21/6/1788: Hiến pháp Hoa Kỳ chính thức có hiệu lực

Hoàng Thảo Anh –  Ngày 21 tháng 6 năm 1788, Hiến pháp Hoa Kỳ được tiểu bang thứ 9 New Hampshire phê chuẩn, chính thức đủ điều kiện hiệu lực để thiết lập một chính quyền mới ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

21/6/1788: Hiến pháp Hoa Kỳ chính thức có hiệu lực
Tranh minh họa Hội nghị Lập hiến Philadenphia năm 1787. Ảnh: whenintime.com

Hoàng Thảo Anh – 

Ngày 21 tháng 6 năm 1788, Hiến pháp Hoa Kỳ được tiểu bang thứ 9 New Hampshire phê chuẩn, chính thức đủ điều kiện hiệu lực để thiết lập một chính quyền mới ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Tranh minh họa Hội nghị Lập hiến Philadenphia năm 1787. Ảnh: whenintime.com

Tranh minh họa Hội nghị Lập hiến Philadelphia năm 1787. Ảnh: whenintime.com

Bản Hiến pháp này có ý nghĩa quan trọng đối với Hoa kì nói riêng và với thế giới nói chung. Nó đã quy định cho Hoa Kỳ một hình thức chính phủ mới – chính phủ liên bang, tạo nên một liên minh mới gắn kết các tiểu bang vốn rời rạc và độc lập trước đây, thay thế cho Các điều khoản Hợp bang (Articles of Confederation). Việc thông qua bản Hiến pháp là một quá trình kéo dài và đòi hỏi sự chấp thuận của từng bang chứ không phải do Hội nghị Lập hiến liên bang hay Quốc hội liên bang quyết định.

5 nguyên tắc nền tảng làm nên Hiến pháp Hoa Kỳ: Phần 1Phần 2Phần 3

Ngày 17/9/1787, đa số các đại biểu tham dự Hội nghị Lập hiến tại Philadelphia đã chấp thuận những tài liệu mà họ đã dày công chuẩn bị kể từ tháng 5. Một thiểu số các đại biểu chống đối lại bản Hiến pháp. Điều khoản cuối cùng của dự thảo Hiến pháp quy định 9 trong tổng số 13 tiểu bang phải thông qua thì bản Hiến pháp này thì mới có hiệu lực. Sau một bữa tiệc chia tay, các đại biểu đã nhanh chóng về lại các tiểu bang để vận động cử tri.

Mục đích của việc đưa bản dự thảo Hiến pháp về các tiểu bang để phê chuẩn là để kết quả sau cùng phản ánh chính xác hơn nguyện vọng của các cử tri và bảo đảm quyền lập hiến của nhân dân. Bên cạnh đó, các cơ quan lập pháp bang cũng không có quyền sửa đổi bản dự thảo mà chỉ có quyền đồng ý hay không đồng ý.

Người ta sử dụng nhật báo, tờ rơi và các buổi mít-tinh công cộng để tranh luận về việc phê chuẩn Hiến pháp. Những người được biết đến với cái tên “Phe chống liên bang” phản đối Hiến pháp với rất nhiều lí do. Một số lập luận rằng các đại biểu ở Hội nghị Philadelphia đã vượt quá thẩm quyền khi thay thế Các điều khoản Hợp bang bằng một văn bản mới. Số khác phàn nàn các đại biểu ở Philadelphia chỉ đại diện cho một thiểu số người giàu và do đó đã soạn thảo một văn bản phục vụ cho quyền lợi của họ cũng như dành đặc quyền cho giai cấp tư sản. Một lập luận thường gặp khác là ý kiến cho rằng Hiến pháp đã trao quá nhiều quyền lực cho chính quyền trung ương với ngân sách do các tiểu bang đóng góp và rằng chính phủ đại diện không thể quản lí một nền cộng hòa lớn như vậy được.

Gay gắt nhất là ý kiến chỉ trích cho rằng Hội nghị Lập hiến đã thất bại khi không chấp thuận Đạo luật Nhân quyền (the Bill of Rights) do George Mason đề xuất. Ở New York, Thống đốc George Clinton đã bày tỏ quan ngại về phe liên bang trong những bài luận ở các tờ nhật báo xuất bản dưới bút danh Cato, trong khi Patrick Henry và James Monroe lãnh đạo phe đối lập ở Virginia.

Phe liên bang, những người ủng hộ việc phê chuẩn, đã phản pháo, cho rằng việc từ chối phê chuẩn Hiến pháp sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn và nội chiến. Alexander Hamilton, James Madison, và John Jay đáp lại Clinton dưới bút danh Publius. Bắt đầu từ tháng 10/1787, ba người này đã viết 85 tiểu luận nổi tiếng cho các tờ nhật báo New York và sau đó đã tập hợp lại thành hai tập với tiêu đề “Tập san Người liên bang” (The Federalists Papers) với nội dung bảo vệ bản dự thảo Hiến pháp, giải thích các điều khoản và phản bác những luận điểm của phe chống liên bang.

Họ phản bác thành công những lời chỉ trích. Về việc khuyết thiếu một đạo luật nhân quyền, phe liên bang cho rằng một bản danh mục các quyền có thể không đầy đủ và chính quyền liên bang đã rất miễn cưỡng cho rằng không có mối đe dọa nào đến quyền công dân theo Hiến pháp. Cuối cùng, trong cuộc tranh luận phê chuẩn ở Virginia, Madison thừa nhận đạo luật nhân quyền là cần thiết, và phe liên bang đảm bảo với công chúng bước đi đầu tiên của Chính phủ mới sẽ là chấp thuận đạo luật này.

