Tòa mở lại vụ kiện của những người Hồi giáo bị bắt oan sau 11/9

Tòa mở lại vụ kiện của những người Hồi giáo bị bắt oan sau 11/9
Hàng trăm người Hồi giáo đã bị vây bắt trên toàn nước Mỹ trong nhiều tuần, nhiều tháng sau vụ tấn công 11/9. Ảnh: Abhishek Chinnappa/Reuters

Hoàng Thảo Anh (dịch) – Theo cáo buộc, sau vụ khủng bố 11/9, tổng cộng đã có 762 nghi can, trong đó có 491 người ở khu vực New York, bị tạm giữ trong những cuộc truy quét của cảnh sát trên toàn nước Mỹ. Họ bị giam giữ và ngược đãi ngày này qua tháng khác trong một khoảng thời gian dài.

14 năm trôi qua kể từ vụ tấn công 11/9, nhưng vụ kiện của những người Hồi giáo bị bắt sau sự kiện trên vẫn hầu như không có tiến triển, bất chấp những nỗ lực của các luật sư. Họ đã cố gắng chứng minh nỗi sợ hãi của hàng trăm người khi bị đối xử như khủng bố, bị giam giữ và hành hạ trong nhiều tháng dù cho không hề có mối liên hệ nào với khủng bố cả.

Vụ kiện cuối cùng đã được tiếp tục bởi Tòa Phúc thẩm Liên bang vào tuần trước. Những gì đã xảy ra trong cuộc điều tra tội phạm lớn nhất lịch sử nước Mỹ, thử thách giới hạn của quyền công dân, đã được tranh cãi và làm rõ tại phiên tòa này.

Trong một quyết định của đa số, Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực 2 đã khôi phục đơn kiện nhằm vào ba cựu quan chức hàng đầu của Mỹ, trong đó có bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft và giám đốc FBI Robert Mueller.

Văn bản ra quyết định nêu rõ: “Các bị cáo bị biệt giam liên tục 23 giờ mỗi ngày để điều tra vì bị nghi ngờ được Al-Qaeda chiêu mộ, chỉ bởi đức tin hay chủng tộc của họ. Điều này đã xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền hiến định của tù nhân”, “Những người bị bắt giam trong không khí hoảng loạn của chuỗi ngày kế sau 11/9 đã phải chịu đựng những đau đớn mà không gì có thể bù đắp được”.

Luật sư thuộc Trung tâm Nhân quyền Hiến định làm việc trong vụ này, Rachel Meeropol, cho biết phán quyết đem lại hy vọng rằng những gì đã thực sự xảy ra ở tầng chóp bu của chính quyền có thể được đem ra ánh sáng.

Bà nhận định: “Thẳng thắn mà nói, mặc dù quyết định này chỉ là một chiến thắng tạm thời, và không đem lại cho các thân chủ của tôi sự đền bù thực tế nào cả, nhưng sự khiển trách nặng nề đối với nhánh hành pháp không được kiểm soát bản thân nó đã đền đáp xứng đáng cho nhiều năm nỗ lực của chúng tôi”.

Hàng trăm người Hồi giáo đã bị vây bắt trên toàn nước Mỹ trong nhiều tuần, nhiều tháng sau vụ tấn công 11/9. Ảnh: Abhishek Chinnappa/Reuters

Hàng trăm người Hồi giáo đã bị vây bắt trên toàn nước Mỹ trong nhiều tuần, nhiều tháng sau vụ tấn công 11/9. Ảnh: Abhishek Chinnappa/Reuters

Tổng cộng đã có 762 nghi can bị tạm giữ sau các cuộc càn quét của cảnh sát Mỹ với quy mô toàn quốc, trong đó có 491 người ở khu vực New York. Các vụ bắt giữ diễn ra sau khi FBI chìm ngập trong 96000 cuộc gọi ở đường dây nóng ngay tuần kế tiếp ngày 11/9/2001.

Khoảng 80 người bị giam từ 3 đến 9 tháng ở trại giam thành phố quận Brooklyn, New York, số còn lại được đưa đến nhà tù Passaic County ở Paterson, New Jersey.

