Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Có những ưu tiên chấp nhận được và không chấp nhận được.
Câu chuyện một quán café ở Đà Nẵng đăng tải thông tin họ sẽ không đón nhận khách có mang theo trẻ nhỏ dưới 12 tuổi đang trở thành tâm điểm tạm thời của cộng đồng mạng Việt Nam. [1]
Một số hướng thảo luận xoáy vào câu chuyện dạy con.
Một số nhấn mạnh vào khái niệm quyền tự do kinh doanh và tự do cá nhân.
Một số chắc chắn đưa khía cạnh quyền trẻ em và quyền tiếp cận các sân chơi lành mạnh cho trẻ em ở Việt Nam.
Góc nhìn và cách tiếp cận nào có thể nói cũng đều tạo ra một không gian thảo luận xác đáng và thú vị cho đề tài mới lạ này.
Người viết quan tâm hơn cả tới cáo buộc cho rằng hành vi của chủ quán café là chính sách phân biệt đối xử. Làm thế nào chúng ta biết được một hành vi là phân biệt đối xử (discrimination)? Và làm thế nào chúng ta kết luận được rằng sự phân biệt đó là đúng hay sai?
Để bắt đầu phần lập luận của mình, người viết xin bắt đầu với hai tình huống.
Tình huống 1: Chị Hà muốn đăng tuyển tìm ứng viên cho một vị trí cho công ty. Tuy nhiên, chị này tin rằng có một nhóm sắc tộc thiểu số có xu hướng phạm tội nhiều hơn, năng lực kém hơn, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của công ty hơn so với nhóm đa số. Vì lý do này, chị Hà quyết định không cân nhắc tất cả mọi ứng viên thuộc nhóm sắc tộc thiểu số này.
Tình huống 2: Chị Hương muốn tìm một người giữ trẻ cho gia đình. Chị thường ở nhà, và chị cũng tin là đàn ông không có kỹ năng chăm sóc trẻ con, khó sai bảo, và khó kiểm soát hơn. Vì lý do này, chị đăng tin chỉ tuyển phụ nữ.
Chúng ta có thể đồng ý rằng cả hai quyết định tuyển dụng đều được xây dựng và cân nhắc dựa trên giả định về năng lực và tính chất của cả một nhóm cá thể, và từ đó loại trừ toàn bộ nhóm này khỏi tệp xem xét.
Tuy nhiên, nếu đại đa số đều cho rằng hành vi không tuyển dụng nhóm sắc tộc thiểu số của chị Hà là sai trái hoàn toàn và có thể bị xem là phân biệt chủng tộc, thì hành vi tuyển dụng của chị Hương được xem là bình thường và thật ra là một thực hành phổ biến trên toàn cầu.
Vì sao lại như thế?
Một số học giả cho rằng việc chấp nhận được hay không là dựa vào đối tượng của việc phân biệt đối xử.
Đối với trường hợp đầu tiên, nhóm bị phân biệt đối xử là người sắc tộc thiểu số, là một nhóm yếu thế trong xã hội cần được bảo vệ. Hành vi loại trừ họ ra khỏi cơ hội việc làm vì vậy đương nhiên bị cho là sai trái.
Tuy nhiên, đối với đàn ông nói chung, nhiều học giả (mà đặc biệt là các học giả nữ quyền) sẽ cho rằng đàn ông không phải là nhóm yếu thế trong xã hội. Thậm chí sẽ có người cho rằng đây là nhóm “predatory” (thú săn mồi), nhóm “privilege” (đặc quyền).
Sự phân biệt đối xử dành cho nhóm này, vì vậy, được cho là không có hệ quả lớn cho cấu trúc xã hội (vì đàn ông cũng ít khi tham gia vào thị trường lao động trông trẻ); và cũng không tạo ra bất kỳ định kiến hay thay đổi cấu trúc quyền lực xã hội (vì hầu hết các xã hội vẫn duy trì tính phụ hệ cao).
Anh Ân là một du khách hào phóng, thường mang theo nhiều tiền chi xài tại địa phương.
Anh Ân muốn đi bộ từ chỗ mình ở đến một địa điểm du lịch mới nổi. Để đi đến địa điểm này, anh phải đi qua hẻm 123 hoặc hẻm 321. Đi qua hẻm 123 nhanh hơn đi qua hẻm 321.
