Bị kiểm duyệt: Gây phân tâm và đánh lạc hướng bên trong Vạn lý Tường lửa của Trung Quốc

Bộ máy kiểm duyệt tinh vi bậc nhất của chính quyền độc tài kỹ thuật số.

Ảnh: Princeton University Press. Đồ họa: Luật Khoa.
Ảnh: Princeton University Press. Đồ họa: Luật Khoa.

Tháng 12 năm 2014, một blogger có tên “Xiaolan” tiết lộ nhiều email trao đổi giữa Ban Tuyên giáo quận Chương Cống thuộc tỉnh Giang Tô với các dư luận viên được giao nhiệm vụ đăng tải thông tin tuyên truyền trực tuyến. Các email này chứa nhiều bài đăng từ các dư luận viên thực hiện theo chỉ đạo của ban tuyên giáo địa phương. Những dư luận viên này có biệt danh là “Đảng 50 xu” (Fifty Cent Party), bắt nguồn từ giai thoại là những người này nhận được 50 xu cho mỗi bình luận ủng hộ Đảng Cộng sản trên mạng internet.

Margaret E. Roberts (Giáo sư Đại học California tại San Diego) và các trợ lý nghiên cứu đã đọc khoảng 2.000 email bị rò rỉ để trích xuất thông tin về các bài đăng tuyên truyền do các cơ quan của đảng thực hiện. Họ xác định được 43.757 bài đăng tuyên truyền trực tuyến xuất phát từ khoảng 2.000 tài khoản trong khoảng thời gian hai năm từ 2013 đến 2014.

Từ nguồn dữ liệu khổng lồ bị tiết lộ, Roberts phân tích và cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về một trong những bộ máy kiểm duyệt tinh vi nhất thế giới. Các phân tích này được đúc kết trong cuốn sách ra mắt năm 2018:“Censored: Distraction and Diversion inside China’s Great Firewall” (tạm dịch: Bị kiểm duyệt: Gây phân tâm và đánh lạc hướng bên trong Vạn lý Tường lửa của Trung Quốc).

Đặc biệt, chương Ba của cuốn sách vẽ ra cái nhìn tổng quan về lịch sử kiểm duyệt ở Trung Quốc đương đại cũng như các phương pháp kiểm duyệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tác giả kết luận hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc hoạt động thông qua ba cơ chế chính là tạo nỗi sợ hãi (fear), tạo rào cản kỹ thuật (friction) và lũ quét (flooding).

Biện pháp thứ nhất - khống chế dư luận bằng nỗi sợ hãi - đã có từ thời Mao. Chính quyền sử dụng hình phạt hoặc đe dọa để ngăn chặn người dân đọc và chia sẻ những thông tin nhạy cảm về chính trị. Tuy nhiên, người dân có xu hướng phản ứng tiêu cực với các biện pháp kiểm duyệt hà khắc đó. Việc sử dụng vô tội vạ biện pháp này cũng có thể gây tác dụng ngược, tạo ra bất mãn trong nhân dân và làm giảm uy tín của chính quyền. Quan trọng hơn, nỗi sợ hãi và hình phạt đạt được hiệu quả cao nhất khi mối đe dọa là rõ ràng và nghiêm trọng. Vì rất khó để chính quyền tìm ra và nhắm đúng mục tiêu trong số hàng triệu người dùng internet, nên những biện pháp đàn áp hà khắc này chủ yếu được sử dụng để chống lại những nhà bất đồng chính kiến, người biểu tình và các nhà báo nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Mặc dù số lượng các nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ chỉ chiếm một số lượng nhỏ trong tổng số người dùng internet, nhưng các vụ bắt giữ và xét xử gây ra nỗi sợ hãi, hoang mang lớn trong cộng đồng, từ đó khuyến khích người dùng tự kiểm duyệt khi tương tác trên không gian mạng.

