Án tử hình – các lập luận phản đối (phần 1)

Lập luận phổ biến nhất và có sức thuyết phục nhất chống án tử hình là: Sớm muộn rồi sẽ có người vô tội bị xử tử oan vì những sai lầm, khiếm khuyết của hệ thống tư pháp.

Vụ án Hồ Duy Hải dường như đã khơi mào cho cuộc tranh luận về án tử hình ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới, án tử hình là một vấn đề gây tranh cãi từ lâu nay, ngay cả tại những quốc gia có nền luật pháp phát triển. Nhằm giúp bạn đọc có một cách tiếp cận rộng mở về vấn đề này, Luật Khoa tạp chí sẽ tóm lược các quan điểm của cả hai phía – ủng hộ và phản đối án tử hình. Dưới đây là các lập luận phản đối.

Về căn bản, các ý kiến tranh luận về án tử hình tập trung vào các điểm chính sau đây: ý nghĩa đền tội vì công lý, tác dụng răn đe người khác, ngăn chặn tái phạm, v.v. Ngoài ra còn có các lý lẽ về mặt tâm linh – tôn giáo, hoặc tâm lý học.

Kỳ trước: Án tử hình – các lập luận ủng hộ

Kỳ sau: Án tử hình – các lập luận phản đối (phần 2)

Mạng người là quý giá

Ai cũng cho rằng mạng sống là cái quý nhất. Một số ý kiến phản đối án tử hình cho rằng mạng người quý báu đến mức ngay cả những tên sát nhân man rợ nhất cũng không nên bị tước đoạt điều quý nhất đó, không thể vì hành xử tội lỗi của một kẻ nào đó mà hủy hoại giá trị của mạng sống của hắn, kể cả khi hắn đã giết người.

Một số ý kiến khác cũng phản đối án tử hình nhưng không suy luận sâu xa đến thế. Họ chỉ nói rằng mạng người cần phải được bảo vệ, trừ phi có lý do rất xác đáng để không duy trì sự sống đó nữa. Ngoài ra, ai ủng hộ án tử hình thì mới phải biện hộ và chứng minh quan điểm của mình.

Quyền sống

Mọi người đều có quyền sống. Đó là một trong các quyền con người căn bản, bất khả xâm phạm. Ngay cả những kẻ phạm tội giết người cũng có quyền sống. Cho nên kết án tử hình và xử tử một cá nhân cũng đồng nghĩa với việc vi phạm quyền sống của cá nhân ấy.

Lập luận này rất giống với lập luận “mạng người là quan trọng”, nhưng là một cách tiếp cận từ giác độ nhân quyền.

Lập luận phản bác: Vì chính những hành động của mình mà một cá nhân có thể mất quyền con người; kẻ nào đã sát hại người khác thì mất quyền sống của hắn. Một cá nhân bị mất quyền sống nếu hắn có hành vi giết người, và cách duy nhất mà nạn nhân có thể làm để tự cứu mạng mình là giết kẻ có hành vi đó.

Nhà triết học, thần học thời Trung cổ Thomas Aquinas nêu rõ: “Vì thế, nếu có kẻ nào nguy hiểm cho cộng đồng và đang phá hoại cộng đồng bằng một hành vi phạm tội nào đó, cách đối xử được nhiều người tán thành là xử tử hắn đi để gìn giữ lợi ích chung. Do vậy, giết một người vẫn giữ được những giá trị tự nhiên của anh ta thực chất là độc ác, nhưng giết một kẻ phạm tội thì là việc làm có thể chấp nhận được, cũng giống như giết một con ác thú, bởi vì như Aristotle đã chỉ ra, một kẻ xấu còn xấu xa hơn và có hại hơn ác thú”.

Theo Aquinas, có những tình huống có thể biến đổi một hành vi xấu (giết chóc) thành hành vi tốt (giết để sửa những bất công sai trái mà kẻ bị giết đã gây ra, và giết kẻ đã tự làm mất những giá trị tự nhiên của mình bằng việc sát hại người khác).

Ít người biết rằng ghế điện là phát minh của một nhân viên trong công ty của Thomas Edison.

Ít người biết rằng ghế điện là phát minh của một nhân viên trong công ty của Thomas Edison.

Giết nhầm người vô tội

Lập luận phổ biến nhất và có sức thuyết phục nhất chống án tử hình là: Sớm muộn rồi sẽ có người vô tội bị xử tử oan vì những sai lầm, khiếm khuyết của hệ thống tư pháp.

Nhân chứng, công tố viên và bồi thẩm, tất cả mọi người đều có thể phạm sai lầm. Khi điều này đi kèm với những khiếm khuyết trong hệ thống pháp luật, thì sẽ không tránh khỏi việc kết án oan cho người vô tội. Một khi án tử hình đã được thi hành thì những sai lầm đó sẽ không thể nào sửa chữa được nữa.

Án tử hình hợp pháp hóa hành động bạo lực của nhà nước và tất yếu sẽ làm hại những nạn nhân vô tội. Chừng nào hệ thống luật pháp của con người còn có thể phạm sai lầm, chừng đó, nguy cơ giết nhầm người vô tội vẫn tồn tại và không thể bị xóa bỏ. (Ân xá Quốc tế)

Có vô vàn bằng chứng cho thấy sai lầm của hệ thống tư pháp là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Theo số liệu của Ân xá Quốc tế, tại Mỹ, từ năm 1973 đã có 130 tử tù được xác định là vô tội và thoát chết. Thời gian chờ thi hành án của họ tính trung bình là 11 năm.

