Trương Tự Minh (dịch)
Theo dự kiến, dự thảo Luật tiếp cận thông tin sẽ được Chính phủ Việt Nam trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 10 đang diễn ra từ ngày 20/10 đền 28/11/2015. Nhân dịp này, Luật Khoa gửi đến bạn đọc bài chia sẻ của Heather Brooke trong khuôn khổ TED Talks năm 2012 khi cô kể lại việc mình đã dùng quyền tiếp cận thông tin làm công cụ đưa ra ánh sáng các tiêu cực từ phía quan chức nhà nước.
Heather Brooke là một nhà báo người Anh – Mỹ đi đầu trong phong trào vận động quyền tự do thông tin ở Anh Quốc. Năm 2009, cô đã góp công lớn khi giúp đưa ra ánh sáng những bê bối trong việc sử dụng ngân sách của Quốc hội Anh – sự kiện làm chấn động toàn nước Anh khi đó và dẫn đến hàng loạt quan chức lập pháp lẫn hành pháp phải từ nhiệm.
Kỳ trước – [TED TALK] Quyền tự do thông tin và cuộc chiến chống tham nhũng – Phần 1
———-
…
Đó là lý do mà bạn thấy nhu cầu tiếp cận thông tin đang ngày càng gia tăng. Bạn cũng sẽ thấy nhiều luật yêu cầu công khai thông tin được ra đời. Lấy ví dụ trong lĩnh vực môi trường, Công ước Aarhus[1] trao cho người dân châu Âu quyền được biết một cách rất chắc chắn. Chẳng hạn, nếu phát hiện ra công ty xử lý nước đang xả thải xuống con sông gần nơi bạn đang sống, bạn hoàn toàn có quyền được biết đầy đủ về hoạt động đó. Còn trong lĩnh vực tài chính, giờ đây bạn cũng có quyền được biết chuyện gì đang diễn ra đằng sau hệ thống. Vì vậy chúng ta có hàng loạt các đạo luật về chống tham ô và hối lộ cũng như các quy định về tiền tệ. Ngày nay, các tập đoàn có nghĩa vụ công khai ngày một nhiều hơn, nhờ vậy bạn thậm chí có thể lần theo dấu vết các giao dịch tài sản xuyên biên giới. Đồng thời các công ty cũng ngày một khó khăn hơn nếu có ý định tẩu tán tài sản, trốn thuế hay thiên vị trong tiền lương.
Những thay đổi trên là một tín hiệu tốt, các hệ thống đang dần trở nên công khai và minh bạch hơn. Dẫu vậy, duy hãy còn một hệ thống cho đến nay vẫn cưỡng lại xu thế mở đó. Một hệ thống làm nền tảng cho mọi loại khác. Bạn đoán ra nó là gì chứ? Đó chính là hệ thống chúng ta đang vận hành để tổ chức và sử dụng quyền lực. Đúng vậy, tôi đang nói về chính trị, bởi trong chính trị chúng ta tìm thấy một trật tự quyền lực mang tính áp chế từ trên xuống dưới. Bản thân nó đã là một hệ thống cồng kềnh và phức tạp, vậy làm sao tự thân nó có thể xử lý hiệu quả tất cả thông tin có trong hệ thống? Câu trả lời luôn là không thể. Thế nên, tôi cho rằng đây chính là nguyên nhân đằng sau tình trạng khủng hoảng đang diễn ra về tính chính danh của nhiều nhà nước trên thế giới.
Tôi có một anh bạn là lập trình viên. Tên anh ấy là Seb Bacon. Seb đã lập ra một trang web có tên miền Alaveteli.org, và đây là phương tiện để bạn thực hiện quyền tự do thông tin của mình. Trang web là một cơ sở dữ liệu với mã nguồn mở, nó cho phép bạn truy vấn trực tuyến thông tin về các cơ quan công quyền một cách dễ dàng và tiện lợi, thay vì phải trải qua các bước thủ tục hành chính nhiêu khê khi bạn nộp đơn yêu cầu trực tiếp. Chẳng hạn, bạn muốn biết có bao nhiêu cảnh sát ở nước mình đang có tiền án? Chỉ cần nhập vào câu hỏi, trang web sẽ đưa ra cho bạn kết quả với những cái tên cụ thể, chi tiết đến cả ngày kết thúc thời hiệu của tiền án lẫn hồ sơ nội dung vụ án liên quan đến viên cảnh sát đó. Vận hành như một kho lưu trữ thông tin công cộng, trang web có mã nguồn mở nên nó có thể áp dụng ở bất kỳ quốc gia nào có luật về tự do thông tin. Hiện tại đã có một số nước trên đây, sắp tới sẽ còn thêm nữa. Vì vậy, nếu ở nước các bạn cũng có một đạo luật tương tự và bạn thấy thích ý tưởng này, tôi chắc rằng Seb sẽ sẵn lòng bàn thảo về khả năng đưa công cụ này về nước bạn.
