Người Đàm Phán – Kỳ 1: Khi luật sư bảo vệ cho kẻ thù quốc gia

Người Đàm Phán – Kỳ 1: Khi luật sư bảo vệ cho kẻ thù quốc gia

Thành phố New York một đêm mưa bão giữa những năm 1950 trong cao trào của cuộc Chiến Tranh Lạnh. Trong góc một quán rượu tối đèn, hai người đàn ông ngồi. Một người là đặc vụ CIA- cơ quan tình báo trung ương Mỹ, người kia là một luật sư, ông James B. Donovan.

Luật sư Donovan vừa được bổ nhiệm bào chữa cho nghi phạm Rudolf Abel bị nhà nước Mỹ kết tội làm gián điệp cho Liên Xô.

Sau một lúc không moi móc được thông tin gì từ vị luật sư, gã đặc vụ CIA cười khẩy nhìn vị luật sư và nói:

Này, tôi hiểu về đặc quyền riêng tư giữa thân chủ và luật sư (client-attorney privilege), tôi biết hết mấy trò mánh mung trong nghề luật kiểu đó, tôi biết đó là công việc làm ăn của ông,

Nhưng tôi đang nói với ông về một việc khác: Sự an ninh của đất nước của chính ông. Và tôi xin lổi nếu cách tôi nói về nó làm ông cảm thấy bị xúc phạm, nhưng chúng tôi cần biết tên Abel nói gì với ông. Ông hiểu chứ?

Chúng tôi CẦN biết. Đừng rao giảng với tôi, chúng ta không có một cuốn luật lệ nào cho chuyện này!”

Luật sư Donovan: “Anh là đặc vụ Hoffman đúng không?

Đặc vụ CIA: “Phải.

Luật sư Donovan: “Anh người gốc Đức?

Đặc vụ CIA: “Ừ. Thì sao?

Luật sư Donovan: “Tên tôi là Donovan. Gốc Ái Nhĩ Lan. Cả hai họ, bên bố và bên mẹ.

Tôi gốc Ái Nhĩ Lan. Anh gốc Đức. Vậy cái gì làm chúng ta đều là những người Mỹ?

Chỉ một thứ thôi: Pháp Luật. Chúng ta gọi nó là Hiến Pháp và chúng ta đồng ý nội dung của nó là luật lệ. Và điều đó làm chúng ta là người Mỹ. Nó là điều duy nhất làm chúng ta là người Mỹ.

Thế nên đừng nói với tôi không có cuốn luật lệ nào.

Và cũng đừng có gật gù với tôi như thế, thằng con hoang ạ.”

Các bạn vừa chứng kiến một trong những cảnh phim ấn tượng nhất của bộ phim Mỹ Bridge Of Spies, vừa được công chiếu tại Việt Nam với tên phim Người Đàm Phán (một cách ngạc nhiên, với rất ít dấu hiệu của việc cắt xén kiểm duyệt).

Bộ phim đã gây được sự chú ý trong công chúng không chỉ vì nội dung lịch sử thú vị nói về việc bắt giữ điệp viên Liên Xô Rudolf Abel tại Mỹ và quá trình thương lượng trao trả ông ta sau đó. Đạo diễn bộ phim là đạo diễn kỳ cựu Steven Spielberg, người thủ vai luật sư Donovan là chàng Forrest Gump khờ khạo năm nào Tom Hanks, và người thủ vai điệp viên Abel cũng là một tên tuổi trong làng điện ảnh: diễn viên kịch và phim truyền hình người Anh Mark Rylance.

Cảnh phim nói trên là tiêu biểu cho nội dung mang đậm màu sắc tuyên truyền theo phong cách Mỹ của cả bộ phim: ca ngợi về vẻ đẹp của tinh thần tự do bình đẳng bác ái của nước Mỹ, trong khi bêu xấu chính quyền Mỹ và thực tế chính trị lấm lem của chính người Mỹ.

Điều làm cho người Mỹ đặc biệt có lẽ là việc họ mãi mãi tự hào về việc họ luôn biết vươn tới những lý tưởng cao đẹp nhất, cho dù trong thực tế họ chỉ thực hiện được một cách tương đối những lý tưởng đó, và chính phủ của họ thì sẵn sàng vứt bỏ những lý tưởng đó khi cần thiết phải bảo vệ quyền lợi phe nhóm hay quốc gia.

