Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Khi chính quyền tiếp quản đền thờ.
Khó ai có thể phủ nhận không gian tôn giáo trên toàn quốc đang trong giai đoạn hào hứng, nhiều màu sắc và sôi động. Không chỉ gần như tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều có mặt tại Việt Nam, mà các đại lễ tôn giáo cũng náo nhiệt, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân, khách thập phương tham gia.
Chưa hết, ở đâu cũng có bóng dáng của các cơ quan đoàn thể thăm hỏi, động viên, tặng quà và tạo điều kiện cho các sự kiện tôn giáo phát triển rực rỡ nhất có thể.
Vậy hà cớ gì lại có người nói rằng tại Việt Nam “không có tự do tôn giáo”?
Một nghiên cứu “nhỏ nhưng có võ” được công bố năm 2019 của tác giả Chi P. Pham đã đưa ra câu trả lời cho vấn đề này. Nghiên cứu mang tên “Nation building and religion in post-reform Vietnam: a case study of the Mariamman temple” (tạm dịch: Tôn giáo và xây dựng quốc gia ở Việt Nam hậu đổi mới: Nghiên cứu trường hợp đền thờ Ấn giáo Mariamman). [1]
Không đưa ra những số liệu khổng lồ hay những bình luận to lớn về tình hình tôn giáo, nghiên cứu là một lát cắt nhỏ nhưng chân thật, giúp người đọc có thể hiểu và cảm nhận từ bên trong bản chất và nền tảng của tự do tín ngưỡng - tôn giáo tại Việt Nam.
Sự kỹ lưỡng và sâu sát của tác giả Chi P. Pham trong việc tìm kiếm các nguồn tư liệu sơ cấp đóng góp rất lớn vào sự khả tín của nghiên cứu.
***
Tác giả bắt đầu nghiên cứu với việc tham khảo và tổng hợp một lượng rất lớn những nghiên cứu trước đó, trải dài từ đầu những năm 2000 cho đến năm 2019 (thời điểm công bố nghiên cứu).
Theo ghi nhận của bà, khi hàng loạt các tín ngưỡng, tôn giáo, sự thực hành tín ngưỡng, tôn giáo - vốn bị cấm đoán và kỳ thị trước đó - được cho phép phát triển trở lại, nhiều nhà nghiên cứu rất kỳ vọng vào sự hồi sinh của tôn giáo (religious revival), các sáng tạo thực hành tôn giáo mới (religious innovation), cũng như đa dạng hóa tôn giáo (religious diversification) tại Việt Nam đương đại.
Tuy nhiên, tác giả khá dè chừng với những nhận định như thế.
Bà cho rằng sự tự do tôn giáo này là một sự tự do có điều kiện. Tất cả các tôn giáo muốn phát triển bình thường và lớn mạnh cần chấp nhận trở thành công cụ của chính quyền Việt Nam tham gia vào quá trình “đấu tranh” giành độc lập dân tộc và xây dựng quốc gia.
Vấn đề này được Chi P. Pham chứng minh với đền thờ Ấn Độ giáo Mariamman, hiện tọa lạc tại số 45, đường Trương Định, Quận 1, TP. HCM.
***
Theo ghi nhận của tác giả, chính quyền TP. HCM từ giai đoạn những năm 2000 bắt đầu chú ý đến việc bảo tồn ngôi đền Mariamman và dùng ngôi đền này như một minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Ấn Độ. Đây là vai trò đầu tiên của đền trong các chương trình xây dựng hình ảnh quốc gia tại địa phương.
Tuy nhiên, việc đền này do thế hệ thứ hai của các nhóm di dân Ấn Độ quản lý đã khiến cho chính quyền địa phương không bằng lòng.
Tác giả ghi nhận lại nhiều bình luận tiêu cực của một số cán bộ tôn giáo về thế hệ người Ấn thứ hai quản lý đền trong giai đoạn này như sau:
Những sự “đấu tố” này, cộng với quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo Số 21/2004/PL-UBTVQH11 (tiền thân của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016), nhanh chóng giúp cho chính quyền địa phương loại bỏ vai trò tự quản của các cá nhân trước đó.
Việc chính quyền tiếp quản vai trò quản lý ngôi đền được lý giải là nền tảng để bảo đảm các hoạt động tôn giáo của ngôi đền có những đóng góp phù hợp cho ngoại giao, đoàn kết dân tộc và sự phát triển của quốc gia.