Biện pháp thứ hai là “friction” – tạo ra các rào cản đối với việc tiếp cận thông tin, từ đó làm tăng chi phí về thời gian và tiền bạc cho việc tiếp cận và phổ biến thông tin của người dân. Đối với những người dùng internet luôn bận rộn hoặc thiếu kiên nhẫn thì những rào cản nhỏ này có thể có tác động đáng kể đến khả năng tiếp cận và tiêu thụ thông tin của họ. Ví dụ nổi tiếng nhất về chiến lược này chính là Vạn lý Tường lửa (The Great Firewall) do chính quyền dựng lên. Hệ thống này ngăn chặn người dùng Trung Quốc truy cập các trang web và mạng xã hội của phương Tây mà chính phủ cho là sản phẩm của các thế lực thù địch, có thể đe dọa an ninh chính trị Trung Quốc. Những trang bị chặn bao gồm Google, Facebook, Instagram, Twitter, YouTube, The New York Times, Bloomberg, Freedom House, v.v.

Các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội của Trung Quốc, ví dụ như WeChat, QQ, Weibo, Baidu, DouYin, Youku, cũng bị nhà cầm quyền yêu cầu phải chặn các từ khóa và lọc các tìm kiếm chứa thông tin nhạy cảm về chính trị. Một số từ khóa nhạy cảm bị chặn trên Weibo (phiên bản Twitter của Trung Quốc) bao gồm “Phong trào Ngũ Tứ”, “biểu tình ở Tây Tạng”, “dân chủ lập hiến”, “xe tăng”, “thảm sát”, “Bạc Hy Lai”, “Giang Trạch Dân”. [1] Từ khóa “xe tăng” và “thảm sát” gợi lại hình ảnh từng hàng xe tăng nối đuôi nhau tiến vào quảng trường Thiên An Môn trong mùa hè năm 1989, đàn áp những người biểu tình đấu tranh đòi cải cách chính trị. Bên cạnh đó, tên các lãnh đạo cấp cao của đảng cũng thường bị chặn trên các công cụ tìm kiếm nhằm bảo vệ họ tránh khỏi các phê bình, chỉ trích từ người dân. Gần đây, từ khóa “Hồ Cẩm Đào” cũng bị chặn hoặc cho ra một số kết quả giới hạn trên các công cụ tìm kiếm hoặc mạng xã hội của Trung Quốc sau sự kiện vị cựu lãnh đạo này bị các nhân viên hộ tống ra khỏi hội trường phiên bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XX.

Người dùng internet có thể sử dụng công cụ mạng riêng ảo (virtual private network - VPN) để truy cập các trang web nước ngoài bị chặn ở Trung Quốc. Công cụ này giúp ẩn địa chỉ VPN của người dùng, cho phép họ truy cập nội dung bị chặn thông qua máy tính của một bên thứ ba. Roberts chỉ ra rằng mặc dù chi phí để vượt qua tường lửa là tương đối nhỏ và thủ thuật này dễ thực hiện, nhưng phần lớn người dùng internet không tìm cách vượt qua tường lửa, phần vì họ có lịch trình bận rộn với nhiều mối lo toan, phần vì họ thờ ơ với các vấn đề chính trị.

Tác giả cũng phát hiện ra những người vượt tường lửa thường là những người trẻ, có trình độ học vấn cao, hiểu biết về công nghệ, am hiểu về chính trị và thiếu lòng tin vào chính phủ. Vạn lý Tường lửa đã thành công trong việc tạo ra một rào cản ngăn cách hiệu quả giữa những người có trình độ học vấn cao, có hiểu biết về chính trị với phần lớn dân chúng thờ ơ và thiếu hiểu biết. Bằng cách tách biệt giới tinh hoa ra khỏi quần chúng, Đảng Cộng sản ngăn cản sự phối hợp giữa hai lực lượng này, từ đó giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra biểu tình và động loạn.

