Phạm Công Tắc và những tư tưởng tranh đấu của đạo Cao Đài

Một di sản còn nhiều tranh cãi.

Phạm Công Tắc và những tư tưởng tranh đấu của đạo Cao Đài
Đồ họa: Luật Khoa.

Năm 2006, việc di dời hài cốt của Hộ pháp Phạm Công Tắc - một trong những người sáng lập đạo Cao Đài và cũng là một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng ở Việt Nam thế kỷ 20 - đã khơi dậy những tranh cãi về cuộc đời và di sản của ông trong giới tín đồ Cao Đài cả ở Việt Nam và hải ngoại. [1]

Trước khi mất, Phạm Công Tắc đã xin hoàng thân Sihanouk cho hài cốt của ông được ở lại Campuchia đến khi nào Việt Nam hòa bình, thống nhất và trung lập. Nhiều tín đồ Cao Đài tin rằng ngày mà hài cốt của vị lãnh tụ này được trao trả, cũng chính là thời điểm tự do tôn giáo sẽ trở lại với Việt Nam, là dấu mốc cho việc bình thường hóa hoàn toàn trong mối quan hệ giữa đạo Cao Đài với chính quyền hiện tại.

Tuy nhiên, tình hình tôn giáo ở Việt Nam vẫn chưa có tiến triển gì tại thời điểm đưa hài cốt của ông trở về.

Kể từ năm 2004, Việt Nam bị liệt kê vào nhóm các “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC) vì các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo. [2] Nhờ các thỏa hiệp liên quan đến WTO, Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nói trên. Tuy nhiên, đáp lại việc nhượng bộ này là Việt Nam cần hành động ngay lập tức để tạo điều kiện tái hòa nhập cho các nhóm tôn giáo đã và đang bị trừng phạt. Việc hài cốt của Phạm Công Tắc bất ngờ được phép trở về an táng tại quê nhà là một trong những biểu hiện của “điều kiện” đó.

Nhằm tìm hiểu sâu hơn về nhân vật Phạm Công Tắc và tư tưởng của ông, người viết xin phép giới thiệu một nghiên cứu có tên là “A Posthumous Return from Exile: The Legacy of an Anticolonial Religious Leader in Today’s Vietnam” của tác giả Janet Hoskins, Đại học Nam California, Hoa Kỳ. [3]

Trong nghiên cứu của mình, tác giả cho rằng đóng góp quan trọng nhất của Phạm Công Tắc nằm ở việc ông đã khởi xướng một dự án (được cho là không tưởng) nhằm hỗ trợ công cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Theo đó, Phạm Công Tắc sử dụng các khái niệm tôn giáo để hình dung ra quyền tự chủ quốc gia, cũng như thiết kế bộ máy quyền lực riêng biệt nhằm đạt được quyền tự chủ này.

***

Hộ pháp Phạm Công Tắc (ngồi ghế, phải) và các chức sắc Cao Đài. Ảnh: Walter Bosshard chụp năm 1930.

Nghiên cứu bắt đầu với việc mô tả Phạm Công Tắc là một nhà cải cách tôn giáo có sức ảnh hưởng, người tạo ra cách thức cầu cơ mới và sáng tác ra nhiều kinh kệ, tài liệu tôn giáo mới cho Cao Đài.

Các buổi cầu cơ của ông thường không nhận cơ giáng bằng cách lần theo các Hán tự vùi trong cát mà bằng chữ quốc ngữ ký âm theo hệ ngữ Latin - một dạng chữ viết cho phép đọc được bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Điều này được tác giả mô tả là rất phù hợp với môi trường đa văn hóa và ngôn ngữ của đời sống tâm linh thời kỳ đầu thuộc địa ở Việt Nam, khi mà thanh thiếu niên dần được đào tạo trong những ngôi trường dạy tiếng Pháp.

