Tôn giáo tháng 12/2022: Chính quyền trấn áp các tôn giáo mới, Việt Nam bị Mỹ đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo

Đàn áp nghiêm trọng, liên tục và có hệ thống.

Ảnh lớn: Vietnam Plus. Ảnh nhỏ: Giáo hội Phật giáo Thuần túy. Đồ họa: Luật Khoa.
Ảnh lớn: Vietnam Plus. Ảnh nhỏ: Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy. Đồ họa: Luật Khoa.

[Tôn giáo mới]

Tỉnh Kiên Giang: Ngăn chặn phổ biến Pháp Luân Công tại trường học

Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Kiên Giang cho biết cơ quan công an đã ngăn chặn một phụ nữ phổ biến các tài liệu Pháp Luân Công tại một trường học ở TP. Rạch Giá vào ngày 1/12/2022. [1]

Ảnh: Wikipedia.

Người phụ nữ này có tên là Thủy, được cho là người phát các tài liệu Pháp Luân Công cho phụ huynh và học sinh tại trường học. Bà Thủy sau đó bị mời về làm việc tại cơ quan công an.

Đến ngày 8/12/2022, công an huyện Châu Thành của tỉnh này đã phối hợp với trường Đại học Kiên Giang thu giữ nhiều tài liệu Pháp Luân Công có cùng nội dung với các tài liệu do bà Thủy phân phát.

Ngay sau đó, Phòng An ninh Chính trị nội bộ của Công an tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường cao đẳng, đại học tổ chức các buổi tuyên truyền chống Pháp Luân Công.

Cơ quan công an tỉnh Kiên Giang cho rằng Pháp Luân Công là một tà đạo. Tuy nhiên, chưa có quy định nào của pháp luật Việt Nam định nghĩa về tà đạo.

Hiện nay, Pháp Luân Công là một trong các tôn giáo mới mà chính quyền không cho phép có cơ hội phổ biến công khai tại Việt Nam. Những người phổ biến sẽ bị xử phạt hành chính, khám xét nhà cửa, tịch thu các tài liệu về Pháp Luân Công.

Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Trị: Ngăn chặn hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời

Theo báo Lao Động, một nhóm gồm 16 người đã bị Công an quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng ngăn chặn trong lúc đang sinh hoạt Hội thánh Đức Chúa Trời vào ngày 3/12/2022. [2]

Theo đó, người được cho là đứng đầu nhóm và các thành viên khác đã cam kết với cơ quan công an “chấm dứt hành vi kêu gọi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo trái pháp luật và tổ chức hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ngoài địa điểm được chính quyền địa phương cấp phép”.

Công an đã thu giữ một laptop, tám quyển kinh thánh, ba sổ ghi chép nội dung và một số vật dụng tôn giáo của cả nhóm.

Báo Lao Động còn cho biết lý do việc sinh hoạt tôn giáo này bị ngăn chặn là vì chính quyền chưa công nhận Hội thánh Đức Chúa Trời nên hoạt động truyền đạo là trái pháp luật.

Những công an viên phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng được chính quyền thưởng sau vụ việc ngăn chặn một nhóm Hội thánh Đức Chúa Trời. Ảnh: Công an quận Ngũ Hành Sơn.

Cũng liên quan đến Hội thánh Đức Chúa trời, Công an huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã ngăn chặn việc truyền đạo này tại thị trấn Ái Tử.

Theo báo Gia đình Việt Nam, vào ngày 9/12/2022, công an huyện thông báo đã phát hiện hai vợ chồng đến từ tỉnh Quảng Bình và thuê nhà tại thị trấn để hoạt động truyền đạo Hội thánh Đức Chúa Trời. [3]

Trong căn nhà được thuê, công an cho biết một phòng sinh hoạt với TV, bục giảng, bàn ghế được bố trí “làm nơi sinh hoạt tôn giáo”. Ngoài ra, công an còn tìm thấy 30 trang tài liệu viết tay, và 10 cuốn sách có liên quan đến Hội thánh Đức Chúa Trời.

Một phòng trong căn nhà được cho là dùng làm nơi truyền đạo Hội thánh Đức Chúa Trời tại đường Nguyễn Trãi, thị trấn Ái Tử, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Báo Gia đình Việt Nam.

Đến nay, vẫn chưa có thông tin nào về việc chính quyền xử lý hai vợ chồng này vì các hoạt động liên quan đến Hội thánh Đức Chúa Trời.

