‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Thừa nhận đa đảng, khuyến khích tiến tới lưỡng đảng.
Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười Một năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành trên ấn bản PDF đề ngày 3/11/2022.
Xét riêng về chế định đảng chính trị, Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1967 tương phản toàn diện với Hiến pháp Việt Nam hiện hành.
Ngày 26/10/1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm long trọng tuyên bố sự ra đời của quốc gia Việt Nam Cộng hòa ở phía Nam của vĩ tuyến 17, mở ra trang sử 20 năm ngắn ngủi của quốc gia này với những thành tựu lập hiến không thể nói là nhỏ.
Đúng một năm sau, cũng chính ông Ngô Đình Diệm ký lệnh ban bố bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa sau khi nhận toàn văn văn kiện này từ Quốc hội Lập hiến, mở ra nền Đệ nhất Cộng hòa.
Mặc dù tiệm cận nhiều giá trị dân chủ và tự do, Hiến pháp 1956 vẫn bị coi là đã tạo ra một chế độ mà Giáo sư Nguyễn Văn Bông của Học viện Quốc gia Hành Chánh (trước 1975) gọi là “chế độ quyền uy, khung cảnh của một sự chớm nở độc tài cá nhân trên thực tế”.
Quả thực, ông Diệm đã thẳng tay đàn áp các đảng phái chính trị đối lập, tập trung quyền lực tối cao vào tay mình, rồi bị quân đội giết chết trong cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, mở ra thời kỳ khủng hoảng chính trị kéo dài với các chính phủ được lập lên và sụp xuống liên tục.
Bối cảnh đó đưa đẩy Việt Nam Cộng hòa đến những ý tưởng lập hiến mới để thiết lập sự ổn định của nền chính trị quốc gia. Một quốc hội lập hiến được bầu ra vào tháng 9/1966, thông qua bản Hiến pháp mới ngày 18/3/1967 và chính thức ban bố văn kiện này ngày 1/4 cùng năm, mở ra nền Đệ nhị Cộng hòa và cũng là nền cộng hòa cuối cùng của miền Nam Việt Nam.
Thừa nhận thể chế đa đảng
Không có điều khoản nào trong Hiến pháp năm 1956 nhắc tới đảng chính trị, nhưng Hiến pháp 1967 thì dành riêng một chương với 4 điều quy định về “chánh đảng và đối lập”.
Chương VII: Chánh đảng và Đối lập
Điều 99. 1.- Quốc gia công nhận chánh đảng giữ vai trò thiết yếu trong chế độ dân chủ.
2.- Chánh đảng được tự do thành lập và hoạt động theo các thể thức và điều kiện luật định.
Điều 100.- Quốc gia khuyến khích việc tiến tới chế độ lưỡng đảng.
Điều 101.- Quốc gia công nhận sự định chế hóa đối lập chính trị.
Điều 102.- Một đạo luật sẽ ấn định quy chế chánh đảng và đối lập chính trị.
Như vậy, Hiến pháp 1967 thừa nhận vai trò quan trọng của các đảng chính trị và đảm bảo cho công dân của họ có quyền được thành lập các đảng chính trị riêng của mình mà không thể bị coi là chống chính quyền.
Sự thừa nhận này rất quan trọng, bởi nó loại bỏ hoàn toàn khả năng bị đàn áp hoặc bỏ tù đối với những ai muốn hoạt động đảng phái, điều mà nhiều người dưới thời Ngô Đình Diệm đã phải gánh chịu như đảng viên của các đảng Xã hội, Việt Nam Phục quốc hội, Đại Việt và Việt Nam Quốc dân đảng.
Trên thực tế, chính trường miền Nam sau thời kỳ Ngô Đình Diệm và thời kỳ quân quản (1963-1967) ghi dấu ấn đậm nét của nhiều đảng chính trị, trong đó có đảng Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu, đảng Việt Nam Nhân xã cách mạng của Trương Công Cừu và đảng Công Nông Việt Nam của Trần Quốc Bửu.