Sự biến đổi cách thức đọc viết và giao tiếp đại chúng do quá trình xâm chiếm của Pháp được coi là sự mở đường cho các kỹ thuật tâm linh mới, trong đó việc giao tiếp không chỉ giới hạn với các linh hồn vĩ đại trong truyền thống châu Á, mà còn với cả những linh hồn Tây Âu. Việc giao tiếp và nhận các thông điệp bằng tiếng Pháp xuất hiện ngày một nhiều trong các lần cơ bút của Phạm Công Tắc. Đây cũng là đặc điểm nổi bật nhất của các buổi hầu cơ mà ông sớm lãnh đạo. Tuy nhiên, ông không bao giờ tuyên bố rằng mình là tác giả của những thay đổi này, mà đều quy cho đó là sự hướng dẫn của thần linh. Điều này một phần cho thấy lối hành xử khéo léo và cũng là chiến thuật lãnh đạo quan trọng của ông.

Phạm Công Tắc không chỉ đóng vai trò là cầu nối để nhận những thông điệp tâm linh, mà ông còn biến mình thành người đối thoại trực tiếp trong những cuộc trò chuyện với thần linh. Vì lý do này, ảnh hưởng của ông đối với hiến chương Cao Đài lớn hơn nhiều so với Lê Văn Trung hay bất kỳ nhà sáng lập nào khác.

“Pháp Chánh Truyền” là tài liệu do Phạm Công Tắc biên soạn, chỉnh sửa và xuất bản như một bản hiến pháp của đạo Cao Đài, bao gồm một loạt các thông điệp cơ bút nhận được trong buổi lễ khai đạo tổ chức tại chùa Gò Kén, Tây Ninh vào năm 1926. Tài liệu này còn được bổ sung thêm các giải thích và bình luận của ông, không chỉ ghi lại các chỉ dẫn do ông nhận được, mà bất ngờ hơn là còn chứa đựng cả những nghi ngại của chính ông về đại đạo, và đôi khi là những nỗ lực chống lại sự tin tưởng hoặc phục tùng vô điều kiện đối với đạo.

***

Một buổi thực hành nghi lễ đạo Cao Đài tại Tây Ninh. Ảnh: Walter Bosshard chụp năm 1930.

Di sản của ông còn phải kể đến một loạt đạo nghị định thiết lập sự thống nhất giáo lý lúc đạo Cao Đài rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Trước tình trạng ly khai và gia nhập các nhánh mới của Cao Đài, Phạm Công Tắc đã ban hành “Đạo Nghị định thứ 8” tuyệt thông các nhóm ly giáo và coi họ như những kẻ bội đạo. [4] Tài liệu này đã trở thành trở ngại lớn nhất cho nỗ lực tái thống nhất các chi phái Cao Đài trong nhiều thập niên.

Ngoài ra, đạo Cao Đài được biết đến nhờ sự dung hòa và chọn lọc các giá trị tôn giáo châu Âu, vốn được xem là kết quả thừa hưởng từ Phạm Công Tắc, vì không có nhánh nào khác của đạo nhận được nhiều sự hướng dẫn về đạo đức và tôn giáo từ các nhân vật không phải người châu Á.

Victor Hugo và Jeanne d'Arc - “các vị thánh Âu châu” nổi tiếng nhất trong đạo Cao Đài - đều là những linh hồn ban đầu chỉ trò chuyện với Phạm Công Tắc. Họ được cho là từ chối hiện thân nếu không có ông ở đó để tiếp chuyện.

Dựa vào sự đối thoại với các đấng, ông đưa ra một số tư tưởng ảnh hưởng từ châu Âu như việc tranh luận về quyền lực tập trung của Giáo hoàng hay yêu cầu giải thích về sự thiếu nhất quán theo học thuyết bình đẳng giới khi phụ nữ không thể trở thành Chưởng Pháp hoặc Giáo Tông.