Anh Ân hỏi anh Thành - vốn là một thổ địa của vùng.
Anh Thành biết rõ ràng hẻm 123 là khu vực sinh sống của một nhóm sắc tộc nhất định. Và tỉ lệ phạm tội trộm cắp, cướp giật, gây thương tích ở khu hẻm này là rất cao, là khu vực bị cho là nguy hiểm.
Anh Thành cũng biết hẻm 321 là khu vực sống của nhóm sắc tộc đa số. Đường đi qua khu này đông đúc, nhộn nhịp và chưa từng có vụ việc phạm tội nào nghiêm trọng xảy ra.
Với những thông tin này, anh Thành - với tư cách là thổ địa của vùng và với tư cách là người giúp đỡ anh Ân - không chỉ nên hướng dẫn anh Ân đi hẻm 321 mà thậm chí còn có nghĩa vụ đạo đức hướng dẫn anh Ân đi hẻm này để bảo toàn tính mạng, sức khỏe, và tài sản của mình.
Tuy nhiên, quyết định hướng dẫn này của anh Thành cũng có thể bị xem là đóng góp vào việc củng cố định kiến về bản chất tội phạm của nhóm sắc tộc thiểu số ở hẻm 123.
Nếu nhiều người tiếp tục hướng dẫn du khách như thế một cách có hệ thống, sự tách biệt và thiệt hại của các hộ gia đình ở hẻm 123 sẽ ngày càng nặng nề bởi chúng tước đoạt quyền lợi kinh tế và cơ hội làm ăn của họ. Từ đó, tình trạng tội phạm của người dân ở hẻm 123 chỉ có tăng cao hơn chứ không giảm đi.
Song ngay cả khi đã nói như vậy, liệu anh Thành có trách nhiệm giải quyết câu hỏi vĩ mô đó hay không? Hay trách nhiệm đạo đức trước tiên của anh Thành là bảo đảm an toàn cho một du khách quen thuộc và thân tình đối với địa phương?
Đưa ra những tình huống trên là do người viết mong muốn chứng minh cho độc giả rằng có rất nhiều yếu tố cần cân nhắc để đánh giá liệu một hành vi phân biệt đối xử có là sai trái hay không?
Đến đây, người viết xin mượn lý luận từ một trong những bài báo khoa học đầu tiên và có ảnh hưởng lớn về vấn đề này của Larry Alexander với tên gọi “What Makes Wrongful Discrimination Wrong? Biases, Preferences, Stereotypes, and Proxies” (tạm dịch: Điều gì khiến cho phân biệt đối xử sai trái?), được đăng trên University of Pennsylvania Law Review vào năm 1992. [2]
Alexander cho rằng việc ai bị phân biệt đối xử không quan trọng. Diễn ngôn “bình đẳng” (equality) hay “bình đẳng về cơ hội" (equality of opportunity) lại càng không có tác dụng gì mấy cho quá trình phân định xem việc phân biệt đối xử có là sai trái hay không.
Trong tình huống của quán café, theo cách lý luận của tác giả Alexander, không thể cho rằng chỉ vì trẻ em là đối tượng bị nhắm tới mà cho rằng việc cấm đương nhiên là sai trái.
Trẻ em là đối tượng được hưởng đặc quyền trong rất nhiều trường hợp (vaccine, tiếp cận y tế, sơ tán…). Và điều này đồng thời cũng đẩy rất nhiều nhóm yếu thế khác vào thế bị phân biệt đối xử khi so sánh với trẻ em (như người khiếm khuyết hình thể, người già, người mắc bệnh về tâm thần…).
Nói cụ thể hơn nữa, việc cho rằng một nhóm người bị phân biệt đối xử trong một tình huống cụ thể là đương nhiên vi phạm quyền bình đẳng của họ là quá cục bộ, không bao quát hết bối cảnh xã hội.
Lý luận này khiến cho tác giả đi đến một số tiêu chuẩn phân tích bao gồm: (1) social cost (chi phí xã hội); (2) social harm (thiệt hại xã hội); và (3) disparate impact (tác động khác biệt).
Về chi phí xã hội, hành vi phân biệt đối xử bị xem là sai trái nếu chi phí xã hội dành cho việc duy trì nó lớn hơn quá nhiều so với việc xóa bỏ nó.