Hội thánh Đức Chúa Trời có nguồn gốc từ đạo Tin Lành, xuất phát từ tỉnh Kyunggi của Hàn Quốc, do ông Ahn Sahng-hong sáng lập từ năm 1964. Năm 1985, sau khi ông Ahn Sahng-hong qua đời, Hội thánh mở rộng được 13 giáo đoàn tại Hàn Quốc. Hiện nay, Hội thánh Đức Chúa Trời đã xuất hiện tại 175 quốc gia, với khoảng hơn 2 triệu tín đồ. [4] [5]

Chính quyền Việt Nam hiện nay vẫn viện dẫn lý do chưa được nhà nước công nhận, chưa đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung để cấm cản người dân bày tỏ niềm tin của mình đối với các nhóm tôn giáo mới.

Tỉnh Cao Bằng: Chính quyền buộc hơn 2.000 người bỏ đạo Dương Văn Mình

Trong Hội nghị tổng kết năm 2022, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết đã xóa bỏ 15 “nhà đòn” (nhà tang lễ), dỡ bỏ 165 “tấm phông trắng” (bàn thờ); vận động thành công 318 hộ với 2.042 người từ bỏ “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. [6]

Cơ quan công an của tỉnh cũng cho biết sẽ “tập trung lực lượng, quyết liệt đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình theo lộ trình đã đề ra” trong năm 2023.

Hội nghị tổng kết năm 2022 của Công an Nhân dân tỉnh Cao Bằng vào ngày 23/12/2022. Ảnh: Công an tỉnh Cao Bằng.

Từ cuối năm 2021, sau khi người sáng lập đạo là ông Dương Văn Mình qua đời, chính quyền các tỉnh phía Bắc có tín đồ theo đạo đã gia tăng trấn áp nhằm xóa bỏ đạo này.

Chiến dịch trấn áp được thực hiện theo Đề án số 78 của Chính phủ về “Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. Đề án số 78 chưa được công khai chi tiết. Hiện nay, Cục An ninh Nội địa thuộc Bộ Công an là cơ quan chỉ đạo thực hiện đề án này.

Trong những năm qua, chính quyền đã sử dụng nhiều hình thức khác nhau để ngăn chặn đạo Dương Văn Mình, từ các biện pháp mạnh như sử dụng bạo lực, phá hoại nhà tang lễ, bàn thờ cho đến việc hạn chế quyền được hưởng các chính sách phúc lợi của nhà nước.

Đạo Dương Văn Mình hình thành từ những năm 1990 do ông Dương Văn Mình sáng lập nhằm cải cách các tập tục lạc hậu, tốn kém của người H'mong. Để đàn áp đạo này, chính quyền từng kết án ông 5 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhân dân và tuyên truyền mê tín dị đoan.

Chưa có số liệu chính thức nào về số lượng tín đồ theo đạo Dương Văn Mình. Tuy nhiên, theo một bản phát thanh của đơn vị Phát thanh Công an Nhân dân ước tính có khoảng 8.000 người H'mong theo đạo này vào năm 2020. [7]

[Tôn giáo 360]

Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo

Ngày 2/12/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken tuyên bố Việt Nam nằm trong Danh sách Theo dõi Đặc biệt (Special Watch List - SWL) của Mỹ về tự do tôn giáo. [8]

Danh sách Theo dõi Đặc biệt là danh sách mà Mỹ liệt kê các nước đang gây ra hoặc dung túng các vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo. Kể từ năm 2022, Việt Nam, Algeria, Cộng hòa Trung Phi và Comoros bị liệt vào danh sách này.

Việc lọt vào SWL là một bước tiến gần hơn đến việc bị đưa vào danh sách “Các quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt” (Country of Particular Concern – CPC) của Mỹ.

Các báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ và Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ đều cho thấy tình hình tự do tôn giáo đang ngày càng tồi tệ ở Việt Nam. Chính quyền đã công khai sử dụng bạo lực, lợi dụng các quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, và dùng nhiều phương pháp sách nhiễu khác nhau để đàn áp tự do tôn giáo.

Bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, phản đối việc Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo. Ảnh: Vietnam Plus.

Bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định việc Việt Nam bị đưa vào danh sách này là do Mỹ đã dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. [9]

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc tổ chức nhân quyền BPSOS, một tổ chức vận động cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam đáng lẽ ra phải bị đưa vào danh sách CPC sau hàng loạt đàn áp nghiêm trọng, liên tục và có hệ thống đối với tất cả các tổ chức tôn giáo không chấp nhận sự kiểm soát của nhà nước. [10]

Vào năm 2004, Mỹ từng đưa Việt Nam vào danh sách CPC và Việt Nam nằm trong danh sách này hai năm liên tiếp. Năm 2006, Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách CPC sau các cam kết của chính quyền Việt Nam về cải thiện quyền tự do tôn giáo. [11]

Nếu bị đưa vào danh sách CPC, chính phủ Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp đàm phán song phương, hay thậm chí là trừng phạt kinh tế để buộc Việt Nam phải cải thiện về tự do tôn giáo.

Đọc thêm: Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo: 16 năm vẫn quanh quẩn

[Bàn tay chính quyền]

Tỉnh An Giang: Công an lập chốt ngăn chặn tín đồ, chức sắc dự Ngày đản sinh Đức Huỳnh Giáo chủ của Phật giáo Hòa Hảo

Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy cho biết vào ngày 16/12/2022 công an huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã lập hai chốt kiểm soát tại điểm lễ chính Ngày đản sinh Đức Huỳnh Giáo chủ. [12]

Đây là hoạt động khá quen thuộc của công an huyện Chợ Mới nhằm ngăn chặn các chức sắc và tín đồ đến dự lễ. Địa điểm tổ chức năm 2022 là tư gia của một chức sắc tại xã Long Giang, huyện Chợ Mới.

Một số hình ảnh dựng chốt kiểm soát của Công an huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang vào ngày 16/12/2022. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy.

Giáo hội này cho biết chỉ có Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo được nhà nước cấp phép mới được tổ chức ngày lễ này, còn các nhóm Phật giáo Hòa Hảo độc lập hay Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy đều bị cấm tổ chức.

Phật giáo Hòa Hảo được sáng lập vào năm 1939 tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang ngày nay. Tôn giáo này có lịch sử chống cộng sản kịch liệt nhất. Sau năm 1975, chính quyền đã giải tán tôn giáo này. Đến năm 1999, nhà nước mới công nhận một tổ chức có tên là Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo duy nhất cho đến ngày hôm nay.

Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập cho rằng Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo là tổ chức cho nhà nước dựng lên để kiểm soát các hoạt động của tôn giáo theo khuôn khổ của chính quyền. Do vậy, một số tín đồ không chấp nhận tham gia giáo hội mà thành lập tổ chức riêng hoặc tự tổ chức hoạt động tôn giáo cho gia đình hay một nhóm tín đồ.

Tỉnh Sơn La: Huyện Sốp Cộp “vận động” người dân không theo đạo Bà Cô Dợ

Báo Sơn La cho biết tính từ đầu năm, chính quyền huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đã vận động được 2 trong 5 hộ dân tại bản Huổi Luông, xã Mường Lèo không theo đạo Bà Cô Dợ. [13]

Theo đó, chính quyền huyện đã tổ chức hơn 100 buổi “gặp gỡ, tiếp xúc, tuyên truyền” để người dân bản Huổi Luông không theo đạo Bà Cô Dợ.

Đạo Bà Cô Dợ là một trong các tôn giáo mới bị chính quyền Việt Nam ngăn cấm quyết liệt. Theo báo chí nhà nước, đạo Bà Cô Dợ hay còn gọi là Hội thánh Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta do bà Vừ Thị Dợ, một người H’mong, sinh sống tại Mỹ sáng lập vào năm 2016. Đạo này được bà Dợ truyền vào các vùng người H'mong ở phía Bắc Việt Nam. [14]

Công an các địa phương cho rằng đạo Bà Cô Dợ là tà đạo và dùng các biện pháp khác nhau để buộc các hộ dân không theo tôn giáo này.

Một trong những lý do chính quyền đưa ra nhằm trấn áp các tôn giáo mới là gắn cho các tôn giáo này các vấn đề chính trị như kêu gọi thành lập nhà nước tự trị, tập hợp người dân chống đối chính quyền.

Vì sao chính quyền gia tăng đàn áp tôn giáo?
Nỗi ám ảnh mang tên “ổn định chính trị”.
10 sự kiện tôn giáo nổi bật trong năm 2022
Chính quyền càng siết chặt gọng kìm đối với tự do tôn giáo.
Tôn giáo tháng 11/2022: Cục An ninh Nội địa là “đơn vị trọng điểm” trong chiến dịch xóa bỏ đạo Dương Văn Mình
Chính quyền tiếp tục gia tăng sách nhiễu, đàn áp.

