Hoa Kỳ bắt giữ các quan chức FIFA bằng cách nào?

Trương Tự Minh – Bảy quan chức cấp cao của FIFA bị bắt giữ ngày 27/5 vừa qua đều không mang quốc tịch Hoa Kỳ và không cư trú trên lãnh thổ Hoa Kỳ, làm thế nào chính phủ nước này bắt được họ?

Hoa Kỳ bắt giữ các quan chức FIFA bằng cách nào?
Vụ bắt giữ hàng loạt các quan chức FIFA ở Thụy Sỹ được cho là nỗ lực nhằm phanh phui hoạt động tham nhũng có hệ thống của tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh do Chủ tịch Sepp Blatter đứng đầu. Ảnh: Mirrow

Trương Tự Minh – Bảy quan chức cấp cao của FIFA bị bắt giữ ngày 27/5 vừa qua đều không mang quốc tịch Hoa Kỳ và không cư trú trên lãnh thổ Hoa Kỳ, làm thế nào chính phủ nước này bắt được họ?

Vụ bắt giữ hàng loạt các quan chức FIFA ở Thụy Sỹ được cho là nỗ lực nhằm phanh phui hoạt động tham nhũng có hệ thống của tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh do Chủ tịch Sepp Blatter đứng đầu. Ảnh: Mirrow

Vụ bắt giữ hàng loạt các quan chức FIFA ở Thụy Sỹ được cho là nỗ lực nhằm phanh phui hoạt động tham nhũng có hệ thống của tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh do Chủ tịch Sepp Blatter đứng đầu. Ảnh: Mirrow

Hôm thứ Tư vừa qua, thế giới đã rúng động trước tin 7 nhân viên cấp cao của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) bị bắt giữ ở Zurich, Thụy Sỹ với các cáo buộc tham nhũng và hối lộ. Mặc cho những vụ bố ráp và các cáo buộc hình sự vừa diễn ra trong tuần, vào thứ Sáu vị chủ tịch thứ tám của FIFA – Sepp Blatter – tiếp tục trúng cử nhiệm kỳ thứ năm liên tiếp giữa làn sóng chỉ trích mạnh mẽ cùng những mối hoài nghi về vai trò liên quan của ông trong vụ bê bối.

Trong khi công luận quốc tế vẫn còn rất sôi sục trước những mảng tối khác của FIFA đang chờ được bóc trần, từ vụ bắt giữ các quan chức cấp cao của tổ chức này hôm thứ Tư vừa qua tại Zurich, đứng từ góc độ pháp lý, một câu hỏi đặt ra là: nước Mỹ đã làm cách nào để cảnh sát Thụy Sỹ bắt giữ những người mà ban đầu chỉ do Bộ Tư Pháp Mỹ truy tố, đặc biệt xét đến yếu tố 7 quan chức FIFA bị bắt đều không có quốc tịch Hoa Kỳ?

 Hành vi phạm tội được thực hiện tại Mỹ

Trả lời trên tờ Washington Post, Jessica Tillipman – giảng viên khoa luật Đại học George Washington – đã giải thích cách thức nước Mỹ dựa vào để vươn cánh tay nữ thần công lý sang bên kia bờ Đại Tây Dương. Cô nói: “Pháp luật hình sự Hoa Kỳ vẫn có thể áp dụng đối với công dân người nước ngoài nếu họ đã thực hiện một số tội nhất định”.

Nhưng trước đó, điều kiện tiên quyết phải là các hành vi này được tiến hành trên lãnh thổ nước Mỹ. Hoặc các bằng chứng của tội phạm có liên quan đến nước này, chẳng hạn một cuộc gọi điện thoại mà một đầu dây xuất phát từ Mỹ, hay như trước đây đã từng có – một bức thư điện tử được truyền qua máy chủ đặt tại nước này. “Tức có nghĩa Hoa Kỳ sẽ có thẩm quyền xét xử nếu một yếu tố nào đó của vụ án có liên quan đến lãnh thổ nước Mỹ”, Tillipman nhận định.

Theo quy định đó, do CONCACAF – cơ quan đại diện quản lý của FIFA khu vực Trung và Bắc Mỹ – có trụ sở tại tiểu bang Miami (Hoa Kỳ), đồng thời đa phần các tội danh cáo buộc đối với các quan chức FIFA bị bắt được thực hiện trên đất Mỹ, vì vậy Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã vào cuộc. Bên cạnh việc bắt giữ một số nhân viên cấp cao của FIFA ở Thụy Sỹ, hôm thứ Tư vừa qua Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ cũng đã tiến hành khám xét văn phòng của CONCACAF ở Miami và Traffic Sports USA Inc., một công ty đặt tại Florida có dính líu đến các hoạt động bị cáo buộc.

