Tìm hiểu về phân biệt sắc tộc qua các thuật ngữ pháp lý

Không ai an toàn trước nạn phân biệt sắc tộc.

Tìm hiểu về phân biệt sắc tộc qua các thuật ngữ pháp lý
Một người biểu tình với biểu ngữ “phân biệt chủng tộc mới là thứ dịch bệnh thật sự”. Ảnh chụp trong sự kiện biểu tình “Black Lives Matter” tại London, Anh vào tháng 6/2020. ủng hộ quyền bình đẳng của người Da Đen. Nguồn: James Eades/ Unsplash.

Phân biệt chủng tộc (racism) cho đến nay vẫn là một vấn đề nhức nhối mà mọi xã hội đa sắc tộc phải đối mặt. Là một công dân Việt Nam thuộc sắc dân đa số Kinh (ethnic majority), người viết chưa từng phải trải nghiệm một sự phân biệt nào đáng kể trong gần suốt cuộc đời mình (bỏ qua hai năm sinh sống ở nước ngoài).

Phần lớn người Việt Nam không hiểu được cảm giác bị phân biệt sắc tộc, khi toàn bộ chính thể Việt Nam đương đại mang bản sắc Kinh, đi theo tư duy Kinh và vì lợi ích người Kinh trước tiên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng chúng ta an toàn trước nạn phân biệt chủng tộc.

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc từng được thể chế hóa (institutionalised racism) đến mức trở thành lẽ thường của xã hội loài người trong một thời gian dài. Nó kéo theo chủ nghĩa thực dân (colonialism) cũng như chế độ nô lệ (slavery). Chính vì vậy, sự trở lại của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở một quốc gia đe dọa toàn bộ thành tựu tiến bộ mà nhân loại đã đạt được và đang hướng tới.

Những người nô lệ trên đảo Zanzibar vào thế kỷ 19. Trong một thời gian dài của lịch sử nhân loại, chế độ nô lệ từng được xem là hoàn toàn hợp pháp ở nhiều nơi. Nguồn: Bojan Brecelj/ Getty Images.

Bài viết giới thiệu một số khái niệm pháp lý và thuật ngữ quan trọng trong tiếng Anh về đề tài này. Hy vọng chúng ta vừa có thể vận dụng những thuật ngữ này trong bối cảnh phù hợp, vừa có thời gian nhìn lại và hiểu thêm về phân biệt sắc tộc.

Mối nguy hại toàn cầu của phân biệt sắc tộc

Phân biệt chủng tộc bắt đầu nhận được sự quan tâm của toàn thể nhân loại với Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (International Convention on the Elimination of Racial Discrimination), chính thức có hiệu lực vào năm 1969.

Phân biệt chủng tộc đặc biệt nghiêm trọng bởi chúng nhắm thẳng vào những đặc điểm bề ngoài của một con người mà họ không thể thay đổi. Đó là màu da (skin colours), màu tóc và kết cấu tóc (hair colours and textures), đặc điểm khuôn mặt (facial features), các đặc điểm hình thể (physical traits) và các yếu tố quan trọng khác tạo nên danh tính của một con người trong xã hội hiện đại.

Chúng đều là những thứ được DNA của con người định sẵn, không thể giấu kín hay chỉnh sửa hoàn toàn như tư tưởng chính trị hay quan điểm cá nhân. Tấn công hay phân biệt đối xử một con người dựa trên những đặc điểm nói trên cũng đồng nghĩa với việc tấn công họ ở thứ bản thể nhất, chân thật nhất, thứ mà họ không thể chối bỏ và không thể thay đổi.

Pháp luật quốc tế sử dụng thuật ngữ “racial discrimination” để chỉ sự phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc. Yêu cầu chung nhất của pháp luật quốc tế và các tư tưởng dân chủ cấp tiến hiện đại là loại bỏ (elimination) hoàn toàn mọi phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc.

Đặc điểm ngoại hình là cơ sở đầu tiên cho các hình thức phân biệt chủng tộc. Ảnh chụp buổi triển lãm dự án Humanae của nhiếp ảnh gia Angélica Dass vào năm 2017. Nguồn: Juane Miguel Ponce/ Newsweek.

Bạn đọc có thể đã để ý việc người viết dùng từ “sắc tộc” và “chủng tộc” một cách tương đối… lộn xộn để nói về “race”. Trong pháp luật về vấn đề phân biệt sắc tộc, có hai thuật ngữ được sử dụng thay thế và có thể gây ra nhiều tranh cãi: “ethnic” – thuần nghĩa sắc tộc và “race” – thuần nghĩa chủng tộc.

“Race” là các đặc điểm kiểu hình (phenotypic characteristics) mà chúng ta đã nhắc đến ở trên như màu da. “Ethnic” thì rộng hơn, bao gồm cả các yếu tố xác định danh tính khác như dân tộc (nationality), tôn giáo (religion), ngôn ngữ (language) và phong tục của một nhóm xã hội nhất định (traditions). Như vậy, có thể thấy “ethnic” – sắc tộc mang tính bao quát hơn, và bảo vệ toàn diện nhất cho các khác biệt có thể có về danh tính của một cá nhân.

Vì lý do này, dù gốc gác của các văn bản pháp lý về quyền con người nhắm vào “race”, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật để bao hàm cả ý nghĩa “ethnic” là rất quan trọng. Các nhóm yếu thế (marginalised groups), sắc dân thiểu số (ethnic minority hoặc racial minority)… là những thuật ngữ phổ biến để mô tả những nhóm khác biệt trong một cộng đồng.