Bên cạnh đó, còn có đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam (năm 1975 sáp nhập vào đảng Lao động Việt Nam, tức đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) và đảng Xã hội Cấp tiến miền Nam (năm 1975 sáp nhập vào đảng Xã hội Việt Nam, một tổ chức do đảng Cộng sản Việt Nam chi phối).
Sự thừa nhận vai trò của đảng chính trị trong Hiến pháp 1967 hoàn toàn ngược lại với các bản hHiến pháp của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, 1992 và 2013, vốn quy định đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, thậm chí là “lực lượng duy nhất” như quy định tại Hiến pháp 1980.
Các bản hiến pháp này tuy không triệt tiêu khả năng thành lập các đảng chính trị, nhưng việc thực thi chúng trên thực tế lại triệt tiêu hoàn toàn khả năng đó.
Khuyến khích chế độ lưỡng đảng
Ngoài ra, Điều 100 của Hiến pháp 1967 “khuyến khích việc tiến tới chế độ lưỡng đảng”. Điều này có lẽ xuất phát từ hai nỗi ám ảnh chính, đồng thời cũng là hai kinh nghiệm xương máu của nền chính trị Sài Gòn thời kỳ đó: sự tái lập một tổng thống độc tài như Ngô Đình Diệm, và những chính phủ được lập ra rồi sụp xuống liên tục sau Diệm.
Cả hai khả năng này đều là điểm yếu của hệ thống chính trị đa đảng.
Chế độ đa đảng kết hợp với mô hình nhà nước đại nghị tiềm ẩn khả năng tạo ra tình trạng hỗn loạn và bất ổn định ở quốc hội khi không có phe nào nắm đa số. Chính phủ chỉ được thành lập khi có nhiều đảng liên hiệp với nhau để tạo lập một liên minh chiếm đa số, và chính phủ vì thế cũng sẽ được dựng lên và sụp xuống liên tục do độ bền của những liên minh đó là không cao.
Chế độ đa đảng kết hợp với mô hình nhà nước tổng thống chế, với sự hỗn loạn ở quốc hội như kể trên, sẽ làm nổi bật hình ảnh tổng thống, vì chỉ có ông ta là người duy nhất khi đó do đa số người dân bầu ra, chứ không có ai nắm được đa số ở quốc hội cả. Đây là một khả năng đáng kể dẫn đến độc tài cá nhân.
Chế độ lưỡng đảng đặt trong mô hình tổng thống chế hoặc mô hình bán tổng thống của Hiến pháp 1967 được kỳ vọng sẽ giải quyết được cả hai nỗi ám ảnh đó.
Một mặt, nó giúp quốc hội mạnh hơn và ổn định hơn, nhờ có phe đa số đại diện cho tiếng nói của đa số cử tri. Nhờ vậy, quốc hội kiểm soát được vị tổng thống dân cử, ngăn ngừa ông ta trở thành nhà độc tài.
Mặt khác, vị tổng thống dân cử cũng duy trì được chính phủ của mình trong ít nhất một nhiệm kỳ mà không phải lo sợ bị quốc hội giải tán.
Cũng cần lưu ý rằng, chế độ lưỡng đảng không có nghĩa là chỉ có hai đảng được phép hoạt động. Đây là hình thái đặc biệt của chế độ đa đảng, nhưng có hai đảng nổi trội hơn các đảng khác và thay nhau chi phối được chính trường.
Dĩ nhiên, không phải muốn là có ngay chế độ lưỡng đảng. Nó cần lịch sử sàng lọc, và do đó, bản Hiến pháp năm 1967 không thể làm gì hơn là “khuyến khích” sự hình thành chế độ đó.
Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa nói gì về đảng phái? Kỳ 1 và Kỳ 2
Luật Hiến pháp và Chính trị học, Nguyễn Văn Bông, Sài Gòn, 1967 (in lần thứ nhất), 1969 (in lần thứ hai), 2013 (bản điện tử do pro&contra thực hiện).