Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Đạo Mẫu liệu có thể trở thành một tôn giáo quốc tế?
“Spirits without Borders: Vietnamese Spirit Mediums in a Transnational Age” (tạm dịch: “Tâm linh không biên giới: Hầu đồng Việt Nam trong thời đại liên quốc gia”) là thành quả nghiên cứu của hai tác giả Karen Fjelstad và Nguyễn Thị Hiền sau gần 20 năm tìm hiểu về lý thuyết, nghiên cứu thực địa, và dấn thân để trở thành một phần của chính không gian văn hóa - tôn giáo của đạo Mẫu.
Nghiên cứu này được hoàn thành và công bố vào năm 2011, nhưng cho đến nay vẫn có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu với cộng đồng quốc tế về một trong những tôn giáo bản địa có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.
***
Quyển sách mở đầu bằng việc giới thiệu sơ lược về đạo Mẫu. Theo đó, đây là một tín ngưỡng bắt nguồn từ miền Bắc Việt Nam, sau đó phát triển thêm ở miền Nam theo dòng di cư. Hòa vào làn sóng người Việt Nam ra sinh sống ở nước ngoài, tín ngưỡng này cũng biến thành một phần của đời sống tinh thần hải ngoại.
Xét về mặt niềm tin và giáo lý, đạo Mẫu, tương tự như các tôn giáo bản địa khác của Việt Nam, có pha trộn nhiều yếu tố của một số tôn giáo quốc tế lớn hơn như Đạo giáo, Phật giáo, cũng như tôn giáo - tín ngưỡng của một số sắc dân như người Chăm, v.v. Tuy nhiên, đặc trưng múa bóng - hầu đồng có thể được xem là một đặc trưng có quy chuẩn, có nguyên tắc và tạo ra khác biệt lớn nhất của đạo này.
Trong một khoảng thời gian dài, chính quyền đã can thiệp vì cho rằng đạo Mẫu là mê tín dị đoan, nhưng ngay sau đó, một số nhà nghiên cứu và cả chính quyền lại đóng vai trò quan trọng trong việc chính thức công nhận tín ngưỡng này.
Các tác giả đã dành một lượng thời gian để phân tích sức sống của đạo Mẫu, thể hiện qua sức bật của tôn giáo này ngay sau khi các biện pháp “ngăn sông cấm chợ” thời bao cấp chấm dứt, cũng như quá trình chính danh hóa đạo Mẫu sau chính sách đổi mới của nhà nước Việt Nam.
Phần lớn nội dung của quyển sách được hai tác giả dành để phân tích, ghi nhận và tìm hiểu cách thực hành đạo Mẫu thông qua nhiều chiều không gian.
Tác giả Nguyễn Thị Hiền có kinh nghiệm nghiên cứu về đạo Mẫu thông qua quá trình điều tra, tìm hiểu chuyện kể dân gian và thực hành tín ngưỡng làng xã tại làng quê phía Bắc. Trong khi đó, Karen Fjelstad nghiên cứu đạo Mẫu bằng cách sử dụng thông tin về niềm tin và thực hành tín ngưỡng của các nhóm dân di cư, tị nạn người Việt Nam tại San Francisco Bay Area (California).
Nhờ đó, hai tác giả kết hợp và tìm ra một cách tiếp cận mới về sự phát triển của đạo Mẫu thông qua việc di chuyển (transport). Theo đó, dù là di chuyển vật lý tự nhiên hay di chuyển trên không gian mạng, chúng đều tạo ra nền tảng cho hành vi, quan điểm và thái độ khác nhau về tín ngưỡng. Sự khác nhau này cũng rất biệt lập đối với mỗi cá nhân.
Sự liên hệ giữa các nhóm tín ngưỡng đạo Mẫu cách biệt địa lý với nhau được quyển sách phản ánh một cách rất thú vị, bao gồm từ việc di chuyển để mua, thỉnh các hình ảnh và biểu tượng tôn giáo để cúng kiếng cho đến trao đổi, chuyển giao kinh sách. Ngoài ra còn có việc thực hành tín ngưỡng tập thể, hành hương từ nước ngoài trở về Việt Nam hoặc từ Nam ra Bắc, v.v.
Sự quen thuộc của hai tác giả trong vấn đề thông tin liên lạc xuyên quốc gia cũng tạo ra tính gần gũi và sự thuần thục cho chủ đề nghiên cứu. Fjelstad là một công dân Hoa Kỳ, sống và làm việc chung nhiều năm với cộng đồng người Việt. Trong khi đó, Nguyễn Thị Hiền, lại là một nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nhưng làm việc ở Hoa Kỳ.
Về mặt phương pháp nghiên cứu, ngoài những phương pháp nghiên cứu quen thuộc như quan sát hành vi, phỏng vấn, thống kê, điều đáng chú ý là nhóm tác giả đã biến đạo Mẫu trở thành một phần của đời sống văn hóa cá nhân và thực hành tín ngưỡng này tương tự như bất kỳ tín đồ đạo Mẫu nào khác. Điều này khiến họ nhận ra đạo Mẫu, hầu đồng, các nhân vật đại diện, cách truyền tải thông điệp, cũng như sức tác động của nhóm đại diện này đến cá nhân người theo đạo trở nên chân thật và rõ ràng hơn. Nghiên cứu từ đó không chỉ mang màu sắc của một công trình khoa học đơn thuần, mà còn chứa đựng góc nhìn cá nhân của những người thật sự thực hành và thấu hiểu không gian văn hóa - tâm linh đạo Mẫu.