Hai chế độ phân biệt sắc tộc khét tiếng nhất được biết đến là “apartheid” tại Nam Phi và “racial segregation” tại Hoa Kỳ – nghĩa chung là phân tách sắc tộc. Chế độ “apartheid” chỉ chấm dứt ở Nam Phi vào năm 1994. Còn các chính sách phân tách sắc tộc của Mỹ được bãi bỏ sau phong trào đấu tranh dân quyền vào thập niên 1950-60, với sự ra đời của Đạo luật Dân quyền 1964 (Civil Rights Act).

Ngoài ra, còn rất nhiều “nguyên lý” hay “niềm tin” khác liên quan đến sắc tộc hay chủng tộc. Quan điểm về “dĩ Hoa vi trung” hay “đại Hán” của Trung Quốc (SinocentrismHan chauvinism) , quan điểm về thiểu số kiểu mẫu (model minority) dành cho người châu Á tại các quốc gia phương Tây… đều là những tư duy mang mầm mống phân biệt và thượng đẳng sắc tộc (doctrine of racial differentiation or superiority). Nguy hiểm và được nhắc đến nhiều hơn trong thời gian gần đây là chủ nghĩa da trắng thượng đẳng (white supremacy).

Trẻ em da trắng chơi đùa tại một khuôn viên có bảng ghi “Chỉ dành cho trẻ em châu Âu”. Ảnh chụp năm 1956 tại Nam Phi. Nguồn: Three Lions/ Getty Images/ Mashable.

Tư duy thượng đẳng thường tin vào sự khác biệt sinh học không thể thay đổi giữa chủng tộc hạ đẳng (inferior race) và chủng tộc thượng đẳng (superior race). Người Kinh tại Việt Nam hiện nay không thể nói là miễn nhiễm với tư duy thượng đẳng, dù đã được bao phủ bởi các ngôn ngữ hòa nhập đại đồng của nhà nước Việt Nam.

Các hiện tượng phân biệt sắc tộc

Phân biệt sắc tộc có thể bám rễ ở bất kỳ thể chế chính trị – kinh tế – xã hội nào, từ giáo dục đến công lý hình sự (criminal justice hoặc administration of justice), từ việc tham gia vào các hoạt động chính trị (political participation) đến bản chất phân biệt sắc tộc bên trong nhiều định chế xã hội (social institutions) như tài chính – tín dụng. Việc liệt kê và phân tích toàn bộ các khả năng và hiện tượng của phân biệt sắc tộc rõ ràng là một điều không dễ dàng. Người viết vì vậy mong muốn tập trung vào những thuật ngữ pháp lý thường gặp nhất và có liên quan nhất.

Ta thử lấy một vài ví dụ liên quan trong mảng công lý hình sự. Tại nước Anh, xét đến khả năng đối mặt với việc kiểm tra hành chính tại các địa điểm thuộc không gian công cộng (stop and search), công dân da đen có xác suất gặp phải cao hơn 7,5 lần so với công dân da trắng. Tại Mỹ, khái niệm “stop and search” đặc biệt phổ biến khi mô tả việc cảnh sát dừng phương tiện tham gia giao thông để kiểm tra giấy tờ.

Tương tự, trong cuộc chiến chống ma túy (war on drugs) do chính phủ Hoa Kỳ phát động, các nghiên cứu độc lập phát hiện ra rằng người da đen chiếm đến 63% tổng số các can phạm ma túy (drug offenders) bị gửi vào nhà tù tiểu bang, và khả năng bị cáo da đen bị tuyên án tù (imprisonment) cao hơn khả năng bị cáo da trắng bị tuyên án tù lên đến hơn 10 lần. Trong các vấn đề liên quan đến tử hình (death penalty), người da đen chiếm đến 74% các án được công tố (prosecutor) đề nghị tử hình.

Trong học thuật, phân biệt sắc tộc được thể hiện một cách kín đáo hơn, nhưng có thể gây ra tác động tâm lý và thói quen tư duy cao hơn. Có những sự phân biệt ngầm ẩn trong vấn đề tuyển dụng (employment), chẳng hạn như tần suất xuất hiện thấp của các tác giả da đen trong chương trình đào tạo ngôn ngữ Anh (literature appearance).

Một triển lãm ảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 9/2017 tạo phản ứng mạnh trong dư luận quốc tế. Nhiều ý kiến cáo buộc các bức ảnh so sánh người da đen với động vật là hành vi phân biệt chủng tộc. Các ảnh này đã bị gỡ xuống sau đó. Nguồn: France24.

Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua thực tế về sự tồn tại của các phong trào phân biệt sắc tộc kháng cách (reverse racism hay reverse discrimination). Sẽ có những người da đen tin vào sự thượng đẳng của sắc dân Da Đen (Black racism) hay người châu Á tin vào sự thượng đẳng của các tộc Đông Á (Asian racism), để phân biệt với “white racism”. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây chỉ là hành vi tự vệ, phản kháng (counter-reaction) đối với sự thống trị và cứng đầu của các nhóm da trắng thượng đẳng. Đó cũng là lý do người viết gọi nó là “phân biệt sắc tộc kháng cách”, thay cho nghĩa đen của thuật ngữ tiếng Anh là “phân biệt sắc tộc ngược”.

Một thuật ngữ cũng rất phổ biến để mô tả hiện tượng phân biệt sắc tộc là quá trình tôn vinh, hiển thánh chủng tộc, sắc tộc (race glorification). Những lời truyền tụng về sự vượt trội, nhấn mạnh đặc tính thần thánh của một sắc dân (Holy people, God-chosen people)… là một trong các hoạt động quen thuộc của “race glorification”.

Ngoài ra, các thói quen như chủ nghĩa bài ngoại (xenophobia), thái độ bất dung thứ (intolerance) và chủ nghĩa vị chủng (ethnocentrism) đều là những cánh cửa dễ dàng dẫn đến chủ nghĩa phân biệt sắc tộc.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.