Khi hoạt động trong lĩnh vực chính của tôi là báo chí điều tra, cánh phóng viên chúng tôi giờ đây cũng phải trang bị cho mình một nhãn quan toàn cầu. Ở đây tôi có một trang web khác có tên Investigative Dashboard – một công cụ cho phép bạn lần theo dòng chảy tài sản của các đối tượng điều tra. Nếu bạn đang truy tìm tài sản của một nhà cầm quyền độc tài, như Hosni Mubarak chẳng hạn. Bạn biết đấy, ông ta đã cho tẩu tán mọi tài sản và tiền bạc cá nhân ra khỏi Ai Cập khi biết sự nghiệp chính trị của mình sắp tiêu tùng. Để lần ra nơi ông ta cất giấu tài sản, bạn cần tiếp cận cơ sở dữ liệu của các công ty đăng ký nhà đất ở khắp nơi trên thế giới càng nhiều càng tốt. Do đó, trang web này hỗ trợ bạn bằng cách tổng hợp tất cả cơ sở dữ liệu về lại một nơi, nhờ vậy bạn có thể tìm kiếm các thông tin liên quan đến tài sản của Mubarak, thậm chí bạn còn tra cứu được cả người thân, bạn bè hay người quản lý tài sản của ông ta. Bằng cách đó, chúng ta có thể phát hiện ra cách ông ta đã chuyển tài sản cá nhân ra khỏi nước như thế nào.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, khi quyết định nằm ở những vấn đề tác động lớn nhất đến chúng ta – có thể nói chẳng hạn như xung đột vũ trang hay những việc ở mức tương tự như vậy – trớ trêu là chúng ta lại không thể đưa ra yêu cầu dựa trên quyền tự do thông tin. Rất khó để người dân thường như chúng ta tiếp cận những vùng vốn thường được xem là cơ mật và nhạy cảm này. Không còn cách nào khác, chúng ta phải trông cậy vào những đường không chính thống, cụ thể bằng thông tin rò rỉ. Bạn biết đấy, khi tờ The Guardian làm loạt bài điều tra về cuộc chiến ở Afghanistan, tất nhiên họ không thể cứ thế bước vào bên trong Bộ Quốc phòng rồi hỏi xin thông tin như đi mua hàng ở siêu thị. Hoàn toàn bất khả thi. Trên thực tế, những thông tin tờ báo thu thập được đến từ nguồn rò rỉ hàng ngàn thư tín trao đổi qua lại về cuộc chiến giữa các binh sĩ Hoa Kỳ, nhờ đó họ mới có tư liệu để tiến hành cuộc điều tra.
Ngày 28 tháng 11 năm 2010, cả thế giới chấn động khi năm tờ báo lớn ở châu Âu và Mỹ đồng loạt công bố những thông tin mật đến từ nguồn rò rỉ hơn 251.000 ngàn thư tín của các đại sứ quán và quan chức ngoại giao Hoa Kỳ trên khắp thế giới. Khi đó tôi có được nguồn tin từ một thành viên trong nhóm WikiLeaks, nhờ vậy cuối cùng tôi trở thành cộng tác viên cho tờ The Guardian trong loạt phóng sự này. Đọc các thư tín bị rò rỉ, bạn bỗng nhận ra giới chính trị gia – những người vẫn thường xuất hiện với hình ảnh quảng đại và thanh bạch trong mắt công chúng – hóa ra họ chẳng khác chúng ta một chút nào. Rốt cuộc họ cũng chỉ là những con người bình thường. Họ buôn chuyện và hiềm khích nhau như chúng ta vẫn thường thấy ở sở làm. Nhưng trên hết cả, bạn sẽ phải kinh ngạc trước mức độ tham nhũng đã ăn sâu đến nhường nào ở rất nhiều quốc gia, đặc biệt tập trung ở khu đầu não của quyền lực. Tôi đang nói đến các quan chức đang biển thủ ngân sách cho mục đích cá nhân một cách an toàn, bởi một bức tường pháp lý chính danh đã bao bọc họ trong vùng gọi là bí mật nhà nước.
Một khía cạnh cố hữu của quyền lực là sức hấp dẫn của nó. Vì vậy bạn phải trang bị cho mình hai tố chất cần có sau đây để chống lại lực hấp dẫn rất khó cưỡng lại của quyền lực. Đó là một thái độ hoài nghi cùng sự khiêm nhường. Hoài nghi để luôn chất vấn, luôn đặt câu hỏi trong mục tiêu đi tìm nguyên cớ và sự thật dựa trên bằng chứng, còn khiêm nhường bởi sau cùng chúng ta chỉ là những con người không hoàn hảo. Nếu không có thái độ hoài nghi cùng một sự khiêm nhường, chẳng chóng thì chày người cải cách cũng trở thành kẻ chuyên quyền. Hẳn bạn đã thấy quyền lực làm tha hóa con người ra sao trong tác phẩm “Trại súc vật”.
Mặc dù đã và đang tiếp tục có những tiến triển tích cực hướng đến xu thế quản trị minh bạch, tuy nhiên tôi phải nói rằng càng tiến vào sâu trung tâm của quyền lực, những gì mà người bên ngoài như chúng ta có thể thấy càng lúc càng mờ đục và thu hẹp. Chỉ mới hai tuần trước thôi, tôi đã nghe phát biểu từ viên Cảnh sát trưởng thành phố London khi vị này lập luận vì sao phía cảnh sát cần có quyền tiếp cận các nội dung trao đổi riêng tư của người dân, tức họ có quyền theo dõi chúng ta mà không phải chịu bất kỳ sự giám sát nào từ phía tòa án. Ông khẳng định đó là vấn đề tối hệ trọng nhưng lại không đưa ra được một lời giải thích hay dẫn chứng. Cứ như thể ông đang nói: “Bởi vì tôi đã bảo như thế. Mọi người phải đặt niềm tin vào tôi.” Xin thứ lỗi, nhưng nếu mọi thứ đang quay trở lại thời kỳ trung cổ dưới sự cai trị của Giáo hội thì chúng tôi buộc lòng phải đứng lên chống lại điều đó.
Để rõ hơn một chút, viên Cảnh sát trưởng kia đang nói đến dự thảo của đạo luật Dữ liệu Truyền thông (Communications Data Bill), một dự luật vô cùng bất hợp lý. Tương tự ở Hoa Kỳ, các bạn có Đạo luật Bảo vệ và Chia sẻ Chia sẻ Thông tin Tình báo Mạng (Cyber Intelligence Sharing and Protection Act). Giờ đây người ta sử dụng các máy bay không người lái cho mục đích do thám trong nước. Các bạn có một Cơ quan An ninh Quốc gia với tổng hành dinh được xem là trung tâm do thám lớn nhất thế giới. Chính tại tòa nhà hoành tráng này – lớn gấp năm lần điện Capitol của Nghị viện Hoa Kỳ – chính phủ đang can thiệp và phân tích dữ liệu truyền thông và băng thông cá nhân của bạn nhằm khoanh vùng những đối tượng được họ xem là nguy hiểm cho xã hội.
Rốt cuộc thì giải pháp của chúng ta sẽ là gì? Tôi tin đó là việc đưa các quyền về tiếp cận thông tin vào khái niệm về pháp quyền. Hiện tại quyền tự do thông tin của chúng ta đang cực kỳ yếu. Nhiều nước trên thế giới có các luật về bí mật nhà nước, kể cả Anh Quốc. Chúng ta hiện đang có một Đạo luật Bí mật Nhà nước không hề được đặt dưới sự soi rọi của lợi ích công. Điều đó có nghĩa nhiều người đang bị kết tội – trong nhiều trường hợp với những mức án rất nặng – vì đã công khai, chia sẻ thông tin nhà nước. Nhưng bây giờ bạn thử nghĩ mà xem, nếu chúng ta có Đạo luật Công khai Thông tin Nhà nước thì sao? Khi đó các quan chức sẽ bị trừng phạt nếu họ bị phát hiện ra đã cố tình ém nhẹm hoặc che dấu thông tin ảnh hưởng đến lợi ích công, chẳng phải sẽ tốt lắm ư? Đúng vậy, tôi hi vọng chúng ta sẽ cùng biến điều đó thành hiện thực.
Hãy trở lại câu chuyện ban đầu. Các phụ huynh đã rất hoảng hốt. Họ khóa hết cửa lại. Họ lắp camera giám sát khắp nhà. Họ theo dõi chúng ta. Họ đào hầm, lập một trung tâm theo dõi chạy các thuật toán toán để tìm ra ai là kẻ gây rối, và nếu có người phàn nàn, chúng ta bị bắt vì tội khủng bố. Là chuyện cổ tích không tưởng hay cơn ác mộng giữa đời thực? Một số chuyện cổ tích kết thúc bằng cái kết có hậu, một số thì không. Nhưng thế giới chúng ta đang sống không phải cổ tích, đôi khi nó còn nhẫn tâm hơn chúng ta tưởng. Ở mặt tích cực, mọi thứ có thể sẽ sáng sủa hơn. Nhưng dù thế nào chăng nữa, chúng ta cần xem xét thực tế như nó vốn là với toàn diện vấn đề, vì chỉ khi xem xét đầy đủ mọi vấn đề chúng ta mới có thể chỉnh sửa nó, để một thế giới mãi luôn hạnh phúc về sau không còn chỉ là chuyện cổ tích.
Chú giải của tác giả
[1] Sử dụng cách tiếp cận nhân quyền đối với các vấn đề môi trường, Công ước Aarhus là một điều ước quốc tế được ký vào ngày 25/6/1998 tại thành phố Aarhus, Đan Mạch, có hiệu lực từ ngày 30/10/2001 và hướng đến việc bảo vệ môi trường thông qua bảo đảm cơ hội cho công dân tiếp cận các thông tin về môi trường, tăng cường tính minh bạch, công khai, rõ ràng của các thủ tục (Nguồn: tiepcanthongtin.com)
Nguồn bài viết