Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Hiển nhiên dải đất hình chữ S Việt Nam hiện đại không chỉ chứng kiến duy nhất một cuộc cải cách ruộng đất.
Tại hai đầu đất nước, mỗi quốc gia đều có những định hướng và chính sách đất đai riêng biệt nhằm hướng đến những mục tiêu chính trị, kinh tế và xã hội khác nhau; và chắc chắn để lại những ảnh hưởng không hề nhỏ. Dù vậy, do những yếu tố về ý thức hệ cũng như tình cảm cá nhân, ít bài viết nào nhắm đến một nhận định khách quan về kỹ thuật lập pháp cũng như bản chất pháp lý từng văn bản pháp luật chỉ đạo của những cuộc cải cách này.
Hoàn cảnh
Tại miền Bắc Việt Nam, chiến tháng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva được ký kết, hoà bình chính thức lập lại vào năm 1954 là cơ sở căn bản để công cuộc Cải cách ruộng đất (theo luật Cải cách ruộng đất 1953) có thể được thi hành toàn diện.
Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa quyết tâm tận dụng điều kiện thực hiện cải cách ruộng đất trên diện rộng với mục tiêu lý thuyết là đánh đổ chế độ sở hữu ruộng đất phiến, xoá bỏ hoàn toàn bóc lột bằng cách đánh đổ giai cấp địa chủ bóc lột, từ đó giai cấp nông dân được giải phóng và được đưa lên địa vị làm chủ ở nông thôn.
Khách quan, mục đích mà Cải Cách Ruộng Đất nhắm tới mang tính chất hoàn thành chỉ tiêu lý thuyết chính trị hơn là giải quyết tình hình kinh tế nông nghiệp thực tiễn.
Kể từ năm 1955, tại miền Nam Việt Nam, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng bắt đầu các phương thức của riêng mình để cải tổ hệ thống đất đai rộng lớn và phì nhiêu đang lệ thuộc lớn vào các đại điền chủ người Việt Nam và người Pháp với chương trình Cải Cách Điền Địa.
Chương trình này dựa trên Điều luật số 2 (thông qua ngày 8 tháng 1 năm 1955); số 7 (thông qua ngày 5 tháng 2 năm 1955) và Điều luật 57 (thông qua ngày 22 tháng 10 năm 1956) quy định chính sách giới hạn ruộng đất, giảm tô, thu hồi ruộng đất bỏ hoang, các biện pháp bảo vệ quyền lợi của nông dân thuê đất qua bảo đảm hợp đồng cho tá điền và thể thức thực hiện.
Tuy nhiên, nhìn vào các quy định của các văn bản pháp luật thuộc chương trình cũng như kết quả đạt được, cũng có thể nhận định rằng Cải Cách Điền Địa không nhằm vào việc thực sự cải tổ hệ thống đất đai tại miền Nam Việt Nam mà chỉ là giải pháp tình thế loại trừ ảnh hưởng kinh tế của giới đại điền chủ và tranh thủ sự ủng hộ chính trị của di dân miền Bắc Việt Nam sau những sai lầm của Cải Cách Ruộng Đất.
Đến năm 1969, ngay sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với mục tiêu giành lại sự ủng hộ của nông dân miền Nam Việt Nam cũng như đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, dự thảo đạo luật Người Cày Có Ruộng bắt đầu được hình thành. Về căn bản, đạo luật có mục tiêu xóa bỏ thực tế chế độ tá điền vẫn đang còn tồn tại trong hệ thống nông nghiệp tại miền Nam sau Cải Cách Điền Địa và tham vọng rất lớn là cấp phát miễn phí một lượng ruộng đất thu hồi được cho nông dân.
Quy trình thống kê, kiểm soát trước thi hành
Cải Cách Điền Địa và Người Cày Có Ruộng đều hoàn thành khá tốt một trong những nhiệm vụ căn bản của một chính sách kinh tế về đất đai – thống kê. Tuy nhiên, cũng có thể lý giải cho sự sốt sắng của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đối với quá trình thống kê tiền dự luật một phần do nguồn kinh phí thực hiện chính sách chủ yếu được Hoa Kỳ tài trợ, một nước vốn rất quan trọng vấn đề minh bạch thu chi ngân sách.
Theo đó, tính đến thập niên 1950 tại miền Nam Việt Nam thì tình hình sở hữu ruộng đất có nhiều chênh lệch: 2,5% dân số là đại điền chủ sở hữu 45% tổng số ruộng trong khi 73% tiểu điền chủ chia nhau 15%.
