là Tu chính án thứ Năm của Hiến pháp Mỹ vốn đảm bảo quyền im lặng cho những người bị chính quyền lấy lời khai.
Điều 4 nay không những đã là một nguyên tắc lập hiến quan trọng bậc nhất, mà còn trở thành một phần của văn hóa chính trị nước ta. Nó là thứ người ta có thể nghe được ở vỉa hè, và với từ vỉa hè, tôi bao gồm cả không gian Internet, bởi Internet ở nước ta đích thực là một loại vỉa hè ngôn luận và không được tính là không gian thảo luận chính thống.
Thế nhưng tự bao giờ mà Điều 4 xuất hiện và được nói nhiều đến như vậy?