Phải mất 10 tháng để 9 bang đầu tiên chấp thuận Hiến pháp. Bang đầu tiên phê chuẩn là Delaware, vào ngày 7/12/1787 với số phiếu tuyệt đối 30 – 0. Văn bản nổi bật là văn kiện phê chuẩn tán thành Hiến pháp liên bang của Hội nghị tiểu bang Delaware. Tên của đại biểu tiểu bang được liệt kê, và nằm trong tay một vị lục sự. Chữ kí của chủ tịch Hội nghị Deleware, Thomas Collins, chứng thực tính hiệu lực của văn bản có con dấu tiểu bang ở lề trái.

Thử thách thực sự đối với việc phê chuẩn diễn ra ở bang Massachusetts, nơi các cuộc tranh luận cho thấy đề xuất về đạo luật nhân quyền có vẻ là một biện pháp khắc phục cho những bế tắc tại hội nghị phê chuẩn.

Cuối cùng, bản Hiến pháp cũng chính thức có hiệu lực khi New Hampshire trở thành tiểu bang thứ 9 phê chuẩn vào ngày 21/6/1788.

Trong khi  đó, hai tiểu bang trọng yếu là Virginia và New York lại chìm trong những cuộc tranh luận gay gắt. Nếu hai bang giàu có này khước từ bản Hiến pháp, điều đó sẽ làm cho liên minh bị yếu đi và bị thu hẹp cả về diện tích, dân số và quy mô kinh tế, chưa kể sự phân tán về mặt địa lí. Tuy vậy, phe liên bang vẫn chiếm ưu thế, và Virginia cũng như New York đã thông qua bản Hiến pháp trong vài ngày sau đó.

Khi đạo luật nhân quyền được trình trước Quốc hội vào năm 1789, tiểu bang North Carolina phê chuẩn Hiến pháp. Cuối cùng, tiểu bang Rhode Island cũng phê chuẩn vào năm 1790, sau khi phủ quyết vào tháng 3/1788 trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Cần lưu ý rằng, tuy bản Hiến pháp này có hiệu lực từ ngày 21/6/1788, phải đến ngày 4/3/1789, chính quyền mới mới bắt đầu hoạt động khi Quốc hội mới được lập ra.

Đến ngày 30/4/1789, nhánh hành pháp mới được lập ra với vị Tổng thống đầu tiên là George Washington.

Và phải đến ngày 02/02/1790 thì Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, cơ quan cao nhất của nhánh lập pháp mới được thiết lập, chính quyền mới chính thức đi vào hoạt động một cách đầy đủ theo Hiến pháp mới.

Diễn biến quá trình phê chuẩn Hiến pháp Hoa Kỳ17/9/1787: Hội nghị Lập hiến Philadelphia thông qua văn kiện dự thảo Hiến pháp.28/9/1787: Quốc hội liên bang đồng ý chuyển bản dự thảo Hiến pháp về các tiểu bang để thảo luận và phê chuẩn.

7/12/1787: Tiểu bang Delaware phê chuẩn. Đồng ý: 30, Phản đối: 0.

12/12/ 1787: Tiểu bang Pennsylvania phê chuẩn. 46 phiếu thuận, 23 phiếu chống.

18/12/1787: Tiểu bang New Jersey phê chuẩn. 38 phiếu thuận, 0 phiếu chống.

02/01/1788: Tiểu bang Georgia phê chuẩn. 26 phiếu thuận, 0 phiếu chống.

09/01/1788: Tiểu bang Connecticut phê chuẩn. 128 phiếu thuận, 40 phiếu chống.

06/02/1788: Tiểu bang Massachusetts phê chuẩn. 187 phiếu thuận, 168 phiếu chống.

24/3/1788: Tiểu bang Rhode Island từ chối phê chuẩn qua một cuộc trưng cầu dân ý. 237 phiếu thuận, 2708 phiếu chống.

28/4/1788: Tiểu bang Maryland phê chuẩn. 63 phiếu thuận, 11 phiếu chống.

23/5/1788: Tiểu bang South Carolina phê chuẩn. 149 phiếu thuận, 73 phiếu chống.

21/6/1788: Tiểu bang New Hampshire phê chuẩn. 57 phiếu thuận, 47 phiếu chống. Hiến pháp chính thức có hiệu lực.

25/6/1788: Tiểu bang Virginia phê chuẩn. 89 phiếu thuận, 79 phiếu chống.

26/7/1788: Tiểu bang New York phê chuẩn. 30 phiếu thuận, 27 phiếu chống.

02/8/1788: Tiểu bang North Carolina hoãn phê chuẩn với 185 phiếu thuận, 84 phiếu chống.

21/11/1789: Tiểu bang North Carolina phê chuẩn. 194 phiếu thuận, 77 phiếu chống.

29/5/1790: Rhode Island trở thành tiểu bang cuối cùng trong số 13 tiểu bang phê chuẩn. 34 phiếu thuận, 31 phiếu chống.

Tài liệu tham khảo:

The Ratification of the Constitution (Archives.gov)Questions & Answers Pertaining to the Constitution (Archives.gov)Ratification Dates and Votes (usconstitution.net)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.