Chú thích

1. Đản Hà. (2022, December 12). Hoạt động tuyên truyền Pháp Luân Công diễn biến phức tạp tại một số điểm trường trên địa bàn Kiên Giang. Cổng thông tin điện tử Công an Kiên Giang. https://web.archive.org/web/20230109044327/https://congan.kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/151/4469/Hoat-dong-tuyen-truyen-Phap-Luan-Cong-dien-bien-phuc-tap-tai-mot-so-diem-truong-tren-dia-ban-Kien-Giang.html

2. Văn Trực. (2022, December 15). Ngăn chặn 16 người truyền đạo Hội thánh đức chúa trời trái phép. Báo Lao Động. https://web.archive.org/web/20221216064052/https://laodong.vn/phap-luat/ngan-chan-16-nguoi-truyen-dao-hoi-thanh-duc-chua-troi-trai-phep-1127629.ldo

3. Truyền đạo thánh Đức chúa trời trái phép tại Quảng Trị. (2022, December 21). Báo Gia Đình Việt Nam. https://web.archive.org/web/20230112065723/https://giadinhonline.vn/truyen-dao-thanh-duc-chua-troi-trai-phep-tai-quang-tri-d187851.html

4. P. Võ. (2018, April 18). Nguồn gốc và tiếng xấu của "Hội Thánh Đức Chúa Trời" trên thế giới. Báo Người Lao Động. https://web.archive.org/web/20210423023234/https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tieng-xau-cua-hoi-thanh-duc-chua-troi-tren-the-gioi-20180425100410921.htm

5. 朝鮮日報社. (2009). 월간 조선. https://books.google.nl/books?id=q7UQAQAAMAAJ&redir_esc=y

6. Gia Hưng, Trung Nguyễn, Hoàng Tiến. (2022, December 23). Công an tỉnh: Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2023. Công an tỉnh Cao Bằng. https://web.archive.org/web/20230108174224/https://congan.caobang.gov.vn/1345/33828/81784/893356/thoi-su-chinh-tri/cong-an-tinh-tong-ket-cong-tac-nam-2022-trien-khai-nhiem-vu-va-phat-dong-phong-trao-thi-dua-vi-a

7. Ai đang nói dối bạn về đạo Dương Văn Mình: Bộ đội hay công an? (2021, October 14). Luật Khoa. https://luatkhoa.com/2021/10/ai-dang-noi-doi-ban-ve-dao-duong-van-minh-bo-doi-hay-cong-an/

8. Religious Freedom Designations - Press Statement. (2022, December 2). U.S. Department of State. https://www.state.gov/religious-freedom-designations-2/

9. Duy Linh, Thanh Hiền. (2022, December 15). Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là thiếu khách quan. Báo Tuổi Trẻ. https://web.archive.org/web/20221215120713/https://tuoitre.vn/my-dua-viet-nam-vao-danh-sach-theo-doi-dac-biet-ve-tu-do-ton-giao-la-thieu-khach-quan-20221215170303091.htm

10. BPSOS Applauds US State Department for Placing Vietnam on the Special Watch List. (2022, December 5). BPSOS - Vietnam Advocacy Project (Facebook). https://www.facebook.com/VNAdvocacy/photos/a.426661884104265/4938046612965747/

11. Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo: 16 năm vẫn quanh quẩn. (2022, December 21). Luật Khoa. https://www.luatkhoa.com/2022/12/viet-nam-lot-vao-danh-sach-theo-doi-dac-biet-ve-tu-do-ton-giao-cua-my-16-nam-van-quanh-quan/?ref=luat-khoa-newsletter

12. Nhà chức trách tỉnh An Giang tiếp tục ngăn chặn Giáo Hội PGHH Thuần Tuý Tổ Chức Lễ Đản Sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ. (2022, December 16). Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy (Facebook). https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02R51FCPK6MPqXmzYW139NaAso993JZo4rK4fcaDVnwVDjrvQ1jFJ1R7nHHDc8JA6al&id=100064733767431

13. Vũ Tuấn - Quàng Hưởng. (2022, July 3). Sự thật về đạo “Bà cô Dợ”: Kỳ 2: Cần xử lý nghiêm các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật. Báo Sơn La. https://baosonla.org.vn/phong-su/su-that-ve-dao-ba-co-do-ky-2-can-xu-ly-nghiem-cac-hoat-dong-tin-nguong-ton-giao-trai-phap-luat-sWfYhAcVR.html

14. Xuân Mai. (2022, January 27). Bộ mặt thật của đạo “Bà Cô Dợ.” Báo Công an Nhân Dân Điện Tử. https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/bo-mat-that-cua-dao-ba-co-do-i642921/

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.