Án tử hình – cuộc giằng co của nước Mỹ (phần 2 và hết)

Vi Katerina Tran – Sự thật là không phải lúc nào Mỹ cũng áp dụng hình phạt tử hình. Từ bản án tử hình lần đầu tiên được thi hành trong một trại giam ở tiểu bang Philadelphia năm 1834, chấm dứt việc hành quyết công khai cho đến nay, việc áp dụng hình phạt tử hình đã trải qua rất nhiều thay đổi, cũng như chịu thêm rất nhiều ràng buộc về mặt pháp lý trong việc tuyên án và thi hành án.

Mỹ từng tạm hủy bỏ hình phạt tử hình trên toàn liên bang

Năm 1972, với 5 phiếu thuận, 4 phiếu chống (phán quyết 5:4) từ các thẩm phán trong vụ án Furman v. Georgia, Tối cao Pháp Viện đã hủy bỏ 40 vụ án tử hình và tạm dừng áp dụng hình phạt tử hình trên toàn liên bang với lý do án tử hình bị áp dụng quá tùy tiện và do đó, là hành vi vi hiến.

Tuy nhiên đến năm 1976, với phán quyết 7:2 trong vụ án Gregg v. Georgia, hình phạt tử hình lại được Tối cao Pháp viện cho phép áp dụng trở lại trong những vụ án hết sức nghiêm trọng và mức độ tàn ác của bị cáo bắt buộc cần có án tử hình để răn đe. Khi hình phạt tử hình bị tạm đình chỉ ở Mỹ năm 1972, những can phạm trong một vụ án thảm sát nổi tiếng liên can đến Charles Manson đều được giảm án tử hình thành án chung thân ở California. Việc này đã khiến cho công chúng nổi giận vì không một bị can nào trong vụ án Charles Manson cho thấy họ ăn năn về những tội ác họ đã thừa nhận gây ra. Tương tự như làn sóng phẫn nộ trong vụ án Poly Klass năm 1993 nêu trên, sức ép từ công chúng cũng là một nguyên nhân mà án tử hình tiếp tục tồn tại ở Mỹ.

Hai dòng tư tưởng đối lập trong nền tư pháp Mỹ, giữa chống và ủng hộ án tử hình hầu hết đều xoay quanh việc áp dụng án tử hình có vi hiến hay không.

Tu chính án thứ 8 của Tuyên ngôn Dân quyền (Bill of Rights) trong Hiến pháp Mỹ nghiêm cấm các hình phạt tàn khốc và bất thường (cruel and unusual punishment). Những người phản đối án tử hình cho rằng còn hình phạt nào tàn khốc và bất thường cho bằng việc lấy đi sinh mạng của người khác, cho dù là nhân danh chính quyền và người dân Mỹ để làm? Đặc biệt là các phương pháp thi hành án tử hình, theo từng giai đoạn, vì gặp những phản đối được dẫn ra từ Tu chính án số 8, mà dần dần đã thay đổi hoặc bị xóa bỏ để theo đúng những chuẩn mực mà các án lệ đã đặt ra.

Những người ủng hộ án tử hình thì ngược lại, họ cho rằng đại diện của người dân, tức là bồi thẩm đoàn (jury), hoàn toàn có quyền quyết định dành khung hình phạt cao nhất cho những kẻ thủ ác khi mà các tội họ phạm quá tàn ác và án tử hình là hình phạt thích đáng cho những kẻ ấy.

Quy trình xét xử nghiêm ngặt trong các vụ án tử hình

Tuy vẫn còn duy trì án tử hình, nền tư pháp và xã hội Mỹ đòi hỏi quy trình tố tụng chuẩn, hay pháp trình chính đáng (due process) và pháp luật phải được cải thiện, để ít ra các quyền lợi của bị cáo phải được bảo vệ và giảm thiểu tối đa nguy cơ xử án oan.

Ngày nay, các vụ án bị đề nghị án tử hình ở Mỹ đều phải trải qua hai giai đoạn xét xử.

Giai đoạn một là xác định xem bị cáo có phạm tội hay không. Bị cáo chỉ bị coi là có tội sau khi tất cả 12 thành viên của bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu đồng thuận tuyệt đối mà không còn bất cứ nghi ngờ hợp lý nào. Thủ tục này được áp dụng trong tất cả các vụ án hình sự ở các tòa án liên bang và tiểu bang, trừ Louisiana và Oregon. (Tại Louisiana và Oregon, các bị cáo có thể bị tuyên bố là có tội nếu có 11 hoặc 10 phiếu thuận trong tổng số 12 thành viên bồi thẩm đoàn).

Bồi thẩm đoàn (trái) đang nghe luật sư trình bày trong một phiên tòa ở Mỹ. Ảnh: sfexaminer.com

Bồi thẩm đoàn (trái) đang nghe luật sư trình bày trong một phiên tòa ở Mỹ. Ảnh: sfexaminer.com

Sau khi đã bị tuyên là có tội, giai đoạn quyết định khung hình phạt sẽ bắt đầu. Công tố viên phải đưa ra chứng cứ cho thấy mức độ tàn ác trong hành vi phạm tội của bị cáo thuộc về những hành vi mà luật định cho phép đề nghị án tử hình. Luật sư cho bị cáo, ngược lại, có thể đưa ra những tình tiết giảm án,.Bồi thẩm đoàn một lần nữa phải đưa ra một quyết định là có tuyên án tử hình hay không.