Tính toán hoàn thành dự thảo cũng cho thấy, nếu áp dụng các điều kiện được quy định trong chương trình Cải Cách Điền Địa, có tổng cộng 2.033 điền chủ sở hữu 425.000 mẫu bị ảnh hưởng. 245.000 mẫu của 430 điền chủ mang quốc tịch Pháp cũng thuộc vào trường hợp phải nhượng lại cho chính phủ.
Đối với chính sách Người Cày Có Ruộng, tính toán có hơn 1,5 triệu hecta ruộng đất có thể thu hồi để cấp phát cho 80 vạn nông dân miền Nam Việt Nam đồng thời với việc cấp giấy chứng nhận sở hữu ruộng đất.
Tuy nhiên, đối với Cải Cách Ruộng Đất, nhiều nhà quan sát cho rằng không thể tìm thấy bất kỳ thống kê nào về số lượng, thành phần, giai cấp nhân dân tại nông thôn; số lượng cá nhân, gia đình có thể bị ảnh hưởng hay mục tiêu diện tích để phân cấp ruộng đất.
Ông Nguyễn Minh Cần (từ 1951 đến 1962 là bí thư Quận uỷ Ngoại Thành, sau là Thành uỷ viên và Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ Hà Nội) trong một lần phỏng vấn cũng cho biết không hề có bất kỳ cuộc điều tra thu thập số liệu chính thống về thực trạng ruộng đất được thực hiện.
Tính phân biệt giai cấp
Như đã nhắc đến ở trên, do Cải Cách Ruộng Đất mang nặng mục tiêu lý chính trị nên sự phân biệt giai cấp có phần rõ ràng hơn các văn bản thuộc chương trình Cải Cách Điền Địa hay Người Cày Có Ruộng.
Cụ thể, luật Cải Cách Ruộng đất phân biệt và đưa ra cách thức đối xử khác nhau giữa địa chủ Việt gian, phản động, cường hào gian ác (điều 3), và nhân sĩ dân chủ, địa chủ kháng chiến, địa chủ thường (Điều 4). Giai cấp nông dân cũng bị chia ra làm các thành phần bần cố nông, trung nông và phú nông (Điều 13, 14, 25).
Riêng Cải Cách Điền Địa với sự hậu thuẫn của thủ tướng Ngô Đình Diệm vẫn còn công nhận và bảo hộ chế độ tá điền – địa chủ, một hạn chế cực kỳ lớn của chương trình. Vì vậy, dù các điều luật có bảo vệ quyền lợi của tá điền bằng biện pháp giới hạn khung của mức địa tô là 25% hoa lợi thu được trên đất thuê, việc duy trì khế ước tá điền đồng thời cũng khiến cho mối quan hệ xã hội tá điền – địa chủ và định kiến có từ thời Pháp thuộc không được xử lý triệt để.
Người Cày Có Ruộng với dấu ấn của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có thể nói là văn bản cấp tiến nhất về yếu tố giai cấp trong ba chương trình do đã loại trừ việc phân biệt đối xử ra khỏi các quy định pháp lý.
Ai được xem là địa chủ?
Sự thiếu vắng một khái niệm cụ thể, rõ ràng, hoặc ít ra là một mức khung làm căn cứ xác định thành phần giai cấp là sai sót căn bản và cũng là nghiêm trọng nhất của chính sách Cải Cách Ruộng Đất.
Đối với Cải Cách Điền Địa, địa chủ, một cách đơn giản, được xem là những cá nhân sở hữu trên 100 mẫu đất. Luật Người Cày Có Ruộng giảm con số này xuống một cách đáng kể chỉ còn 15 mẫu (Điều 5).
Trong khi đó, luật Cải Cách Ruộng đất không hề có quy định về căn cứ xác định thành phần địa chủ đã dẫn đến hai hệ quả pháp lý quan trọng. Một là chính quyền địa phương xác định thành phần địa chủ hoàn toàn dựa vào lời đấu tố của bần cố nông (Điều 34). Hai là việc xác định thành phần vượt ra khỏi phạm vi của Luật Cải cách ruộng đất 1953 vốn chỉ nên căn cứ trên số lượng ruộng đất của người nằm giữ, lan sang các tài sản khác của gia đình họ.
Sai lầm này, kết hợp quá trình tuyên truyền có phần bạo động của chính sách khiến cho chính quyền trung ương hoàn toàn mất kiểm soát trong việc đánh giá án trạng và thành phần giai cấp. Mọi địa chủ bị phát hiện hầu như đều bị đấu tố trở thành địa chủ Việt gian, cường hào. Cũng do yếu tố chủ quan của những lời đấu tố giai cấp mà không xét đến lòng tham, lòng hận thù, việc đấu tố cũng trở nên vô cùng bừa bãi.
