Luật Khoa: 10 bài học sau 10 năm làm báo
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Luật Khoa: 10 bài học sau 10 năm làm báo0:00/907.
Đọc sách cấm trong đêm tuyết rơi là một niềm vui của đời người.
Bài viết này được đăng trong số báo Tết năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, phát hành ngày 31/1/2022. Tải miễn phí tại đây.
Sống ở một quốc gia mà chính quyền luôn lo ngại xã hội “đi chệch hướng” như Việt Nam, bạn có lẽ không lạ gì chuyện cấm sách. Dưới chế độ hiện tại, có những cuốn sách sẽ không bao giờ có cơ hội được phát hành công khai, có những cuốn được phép in ra rồi bị thu hồi, nhiều cuốn sách khác thậm chí có thể khiến bạn bị tra tấn chỉ vì bạn dám đi giao chúng. [1] Lý do sách bị cấm có thể được diễn giải bằng nhiều cách, nhưng tóm gọn lại là chúng trái ý của một nhóm người có quyền quyết định toàn thể nhân dân nên và không nên đọc gì.
Cấm sách là một dạng kiểm duyệt, và kiểm duyệt thì cũng có vài ba mặt. [2] Dù kiểm duyệt là kẻ thù của tự do học thuật và sự sáng tạo, nhiều người sẽ cho rằng nó giúp loại bỏ những tài liệu độc hại từ trong trứng nước, từ đó mang lại sự an toàn và ổn định. Bạn có thể có quan điểm của mình. Còn tôi, thân là một người mãi đến lúc cao niên mới nhận ra đời mình bị định hướng bao năm qua, tôi thấy cái hại của kiểm duyệt vượt xa, rất xa cái lợi.
Kiểm duyệt thậm chí còn chẳng có lợi với chính người kiểm duyệt, vì một hiệu ứng tâm lý hiểu nôm na là “càng cấm càng cố” (reactance theory). [3] Một cuốn sách nếu được tiếng là sách cấm, người ta sẽ lại càng săn lùng nó hơn. Năm 1928, nhà báo Phan Khôi đã luận rất hay về chuyện này trong một bài viết trên Đông Pháp Thời báo. [4]
“Một cuốn sách, bất kỳ nội dung nó ra làm sao, cứ để yên không cấm thì người ta coi như thường. Dầu có lắm người khích thích vì nó chăng nữa, song cũng còn có lắm người coi như thường. Đến cấm đi một cái, thì hết thảy ai nấy đều chú ý vào nó. Cấm đi, là muốn cho người ta đừng đọc, mà không ngờ lại làm cho người ta càng đọc!
[...]
Thiên hạ họ mua sách cấm mắc tiền lắm, thường giá mắc gấp đôi lúc chưa cấm, lâu ngày, rồi đến gấp mười gấp trăm. Tức như dân An Nam là dân không ham đọc sách, hay tiếc tiền, mà đến sách cấm thì cũng trằn trọc trằn xa mua cho được. Mua rồi đọc chùng đọc vụng, ai biết đâu mà bắt.”
Giờ là gần trăm năm sau, ta vẫn thấy chuyện không khác mấy. Chính quyền có thể tinh vi hơn trong việc cấm cản, nhưng bàn dân thiên hạ thể nào cũng sẽ có cách. Phan Khôi cũng nhắc đến một câu nói phổ biến ở Trung Quốc: “Các cái vui ở thế gian không cái nào bằng trong đêm có tuyết, đóng cửa lại mà đọc sách cấm”.
Việt Nam có lẽ sẽ còn có chuyện cấm sách dài dài; dân Việt Nam, cùng với đó, cũng nên phát triển cái thú vui này, hẳn sẽ góp phần nâng cao dân trí lắm.
Tuy vậy, sách cấm không nhất thiết là sách hay. Ở đây xin liệt kê vài tựa sách tôi thấy xứng đáng để đóng cửa lại mà đọc trong một đêm gió lạnh, gặm nhấm cái thú mà cổ nhân đã nói.
Vào năm 2013, cuốn sách kinh điển này từng được xuất bản bằng tiếng Việt dưới tên gọi “Chuyện ở nông trại”. Giai thoại kể rằng cơ quan kiểm duyệt nghe tựa tưởng nó là truyện cổ tích nên cho in. Công chúng nức lòng được ít lâu thì cuốn sách bị thu hồi, đơn vị xuất bản bị xử phạt. [5] Kết luận phán rằng tác phẩm “chứa rất nhiều luận điểm sai trái về chủ nghĩa xã hội.” [6]
“Animal Farm” ra mắt năm 1945, và đến nay đã được dịch ra khoảng 70 thứ tiếng. [7] Vào thời Chiến tranh Lạnh, CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ) được cho là đã gửi hàng triệu quả bóng bay trong đó có cuốn sách này để rải sang lãnh thổ Ba Lan, Hungary và Tiệp Khắc, những thành trì của phe xã hội chủ nghĩa. [8] Đến nay, cuốn sách vẫn được vinh danh là tác phẩm châm biếm vừa bất hủ lại vừa có tính thời đại (timely and timeless) chống lại chế độ độc tài toàn trị.
Bản dịch tiếng Việt của Phạm Minh Ngọc | Bản gốc tiếng Anh
“Bên thắng cuộc”, ra mắt cuối năm 2012, là một cuốn sách vô tiền khoáng hậu. Từ những tư liệu thu thập được trong hơn hai mươi năm, nhà báo Huy Đức khắc họa một bức tranh sau ngày 30/4/1975 khác hẳn với những tài liệu chính thống. Những cuộc nói chuyện gần như độc quyền của ông với các lãnh đạo chính quyền thời ấy lần đầu tiên hé lộ hậu trường của các quyết sách gây thảm kịch như cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền, hay nạn kiều v.v.
Cuốn sách này không hẳn là bị cấm, vì sau khi một vài nhà xuất bản trong nước từ chối bản thảo, tác giả quyết định tự in và phát hành trên Amazon. Đó được xem là lần đầu tiên một tác giả Việt Nam chọn cách làm này để tránh kiểm duyệt trong nước.
“Bên thắng cuộc” được giáo sư Trần Hữu Dũng (chủ trang viet-studies.net) đánh giá là “quyển sách hay nhất viết về lịch sử Việt Nam sau 1975” mà ông được biết. [9] Cuốn này đặc biệt phù hợp cho người đọc ở độ tuổi cuối cấp ba - đầu đại học, khi quá trình định hình bản thân bắt đầu và quá trình nhồi sọ lịch sử trong hệ thống giáo dục tăng tốc. Những tư liệu dày dặn, chi tiết trong sách sẽ giúp người đọc có thêm thông tin để đối chiếu với những gì được dạy, từ đó cơi nới không gian tư duy của chính mình.
Vì nói như tác giả trong lời nói đầu: “Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ.”
Đầu năm 2017, cuốn hồi ký của học giả Trần Trọng Kim (1882 - 1953) được xuất bản tại Việt Nam. Nửa năm sau, nó bị thu hồi vì nội dung “không phù hợp, không khách quan, hoặc chưa được kiểm chứng”. [10] Đây là một tình huống kinh điển thường xảy ra với các cuốn hồi ký của những nhân vật lịch sử không “chính thống”. Nó phải đợi đến vài thập niên sau mới được ra mắt khi chịu cắt bỏ những phần “nhạy cảm”, nhưng sau cùng vẫn bị thu hồi khi có ai đó không hài lòng.
Trần Trọng Kim là một học giả, sử gia, nhà giáo dục lừng lẫy đầu thế kỷ XX. Ông cũng là một chính trị gia, từng giữ chức tổng trưởng (thủ tướng) của Đế quốc Việt Nam, một nhà nước chỉ tồn tại trong 5 tháng trước Cách mạng Tháng Tám 1945. “Một cơn gió bụi” được viết năm 1949, kể lại quãng thời gian ông hoạt động chính trị. Nội dung một số chương sách kể về hoạt động của Hồ Chí Minh và Việt Minh, trong đó có nhắc đến một nữ đảng viên được cho là có con gái với ông Hồ.
Chi tiết này có trong bản in năm 1969 ở Sài Gòn, nhưng hiển nhiên không được phép xuất hiện trong phiên bản bị thu hồi năm 2017.
Bản tiếng Việt của cuốn sách này gắn liền với tên tuổi của Tủ sách Tinh hoa thuộc Nhà xuất bản Tri Thức. Sách được in năm 2009 và bị cấm tái bản luôn từ đó . Năm 2018, khi giáo sư Chu Hảo, giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức bị kỷ luật Đảng, “Đường về nô lệ” là một trong những bằng chứng được dùng để chứng minh những “sai phạm nghiêm trọng” của ông. [11]
Chung quy là vì trong cuốn sách này, kinh tế gia đại diện cho chủ nghĩa tân tự do Hayek đã cho rằng chủ nghĩa xã hội, cụ thể là hình thái kinh tế kế hoạch hóa tập trung, tất yếu sẽ dẫn đến chế độ nô lệ. [12] Quả nhiên là các cán bộ kiểm duyệt chỉ quan tâm đến đó, chứ không thể nhìn cuốn sách như đại diện của một trường phái kinh tế học trong lịch sử. Kể cả khi Việt Nam đã từ bỏ kinh tế kế hoạch hóa, những quan điểm này vẫn bị cho là xuyên tạc chủ nghĩa xã hội. Mà Hayek nào phải là một kẻ vô danh tiểu tốt. Ông được trao giải Nobel Kinh tế năm 1974.
Phải đọc sách thì mới thấy, tư duy ủng hộ thị trường tuyệt đối của Hayek thật ra là rất gần với cách mà xã hội Việt Nam vận hành bây giờ.
Đọc bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Quang A | Đọc bản dịch tóm tắt của Phạm Nguyên Trường
Đây có lẽ là cuốn tiểu thuyết có số phận lận đận nhất trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Chỉ một tháng sau khi ấn hành, cuốn sách không những bị thu hồi, mà còn bị tiêu hủy. [13] Nghiền nát. Đưa vào bể axit.
“Chuyện kể năm 2000” mô tả cuộc sống trong nhà tù qua con mắt của Tuấn, một trí thức phải chịu án tù oan. Nhiều người cho rằng đó là câu chuyện của chính tác giả. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn phải ngồi tù gần 5 năm, từ tháng 11/1968 đến tháng 3/1973, với tội danh “Tuyên truyền phản cách mạng” trong vụ án Xét lại chống đảng năm 1967. [14]
Theo các nhà phê bình, điều khiến cho cuốn sách này mang tầm vóc lớn là nhân vật trong truyện kể lại những nghịch cảnh bằng một giọng văn không mang thù hận. Anh cứ kể chuyện như vậy, kể lại những gì đã diễn ra như một người miệt mài ghi chép cuộc đời của chính mình, tin rằng đó là lịch sử.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời năm 2014. [15] Cuốn sách của ông không có chỗ trên chính quê hương mình, nhưng đã đến được với độc giả ở nước ngoài qua các bản in phụ, và được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp.
“Chuyện kể năm 2000”, giống như những bản thảo “không thể cháy” khác, dù đã bị nghiền nát, vẫn tìm được đường đến với công chúng của nó. [16]
Độc giả thời nay còn có thể đọc online tác phẩm tại đây. [17]
Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Cập nhật: Ban biên tập đã gỡ bỏ các đường link đọc online của một số tác phẩm trong bài vì lý do bản quyền. Xin cáo lỗi cùng các tác giả, dịch giả và bạn đọc.
