Phận người thời bao cấp tựa chim bói cá giữa biển cả

“Một cuốn sách không thể quên.”

Phận người thời bao cấp tựa chim bói cá giữa biển cả
Ảnh bìa sách: Công ty Nhã Nam, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Đồ họa: Luật Khoa.

Tiểu thuyết “Biển và chim bói cá” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn là những câu chuyện vụn vặt giàu chất trào phúng của gần 20 người làm việc trong Liên hiệp đánh cá Biển Đông ở miền Bắc vào cuối bao cấp, đầu Đổi mới. 

Bùi Ngọc Tấn viết về những xót xa, đau khổ lẫn niềm vui trong cuộc sống; những nét đẹp và những mặt đen tối tiềm tàng của mỗi con người ở thời đại đó. 

Trước khi viết tác phẩm này, Bùi Ngọc Tấn từng có hai mươi năm cùng sống và làm việc với những ngư dân trong Xí nghiệp quốc doanh đánh cá Hạ Long, vì thế mà cuốn tiểu thuyết này chứa đầy tính thời sự, mang dáng dấp của một cuốn tiểu thuyết tư liệu lẫn một cuốn hồi ký viết về quãng đời đã qua của tác giả. 

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán/ VnExpress.

Phần đầu của tác phẩm là tập hợp các câu chuyện về phận người lênh đênh trên biển đang lâm vào cảnh thất nghiệp và chờ việc. Phần sau kể về cuộc sống của những người trên bờ, họ làm việc trong các phòng ban của xí nghiệp.

Ngay trong chính nhan đề tác phẩm, Bùi Ngọc Tấn đã thể hiện cuộc vật lộn của con người – những con chim bói cá – với biển cả vô tận. Biển trong tâm thức của những người lao động là một phần không thể tách rời, tức là nguồn sống, là miếng cơm manh áo. Cuộc sống của họ là những tháng ngày lênh đênh trên biển, chống chọi với bão tố, mưa dông, sương mù, và hàng ngàn khó khăn rình rập. 

Song, mối quan hệ giữa con người với biển cả không chỉ là đối đầu, mà còn là thân thiết khó tách rời. “Biển nuôi người cả ngày đêmkhi con người sống nương tựa vào sự bao dung, hào phóng của biển cả. Họ lao vào biển, như Dương Tường đã miêu tả con chim bói cá “khi con nó đói, nó liều mình giáp đấu với sóng cả”. Họ cũng tận hưởng cuộc đời mình giữa biển khơi hùng vĩ, có lúc dữ dội và cũng có lúc vô cùng trìu mến. 

Ngoài cuộc vật lộn với biển cả, các nhân vật trong quyển tiểu thuyết còn phải chật vật trong những cơn sóng của biển đời. Bùi Ngọc Tấn đã đánh giá lại những mặt tiêu cực của nền kinh tế kế hoạch hóa qua Biển và chim bói cá. Cơ chế xã hội cào bằng ấy khiến những người nỗ lực, cố gắng bị xem thường và quên lãng, những người thực sự giỏi giang không được trọng dụng; còn những ai biết luồn cúi, biết “ăn cắp cho có ăn học” thì được tôn vinh. Đó là một sự phi lý, và cũng là một sự thật đau đớn trong xã hội lúc bấy giờ. Cảm hứng nhận thức lại quá khứ đã khiến văn chương của Bùi Ngọc Tấn không hề “minh họa”, tô vẽ màu hồng lên hiện thực mà đa sắc, đa chiều kích.

Điều khó khăn và đau đớn nhất của những nhân vật trong Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn không phải là việc vật lộn với thiên nhiên, với xã hội, mà là việc vật lộn với chính bản thân mình. Những người nghèo khó ấy dần bị xã hội bao cấp biến đổi, trở thành người cơ hội, tranh thủ buôn lậu trên những chuyến tàu để kiếm thêm ít tiền đem về cho vợ con, hay đi xin chút “tình thương” là những con cá, con tôm bòn rút từ xí nghiệp. Bùi Ngọc Tấn khắc họa nên những con người đa diện, vừa có mặt tốt đẹp nhưng cũng có những giây phút sai trái, vừa đáng trách nhưng cũng đáng thương. 

Ảnh tư liệu chụp từ trang cá nhân của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Nguồn: Báo Thanh Niên.

Biển và chim bói cá là một cuốn tiểu thuyết hiện đại độc đáo, đầy chất chiêm nghiệm và suy tư của Bùi Ngọc Tấn. Câu chuyện được nối kết nhau bởi những mảnh vỡ đầy mơ hồ và tác giả đã trao cho người đọc quyền tự nối kết những mảnh vỡ đó để tạo ra đáp án riêng cho mình. Ẩn sau những câu từ có phần dửng dưng, khôi hài, đôi lúc còn pha lẫn những từ ngữ thô tục là cả một hiện thực hết sức nghiệt ngã mà chính tác giả đã mắt thấy, tai nghe và trải qua. Sự nhạy cảm của một nhà văn đã giúp Bùi Ngọc Tấn khắc họa rõ nét một giai đoạn khó khăn của người Việt Nam, từ đó hướng người đọc đến các giá trị nhân văn sâu sắc với lòng cảm thông, thấu hiểu cho những kiếp người mạt vận. 

Năm 2012, tác phẩm “Biển và chim bói cá” đạt giải thưởng Henri Queffélec tại Festival Livre et Mer (Sách và Biển). Những nét đặc sắc trong cách kể chuyện và nội dung tác phẩm đã khiến tác phẩm trở thành “một cuốn sách không thể quên”, như Dương Tường trong lời mở đầu quyển sách.

Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Hải Phòng. Ông là một nhà báo, nhà văn có sức ảnh hưởng lớn trên văn đàn Việt Nam. Với sức viết dồi dào và những trải nghiệm cuộc sống phong phú, Bùi Ngọc Tấn tạo dấu ấn trong lòng bạn đọc với những tác phẩm: Nguyên Hồng, thời đã mất (1993), Một thời để mất (1995), Chuyện kể năm 2000 (2000), Rừng xưa xanh lá (2004), Biển và chim bói cá (2008), v.v. Năm 2014, nhà văn qua đời tại Hải Phòng, hưởng thọ 81 tuổi.


5 cuốn sách cấm nên đọc một lần trong đời
Đọc sách cấm trong đêm tuyết rơi là một niềm vui của đời người.
“Những thiên đường mù” của Dương Thu Hương
Lịch sử Việt Nam qua câu chuyện của một gia đình.
Dám đoạn tuyệt, dám sống một cuộc đời riêng
Ai cũng có quyền được tự do sống cuộc đời riêng mà không bị phán xét.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.