Phương pháp tịch thu, trưng thu đất
Điểm cần lưu ý là do tính chất tư sản của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, thuộc giai cấp địa chủ không phải là một tội, và vì vậy họ cũng không áp dụng phương thức tịch thu đất.
Cải Cách Điền Địa căn cứ vào Điều luật 57 để xác định phương thức thu hồi. Theo đó thì chủ điền chỉ được giữ tối đa là 100 mẫu, bắt buôc trực canh tối thiểu 30 mẫu phải trực canh và phần còn lại được pháp cho tá điền thuê lại theo quy chế tá canh. Phần đất vượt mức 100 mẫu sẽ được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mua lại với 10% giá trị đất đai của họ bằng tiền mặt, 90% được trả bằng trái phiếu trong vòng 12 năm. Trái phiếu nầy có thể dùng để mua các cổ phần trong các xí nghiệp kỹ nghệ quốc doanh hoặc dùng để trả thuế. Chưa tìm thấy được tài liệu cụ thể nào ghi nhận phương thức tính giá trị thu mua đất.
Luật Người Cày Có Ruộng có phần hà khắc hơn đối với các điền chủ, theo đó quy định ruộng đất không trực canh (không canh tác) đương nhiên bị truất hữu (nhưng sẽ không áp dụng nếu diện tích sở hữu dưới 15 mẫu đất). Chủ đất được bồi thường 20% bằng tiền mặt và 80% bằng công khố phiếu trả 10% lãi trong tám năm. Giá trị của đất được quy định là 2,5 lần giá năng suất thóc từ khoảnh đất đó (Điều 9).
Luật Cải Cách Ruộng Đất tại miền Bắc Việt Nam không tạo điều kiện cho sự chuyển giao nhẹ nhàng như vậy. Theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 của luật này, ruộng đất của địa chủ Việt gian, phản động, cường hào gian ác sẽ bị tịch thu, trong khi của nhân sĩ dân chủ, địa chủ kháng chiến, địa chủ thường sẽ bị trưng thu, vốn có cùng kết quả là cả hai đối tượng sẽ bị thu hồi toàn bộ đất canh tác mà không được bồi thường. Thêm vào đó, Luật còn quy định mọi tài sản khác của đối tượng địa chủ Việt gian, phản động, cường hào cũng bị tịch thu (Điều 3). Cách quy định này không chỉ thiếu tính nhân văn khi dồn mọi cá nhân trong gia đình vào thế cùng, dẫn xảy ra tình trạng người trong một nhà, dòng họ đấu tố nhau để thoát khỏi tiếng địa chủ, cường hào.
Phương thức giao đất
Cách chia ruộng đất của chính sách Cải Cách Ruộng Đất tập trung vào việc cấp phát miễn phí đất đai cho bần cố nông, trung nông cũng như một số đối tượng dễ tổn thương khác trong xã hội, nhìn chung là một bước tiến tiến bộ (Điều 25). Các cá nhân bị thu hồi đất do thuộc thành phần địa chủ, cũng sẽ được chia trên cơ sở “xấp xỉ” ngang với nông dân. Địa chủ bị tuyên án tù từ năm năm trở lên không được chia ruộng đất, dù vậy, gia đình của họ cũng sẽ được chia. Về mặt lập pháp, phần quy định về phương thức giao đất của Cải Cách Ruộng Đất khá hoàn thiện, bảo đảm quyền lợi cơ bản của mọi công dân, bất kể thành phần. Tuy nhiên, cách quy định này cũng có nhược điểm là theo hướng “cào bằng” mà không quan tâm ai đang trực tiếp canh tác đất đai (Điều 27).
Chương trình Cải Cách Điền Địa, ngược lại, thật sự không đưa ra những quy định tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của nông dân miền Nam Việt Nam. Trước tiên, nông dân buộc phải mua lại phần đất thu hồi này không lãi suất trong vòng 6 năm, và tối đa là 12 năm. Trong thời gian ấy ruộng đất vẫn thuộc quyền sở hữu của chính quyền. Điều này đẩy số lượng đất đai được phân phát rất hạn chế, thêm vào đó đa phần đất được bán lại cho người nhập cư nhằm tranh thủ vào tạo làn sóng ủng hộ chính trị cho Tổng thống Ngô Đình Diệm và công kích chính phủ miền Bắc Việt Nam. Điều này lại không có được mấy thiện cảm từ nông dân, tá điền thiếu đất cũng như các chính trị gia miền Nam Việt Nam thời điểm đó.