Thú vị hơn, việc biến các nhân vật lịch sử và văn học phương Tây thành các vị thánh đạo Cao Đài không phải là để suy tôn văn hóa phương Tây. Ngược lại, Phạm Công Tắc mang các vị thánh này vào Cao Đài một mặt để ca ngợi các cá nhân xuất chúng hoạt động vì quốc gia - dân tộc, mặt khác để thực hiện khát vọng phi thực dân hóa thông qua sự kế thừa các nền tảng giá trị tốt đẹp của nhân loại, tiến tới chủ trương “chung sống hòa bình”.

Về sau, hành trình của ông chuyển từ việc tìm kiếm di sản theo chủ nghĩa bản địa/ phương Tây sang một tầm nhìn quốc tế hơn về một đức tin thống nhất, đại đồng.

Sự thay đổi này xảy ra khi hoàn cảnh chính trị thay đổi và vai trò của tôn giáo thuộc địa thời kỳ đầu được cân nhắc lại bởi Phạm Công Tắc.

Theo đó, khi vừa hình thành, Cao Đài được cho là nỗ lực đổi mới và xây dựng lại khế ước xã hội của Việt Nam và chữa lành những đau thương của chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, tư duy chính trị thế giới thay đổi và quốc tế bắt đầu có nhận thức rõ hơn về tính tất yếu của quá trình phi thực dân sau Đệ nhị Thế chiến. Ông cũng là một trong những lãnh tụ tôn giáo - chính trị đầu tiên của Việt Nam nỗ lực bác bỏ vai trò “truyền bá văn minh” được gán cho chủ nghĩa thực dân.

***

Các nữ chức sắc Cao Đài. Ảnh: Walter Bosshard chụp năm 1930.

Sự nghiệp của Phạm Công Tắc đôi khi được so sánh với Gandhi ở Ấn Độ. Ông cố gắng sử dụng chủ nghĩa Đông phương để chống lại đế quốc thực dân. Trong khi đó, Gandhi cũng đề cao chủ nghĩa dân tộc - văn hóa như một chiến lược chủ chốt của việc chống thực dân.

Phạm Công Tắc thường thuyết pháp về các vấn đề như phản hiện đại và đề cao việc khôi phục các giá trị truyền thống. Tư duy phản hiện đại của ông dường như được xem là tân tiến và hợp lý nhất trong các nhà hoạt động chống thực dân.

Phạm Công Tắc còn nhấn mạnh rằng đạo Cao Đài cần phải độc lập, từ chối liên minh với bất kỳ thành tố chính trị nào ở Việt Nam và từ đó tìm kiếm con đường hòa bình thông qua quá trình phi thực dân hóa bằng chính phương pháp của đạo Cao Đài.

Các tín đồ Cao Đài từ lâu đã nuôi dưỡng một tầm nhìn không tưởng về việc sống như một cộng đồng tự trị, không cần phải chiều theo chính quyền thực dân Pháp hay Việt Minh.

Trong giai đoạn 1946 - 1954, họ đã gần thực hiện được mong muốn đó, vì người Pháp đồng ý thành lập một “nhà nước bên trong nhà nước”. Trong đó, các tín đồ Cao Đài có chính quyền riêng, tự thu thuế, được hưởng tự do tôn giáo và được nhận vũ khí, tài trợ từ Pháp cho quân đội của họ. Những người lính Cao Đài phục vụ dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh nội bộ, như một lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưng không bị cử đi chiến đấu với Việt Minh ở miền Bắc.

Điều này đã tạo ra một chế độ chính trị thần quyền thu nhỏ trong tỉnh Tây Ninh, nơi mà việc phô diễn quyền lực đầy kịch tính có thể được hiểu như là nỗ lực thể hiện giấc mơ về quyền tự trị mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa.