Vì vậy, quyển sách có giọng văn chân thật, gần gũi, và thể hiện góc nhìn của người trong cuộc sâu sắc hơn rất nhiều so với các nghiên cứu dân tộc học khác mà người viết từng có cơ hội tiếp cận.
***
Về mặt nội dung, ngoài những thông tin tham khảo và tư liệu quan trọng liên quan đến quá trình phát triển của đạo Mẫu, người viết cũng đặc biệt quan tâm phần lý giải tính liên quốc gia và xuyên không gian của tín ngưỡng - tôn giáo này.
Hai tác giả cho rằng để lý giải vì sao một tôn giáo có tính bản địa lại có thể được truyền bá ra nước ngoài, chúng ta cần nhìn vào tính linh hoạt nội tại của người Việt Nam và khả năng đáp ứng của họ đối với từng khu vực địa lý - văn hóa.
Vấn đề này được ghi nhận cặn kẽ nhất trong chương cuối của quyển sách mang tên “You Have to Respect the Local Spirits” (tạm dịch: “Bạn phải tôn trọng tâm linh địa phương”).
Đạo Mẫu không có một hệ thống nguyên tắc giáo lý cố định, và cũng không có quy phạm bất biến nào về nghi lễ. Tập trung vào sự kết nối với các linh hồn đã mất, sự kết nối của cá nhân người thực hành với “Mẫu”, tín ngưỡng này dễ dàng phát triển và tồn tại ở nhiều không gian văn hóa khác nhau.
Tuy nhiên, là một người quan sát đạo Mẫu nhiều năm với một số người thân thực hành đạo Mẫu ở cả trong nước lẫn nước ngoài, người viết không cho rằng đạo Mẫu đang thật sự có những đặc trưng cơ bản của một tôn giáo có khả năng “quốc tế hóa”, ít nhất là tính đến thời điểm hiện nay.
Theo đó, một tôn giáo được xem là có thể quốc tế hóa nếu chúng có khả năng chuyển đổi (transposable) và di chuyển (transportable).
Nói cách khác, đối với khả năng chuyển đổi, một tôn giáo cần có mức độ thích ứng cao với các diễn ngôn đạo đức nền tảng của hầu hết các cộng đồng, và giáo lý của tôn giáo đó có thể được lý giải bằng ngôn ngữ và văn hóa bản địa.
Xét về khía cạnh này, khả năng chuyển đổi của đạo Mẫu hạn chế hơn hẳn so với rất nhiều tôn giáo khác. Quá trình dân tộc hóa và quốc gia hóa (nói cách khác là Việt Nam hóa) bên trong các giáo điều cơ bản của đạo Mẫu khiến lượng người nước ngoài có thể tham gia vào tôn giáo này là cực kỳ hạn chế, đặc biệt ở ngoại quốc.
Đối với khả năng di chuyển, một tôn giáo cũng cần duy trì hệ thống cấu trúc quản trị và nguyên tắc giáo lý cố định, từ đó xây dựng được một khung niềm tin quy chuẩn cho toàn bộ tín đồ trên thế giới.
Đối với Thiên Chúa giáo, đó có thể là sự tồn tại và quyền năng của Chúa. Đối với Phật giáo, đó có thể là các lý thuyết về luân hồi và nhân quả.
Quá trình dân tộc hóa quá mạnh của đạo Mẫu khiến cho một hệ thống như vậy rất khó tìm được tín đồ ở các cộng đồng sắc tộc khác, trừ khi họ cũng là người gốc Việt.
***
Nhìn chung, đóng góp của quyển sách “Tâm linh không biên giới: Hầu đồng Việt Nam trong thời đại liên quốc gia” là rất quan trọng cho sự phát triển của ngành Việt Nam học nói chung trên toàn thế giới. Quyển sách cũng tạo điều kiện cho độc giả quốc tế hiểu thêm về sự phát triển của không gian văn hóa - tôn giáo Việt Nam, vốn chưa được biết đến đúng mức với sự phong phú và dồi dào của nó.
Tuy nhiên, sẽ là rất sớm khi cho rằng tính liên quốc gia của đạo Mẫu Việt Nam đã đạt được mức độ như các tôn giáo quốc tế khác, như nhận định của hai tác giả. Để làm được điều này, đạo Mẫu cần có khả năng phát triển các giáo lý phi quốc gia chủ nghĩa, cần một không gian tự do nhất định thoát khỏi sự trói buộc của nhà cầm quyền. Đây là một điều gần như bất khả trong bối cảnh hiện nay.
Dù vậy, với sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt khắp thế giới cũng như sự phát triển về vị thế chính trị của Việt Nam trong khu vực, đạo Mẫu vẫn sẽ có sức bật tạm thời trong quá trình quốc tế hóa.
Bạn có thể mua quyển “Spirits without Borders: Vietnamese Spirit Mediums in a Transnational Age” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Bài viết này được đăng lần đầu trên website luatkhoa.com và được đăng lại trong số báo Tết 2023 đề ngày 5/1/2023 của Luật Khoa tạp chí (ấn bản PDF và EPUB). Quý độc giả cũng có thể đọc tất cả các bài viết của số bài này tại đây.