Chuyên đề dài kỳ: Nguyễn Ái Quốc – Thoát nạn ở Hong Kong

Chuyên đề dài kỳ: Nguyễn Ái Quốc – Thoát nạn ở Hong Kong
Thần chú Habeas Corpus đã cứu thoát Nguyễn Ái Quốc.

Lời tòa soạn: Kể từ thứ Bảy, ngày 23/5/2015, Luật Khoa tạp chí sẽ khởi đăng loạt bài chuyên đề “Thoát nạn ở Hong Kong” của luật sư Nam Quỳnh về vụ án Nguyễn Ái Quốc (1931-1932). Loạt bài này sẽ cung cấp cho độc giả các tư liệu lịch sử khai thác từ nhiều nguồn khác nhau và soi chiếu vụ án này dưới lăng kính pháp luật. Dưới đây là bài viết giới thiệu của tác giả, một luật sư tập sự ở Anh Quốc.

Có một tình tiết trong cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh mà có lẽ nhiều người đã biết, đó là việc ông, khi ấy được biết đến dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc, từng bị chính quyền thuộc địa Anh tại Hong Kong bắt giam năm 1931 và suýt bị dẫn độ về Việt Nam, nơi ông gần như chắc chắn phải đối mặt với bản án tử hình của thực dân Pháp.

Cùng tác giả: Giới hạn của sự báng bổ

Chuyện có lẽ cũng nhiều người biết đó là Nguyễn Ái Quốc đã thoát nạn tại Hong Kong nhờ được bào chữa bởi một luật sư người Anh, ông Frank Loseby. Sau một trận chiến pháp đình gay cấn, Nguyễn Ái Quốc được chính quyền Hong Kong trả tự do trước sự giận dữ bất lực của chính quyền thực dân Pháp. Nguyễn Ái Quốc sau đó trở thành Hồ Chí Minh và là nhân vật trung tâm của một thời kỳ đầy tranh cãi trong lịch sử Việt Nam.

Trong loạt bài này, tác giả – một luật sư tập sự và một người đam mê lịch sử – qua tham khảo một số sách và bài viết của nhiều nhà sử học và luật học Anh-Mỹ, muốn cố gắng trình bày một cách rõ ràng và dễ hiểu nhất về quá trình đấu tranh pháp lý đã dẫn đến việc Nguyễn Ái Quốc được trả tự do ở Hong Kong vào năm 1932.

Việc tìm hiểu và xem xét quá trình đấu tranh pháp lý này sẽ giúp bạn đọc có thêm thông tin về nền tư pháp độc lập của Anh quốc, và phần nào là truyền thống thông luật (common law) nổi tiếng của các nước Anh-Mỹ.

Người viết hy vọng có thể giúp bạn đọc thấy rằng việc thoát nạn ở Hong Kong của Nguyễn Ái Quốc có sự góp mặt của nhiều hơn một vị luật sư tư vấn (solicitor) là ông Frank Loseby. Bên cạnh vai trò đậm nét của tổ chức Quốc tế Cứu Trợ Đỏ (International Red Aid), chúng ta sẽ thấy trong chuyến thoát nạn hiểm nghèo này, Hồ Chí Minh đã có được sự trợ giúp dù vô tình hay hữu ý của ba vị luật sư tranh tụng (barrister) xuất sắc. Chúng ta sẽ thấy những tương tác và va chạm giữa các bên liên quan gồm các chính trị gia, nhân viên nhà nước và quan toà người Anh khi đối diện với câu hỏi phải làm gì với Nguyễn Ái Quốc, trước sức ép của chính quyền thực dân Pháp.

Phía sau tất cả các nhân vật, ẩn sau cánh gà của cuộc tranh chấp pháp lý này, chính là nền tư pháp độc lập Anh với lịch sử hàng trăm năm phát triển, và một phần nào đó, chính sự may mắn đẩy đưa của số phận con người.

Các phần đầu chủ yếu là các tổng kết và góp nhặt của người viết từ các sách và bài viết của các học giả Anh-Mỹ, cộng thêm một số thông tin tìm được trên mạng Internet. Bản thân các học giả Anh-Mỹ này đã dày công nghiên cứu các tài liệu nội bộ của các cơ quan nhà nước Anh và Pháp có liên quan, đồng thời tham khảo cả các nguồn tài liệu chính thống từ Việt Nam để đưa ra được những kiến giải và phát hiện của họ. Người viết sẽ chủ yếu đứng trên vai những người khổng lồ này. Nếu bạn đọc muốn tìm các nguồn tham khảo chính, xin tìm đọc mục lục tham khảo cuối mỗi bài.

Phần cuối cùng khi nói về các bài học có thể được rút ra từ vụ việc, người viết sẽ có nhiều nhận định chủ quan của bản thân hơn.

Danh mục:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.