Ví dụ, việc duy trì chế độ phân biệt chủng tộc apartheid ở Nam Phi tạo ra một nền kinh tế què quặt và không bền vững. Việc xây dựng nên những hàng rào ngăn cách cũng quá tốn kém và không cần thiết (nhà vệ sinh riêng, sân vận động riêng, hệ thống giao thông công cộng riêng…). Trong khi đó, một lượng lao động dồi dào và khỏe mạnh lại không được sử dụng và khai thác một cách hợp lý.
Câu chuyện của quán café không trẻ em không thỏa mãn tiêu chí chi phí xã hội này để bị xem là hành vi sai trái.
Việc quán café không đón khách trẻ em không tạo ra một gánh nặng cho chi phí xã hội bởi chúng ta rõ ràng không thể cho rằng các quán café tư nhân có trách nhiệm tạo ra sân chơi công cộng cho trẻ em.
Mặc khác, việc phân định này tạo động lực cho việc bổ sung nguồn đầu tư từ nhiều cá thể khác trong xã hội vào các khu vui chơi, các quán ăn - nhà hàng gia đình, quán café gia đình. Chẳng hạn, McDonald biết rõ một lượng khách hàng lớn của họ là trẻ em nên họ có các sản phẩm như Happy Meal cùng với khu vui chơi cho trẻ em ở ngay trong quán.
Thứ hai, thiệt hại xã hội (trong nghiên cứu cũng dùng thuật ngữ là harmful social consequences) là các hệ quả về tâm sinh lý, quan điểm, góc nhìn, và tinh thần của các nhóm bị phân biệt đối xử. Trong một số trường hợp, các hệ quả này dẫn đến bạo loạn, vũ lực và các ý tưởng chính trị cực đoan (ví dụ như đòi ly khai, đòi lật đổ chế độ…).
Yếu tố này cũng không được thỏa mãn bởi vì các gia đình có trẻ em nói chung, và trẻ em nói riêng, không bị loại trừ khỏi các hoạt động công cộng, không bị áp đặt định kiến. Họ cũng không bị đánh giá vì bất kỳ tính chất tự thân không thể thay đổi nào của mình như màu da hay giới tính.
Cuối cùng, việc cấm cũng không đủ tạo nên tác động khác biệt lên các nhóm xã hội yếu thế.
Điều này, theo người viết, chủ yếu bởi vì lằn ranh thật sự của câu chuyện không phải là giữa hai đối tượng trẻ em và người lớn, mà là gia đình có trẻ em và những người không đi cùng trẻ em.
Một người có gia đình vẫn hoàn toàn có thể đi café một mình. Trong khi gia đình có trẻ em cũng có những không gian gần như được dành hoàn toàn cho họ (như các khu vui chơi, vận động trường, công viên, quán ăn gia đình…).
***
Nhìn chung, việc kỳ vọng rằng tất cả các tiện ích chung (bao gồm cả công cộng và tư nhân) phải mở rộng cửa cho tất cả các nhóm đối tượng là không thực tế.
Thêm vào đó, dùng lý luận phân biệt đối xử trong trường hợp này cũng không thỏa đáng vì các lý do chúng ta đã phân tích ở trên. Phân biệt đối xử - từ góc độ lý thuyết - chỉ là sự ưu tiên (preferences). Sẽ có những ưu tiên chấp nhận được và những ưu tiên không chấp nhận được.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Bài viết này được đăng lần đầu trên website luatkhoa.com và được đăng lại trong số báo Tết 2023 đề ngày 5/1/2023 của Luật Khoa tạp chí (ấn bản PDF và EPUB). Quý độc giả cũng có thể đọc tất cả các bài viết của số bài này tại đây.
1. Diệu Nhi. (2022, December 17). Giới trẻ tranh cãi “nảy lửa” chuyện quán cà phê ở Đà Nẵng không tiếp trẻ em dưới 12 tuổi. Báo Điện Tử Tiền Phong; Báo điện tử Tiền Phong. https://tienphong.vn/gioi-tre-tranh-cai-nay-lua-chuyen-quan-ca-phe-o-da-nang-khong-tiep-tre-em-duoi-12-tuoi-post1496128.tpo
2. Larry Alexander. (1992). What Makes Wrongful Discrimination Wrong Biases, Preferences, Stereotypes, and Proxies. University of Pennsylvania Law Review 149.