Thoát nạn ở Hong Kong – Kỳ 2: Thẩm vấn trục xuất

Thoát nạn ở Hong Kong – Kỳ 2: Thẩm vấn trục xuất
Cảnh Nguyễn Ái Quốc (do Trần Lực thủ vai) bị giam giữ trong bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong”. Ảnh: Youtube

Hai lần bị bắt ở Hong Kong và đứng trước nguy cơ bị trục xuất về Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã có một cơ hội đấu trí thú vị với cảnh sát trong phòng hỏi cung.

Khung pháp lý

Khoản 4(6) của Sắc lệnh Trục xuất năm 1917 quy định việc xác định có nên trục xuất một đối tượng hay không phải thuộc thẩm quyền viên Thư ký phụ trách các vấn đề Trung Quốc của Thống đốc Hong Kong, qua hình thức một cuộc thẩm vấn với danh sách các câu hỏi dành cho đối tượng được xác định trong phụ lục 2 của Sắc lệnh 1917.

Các câu hỏi đó bao gồm:

  • Tên gì?
  • Bao nhiêu tuổi?
  • Sinh ở đâu?
  • Có muốn nói gì trước cáo buộc là anh phải bị trục xuất khỏi Hong Kong hay không?
  • Đã ở Hong Kong bao lâu rồi?
  • Có quan hệ cá nhân gia đình gì với thuộc địa này hay không? Nếu có thì họ là ai và ở đâu?
  • Có bằng chứng hoặc nhân chứng cho những gì đã khai hay không? Nếu có thì có ở đâu?

Sắc lệnh Trục xuất năm 1917 cũng quy định là nếu đối tượng không trả lời được câu hỏi số 4 thì không cần phải hỏi các câu tiếp theo sau đó. Luật hoàn toàn không nói đến việc viên chức Hong Kong có quyền hỏi thêm các câu hỏi khác ngoài các câu hỏi trong danh sách này hay không. Đây là một chi tiết quan trọng.

Theo khoản 4(1) của Sắc lệnh Trục xuất năm 1917, Thống đốc Hong Kong được quyền trục xuất đối tượng sau cuộc thẩm vấn nếu ông ta, dựa trên các thông tin có được từ cuộc thẩm vấn, có ý kiến là đối tượng phải và nên bị trục xuất theo luật.

Phủ nhận danh tính Nguyễn Ái Quốc

Cuộc thẩm vấn Tống Văn Sơ diễn ra trong khoảng trước hoặc sau ngày 10 tháng 07 năm 1931 và có thể đã được chia làm hai hoặc ba phiên.

Người chủ trì cuộc thẩm vấn là một vị Trợ lý Thư lý phụ trách các vấn đề Trung Quốc của Thống đốc Hong Kong.

Tuy nhiên ngồi cạnh viên trợ lý này lại là một nhân vật thú vị: sỹ quan A. H. Dickinson thuộc cảnh sát thuộc địa Mã Lai, người tham gia bắt Ducroix vài tháng trước.

Dickinson sau này kể lại với học giả Duncanson là ông tới Hong Kong trước đó vài ngày và có một buổi họp ‘không chính thức’ với một nhân viên lãnh sự Anh từ Shanghai (Thượng Hải) và hai nhân viên sở Liêm Phóng Pháp từ Sài Gòn qua. Có vẻ là nhóm ‘interpol’ này đã họp bàn về cách tốt nhất để chuyển Nguyễn Ái Quốc cho Pháp.

Dickinson có trong tay các bằng chứng thu được từ Ducroix về các mối liên hệ giữa Nguyễn Ái Quốc với Ducroix và qua đó là với Quốc tế Cộng sản. Có lẽ còn say men sau chiến công bắt giữ Ducroix, Dickinson đã chủ động tham gia cuộc thẩm vấn Tống Văn Sơ để đích thân vạch mặt Tống Văn Sơ chính là Nguyễn Ái Quốc giả dạng.

Theo học giả Duncanson, trong cuộc thẩm vấn Tống Văn Sơ tỏ ra rất thú vị và không khí khá dễ chịu. Tống áp dụng một lối trả lời nước đôi uyển chuyển.

Trả lời hoàn toàn bằng tiếng Anh (thay vì bằng tiếng Guangdong [Quảng Đông] qua phiên dịch), ông vẫn tự nhận là Tống Văn Sơ (Sung Man Cho), một người Trung Quốc sinh tại tỉnh Guangxi (Quảng Tây) gần biên giới Móng Cái của Việt Nam. Ông phủ phận việc mình là Nguyễn Ái Quốc nhưng không phủ nhận việc ông tham gia vào phong trào yêu nước của Việt Nam. Ông phủ nhận các thư từ được gửi từ địa chỉ ở Kowloon (Cửu Long) là của ông. Các bức thư cho Lefranc/Ducroix có thể là từ chủ nhà người cho ông thuê địa chỉ ở Kowloon.

Dickinson chìa ra một tấm hình chụp Nguyễn Ái Quốc mà có lẽ Dickinson nhận được từ nhân viên Sở Liêm Phóng Pháp. Tống bình thản nhận người trong hình là mình nhưng khẳng định là ông chưa bao giờ đội một cái mũ như người trong hình đội. Ông phủ nhận sự tồn tại của một đảng Cộng sản Việt Nam nào đó, ông cho rằng chỉ tồn tại ba nhóm người Việt Nam yêu nước được chia ra tuỳ theo quốc gia mà họ mong ngóng sự giúp đỡ: phe theo Nhật, phe theo Đức và phe theo Anh. Tống tự nhận mình thuộc phe yêu nước theo Anh. Ông xin phép ‘được’ chính quyền Hong Kong trục xuất về Anh quốc.

Có vẻ là sự truy hỏi nhiệt tình của Dickinson không hề làm Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc nao núng. Ngược lại, như chúng ta sẽ thấy, chính những câu hỏi của Dickinson sẽ lại được Nguyễn Ái Quốc/Tống Văn Sơ ‘hồi mã thương’ làm bằng chứng chống lại chính quyền thuộc địa Hong Kong trong các phiên tranh tụng tại toà về sau.

Có thể lập luận rằng sự có mặt của Dickinson và các câu hỏi của ông đã khiến nội dung buổi thẩm vấn đi quá xa mục đích pháp định của nó: xác định các thông tin cơ bản để đánh giá xem có thể trục xuất một người khỏi lãnh thổ Hong Kong hay không. Chính quyền thuộc địa Hong Kong đã lại một lần nữa việt vị.

Kỳ tới: Luật sư vào cuộc và xung đột nội tâm của chính quyền Anh

Kỳ trước:

Tài liệu tham khảo:Ho-chi-Minh in Hong Kong, 1931-32” (Denis Duncanson), The China Quarterly, No. 57 (1974) at 96-97.Extradition Act 1870 – Section 3(1).Deportation Ordinance 1917.Seditious Publications Ordinance 1914 –Section 9.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.