Thoát nạn ở Hong Kong – Kỳ 8: Phản kháng lệnh trục xuất thứ hai

Thoát nạn ở Hong Kong – Kỳ 8: Phản kháng lệnh trục xuất thứ hai
Nguyễn Ái Quốc và luật sư Frank Loseby năm 1931. Ảnh: dost-dongnai.gov.vn

Phiên tòa ngày 20 tháng 08 năm 1931 tiếp tục xét xử đơn Habeas Corpus của Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc yêu cầu chính quyền Hong Kong một là đưa ra lý do chính đáng cho việc bắt giữ và tạm giam ông, còn không thì trả tự do cho ông.

Thống đốc Hong Kong lý giải việc bắt giữ và tạm giam Tống/Nguyễn là để tiến hành trục xuất ông theo điều 4 của Sắc lệnh Trục xuất  năm 1917.

Khi đối mặt với luận điểm cho là chính quyền Hong Kong đã áp dụng không đúng quy trình thẩm định được quy định trong điều 4 này (và theo đó lệnh trục xuất đã đưa ra không đúng luật), Thống đốc Hong Kong tống đạt ngay tại tòa một lệnh trục xuất mới dựa trên điều khoản 3(2) của Sắc lệnh Trục xuất  năm 1917 cho phép Thống đốc Hong Kong quyết định trục xuất một người theo một cách tiện lợi hơn.

Luật sư Jenkin phản đối lệnh trục xuất thứ hai này của Thống đốc Hong Kong bằng cách tranh cãi là lệnh trục xuất này là một “chiêu lừa đảo” (“sham”)[1] và là “một sự lạm dụng quyền hành pháp” (“a misuse of executive power”) của chính quyền Hong Kong.

Việc trục xuất Tống/Nguyễn về Đông Dương thuộc Pháp về hình thức là một lệnh trục xuất thông thường, nhưng về bản chất là hành vi dẫn độ gián tiếp một nghi can phạm tội chính trị khỏi lãnh thổ Anh quốc trái với đạo luật Dẫn Độ năm 1870 (Extradition Act 1870).

Đối lại, Chưởng lý Alabaster, đại diện Thống đốc Hong Kong, chỉ ra rằng Tống Văn Sơ đã tự khai báo trước tòa ông ta không phải Nguyễn Ái Quốc, đồng thời trước tòa không có bằng chứng nào khác cho thấy Tống Văn Sơ chính là Nguyễn Ái Quốc.

Vì chỉ Nguyễn Ái Quốc người An Nam mới có thể được xem là một nghi can phạm tội chính trị, chứ không phải Tống Văn Sơ – vốn tự nhận là một người Trung Quốc bình thường, nên không thể cáo buộc là việc trục xuất Tống/Nguyễn là một hành vi dẫn độ trá hình.

Ngoài lời khai có tuyên thệ trước tòa về danh tính của Tống/Nguyễn ra, trong các bằng chứng trước tòa Thượng thẩm Hong Kong khi phân xử vụ việc của ông dường như không có bất kỳ bằng chứng nào khác để tòa có thể quyết định chắc chắn danh tính của Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc.

Đối lại luận điểm đó của Chưởng lý Alabaster, có thể cãi rằng nếu cho rằng người đang bị giam giữ kia không chắc chắn là Nguyễn Ái Quốc người An Nam thì sao lệnh trục xuất lại cứ khăng khăng đưa người đó về Đông Dương thuộc Pháp? Không rõ luận điểm này có được đưa ra trước tòa không, và nếu nó đã được đưa ra thì hồi đáp của phía chính quyền Hong Kong là gì.

Sau khi chấm dứt phần tranh tụng của cả hai bên, tòa tuyên sẽ nghị án riêng và đưa ra tuyên án bằng văn bản sau.

Ngày 02 tháng 09 năm 1931, sau mười hai ngày nghị án, Tòa Thượng thẩm Hong Kong quyết định bác đơn Habeas Corpus của Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc.