Cụ thể, các cáo buộc do Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đưa ra liên quan đến việc cấp quyền phát sóng truyền hình các giải đấu của FIFA ở khu vực châu Mỹ. Theo cáo trạng từ cơ quan điều tra phía Hoa Kỳ, một số quan chức của FIFA và CONCACAF đã nhận hối lộ và tiền lại quả từ các công ty tiếp thị trong ngành thể thao; đổi lại các công ty này được trao quyền phát sóng World Cup cùng nhiều giải đấu lớn khác, để sau đó bán lại quyền phát sóng cho các đài truyền hình.

Cũng theo các cáo buộc, trong vòng 24 năm qua, các công ty đóng vai trò trung gian này – chủ yếu hoạt động ở Bắc, Trung và Nam Mỹ – đã “đi cửa sau” với quan chức của FIFA với tổng số tiền hơn 150 triệu USD. Phát biểu trong một cuộc họp báo ở New York ngay sau cuộc bố ráp thành công tại Thụy Sỹ, Tổng Chưởng lý (Bộ trưởng Bộ Tư Pháp) Hoa Kỳ, bà Loretta Lynch nói cuộc điều tra sắp tới sẽ lật lại những vụ việc tham nhũng ở FIFA từ năm 1991 cho đến nay.

“Họ đã lặp đi lặp lại việc này, năm này qua năm khác, hết giải đấu này đến giải đấu khác”, bà cho biết.

FIFA bribery

Mỹ cần Thụy Sỹ chấp thuận để dẫn độ

Trở lại với vụ việc bắt giữ, sau khi cơ quan công tố Mỹ chính thức gửi quyết định truy tố và đề nghị bắt giữ đến chính quyền nơi đối tượng bị truy tố đang lưu trú, nước sở tại không có nghĩa vụ phải hành động theo lời đề nghị đó. Ngược lại, việc bắt giữ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của chính quyền quốc gia này. Nhưng với diễn biến hôm thứ Tư vừa qua, có thể thấy đã có sự hợp tác giữa chính phủ hai nước Hoa Kỳ và Thụy Sỹ.

Dẫu vậy, tuy rằng chính quyền Zurich đã hợp tác với Washington trong việc bắt giữ 7 nhân viên cấp cao của FIFA, điều này không có nghĩa những người này sẽ bị dẫn độ về Mỹ để bắt đầu quy trình tố tụng theo tòa án liên bang nước này. “Việc dẫn độ hay không tùy thuộc vào hiệp ước dẫn độ mà Mỹ và Thụy Sỹ đã ký kết”, Jessica Tillipman giải thích.

Theo thông lệ công pháp quốc tế, điều kiện cho dẫn độ là phải tồn tại một sự “tương đồng về tội danh” (dual criminality). Điều này có nghĩa, quốc gia yêu cầu dẫn độ và quốc gia dẫn độ phải cùng xem loại hành vi mà đối tượng bị bắt giữ đã thực hiện là tội phạm, cho dù tên gọi có thể khác nhau ở hai nước.

Trên thực tế, có một số loại tội phạm kinh tế mà Thụy Sỹ sẽ từ chối dẫn độ. Chính vì vậy, hiện tại không có gì đảm bảo bà Loretta Lynch cùng các cộng sự sẽ đưa được các quan chức FIFA bị bắt giữ hôm thứ Tư vừa rồi ra tòa án liên bang xét xử ở nước mình. Theo quan sát từ các chuyên gia pháp lý, trở ngại lớn nhất đối với Bộ Tư Pháp Mỹ sẽ đến từ các luật sư của bên bị buộc tội. Nhiều khả năng bên bị buộc tội sẽ tìm cách giải thích những tội danh nêu trong cáo buộc khác đi so với các tội có trong luật hình sự Thụy Sỹ.

Do đó, chỉ trích của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như Bộ Ngoại giao Nga khi cho rằng Hoa Kỳ đã có yêu cầu bất hợp pháp trong việc bắt giữ và dẫn độ các nhân viên cấp cao của FIFA ở Thụy Sỹ là không chính xác về mặt pháp lý. Trái ngược với những phê phán từ Moscow vốn xuất phát từ động cơ chính trị, vụ việc bắt giữ hôm thứ Tư vừa rồi cho thấy xu hướng tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong hoạt động xử lý tội phạm hình sự. Và theo nhận định của Tillipman, “chúng ta hiện chứng kiến một quá trình quốc tế hóa pháp luật hình sự”.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.