Phương cách cuối cùng thường được Đảng Cộng sản sử dụng là “flooding” – làm ngập mạng xã hội với các bài đăng và bình luận ủng hộ Đảng Cộng sản, ca ngợi lịch sử cách mạng hào hùng của đảng cũng như lặp đi lặp lại các khẩu hiệu tuyên truyền của chính quyền. Trong một nghiên cứu được xuất bản năm 2017, các tác giả King, Pan và Roberts ước tính rằng chính phủ Trung Quốc chế tác và đăng khoảng 448 triệu bình luận trên mạng xã hội mỗi năm, đánh lừa dân chúng đây là những ý kiến chân thực ủng hộ chính quyền của những người dân bình thường. [2]

Nếu như việc tạo nên nỗi sợ hãi và rào cản kỹ thuật có thể dễ dàng bị nhận diện và gây ra phản ứng chống đối trong dân chúng, thì biện pháp thứ ba này tinh vi và khó nhận biết hơn. Dư luận dễ dàng bị thao túng nếu họ tin rằng phần lớn dân chúng ủng hộ đường lối chính sách của chính quyền, những người có tư duy phản biện tốt cũng gặp áp lực tâm lý phải đi theo số đông. “Flooding” cũng thường được sử dụng để hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi các sự kiện chính trị nhạy cảm, thay vào đó hướng người dùng đọc và chia sẻ những thông tin có lợi cho chính quyền.

Cuốn sách của Roberts cho chúng ta một cái nhìn vừa sâu sắc vừa toàn diện về bộ máy kiểm duyệt của chính quyền độc tài kỹ thuật số (digital authoritarianism) tinh vi bậc nhất hiện nay trên thế giới. Cuốn sách chỉ ra rằng những nhà đấu tranh dân chủ ở Trung Quốc không nên quá kỳ vọng vào tác động tích cực của internet đối với tiến trình dân chủ. Hầu hết người dùng mạng không cố gắng tìm cách để đọc thông tin bị kiểm duyệt, thay vào đó họ tiêu thụ những tin tức được bộ máy tuyên truyền cho phép và ưu tiên.

Trong số 70 quốc gia được Freedom House đánh giá về tự do thông tin trên internet trong năm 2022, Trung Quốc đứng cuối bảng xếp hạng trong năm thứ tám liên tiếp. [3] Tự do ngôn luận trên internet của Trung Quốc ngày càng bị bóp nghẹt kể từ khi Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo tối cao của nước này vào năm 2012.

Hiện thực trên cho thấy Trung Quốc trở thành một ốc đảo bị tách biệt khỏi các dòng chảy thông tin đa chiều từ các nước có nền dân chủ lâu đời và nền báo chí độc lập. Có nhiều bằng chứng cho thấy mô hình kiểm duyệt của Trung Quốc đã và đang được xuất khẩu sang các chế độ độc tài khác nhằm bảo vệ sự tồn tại và nâng cao tính chính danh của các chế độ này. Do đó, hiểu rõ những chiến thuật kiểm duyệt và tuyên truyền của các nhà nước độc tài là thực sự cần thiết, giúp người dân trong những xã hội này biết cách chọn lọc và tiêu thụ thông tin với một thái độ cẩn trọng cùng tư duy phản biện tích cực.


Bạn có thể mua quyển Censored: Distraction and Diversion inside China’s Great Firewall bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Chú thích

1. Jason Q. Ng (2013). Blocked on Weibo: What Gets Suppressed on China’s Version of Twitter (And Why). The New Press.

2. Gary King, Jennifer Pan, Margaret E. Roberts (2017). How the Chinese government fabricates social media posts for strategic distraction, not engaged argument. American Political Science Review, 111(3), 484-501.

3. Adrian Shahbaz, Allie Funk, Kian Vesteinsson (2022). Freedom on the Net 2022: Countering an Authoritarian Overhaul of the Internet. Freedom House. https://freedomhouse.org/report/freedom-net/2022/countering-authoritarian-overhaul-internet

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.