Trong một văn bản quyết định dài (được báo chí Hong Kong tường thuật lại), Chánh Tòa Thượng thẩm Hong Kong chấp nhận là lệnh trục xuất thứ hai của Thống đốc Hong Kong được đưa ra đúng luật và theo đó phải được thi hành, bất chấp các nghi ngại về việc lệnh trục xuất đó có phải là một hành vi dẫn độ trá hình hay không.

Chánh Tòa Thượng thẩm Hong Kong đã viện dẫn một án lệ làm cơ sở cho quyết định của mình: Án lệ Sacksteder.

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra trong án lệ Sacksteder là liệu các quan tòa Anh, trong một số trường hợp hạn hữu, có thể đi sâu xem xét động cơ phía sau một lệnh trục xuất do cơ quan nhà nước đưa ra hay không, khi mà quyết định trục xuất ấy được đưa ra đúng quy trình chiếu theo luật, nhưng có nghi vấn là khi đưa ra quyết định trục xuất đó cơ quan nhà nước mang một động cơ mờ ám nào đó.

Các quan tòa Anh trong án lệ Sacksteder đã trả lời câu hỏi trên với một thái độ dè dặt là không. Với họ, khi một lệnh trục xuất đã được đưa ra một cách đúng luật, việc đi sâu xem xét động cơ phía sau nó là tốt hay xấu, mờ ám hay trong sáng không thuộc thẩm quyền của ngành tư pháp.

Chánh Tòa Thượng thẩm Hong Kong quyết định áp dụng án lệ Sacksteder vào vụ việc của Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc.

Theo tường thuật lại của báo chí Hong Kong, Tòa lý giải là:

“… Tòa không thể xem lệnh trục xuất này là một chiêu lừa đảo. Tòa cần phải thấy bằng chứng rõ ràng để có thể làm được việc đó. Một lệnh trục xuất chỉ có thể bị xem là một chiêu lừa đảo khi lệnh trục xuất đó được đưa ra thể theo yêu cầu của một chính quyền ngoại quốc, và lệnh trục xuất đó nhắm vào một người đã định cư lâu dài tại địa phương sở tại và không hề bị chính quyền địa phương phản đối. Trong trường hợp như thế thì Tòa mới có quyền bác lệnh trục xuất. Trong trường hợp này thì mọi bằng chứng đều cho thấy là lệnh trục xuất là một lệnh thực thụ được đưa ra chiếu theo Sắc lệnh Trục xuất … Phạm vi bảo vệ của Đạo luật Dẫn Độ chỉ giới hạn trong phạm vi hành vi giao nộp người thông qua cơ chế dẫn độ… Án lệ Sacksteder… là cơ sở cho việc phán xét rằng động cơ của việc đưa ra một quyết định trục xuất có thể xem là không liên quan đến quy chế của việc ban hành lệnh trục xuất.”

Quyết định đi cửa sau, dùng sức ép ngoại giao thay vì chính thức đưa ra yêu cầu trục xuất hay dẫn độ Nguyễn Ái Quốc của chính phủ Pháp đã tạo điều kiện cho họ qua mắt những người đứng đầu hệ thống tư pháp Anh tại Hong Kong.

Từ cái nhìn toàn cảnh hiện nay với sự tham chiếu tài liệu nội bộ của cả hai chính quyền Anh và Pháp, chúng ta có thể thấy rõ ràng là quá trình dẫn đến quyết định trục xuất Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc thực sự có bàn tay của một chính quyền ngoại quốc đó là chính phủ Pháp.

Nhưng trước mắt các quan tòa Thượng thẩm Hong Kong ngày ấy, họ chỉ thấy Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc và một lệnh trục xuất được chính quyền Hong Kong đưa ra theo một cách có thể gọi là thô thiển nhưng đúng luật.

Đội Nguyễn Ái Quốc, bây giờ họ phải làm gì?

Kỳ tới: Kháng cáo lên Viện Cơ mật Hoàng gia Anh

Kỳ trước:

Tài liệu tham khảo:

[1]Ho Chi Minh and the Privy Council” (K.R.Handley & K.Lemercier) L.Q.R. 2008, 124(Apr), 318-330

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.