Đây hẳn là điều mà chúng ta cần ghi nhớ về câu chuyện có hay không có tự do tôn giáo tại Việt Nam. Chính quyền Việt Nam sẽ có sức khoan dung tuyệt vời đối với những tôn giáo không quá ngông cuồng về hình thức và chấp nhận những nguyên tắc mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra.
Chính vì lẽ đó, ở Việt Nam, vấn đề không phải là cấm tôn giáo hay không cấm tôn giáo. Vấn đề là bên trong tôn giáo đó có người chịu nhượng bộ và thỏa thuận với chính quyền và đảng bộ địa phương hay không. Miễn là bằng lòng, một tôn giáo vẫn sẽ có dư địa phát triển mạnh mẽ.
***
Trở lại với nghiên cứu, tác giả nhắc đến một cán bộ được gọi là Vân Liên - người được chính quyền giao quản lý các vấn đề của đền Mariamman từ năm 2009. Ông quản lý chi li mọi thứ, từ câu chuyện khách viếng thăm được đốt mấy cây nhang, cấu trúc của phòng thờ, nơi nào trưng bày thứ gì.
Không chỉ vậy, đối với vấn đề tài chính, các khoản đóng góp, cúng viếng từ đó về sau cũng được sung vào công quỹ, thay vì thuộc về các thế hệ sau của những nhóm di dân người Ấn thành lập nên ngôi đền.
Các khoản đóng góp được gửi vào kho bạc nhà nước dưới danh nghĩa là góp quỹ xóa đói giảm nghèo. Mọi chi phí được sử dụng cho ngôi đền cũng như các hoạt động khác sẽ phải có chữ ký của tất cả các thành viên bên trong một tiểu ban quản lý đền, bao gồm một chức sắc tôn giáo (đại diện cho tính Ấn Độ của ngôi đền), một kế toán nhà nước, một công an phường, một thành viên thuộc Hội Phụ nữ phường, và một thành viên là cán bộ phụ trách tôn giáo cấp phường.
Tác giả Chi P. Pham có bình luận rất thú vị rằng, bằng cách này, tài sản tôn giáo, thậm chí là danh tính tôn giáo của ngôi đền Mariamman trở thành một phần của tài sản quốc gia, thuộc quyền sở hữu toàn dân. Tất cả sẽ được tùy nghi sử dụng khi chính quyền thấy cần, và chắc chắn việc sử dụng phải phù hợp với mục tiêu và các chính sách xây dựng quốc gia.
Khi đi sâu vào vấn đề tài chính của ngôi đền, tác giả còn nhận thấy các khoản tiền đóng góp, cúng kiếng dành cho đền đều được sử dụng rất nhiều vào các hoạt động xã hội của Mặt trận Tổ quốc địa phương. Ví dụ, trong năm 2014, khoảng 20 - 25 triệu đồng được trích ra dùng cho việc xây nhà tình thương cho gia đình khó khăn, 30 - 35 triệu đồng dành cho hoạt động xây dựng cầu đường ở vùng nông thôn, v.v.
***
Nhìn chung, từ một ngôi đền tư nhân Ấn Độ giáo tồn tại từ trước năm 1975, chính quyền TP. HCM đã thành công trong việc cô lập và từ đó loại bỏ dần các nhóm tư nhân lãnh đạo đền, biến đền trở thành một phần của “dự án xây dựng danh tính quốc gia” tại địa phương.
Điều này, theo diễn giải của chính quyền, không có nghĩa là Ấn Độ giáo bị hạn chế, hay người thực hành Ấn Độ giáo bị đàn áp tại Việt Nam. Và đúng thật là ngôi đền vẫn tiếp tục trở thành một phần của hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương lẫn khách thập phương. Tuy nhiên, muốn tồn tại được, trước hết, hình ảnh tôn giáo này phải phù hợp với định hướng tư tưởng, cũng như chấp nhận sự can thiệp từ hệ thống chính trị trong nước.
Trường hợp ngôi đền Ấn Độ giáo Mariamman là một điển hình thú vị và sống động về tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam hậu đổi mới. Nó minh chứng cho mọi nỗ lực can thiệp của chính quyền để biến ngôi đền Ấn Độ giáo trở thành một phần của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Còn lại, chuyện tốt - xấu và ảnh hưởng lâu dài của vấn đề này đến quá trình phát triển tôn giáo tại Việt Nam, người viết xin để lại cho bạn đọc cân nhắc.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
1. Chi P. Pham (2019) Nation building and religion in post-reform Vietnam: a case study of the Mariamman temple, South East Asia Research, 27:2, 150-166, DOI: 10.1080/0967828X.2019.1629711