Tổ chức dân sự - lời giải cho bài toán cứu trợ trong thiên tai
Trước cảnh thiên tai lũ lụt đang diễn ra ở miền Bắc, người dân cả nước đang tìm nhiều cách
Bản thân người viết loạt bài này có một sự ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc dành cho nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh. Sự kính trọng và ngưỡng mộ này ban đầu đến từ những gì người viết được học và đọc dưới mái trường Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Khi người viết sang nước ngoài học tập và làm việc thì mới bắt đầu được tiếp cận các tài liệu và các nghiên cứu lịch sử về Hồ Chí Minh của giới học giả phương Tây.
Bản thân là người học luật, người viết đã chọn đi sâu vào tìm hiểu vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong. Thành quả những tìm hiểu của người viết chính là loạt bài này.
Trong phạm vi những nghiên cứu sử học gói gọn vào giai đoạn 1931-1932 của cuộc đời Hồ Chí Minh lúc ông ở Hong Kong, khó có thể rút ra những bài học xuyên suốt và thấu đáo nhất cho việc đánh giá về ông một cách toàn diện.
Việc đánh giá Hồ Chí Minh như một nhân vật lịch sử trên công luận ở trong và ngoài nước Việt Nam hiện nay vẫn còn rất kém khách quan và chịu nhiều ảnh hưởng từ các luồng tư tưởng chính trị hơn là từ sử liệu và suy luận logic.
Đánh giá Hồ Chí Minh/Nguyễn Ái Quốc như một nhân vật lịch sử
Trong khi những người Cộng sản và thân Cộng sản cố gắng tô hồng, đánh bóng hình tượng Hồ Chí Minh thì những người chống Cộng lại ra sức tô đen ông. Sự kém khách quan này không giúp ích gì cho kiến thức và hiểu biết của những ai quan tâm đến nhân vật lịch sử này.
Việc đánh giá Hồ Chí Minh một cách khách quan dựa trên sử liệu của các học giả phương Tây cho thấy, ít nhất là trong giai đoạn 1931-1932, vận mệnh của Hồ Chí Minh không nằm trong tay ông mà chịu sự chi phối của những thế lực lớn hơn ông rất nhiều: Quốc tế Cộng sản, chính phủ Thực dân Pháp, chính quyền Anh quốc và nền tư pháp độc lập Anh quốc.
Sự can thiệp và trợ giúp của Quốc tế Cộng sản, cùng một phần sự may mắn đẩy đưa của số phận con người, tất cả trên nền những cơ chế sẵn có của hệ thống tư pháp độc lập Anh quốc, đã góp phần giúp Hồ Chí Minh thoát nạn tại Hong Kong.
Một kết quả đánh giá như thế có thể làm một số người phật lòng vì nó “giải thiêng” hình tượng anh hùng của Hồ Chí Minh. Có lẽ trong thâm tâm họ muốn nhìn thấy việc thoát nạn tại Hong Kong hoàn toàn là từ sự mưu trí, quả cảm của bản thân Hồ Chí Minh, được góp phần trợ giúp bởi những cá nhân đã được cảm hóa bởi lý tưởng cao đẹp của ông, hơn là nhìn nhận một cách khách quan là trong thực tế rất khó để một con người có thể tự cứu mình như vậy.
Nói như nhà thơ John Donne, “Không có ai là hòn đảo/Hoàn toàn chỉ riêng mình/Mỗi người là một mẩu của lục địa/Một mảnh của đại dương.”[1] Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh phải được nhìn nhận như một cá nhân trong một bối cảnh xã hội nhất định của thời đại mà ông đã sống. Và thực tế bối cảnh xã hội thế giới nói chung và Hong Kong nói riêng của những năm 1930 không ủng hộ cho phiên bản anh hùng trong trí tưởng tượng một số người ái mộ Hồ Chí Minh.
Người viết cho là sự “giải thiêng” hình tượng Hồ Chí Minh và nhìn nhận ông một cách thực tế nhất có thể – như là một cá nhân mong manh vẫy vùng giữa những dòng chảy bạo liệt của lịch sử và số phận – như thế không phải là ‘tô hồng’ và cũng chẳng phải là ‘bôi đen’. Nó giúp những ai quan tâm đến Hồ Chí Minh có cơ hội được nhìn thấy ông thật sự như một con người. Một cái nhìn như thế có lẽ cần thiết hơn cả cho việc thấu hiểu về ông.
Thời đại Hồ Chí Minh không có chỗ cho tư pháp độc lập
Với nhìn nhận một cách thực tế nhất từ bối cảnh lịch sử, chúng ta có thể ghi nhận một điều là Hồ Chí Minh, cũng như nhiều nhà hoạt động Cộng sản quốc tế khác trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, không phải tình cờ mà quyết định chọn Anh quốc hoặc các thuộc địa của Anh để làm nơi cư trú hoặc địa bàn hoạt động.