Người Cày Có Ruộng của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có phần thành công hơn người tiền nhiệm, theo đó đất sẽ được cấp miễn phí cho mỗi hộ với diện tích cụ thể tùy theo Nam phần hay Trung phần (Điều 12, ưu điểm của việc nghiên cứu và thống kê hoàn thiện trước khi soạn thảo dự luật – ND). Cách chia này cũng xếp theo trình tự ưu tiên, mà vị trí ưu tiên đầu tiên dành cho những tá điền, nông dân hiện canh trên đất đai của người khác.
Biện pháp hình sự hay dân sự
Đây cũng được xem là sai lầm nghiêm trọng nhất, tổng hợp những thiếu sót ban đầu và khiến mọi người quên đi thành quả của Cải Cách Ruộng Đất – sự thành lập của hội nghị đại biểu nông dân toàn xã, ban chấp hành Nông Hội xã và Toà án Nhân dân đặc biệt. Những cơ quan này toàn quyền nắm việc kiểm soát phân định giai cấp vốn rất mập mờ như đã nói ở trên và cũng là cơ quan chấp pháp cho việc thực hiện cải cách (Điều 33). Mặc dù địa chủ là mục tiêu chính, những người không có ruộng đất cũng có thể bị quy là địa chủ nếu đội Cải Cách xét thấy họ có liên quan đến địa chủ hoặc có tư tưởng tư sản.
Tòa án nhân dân đặc biệt được thành lập để xét xử Việt gian, phản động, cường hào gian ác bất kể họ có chống lại quy trình cải cách ruộng đất hay không (Điều 36) dưới cơ chế hình sự rõ ràng không phù hợp với nội dung cải cách hoàn toàn mang tính chất kinh tế – xã hội được quy định trong Luật này.
Điều đặc biệt đáng lưu ý là Tòa án Nhân dân đặc biệt thậm chí vượt quyền trên phạm vi của pháp luật hình sự hiện hành và có toàn quyền quyết định khung hình phạt đối với những nạn nhân bị xem là thành phần phản động (Điều 36 – theo thông tin thực tế đa số đều bị tử hình – ND). Sai lầm này được đánh giá cực kỳ nghiêm trọng. Đến tháng 12 năm 1956, chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa buộc phải ra Sắc lệnh 284-SL bãi bỏ hoàn toàn tổ chức tòa án đặc biệt này.
Nhìn chung, cả ba cuộc cải cách đều có những ảnh hưởng lớn đến hệ thống đất đai nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Tính chung cả niềm Nam, theo bộ Điền Thổ và cải cách điền địa cho biết đến hết ngày 15 tháng 5 năm 1960 đã đo đạc xong 424.081 ha và bán lại cho 123.979 nông dân. So với 1 triệu hộ tá điền ở đồng bằng sông Cửu Long thì rõ ràng Cải Cách Điền Địa về cơ bản không giải quyết được vấn đề cụ thể nào. Ở thế ngược lại, Người Cày Có Ruộng nên được nhìn nhận như là một chính sách thành công với chỉ sau 3 năm triển khai (1968-1971), có tổng cộng 75 vạn hộ gia đình, gồm khoảng 5 triệu người, đã được cấp trong tổng số hơn 1 triệu ha ruộng đất đất. Theo nhiều quan sát viê quốc tế, chương trình này đã tạo ra một tầng lớp tiểu nông đông đảo, thúc đẩy kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp phát triển.
Thành quả của Cải Cách Ruộng Đất, nếu không tính đến những thiệt hại về người, của và tinh thần của hàng chục ngàn hộ gia đình, cũng nên được xem là chính sách thành công nhất trong cả ba cuộc cải cách với 81 vạn ha ruộng đất, 10 vạn trâu bò chia cho 2,2 triệu hộ nông dân nghèo (lên đến 9,5 triệu người). Đáng tiếc rằng thành quả của Cải Cách Ruộng Đất thực tế cũng không duy trì được bao lâu. Từ 1958, Đảng Lao Động Việt Nam nhất trí coi việc áp dụng mô hình Xô Viết (vào VN) là “một vấn đề mang tính bắt buộc”, ruộng đất của gần như toàn bộ nông dân miền Bắc lại bị đưa vào hợp tác xã để thực hiện kinh tế tập trung, sai lầm phạm phải kể như vô nghĩa.
Tài liệu tham khảo: