Những giấc mơ màu hạt dẻ

Trăn trở với quá khứ.

Những giấc mơ màu hạt dẻ
Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

"Những giấc mơ màu hạt dẻ" là tập tản văn đầy trí tuệ, lòng nhân ái và mỹ cảm của A Sáng, một nhà văn người Tày sinh ra ở Cao Bằng và hiện sống ở Hà Nội. Cuốn sách được xuất bản năm 2014, gồm hai phần: “Miền rừng” và “Phố thị”.

Sắm vai là người trong cuộc, tác giả không ngừng đặt câu hỏi về nguồn gốc của bùa ngải; vai trò của thầy Tào, thầy Mo trong đời sống tâm linh của dân tộc; sự ra đi của những viên đá hộc... Để rồi qua những câu chuyện đó, bức tranh đời sống của một dân tộc hiện ra.

Chuyện về bùa ngải

Với “Những giấc mơ màu hạt dẻ", độc giả sẽ bị thu hút ngay khi đọc những dòng kể về bùa ngải. Chính tác giả A Sáng cũng sinh ra trong vô vàn lời ra tiếng vào về ma lực của nó. Nhưng nếu hỏi có nên tin vào bùa ngải hay không thì A Sáng không có câu trả lời. Tin vào bùa ngải là lựa chọn của mỗi người. Mê tín cũng là quyền con người.

Có người khinh rẻ người làm bùa và cũng có kẻ trả tiền, cầu cạnh nó để làm hại người khác. Nhưng, đối với nhiều người, như người dân tộc Kinh, bùa ngải tồn tại như một loại định kiến để kỳ thị người Tày nói riêng và người dân tộc thiểu số nói chung.

Cùng với đó, tác giả không phủ nhận những hậu quả của những niềm tin vô căn cứ trong nội bộ người Tày về mặt đời sống tâm linh. Chẳng hạn, chị của tác giả bị cả họ hàng và làng xóm cho là ma ám nên mặc cảm dẫn đến tự vẫn. Nhưng tác giả cũng tin rằng những bài thuốc dân gian hiệu nghiệm, sản phẩm của trí tuệ bản địa cần được đào sâu, ghi nhận, tôn vinh và sử dụng hợp lý. Đó là cách tư duy dân tộc nào cũng đều có quyền được tôn trọng.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Rất nhiều trang viết trong “Những giấc mơ màu hạt dẻ" chứa đựng sự ngậm ngùi, tiếc nuối khi những giá trị truyền thống bị mất đi.

Đó là câu chuyện về những phiến đá hộc của người Tày. Ngày xưa, nó được dựng lên để ngăn gia súc và như một thứ luật bất thành văn, những phiến đá hộc này không được xây cao quá rốn người. Dân tộc Tày quan niệm như vậy để tránh việc tâm hồn con người bị che khuất. Nhưng rồi dần dà, chúng bị thay thế bởi những bức tường xi măng, gạch đá vô cảm, như một biểu tượng cho thấy cuộc đô thị hóa, hay “Kinh hóa" đã tràn về.

Càng trớ trêu thay khi chính người Tày lại tự chối bỏ nền văn hóa của họ và nhanh chóng hòa vào những cái mới, cái xa vời truyền thống để được coi là những công dân tân tiến.

Làn sóng đô thị ập tới, cuốn bay mất những câu hát dân gian, chừa chỗ cho các dàn nhạc karaoke. Trang phục áo chàm của con gái người Tày nhanh chóng bị áo thun, quần bò thay thế. Người Tày nói tiếng Việt nhiều hơn để chứng tỏ bản thân.

Tác giả không giấu nổi sự chua xót trước đồng bào của mình khi biết họ vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân làm phai mờ đi nền văn hoá bản địa. Tác giả viết: “Không ai khác, chính những con người của bản tôi, vì ầm ù trong đầu những tham vọng đáng thương nên mới thế”.

Hay chuyện xưa kia, với người Tày, con người sống hòa hợp với nhau và với thiên nhiên. Đin Phạ (ông Trời) như tòa án tối cao giám sát những hành động của muôn loài, và trừng phạt con người nếu họ gây hại môi trường hay ăn thịt thú rừng.

Nhưng Đin Phạ đã không còn nhiều chi phối tới cuộc sống hiện đại của người Tày. A Sáng xót xa khi thấy ruộng bậc thang mà biết bao thế hệ người bản địa làm nên lại đang biến mất. Núi đồi ngày một trơ khấc. Lũ quét hay nhiều thiên tai khác xảy ra, gây nhiều thiệt hại tài sản và con người. Hệ sinh thái đảo lộn và chính con người là nguyên nhân vì họ đã chặt phá cây cối.

Biết thêm nhiều thông tin về nền văn hóa bản địa, độc giả còn hình dung được thông điệp xóa bỏ định kiến với người dân tộc thiểu số của tác giả qua tập tản văn đầy trăn trở này.

Người đọc sẽ cảm nghiệm rằng rằng nền văn hóa của dân tộc Tày cần phải được nghiên cứu và bảo vệ một cách nghiêm túc và tất nhiên, nền văn hóa ấy cần phải được đón nhận bằng sự hiếu kỳ, cởi mở và khoan dung.

Tóm lại, cuốn sách của nhà văn A Sáng đã góp nên một tiếng nói bảo vệ nền văn hóa dân tộc thiểu số đang ngày bị phai nhạt trước những sức ép của hiện đại hóa, hay đồng hóa từ người Kinh. Bởi, sự mai một của văn hóa Tày cũng chính là thiệt thòi đối với văn hóa chung của đất nước.


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Đọc thêm:

Tìm hiểu về phân biệt sắc tộc qua các thuật ngữ pháp lý
Không ai an toàn trước nạn phân biệt sắc tộc.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.