Trước Hồ Chí Minh, Karl Marx – người khai sinh chủ nghĩa Cộng sản – vào năm 1849 cũng đã chọn việc tỵ nạn tại Anh quốc khi chính phủ nước Phổ bắt đầu đàn áp các cá nhân và phe phái cánh tả. Karl Marx đã sống suốt phần đời còn lại của ông tại thủ đô London – một trong những ‘thánh địa’ của chủ nghĩa tư bản. Trong một thư phòng của Bảo tàng Anh quốc (The British Museum), ông đã nghiên cứu và hoàn thành phần đầu của cuốn sách Tư bản luận huyền thoại phê phán chính chủ nghĩa tư bản.
Sự độc lập của nền tư pháp Anh, thể hiện qua một truyền thống cương quyết chống lại các hình thức kiểm soát chính trị vào việc phân xử dựa trên pháp luật của hệ thống tòa án, cùng những nền tảng sẵn có của hệ thống thông luật Anh bao gồm tinh thần thượng tôn pháp luật, sự bảo vệ nhân quyền và tôn trọng tự do đã góp phần biến các lãnh địa vương quốc Anh thành những nơi cư ngụ và địa bàn hoạt động lý tưởng cho các nhà hoạt động chính trị quốc tế bất kể chính kiến và lý tưởng của họ là gì.
Có một sự thật lịch sử rất đáng tiếc đó là nhiều nhà cách mạng đã được nền tư pháp độc lập Anh bảo vệ lại không hề là những người ủng hộ những triết lý nền tảng về thượng tôn pháp luật và tôn trọng tự do của nền tư pháp độc lập đó trong thực tế khi những cuộc cách mạng của họ đã thành công.
Hồ Chí Minh cùng những người chung lý tưởng cộng sản với ông sau khi giành được chính quyền tại Việt Nam năm 1945 đã giúp đẩy lui các lực lượng thực dân, đế quốc khỏi đất nước nhưng sau đó họ lại xây dựng một hệ thống chính quyền chuyên chế không có chỗ cho một nền tư pháp độc lập thật sự.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) là một trí thức được đào tạo tại Pháp đã trở về Việt Nam lập nghiệp trong những năm Pháp thuộc. Ông từ chối hợp tác cả với chính quyền Thực dân Pháp lẫn chính quyền Phát xít Nhật. Sau đó ông tham gia kháng chiến và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Trong hồi ký của mình “Kẻ bị mất phép thông công” xuất bản tại Pháp năm 1992, Nguyễn Mạnh Tường đã viết những dòng sau đây về giai đoạn ông tham gia chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của ông Hồ Chí Minh sau năm 1954:
“…chưa bao giờ người ta lại khinh miệt và hận thù luật lệ với một thái độ láo xược như thế. Nhà nước chỉ là bàn tay nối dài của Đảng. Người ta cấm tiệt bất cứ mọi thứ can thiệp hay ngay cả một tia mắt nhòm ngó vào hai lãnh vực Lập pháp và Tư pháp. Nguyên tắc “không thể sai lầm” và “không chịu trách nhiệm” của Đảng đã mở cửa cho biết bao chuyện kỳ quặc, bệnh hoạn, tự tung tự tác và hậu quả là đưa đến những hành động phạm pháp bởi mọi tầng cán bộ, bởi các đảng viên hay những người được Đảng nặn ra. Chưa bao giờ nhân dân lại bị đẩy vào một thế im lặng đê hèn và tai hại; không một gợi ý, đề xuất, nhận xét hay ý kiến tư vấn nào mà nhân dân có thể đưa ra cho nhà cầm quyền để cải thiện việc điều hành của Nhà nước và làm cải thiện tốt hơn cho con dân trong nước. Bất hạnh thay, những điều Luật được “bầu” ra bởi Quốc Hội, các cấp Toà do chính phủ dựng nên chỉ có một và một mục đích duy nhất là bắt người dân quy phục, và tuân thủ vô điều kiện bất kể chuyện gì mà nhà cầm quyền muốn dù là chuyện ngông cuồng vô lý nhất. Mặc dù vậy, để lừa phỉnh trong nước và quốc tế họ luôn luôn ra rả không ngừng là họ vì dân và do dân…”[2]
Thời kỳ Hồ Chí Minh nắm quyền từ 1945 đến 1969, cuối cùng, không có bóng dáng nào của một nền tư pháp độc lập.
Kỳ tới: Kiểm soát giới luật sư và các tiếng nói độc lập
Kỳ trước: