Án tử hình – cuộc giằng co của nước Mỹ (phần 1)

Án tử hình – cuộc giằng co của nước Mỹ (phần 1)
hands of a prisoner on prison bars


Vi Katerina Tran
– Vấn đề án tử hình dường như chỉ vừa mới được xới lên ở Việt Nam, tuy nhiên nó đã là cả một cuộc giằng co từ lâu nay tại Mỹ – quốc gia vốn luôn nhấn mạnh “các giá trị dân chủ, nhân quyền”. 32 trên 50 bang vẫn còn giữ án tử hình, khiến cho Mỹ liên tục bị các nước Tây phương khác và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích gay gắt. Nội bộ nước Mỹ cũng luôn nổ ra những cuộc tranh cãi quyết liệt về vấn đề này  giữa các nhà lập pháp, thẩm phán, chánh án, v.v.

Mỹ là một trong số ít những nước Tây phương vẫn còn áp dụng án tử hình làm khung hình phạt cao nhất, tuy hiện nay, án tử hình chỉ dành cho những tội phạm cực kỳ tàn ác và khi những kẻ phạm tội bị cho là rất đáng nhận hình phạt này.

Nhiều tổ chức xã hội dân sự ở Mỹ cũng tham gia đấu tranh mạnh mẽ đòi xóa bỏ án tử hình. Chẳng hạn như Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union – ACLU) với cuộc vận động Capital Punishment Project, hay tổ chức Trung tâm Thông tin về Án Tử hình (Death Penalty Information Center) được lập ra với mục đích liên tục phổ biến và cập nhật đến mọi người về các cuộc tranh luận và những thông tin mới nhất xoay quanh việc áp dụng án tử hình trên toàn liên bang. Sở dĩ phải “cập nhật liên tục”, vì các án lệ, luật và quyết định của ngành hành pháp liên quan đến án tử hình thay đổi liên tục ở tất cả các tiểu bang. Một tổ chức khác, The Constitution Project, nơi tập trung các cựu thẩm phán, cựu chánh án, cựu Bộ trưởng Tư pháp, giáo sư luật, v.v. lập hẳn một tổ chuyên ngành về án tử hình và đưa ra những báo cáo cũng như khuyến nghị về án tử hình với các cấp tòa án cũng như Quốc hội Mỹ.

Hơn nửa số bang ở Mỹ còn áp dụng án tử hình

Trước khi nói đến việc áp dụng án tử hình hiện nay ở Mỹ, chúng ta nên bắt đầu với một số kiến thức cơ bản về hệ thống kép của luật pháp Mỹ với sự tồn tại song song của hai hệ thống tiểu bang và liên bang.

Mỹ là một liên bang và chú trọng vào vấn đề chia sẻ quyền lực giữa chính quyền liên bang và các chính quyền tiểu bang. Do đó, tồn tại song song trong nền tư pháp Mỹ là hai hệ thống tòa án của từng tiểu bang và hệ thống tòa án liên bang. Tuy hệ thống tư pháp liên bang có những quyền lực Hiến pháp Mỹ trao cho, mỗi tiểu bang đều có quyền hạn riêng về những vấn đề mà Hiến pháp không dành riêng cho cấp liên bang, bao gồm cả các vấn đề trong ngành tư pháp. Mặc dù vậy, đa số các hệ thống tòa án tiểu bang đều dựa trên hình mẫu của hệ thống tòa án liên bang.

Về vấn đề án tử hình, hệ thống liên bang vẫn duy trì án tử hình là khung hình phạt cao nhất cho một số tội danh, ví dụ tội phản quốc, tội khủng bố, tội giết người bằng những phương pháp man rợ, tra tấn v.v. Tuy nhiên, vì mỗi tiểu bang đều có quyền quyết định việc duy trì tính hợp hiến của án tử hình theo bản Hiến pháp của tiểu bang họ, hoặc khi người dân của một tiểu bang đề xuất một dự luật xóa bỏ án tử hình và chiếm được đa số trong một cuộc trưng cầu toàn tiểu bang, án tử hình có thể được xóa bỏ. Vì thế, hiện nay ở Mỹ chỉ có 32 tiểu bang (và chế độ tòa án liên bang) là còn duy trì án tử hình với phương pháp tiêm thuốc độc 3 mũi, được coi là phương pháp ưu tiên sử dụng.

Còn 32 bang (màu xanh) ở Mỹ còn duy trì án tử hình. Nguồn: The Constitution Project

Còn 32 bang (màu xanh) ở Mỹ vẫn duy trì án tử hình. Nguồn: The Constitution Project

Từ năm 2005 đến nay, các tiểu bang của Mỹ đã khá tích cực trong việc hạn chế áp dụng án tử hình.