Cũng vì những lý do trên, mặc dù Phạm Công Tắc tự mô tả mình “đi theo con đường giống như Gandhi” nhưng nhiều người vẫn nhận thấy rằng việc lựa chọn cách thể hiện tinh thần tôn giáo mang tính quân sự của ông cho thấy cái tôi và sự tìm kiếm quyền lực có tính chất cá nhân nhiều hơn so với nhà lãnh đạo độc lập của Ấn Độ. Việc chấp nhận quân sự hóa đạo Cao Đài, đối với các tín đồ đạo Cao Đài khác cũng như đối với nhiều người ngoại đạo, là vấn đề gây tranh cãi nhất trong sự nghiệp của ông.

***

Việc tranh luận sôi nổi xoay quanh câu chuyện di dời hài cốt của Phạm Công Tắc ngoài phản ánh một số khía cạnh tương đồng giữa các tôn giáo trong bối cảnh thuộc địa và hậu thuộc địa còn cho thấy khuynh hướng của các tôn giáo miền Nam Việt Nam là vừa bắt chước và vừa đồng hóa một cách tượng trưng các nguồn thẩm quyền thần thánh khác nhau. Việc đón nhận tính hiện đại từ rất sớm của đạo Cao Đài đã đi xa hơn rất nhiều so với các hệ tư tưởng thời bấy giờ.

Có thể hiểu Phạm Công Tắc với tư cách là một người trình diễn. Ông đã dựa vào nhiều “tiết mục” khác nhau và kết hợp chúng thành một sự thể hiện diễn ngôn quyền lực hiệu quả. Điều này cho phép tác giả đưa phân tích của mình đến gần hơn phân tích của các học giả đương đại về tôn giáo Đông Á, vốn cho rằng các tôn giáo như Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo - như trong kinh Cao Đài rao giảng - giống như những “tiết mục trình diễn” hơn là “tôn giáo”. Giáo lý của chúng không loại trừ lẫn nhau mà nên được hiểu như những nguồn tài nguyên văn hóa mà từ đó các cá nhân đã sắp xếp những ý tưởng và lối thực hành khác nhau vào những thời điểm khác nhau.

Phạm Công Tắc không phải là nhà lãnh đạo tối cao hay quan trọng nhất của đạo Cao Đài, nhưng có thể nói ông là người có các chính sách và định hướng chính trị nổi bật nhất. Di sản của ông để lại vừa có sức hút phi thường, mang tính tuyên truyền tích cực nhưng cũng vừa mang tính chia rẽ, loại trừ. Hơn nửa thế kỷ sau khi ông qua đời, di sản của ông vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.

Nguồn gốc đạo Cao Đài giữa đất Nam Kỳ
Đạo Cao Đài là một tôn giáo mới phát triển gần 100 năm nay. Tôn giáo này bắt nguồn từ một hoạt động đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn là cầu cơ và chấp bút. Đạo Cao Đài ra đời vào những năm 1920 từ các buổi cầu cơ của một số công chức […]
Tôn giáo tháng 3/2022: Chính quyền tổng kết 30 năm kiểm soát đạo Cao Đài
“Ngày Đức Thầy vắng mặt” bị cấm cản; giáo xứ An Hòa tiếp tục khiếu nại đòi đất.

Chú thích

1. Hồi hương liên đài Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc. (2006, November 29). Thanh Niên. https://thanhnien.vn/hoi-huong-lien-dai-duc-ho-phap-pham-cong-tac-185107753.htm

2. Văn Tâm. (2022, December 21). Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo: 16 năm vẫn quanh quẩn. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2022/12/viet-nam-lot-vao-danh-sach-theo-doi-dac-biet-ve-tu-do-ton-giao-cua-my-16-nam-van-quanh-quan/

3. Janet Hoskins. (2012). A Posthumous Return from Exile: The Legacy of an Anticolonial Religious Leader in Today’s Vietnam. Southeast Asian Studies 213.

4. Bát Đạo Nghị Định. Cao Đài Từ điển. https://web.archive.org/web/20091201070953/http://caodaiebook.net/CaoDaiTuDien/b/b1-093.htm

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.