Một trong những lý tưởng đầy tự hào của người Mỹ là tinh thần thượng tôn luật pháp mà họ thừa hưởng và tạo nên một phiên bản hoàn thiện hơn từ truyền thống thông luật Anh: không có gì đứng trên nhu cầu tôn trọng luật lệ đã được ban hành, không có gì có thể làm cho các nguyên tắc của luật lệ phải bị bẻ cong, ngay cả khi an ninh quốc gia bị đe dọa.

Trong bối cảnh đấu tranh chống tình báo và khủng bố xâm hại an ninh lãnh thổ, các lực lượng an ninh Mỹ luôn phải đối mặt với việc phải chọn lựa giữa:

– Thực hiện đúng các trình tự pháp luật và tôn trọng nhân quyền trong điều tra bắt giữ nghi phạm, hoặc

– Đi tắt đón đầu, vứt bỏ luật pháp và nhân quyền khi cần thiết, lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện.

Abel v. United States

Đi sâu hơn vào tình tiết của vụ kiện Abel v. United States, chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự mâu thuẫn giữa tinh thần thượng tôn pháp luật và nhu cầu đảm bảo an ninh quốc gia, giữa những giờ phút nóng bỏng nhất của cuộc Chiến Tranh Lạnh.

Sau khi bị các tòa án cấp thấp hơn tuyên phạt tù về tội làm gián điệp, phía Abel đã khởi kiện chính phủ liên bang Hoa Kỳ lên Pháp Viện Tối Cao với cáo buộc việc bắt giữ và thu thập chứng cứ chống lại Abel vi phạm Tu chính án thứ tư của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Tu chính án này quy định:

Quyền công dân được bảo vệ an toàn về nhân thân, nhà cửa, giấy tờ và vật dụng, chống lại các khám xét và tịch thu vô căn cứ, sẽ không thể bị vi phạm, và sẽ không có trát lệnh nào được ban hành, trừ phi dựa trên lý do chính đáng được ủng hộ bằng lời tuyên thệ hoặc lời xác nhận long trọng xác định chi tiết nơi cần khám xét, và người hay vật cần bắt giữ và tịch thu.”[1]

Vài tương đồng với vụ việc Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong năm 1931

Việc bắt giữ và điều tra Rudolf Abel có một vài điểm tương đồng trên bề mặt với việc chính quyền Anh tại Hong Kong bắt giữ và điều tra Nguyễn Ái Quốc năm 1931:

– Việc bắt giữ ban đầu dựa trên luật nhập cư/di trú của nước sở tại vì cơ quan chức năng chưa có đủ bằng chứng về việc xâm hại an ninh lãnh thổ;

– Cơ quan điều tra bắt giữ thực hiện không đúng một số thủ tục theo trình tự;

– Trong qua trình xét xử, cả Nguyễn Ái Quốc và Rudolf Abel đều được viện dẫn là những mối hiểm họa của của an ninh nước sở tại.

Khác biệt lớn nhất có lẽ là việc Nguyễn Ái Quốc không thực sự là một hiểm họa an ninh tại Hong Kong vì ông chống chính quyền Pháp chứ không chống chính quyền Anh, trong khi Rudolf Abel, một điệp viên của cơ quan tình báo Nga KGB được giao nhiệm vụ thu thập đánh cắp thông tin về các hoạt động nghiên cứu hạt nhân của Mỹ, lại thực sự là một hiểm họa cho an ninh lãnh thổ Hoa Kỳ.

Một khác biệt khác là yếu tố gây tranh cãi trong vụ Nguyễn Ái Quốc là lệnh trục xuất Nguyễn về thuộc địa Pháp do chính phủ Hong Kong ban hành, trong khi yếu tố gây tranh cãi trong vụ Rudolf Abel là tính xác đáng pháp lý của việc bắt giữ và thu thập chứng cứ chống lại điệp viên Rudolf Abel do nhà chức trách liên bang Mỹ thực hiện.

Các thẩm phán Pháp Viện Tối Cao Hoa Kỳ đã quyết định thế nào trong mâu thuẫn nan giải giữa quyền cá nhân con người và nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia này?

Hãy cùng tìm hiểu quyết định Albel v. United States (1960) để trả lời câu hỏi này[2].

Kỳ tới: Người Đàm Phán (Bridge of Spies): Hoa Kỳ – Quốc gia của nền tư pháp “trượng nghĩa”

Chú giải của người viết:

[1] America’s Fouding Documents
[2] Án lệ Abel vs. United States

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.