Đặc biệt trong giai đoạn này, gia đình của các nạn nhân có quyền được phát biểu tại tòa.  27 trong số 32 tiểu bang còn duy trì án tử hình không những cho phép họ phát biểu mà còn cho phép những phát biểu của người nhà nạn nhân được dùng làm bằng chứng tại tòa (admissible evidence). Không phải phát biểu nào của người nhà nạn nhân đều đòi hỏi sự trừng phạt tối đa cho bị cáo, tuy chúng có thể chiếm số đông.

Tại phiên xử quyết định khung hình phạt của kẻ giết người hàng loạt Gary Ridgway, người đã bị buộc tội giết 49 phụ nữ, Robert Rule, cha của một nạn nhân 16 tuổi, đã hết sức cố gắng và xúc động nói với Ridgway là hắn ta đã được ông tha thứ. Câu tha thứ của ông Robert Rule đã khiến kẻ giết người hàng loạt bật khóc, dù khuôn mặt của anh ta không biểu lộ bất kỳ cảm xúc gì khi bị các gia đình nạn nhân khác nguyền rủa. Hiện nay, theo thống kê của Trung tâm Thông tin Án tử hình, đã có những tổ chức dân sự hoạt động trong việc chống án tử hình được lập ra bởi gia đình của các nạn nhân.

Các án lệ của Tối cao pháp viện Hoa Kỳ trong 4 thập niên qua cũng giới hạn khung hình phạt này bằng những chuẩn mực khác nhau.

Vào năm 1986, Tối cao Pháp viện ra phán quyết Ford v. Wainwright, nghiêm cấm tử hình người mang bệnh tâm thần. Năm 1988, với phán quyết Thompson v. Oklahoma, việc tử hình phạm nhân dưới 15 tuổi là vi hiến. Năm 2002, phán quyết Atkins v. Virginia tuyên bố tử hình những người bị nhược trí là vi hiến và vi phạm Tu chính án thứ 8 về việc nghiêm cấm những hình phạt tàn khốc và bất thường.

Năm 2005, với án lệnh Roper v. Simmons, Tối cao Pháp viện ra quyết định hành vi xử tử người vị thành niên (dưới 18 tuổi theo định nghĩa của luật pháp liên bang) là vi hiến. Trong phán quyết 5:4 này, Tối cao Pháp viện đã hủy bỏ án tử hình của một phạm nhân ở tiểu bang Missouri khi anh ta đã phạm tội lúc mới 17 tuổi.

Đến tháng 6 năm 2006, Tối cao Pháp viện cho phép tử tù phản đối phương pháp tiêm thuốc độc để xử tử. Cùng vào năm 2006, một thẩm phán toà án liên bang ở Tòa Địa hạt Liên bang Bắc California, khu vực San Jose, Jeremy Fogel, ra quyết định phương pháp tử hình bằng thuốc độc của Califonia là vi hiến vì đã vi phạm Tu chính án Số 8. Những tranh cãi về tính hợp hiến của việc tử hình bằng tiêm thuốc độc trong những năm 2007 và 2008 không những giảm số lượng án tử hình được tuyên mà còn tạm đình chỉ không chính thức việc thi hành án.

Ngoài ra, các văn phòng công tố ở rất nhiều quận hạt của các tiểu bang còn duy trì án tử hình, ví dụ như Texas, Florida, hay California, cũng tham gia vào chương trình lật lại các hồ sơ đã tuyên án tử hình mà chưa thi hành. Họ sử dụng dùng các phương pháp khoa học mới để xem xét lại vụ án, chẳng hạn các cách thử DNA mới, nhằm mục đích giải oan cho những tử tù bị tuyên án từ thời kỳ mà bằng chứng DNA chưa được áp dụng và phổ biến.

Nhìn chung, cuộc cải cách pháp lý ở cả hai cấp tiểu bang và liên bang cho thấy xu hướng của nước Mỹ về việc áp dụng án tử hình đang có những thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi bằng những đạo luật bãi bỏ án tử hình ở các tiểu bang cũng như việc thu hẹp lại phạm vi áp dụng án tử hình trong tương lai.

Gần đây nhất, thẩm phán tòa án liên bang phụ trách khu vực California, Cormac Carney, vào tháng 7 năm 2014, đã ra phán quyết trong vụ án Jones v. Chappell, tuyên bố phương pháp và cách thức thi hành án tử hình của tiểu bang California vi phạm Tu chính án số 8 của Hiến pháp  vì việc thi hành án kéo dài quá lâu. Những quy trình pháp lý về việc kháng án của một vụ án tử hình kéo dài rất nhiều năm, có khi lên đến 25 năm. Thẩm phán Carney cho rằng kéo dài thời gian chờ đợi của tử tù cũng như các thủ tục nhiêu khê của California chính là hành vi vi hiến.

California đã có 900 tử tù bị tuyên án từ năm 1978, nhưng chỉ có 13 người trong số đó đã bị thi hành án. Mỗi năm, con số tử tù chết vì những lý do tự nhiên chiếm đa số. Từ năm 2006, với phán quyết của thẩm phán Fogel nêu trên về việc vi hiến của phương pháp tử hình bằng tiêm thuốc độc của California, không có thêm bất kỳ án tử hình nào được thi hành. Những bất cập của hệ thống pháp lý ở California xung quanh án tử hình có thể nói là tình hình chung của những tiểu bang còn duy trì hệ thống áp dụng án tử hình. Và, như thẩm phán Carney đề nghị trong quyết định gây tranh cãi của ông, phải chăng khung hình phạt tù chung thân vĩnh viễn thay cho án tử hình là một sự thay đổi cần thiết cho nền tư pháp và lập pháp của tiểu bang California nói riêng và liên bang Hoa Kỳ nói chung?

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.