1. Cao Nguyên. (2020, October 11). Nhà Xuất Bản Tự do tại Việt Nam bị cho là ‘nguy hiểm’ phải truy bức! Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/liberated-publisher-being-crackdowned-01062020123626.html
2. Y Chan (2019, February 19). Kiểm duyệt: Bàn tay che nắng hay che được cả trời? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2019/02/kiem-duyet-ban-tay-che-nang-hay-che-duoc-ca-troi/
3. APA Dictionary of Psychology. APA Dictionary. https://dictionary.apa.org/reactance-theory
4. Phan Khôi (1928, September 1) Cấm sách, sách cấm. Đông Pháp Thời Báo. http://www.viet-studies.net/Phankhoi/PKhoi_CamSach.htm
5. Kính Hòa. (2020, October 11). Chuyện Súc vật và Chuyện kiểm duyệt. Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/animl-farm-n-censo-03152013064431.html
6. Petrotimes (2013, April 25). Những cuốn sách gây bức xúc của Nhã Nam. Https://Petrotimes.Vn/. https://web.archive.org/web/20210414222624/https:/petrotimes.vn/nhung-cuon-sach-gay-buc-xuc-cua-nha-nam-102061.html
7. Orwell in Translation. (2017, November 21). European Studies Blog. https://blogs.bl.uk/european/2017/11/orwell-in-translation.html
8. Shakespeare, N. (2019, August 20). Novel explosives of the Cold War. The Spectator. https://web.archive.org/web/20190826033137/https:/www.spectator.co.uk/2019/08/novel-explosives-of-the-cold-war/
9. Trần Hữu Dũng. (2012, November). Đọc “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức | Trần Hữu Dũng. Viet Studies. http://www.viet-studies.net/THDung/THDung_DocHuyDuc.htm
10. Dương Cầm. (2017, June 27). “Một cơn gió bụi” của Trần Trọng Kim bị thu hồi. ZingNews.vn. https://web.archive.org/web/20201125003908/https://zingnews.vn/mot-con-gio-bui-cua-tran-trong-kim-bi-thu-hoi-post758032.html
11. Anh Tuấn (2021, June 9). Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Chu Hảo rất nghiêm trọng. SKĐS Online. https://web.archive.org/web/20211207085703/https://suckhoedoisong.vn/uy-ban-kiem-tra-trung-uong-vi-pham-khuyet-diem-cua-dong-chi-chu-hao-rat-nghiem-trong-169150371.htm
12. Vi Yên (2018, November 1). Nghe Hayek đả phá chủ nghĩa xã hội trong “Đường về nô lệ.” Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2018/04/nghe-hayek-da-pha-chu-nghia-xa-hoi-trong-duong-ve-no-le/
13. Lê Anh Hùng (2016, September 1). Chuyện kể năm 2000 bị thu hồi và tiêu huỷ: âm mưu kim tiền của an ninh VN? VOA. https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-ke-nam-2000-bi-thu-hoi-va-tieu-huy-am-muu-kim-tien-cua-an-ninh-vn/3485291.html
14. BBC News Tiếng Việt. (2014, December 18). Nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/12/141218_buingoctan
15. Nguyên Ngọc (2015, December 20). Nhân hậu và anh hùng. Người Đô Thị. https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nhan-hau-anh-hung.html
16. Câu nói nổi tiếng trong tiểu thuyết “The Master and Margarita” của nhà văn Nga Mikhail Bulgakov (1891-1940). Đây cũng từng là một cuốn sách bị cấm ở Liên Xô dưới thời Stalin. Độc giả có thể tìm hiểu thêm tại đây. Nhà văn Nguyên Ngọc dùng câu nói này để mô tả tầm vóc của “Chuyện kể năm 2000”.
17. Bùi Ngọc Tấn. Chuyện kể năm 2000. Văn Việt. http://vanviet.info/van/chuyen-ke-nam-2000-ky-1-tieu-thuyet-cua-bui-ngoc-tan/