Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Sẽ ra sao nếu tuyên giáo trở nên đáng yêu khó cưỡng?
“Cute”, đáng yêu, dễ thương, hay biến thể trong tiếng Việt là “cu-te” (viết sao đọc vậy) có lẽ là một trong những khái niệm phổ quát nhất thế giới. Phổ quát tức là ai nghe cũng hiểu, và được dùng để diễn giải một sự cuốn hút mà ai thấy cũng yêu. Bàn về sự “cute”, Simon May, một triết gia đương đại, đã ra mắt cuốn sách có tên là “The Power of Cute” (Quyền lực của sự đáng yêu) vào năm 2019. [1]
Simon May cho rằng sự “cute” đang thống trị thế giới hiện đại, nhưng triết học lại gần như chẳng tham gia được gì. Trong cuốn sách, ông đưa ra một cách lý giải tại sao mọi người đều thích các biểu tượng như Hello Kitty, Pikachu, hay chuột Mickey. Ông nhìn sự Cute (ông viết hoa chữ này để chỉ khái niệm) như một công cụ lấy lòng đám đông, và khi được sử dụng cho mục đích chính trị thì trở nên vô cùng hiệu quả. Tác giả còn đi xa hơn nữa khi phân loại các chính trị gia thành nhóm “cute” và không “cute”, trong đó ông xếp nhà lãnh đạo độc tài của Triều Tiên Kim Jong-il vào nhóm thứ nhất.
Không thể tin nổi. Tôi đã nghĩ vậy lúc nhìn thấy tên chương “Sự đáng yêu của Kim Jong-il” (The Cuteness of Kim Jong-il) trong cuốn sách táo bạo này. Tác giả giải thích rằng sự cute về bản chất không chỉ đơn thuần mang nghĩa ngây thơ, bé bỏng, ngọt ngào, vô hại, nhìn muốn ôm – đó chỉ là một cực của phổ khái niệm (sweet). Theo lý thuyết mà Simon May đặt ra, cực bên kia của phổ khái niệm cute là “uncanny”, có nghĩa là lạ lùng, bí ẩn, khó nắm bắt.
Nếu Hello Kitty là đại diện của “sweet cute” thì Kim Jong-il là đại diện của “uncanny cute”. Biểu hiện của loại cuốn hút này là chúng khiến ta bối rối. Hình ảnh của Kim được mô tả không theo chuẩn nam tính mạnh mẽ thông thường mà bầu bĩnh tươi cười như trẻ con. Những thông tin về Kim có phần đối lập nhau: một lãnh tụ được mô tả là con của thánh thần nhưng mắc hội chứng sợ bay; một nhà độc tài có quyền lực tuyệt đối nhưng hầu như không xuất hiện trước công chúng để thị uy. Khác với các nhà độc tài khác như Saddam Hussein hay người kế nhiệm của mình là Kim Jong-un, ông không để hình ảnh của mình liên quan trực tiếp đến các vụ thủ tiêu những người bất đồng.
Theo phân loại của Simon May, cùng nhóm “cute” với Kim Jong-il còn có Franklin D. Roosevelt, Bill Clinton và Donald Trump. Trong khi đó, nhóm George Bush, Barack Obama hay Hillary Clinton thì không có đặc tính này.
Bạn có thể bất đồng với cách phân loại của tác giả, nhưng theo nhận định của ông thì sức mạnh của sự cute là đắt giá. Cute làm nhòe ranh giới giữa các cặp đối lập như mạnh mẽ - yếu đuối, nam tính – nữ tính, trẻ con – người lớn, ngây thơ – từng trải, nhảm nhí – nghiêm túc. Sự lai tạp của sức hấp dẫn này khiến nó có thể quy phục mọi người trong khi lại tỏ ra rất vô hại. Chẳng hạn, bạn có thể thuộc phe xanh, phe đỏ, phe vàng, nhưng bạn đều thích những chú chó đáng yêu. Trong một thế giới ngày càng phân cực, không khó hiểu tại sao những thứ nổi tiếng nhất là những thứ dễ thương nhất, và thứ gì cũng có xu hướng trở nên dễ thương không chịu nổi.