Từ năm 2007, 5 tiểu bang đã hoàn toàn bãi bỏ án tử hình, gồm New Jersey (năm 2007), New Mexico (năm 2009), Illinois (năm 2011) và Connecticut (năm 2012). Tháng 5 năm 2013, Maryland trở thành tiểu bang thứ 16 của Mỹ đã bãi bỏ án tử hình.

Tại tiểu bang California, vào cuộc bầu cử toàn tiểu bang tháng 11 năm 2012, dự luật xóa bỏ án tử hình thất cử với 1 tỷ lệ rất sít sao, 52% chống và 48% ưng thuận.

Xu hướng giảm áp dụng án tử hình trên thực tế

Năm 2011, Thống đốc bang Oregon ban bố một quyết định hành pháp tạm dừng thi hành án tử hình ở tiểu bang này trong suốt nhiệm kỳ của ông. Và năm nay, 2014, Thống đốc bang Washington cũng đưa ra một quyết định hành pháp tương tự.

Ngay cả ở những tiểu bang mà án tử hình vẫn còn được áp dụng, thì hiện nay, hình phạt này ít được áp dụng hơn trong công tác xét xử. Tổ chức Death Penalty Information Center thống kê rằng chỉ 2% các quận hạt trên toàn nước Mỹ là những nơi mà phần lớn các vụ thi hành án tử hình xảy ra. Điều này đồng nghĩa rằng, cùng với việc giảm áp dụng khung hình phạt án tử hình trong các vụ án, việc thi hành án cũng ít xảy ra hơn trên các tiểu bang.

Số án tử hình theo từng tiểu bang từ tháng 1-1977 đến 3-2014. Nguồn: The Constitution Project

Tổng số án tử hình được tuyên theo từng tiểu bang trong thời kỳ 1-1977 đến 3-2014. Nguồn: The Constitution Project

Từ năm 2006, số án tử hình ở Mỹ đã giảm rất mạnh, từ 123 trong năm 2006 xuống còn 80 trong năm 2013. Việc suy giảm của số án tử hình được tuyên trong thời gian gần đây cho thấy xu hướng ủng hộ án tử hình của những năm cuối thập niên 1990 ở Mỹ đã dần bị đảo ngược. Vào thời kỳ đó, án tử hình được ủng hộ mạnh mẽ bởi những vụ án nghiêm trọng đã xảy ra trong khoảng thời gian này, đặc biệt khi có liên quan đến trẻ em.

Vụ án Poly Klass, một bé gái bị bắt cóc và bị giết bởi Richard Allen Davis, một kẻ có tiền án, vào tháng 10 năm 1993 ở Bắc California là ví dụ điển hình. Thái độ khiêu khích người nhà nạn nhân của bị cáo Davis tại tòa làm dấy lên sự phẫn nộ của mọi người và họ cho rằng hành vi của Davis chính là hành vi của một kẻ rất thích đáng nhận án tử hình. Vụ án này cũng khiến người dân California đòi hỏi những biện pháp trừng phạt nặng nề hơn cho kẻ thủ ác và đối với những bị cáo đã có tiền án.

Tuy nhiên, xu hướng ủng hộ án tử hình đã bị đảo ngược. Trong vòng 10 năm qua, 7 tiểu bang còn duy trì án tử hình, Colorado, Kansas, Nebraska, New Hampshire, Oregon, Pennsylvania và Wyoming, đã không thi hành bất kỳ bản án tử hình nào.

5 năm qua, có thêm 6 tiểu bang áp dụng án tử hình đã không thi hành án, bao gồm Arkansas, California, Kentucky, Maryland, và North Carolina. Trong đó, Maryland đã bãi bỏ án tử hình vào năm 2013 như đã nói ở trên.

Số án tử hình được tuyên hàng năm từ 1977-2013.  Nguồn: The Constitution Project

Biểu đồ biến động về số án tử hình được tuyên hàng năm trên toàn nước Mỹ từ 1977-2013. Nguồn: The Constitution Project

Texas được biết đến như là tiểu bang thi hành nhiều án tử hình nhất trên toàn nước Mỹ, cũng đã giảm số lượng phạm nhân bị tử hình, từ 40 người mỗi năm trong thập niên 1990 xuống còn 10 người mỗi năm trong 5 năm vừa qua. Một trong những lý do khiến việc tuyên án và thi hành án giảm đi ở Mỹ là vì có sáng kiến áp dụng hình phạt tù chung thân vĩnh viễn trong các vụ án nghiêm trọng. Ví dụ như ở tiểu bang Texas, trước khi cải tổ luật pháp và áp dụng hình phạt chung thân vĩnh viễn vào tháng 9 năm 2005, bồi thẩm đoàn chỉ có hai chọn lựa trong các vụ án nghiêm trọng: tuyên án tử hình hoặc tù chung thân với cơ hội được ân xá sau khi thi hành án 40 năm.

(Còn nữa)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.