Do vậy, nỗi ám ảnh bị tử hình khiến cho tình cảnh mà những người bị kết tội oan phải chịu đựng càng trở nên khủng khiếp hơn.

Buộc kẻ thủ ác đền tội – là hành động sai

Nhiều người cho rằng buộc kẻ phạm tội phải đền tội là một hành động xấu xa về mặt đạo đức và có vấn đề trong quan niệm cũng như hành động.

Chúng ta không thể rao giảng rằng “giết người là sai” bằng cách giết người. (Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ)
Lấy đi một mạng sống, khi mà một mạng sống khác đã mất đi rồi, là sự trả thù chứ không phải công lý (Tổng Giám mục Desmond Tutu)

Hình ảnh những đám đông tấn công xe chở tù trên đường đi tới tòa hoặc đi khỏi tòa, hoặc gào thét hưng phấn bên ngoài nhà tù nơi một kẻ phạm tội bị hành quyết, cho thấy khao khát trả thù vẫn là lý do chính dẫn đến sự ưa thích án tử hình của công chúng.

Nhưng khả năng giết nhầm người vô tội cũng là một vấn đề đặt ra cho những ai ủng hộ việc bắt kẻ gây án phải đền tội: Nếu nguy cơ xử tử nhầm người vô tội là có thật, thì khi đó, nguyên tắc “con người phải lãnh nhận những gì họ đáng nhận (và chỉ những gì họ đáng nhận mà thôi)” đã bị vi phạm.

Tử hình là quá ác so với tội ác ban đầu

Người ta cho rằng, trong trường hợp án tử hình, việc đền tội được tiến hành theo một cách độc nhất vô nhị. Với các tội khác, kẻ phạm tội không phải nhận hình thức trừng phạt mô phỏng tội ác, ví dụ kẻ hiếp dâm không bị trừng phạt bằng cách cho nạn nhân hiếp lại hắn, kẻ hành hung người khác cũng không bị hành hung lại. Với án tử hình, kẻ sát nhân bị sát hại – đó là một hình thức trừng phạt mô phỏng tội ác của hắn, nhưng còn hơn thế nữa.

Hai văn hào Camus và Dostoevsky lập luận, buộc kẻ phạm tội phải đền tội bằng hình phạt tử hình là không công bằng, bởi vì nỗi thống khổ mà hắn phải chịu đựng trước khi hành quyết có lẽ vượt xa những đau đớn của nạn nhân của hắn.

Nhiều ý kiến cho rằng đền tội bằng hình thức tử hình rất không ổn, bởi vì án tử hình là một sự “trừng phạt kép”, nó vừa bao gồm hành vi hành quyết lại vừa bao gồm cả khoảng thời gian sống đợi ngày chết; và như thế là không tương đương với tội ác mà tử tù phạm phải. Trung tâm Thông tin về Án Tử hình cho biết, ở Mỹ, nhiều tử tù phải “chờ chết” trong thời gian rất dài; thời gian chờ đợi trung bình là 10 năm.

Tại Nhật Bản, bị cáo chỉ được thông báo về vụ hành quyết vài giờ trước khi xử tử. Hậu quả của việc này là bị cáo sẽ phải sống trong một tình trạng kinh khủng, mỗi ngày còn lại trong đời sẽ đều như ngày cuối cùng.

Tử hình không đủ để đền tội

Một số người tán thành khái niệm đền tội nhưng cũng không ủng hộ án tử hình, bởi vì họ cảm thấy án tử hình chưa đủ để đền tội. Họ cho là tù chung thân, vĩnh viễn không ân xá, làm cho kẻ phạm tội đau khổ hơn so với một cái chết không gây đau đớn sau một thời gian ngắn ngồi tù.

Với kẻ mưu đánh bom tự sát chẳng hạn, án tử hình có thể biến hắn thành một vị thánh tử vì đạo, và như thế rõ ràng là tác dụng đền tội không thể bằng án chung thân.

Không có tác dụng răn đe

Án tử hình dường như không ngăn được con người phạm những tội ác nghiêm trọng. Nguy cơ bị bắt và bị trừng trị có tác dụng răn đe cao hơn hẳn.

Các nhà khoa học xã hội nói chung thống nhất được với nhau một điểm là, chưa chứng minh được tác dụng răn đe của án tử hình.

Năm 1988, Liên Hợp Quốc cho tiến hành một khảo sát nhằm xác lập mối quan hệ giữa án tử hình và tỷ lệ giết người. Năm 1996, khảo sát này được cập nhật lần nữa. Nó kết luận như sau: “Nghiên cứu đã không cung cấp đủ bằng chứng khoa học để khẳng định rằng án tử hình có tác dụng răn đe lớn hơn án chung thân. Những bằng chứng như vậy cũng không chắc sẽ có. Xét tổng thể, các bằng chứng thu được vẫn không biện hộ được cho giả thuyết về tính răn đe của án tử hình. Mấu chốt để răn đe là gia tăng khả năng phát hiện, bắt giữ và kết tội thủ phạm. Án tử hình là một hình phạt hà khắc, nhưng không kiểm soát được tội ác”.

Quả thật không thể kiểm chứng được tác động răn đe của một hình phạt, bởi vì để làm được như vậy, ta cần biết sẽ có bao nhiêu vụ giết người xảy ra ở một nước cụ thể trong một khoảng thời gian nào đó, nếu trong khoảng thời gian ấy luật pháp thay đổi.

Lược dịch từ tài liệu của BBC, Ethics Guide: Arguments against Capital Punishment

Kỳ sau: Án tử hình – các lập luận phản đối (phần 2)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.