Chính sự “không chịu nổi” đó tạo nên sức mạnh. Hãy tưởng tượng các thông điệp tuyên truyền bỗng đáng yêu khó cưỡng. Mà không cần tưởng tượng. Năm 2019, trong chiến dịch tranh cử tại cuộc bầu cử Thượng viện, Đảng Cộng sản Nhật Bản cho ra mắt một video lan truyền rất mạnh, trong đó có một nhân vật hoạt hình nhảy múa và hát một ca khúc với thông điệp chính là Đảng Cộng sản sẽ đảm bảo quyền của người lao động. [2] Nhân vật nữ này mặc váy ngắn tông hồng, đeo kính mắt màu hồng và giày hồng trong một video hồng toàn tập mang đậm phong cách anime. “Cô” liên tục lắc hông và hát những câu như “có phải các bạn đã hiểu lầm Đảng Cộng sản một chút rồi không”, trong khi các lời hứa về lương tối thiểu được đọc dưới dạng rap.
Không thể phủ nhận rằng video tuyên truyền này cực kỳ bắt tai và dễ nhập tâm. Cũng không có từ nào mô tả nó chính xác hơn là chữ “cute”, và “Đảng Cộng sản cu-te” rõ ràng là một khái niệm khiến người ta run rẩy.
Nhật Bản chắc chắn là một bậc thầy trong việc ứng dụng sự kawaii (dễ thương) vào trong mọi thông điệp, kể cả chính trị. Đài Loan, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nhật, cũng rất chịu khó mang gấu và mèo ra tuyên truyền. Trung Quốc nổi tiếng với các thông điệp ẩn sau hình ảnh gấu trúc đáng yêu. Tuyên giáo Việt Nam lâu nay vẫn trung thành với phong cách chính chuyên, nhưng gần đây đang có dấu hiệu chuyển hướng. Mới hôm trước, trang Facebook Thông tin Chính phủ đăng ảnh chụp tượng một con mèo ở tỉnh Quảng Trị và phần bình luận ngập những lời bình như “cưng quá”, “cute quá”. [3] Báo Nhân Dân, “ông nội” của làng báo đảng cũng đã có mặt trên TikTok từ sớm để hòa nhập với giới trẻ và hiện có hơn 500 nghìn người theo dõi. [4] Chúng ta cũng chưa quên bài hát và vũ điệu Ghen Cô Vy mà Bộ Y tế dùng làm sản phẩm tuyên truyền trong đại dịch COVID-19, sau đó trở thành hiện tượng truyền thông quốc tế. [5] Đó là những chỉ dấu cho thấy chính quyền sẵn sàng trở nên cute khi cần để thu phục nhân tâm.
Trong một bài viết đăng trên Luật Khoa năm 2020, tác giả Y Chan đã mô tả cách Đài Loan tuyên truyền chống dịch bằng mông thủ tướng, chó, và cung hoàng đạo. [6] Những cách thức đó đều thuộc phạm trù của khái niệm “cute” mà Simon May bàn trong cuốn sách này. Nhưng Y Chan có ý liên hệ rằng các sáng kiến truyền thông đi vào lòng người ấy là sản phẩm của một xã hội dân chủ và khuyến khích sáng tạo. Tôi nghĩ cũng chẳng phải. Nếu nhìn các biểu tượng đáng yêu như công cụ tuyên truyền, thì đó là công cụ của một chính quyền khôn ngoan. Mà sự khôn ngoan thì không phải đặc sản của dân chủ.
Bìa cuốn sách “The Power of Cute”, vừa hay, có hình một con mèo. Chú mèo được cách điệu theo linh vật mèo may mắn của Nhật Bản, giơ tay phải lên chào và cặp mắt to tròn của nó vừa “sweet” lại vừa “uncanny”. Nếu đọc cuốn sách của Simon May vào dịp Tết Quý Mão năm nay, bạn có thể sẽ cảnh giác hơn với những hình ảnh khiến bạn phải thốt lên “cute thế”. Sự cute ấy có sức mạnh lắm đấy.
Bạn có thể mua quyển “The Power of Cute” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
1. The Power of Cute. (n.d.). Princeton University Press. https://press.princeton.edu/books/hardcover/9780691181813/the-power-of-cute
2. 日本共産党. (2019, July 8). WE ARE 共産党! YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=jD9XIM7C7UM
3. Aanmelden of registreren om te bekijken. (n.d.). https://www.facebook.com/unsupportedbrowser?fbid=571744731656978
4. Đường dẫn đến trang tiktok của báo Nhân Dân: https://www.tiktok.com/@baonhandan?lang=en
5. BBC News Tiếng Việt. (2020, March 9). Vũ điệu Ghen Cô Vy lan tỏa toàn cầu. https://www.bbc.com/vietnamese/media-51803006
6. Chan, Y. (2022, September 8). Đài Loan: Tuyên truyền chống COVID-19 bằng mông thủ tướng, chó của bộ trưởng, và thầy bói. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2020/08/tuyen-giao-kieu-dai-loan-chong-covid-19-bang-mong-thu-tuong