Phiên tòa đưa ra bằng chứng cho thấy tù nhân bị ngược đãi, trong đó có việc đập đầu họ vào tường; bẻ hoặc vặn tay, bàn tay, cổ tay và ngón tay họ; đạp lên chân họ; còng tay hay xích họ vào xà lim; và xúc phạm tôn giáo hay có những lời lẽ quấy rối tình dục trong quá trình điều tra.

Tòa Phúc thẩm cho biết, một nghi can bị FBI chú ý khi chủ nhà của ông gọi điện cho FBI, bảo rằng bà ta đang cho những người đàn ông Trung Đông thuê một căn hộ ở nhà mình, và bà sẽ “cảm thấy kinh khủng nếu những người thuê nhà mình có liên quan đến khủng bố”.

Thẩm phán cũng lưu ý, có một người khác bị bắt giữ sau khi FBI nhận được cuộc gọi tiết lộ cửa hàng tạp hóa nhỏ nơi anh ta làm việc quá tải nhân viên, làm anh ta nghi ngờ về những “người đàn ông Trung Đông” làm ở đó.

Tuy nhiên, một người cho hay khi anh ta khiếu nại lên cơ quan FBI việc bị cai tù tra tấn, cơ quan này đã tuyên bố “đấy là bởi vì anh là người Hồi giáo”.

Trong bản lập luận bác, thẩm phán khu vực Reena Raggi khuyến cáo Tòa án cần có những bước đi cẩn trọng khi thâm nhập vào lĩnh vực an ninh quốc gia. Bà viết: “Do hậu quả trực tiếp từ sự kiện 11/9 khủng khiếp, rất khó hình dung một thứ lợi ích chung đòi hỏi sự quyết đoán hay dung thứ cho những phán quyết duy lý, thậm chí sai lầm, thay vì bảo vệ quốc gia và dân chúng khỏi các cuộc tấn công khủng bố sau này”.

Vụ kiện được trình lên Tòa án Liên bang Brooklyn vào tháng 4/2002, nay đã có 8 nguyên đơn, bao gồm 6 người Hồi giáo, một người theo đạo Hindu và một Phật tử. Tất cả đều có gốc Trung Đông, Bắc Phi hay Nam Á. Họ đều bị trục xuất sau khi được làm rõ không có bất kỳ liên hệ nào tới khủng bố.

Diễn biến vụ kiện đã bị cản trở bởi nhiều tình tiết phát sinh, trong đó có một khoản dàn xếp 1,26 triệu đô la cho 5 nguyên đơn đầu tiên, những người hiện đang cư trú ở nước ngoài; một quyết định của tòa án tối cao đã thiết lập những tiêu chuẩn pháp lý mới và một báo cáo của Văn phòng Tổng thanh tra của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ủng hộ các yêu cầu của nguyên đơn trong vụ kiện.

Phát biểu hôm 19/6, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Nicole Navas chỉ nói rằng phán quyết của tòa đang được xem lại.

Luật sư Lee Gelernt, cho rằng phán quyết của Tòa án Khu vực 2 sẽ có một tác động nhất định. Trước đó, ông Gelernt đã từng biện hộ tại tòa tối cao cho một người bị giam giữ với vai trò nhân chứng trong một vụ án hình sự liên quan đến khủng bố.

Ông nói: “Những phán quyết như thế này sẽ không bị các quan chức cấp cao xóa sổ dù chúng xảy ra ở thời điểm nào đi chăng nữa”, “Chỉ cần làm những quan chức này phải hầu tòa đã đủ mang lại tác dụng răn đe bởi vì bây giờ họ sẽ phải biện minh cho những hành động của mình”.

Còn luật sư Rachael Meeropol cho biết các thân chủ của bà có thể đã giải quyết vụ án nhiều năm trước nếu họ chỉ kiện các quan chức ở nhà tù địa phương, nhưng họ và những cựu tù khác tin rằng việc khiến những vị chóp bu của Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm là điều rất quan trọng. “Nếu những người này không chịu trách nhiệm thì không gì có thể ngăn họ tiếp tục những hành động như thế lần nữa”.

Hoàng Thảo Anh dịch từ “Lawsuit brought by Muslims rounded up after 9/11 gets go-ahead from court” (The Guardian)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.