Nobel Hòa Bình 2015: Cuộc chiến chống tra tấn của Luật sư Tunisia

Nobel Hòa Bình 2015: Cuộc chiến chống tra tấn của Luật sư Tunisia

Cuộc bầu cử tháng 10/2011 đã hình thành nên Quốc hội lập hiến quốc gia (NCA) mới và lần đầu tiên trong lịch sử Tunisia, một đảng Hồi giáo (Ennahda) giữ vị trí lãnh đạo. Trong giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển tiếp này, sự đóng góp của giới luật sư thể hiện rõ nhất trong cuộc chiến chống tra tấn, phát triển một khuôn khổ cho chuyển tiếp tư pháp, và đặc biệt là thiết lập nên một sự độc lập cho nghề nghiệp của họ. Hai vụ ám sát chính trị nổi cộm vào năm 2013 (trong đó có một nạn nhân là luật sư nhân quyền) đã kích phát vai trò của giới luật sư[1] trong thời kỳ này.

Hoàng Thảo Anh (lược dịch)

Trích nghiên cứu The Role of Lawyers as Transitional Actors in Tunisia” của dự án Conflict and Transition

Tựa đề và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.

Kỳ trước: Nobel Hòa Bình 2015: Luật sư – Thành trì bảo vệ Cách mạng Hoa Nhài

—-

Sự khuyết thiếu quyền mời luật sư trong giai đoạn tạm giam ở Tunisia vô hình chung đã tước đi một lá chắn quan trọng chống lại khả năng sử dụng nhục hình[2]. Các vụ tra tấn đã diễn ra tràn lan dưới chế độ Ben Ali, nhưng ở giai đoạn hậu cách mạng, hiện tượng này không có dấu hiệu thuyên giảm.

Chẳng hạn, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Tra tấn đã ghi nhận việc sử dụng nhục hình và những hình thức ngược đãi khác vẫn đang tiếp diễn ở Tunisia trong cuộc viếng thăm vào tháng 5/2011. Ông nhấn mạnh nhu cầu bức thiết về một cuộc điều tra sâu rộng để đưa những người có trách nhiệm ra truy tố, và để cung cấp cho các nạn nhân những biện pháp khắc phục bồi thường hiệu quả[3].

Luật sư và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, đồng sáng lập kiêm chủ tịch của Hiệp hội chống Tra tấn Tunisia, bà Radhia Nasraoui đã tham gia vận động không mệt mỏi trong vấn đề này[4]. Tổ chức của bà tố cáo các vụ tra tấn, cung cấp những trợ giúp pháp lý và y tế cho các nạn nhân cũng như liên kết với các mạng lưới nhân quyền quốc tế để nâng cao nhận thức về nạn tra tấn ở Tunisia. Điều này bị cấm dưới thời Ben Ali và bà đã trở thành đối tượng “xuyên tạc và chống đối nhà nước”, mục tiêu bạo hành của giới cảnh sát (gồm những vụ tấn công trên đường phố).

image.php

Bà Radhia Nasraoui – Luật sư và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng,  sau lần bị hành hung bởi một nhóm thân chính phủ – mà bà cáo buộc do Bộ Nội Vụ khét tiếng của Tunisia dưới thời Ben Ali thực hiện. Ảnh: Humanrightshouse.

Không những cố gắng đe dọa bà Nasraoui, cảnh sát cũng đe dọa đến khách hàng và con cái của bà. Tuy nhiên, Hiệp hội chống Tra tấn Tunisia đã được hợp pháp hóa ngay sau cuộc cách mạng và cuối cùng tổ chức của bà Nasraoui cũng có thể đứng vào hàng ngũ của Tổ chức Chống Tra tấn Thế giới (Organisation Against Torture – OMCT). Bà sau đó cũng thành lập trung tâm hỗ trợ SANAD ở Le Kef (vùng Tây Bắc) và Sidi Bouzid (vùng trung tâm)[5]. Các trung tâm này được lập ra để cung cấp những hỗ hỗ trợ về cả mặt pháp lý lẫn y tế cho các nạn nhân bị tra tấn và ngược đãi cùng gia đình của họ. Nhân viên của trung tâm có bao gồm những luật sư dày dặn kinh nghiệm, những người đóng vai trò then chốt trong việc tiếp cận những nạn nhân ngoài Tunis[6].

Tunisia đã phê chuẩn Công ước chống Tra tấn (OPCAT)[7] vào ngày 19/2/2011 nhưng sau đó, nghị định số 106 được thông qua trong cùng năm đã sửa đổi và bổ sung Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng đáng ngờ. Trong đó có một điều luật quy định: “Hoạt động công tố đối với tội phạm tra tấn có thời hiệu là 15 năm”[8]. Điều này đã tác động đến ba vụ việc được Ủy ban Bảo vệ nạn nhân bị tra tấn của Phong trào Youssefist đem ra để chống lại Thủ tướng Chính phủ Béji Caied Essebsi[9]. Ủy ban quốc phòng của Essebi duy trì quan điểm cho rằng ông ta không trốn tránh trách nhiệm mà chỉ đơn giản muốn xác định về mặt pháp lý các khái niệm về tra tấn và làm rõ khung thời gian cho việc điều tra vi phạm nhân quyền[10]. Tuy vậy, thời hạn luật định đã thúc đẩy những cáo buộc rằng ông ta đang tư lợi cá nhân[11]. Văn bản ngay lập tức bị bãi bỏ và luật Chuyển tiếp Tư pháp ngày 24/12/2013 đã đưa tra tấn vào một trong những chủ đề chính cho các cuộc điều tra của các phòng tư pháp chuyên môn. Luật này cũng quy định về những vi phạm tại Điều 8 “sẽ không được tính thời hiệu”[12]

Việc phê chuẩn OPCAT cũng đòi hỏi phải thành lập một Cơ chế Phòng chống Quốc gia (National Prevention Mechanism – NPM) để điều hành các cơ sở giam giữ. Ủy ban kỹ thuật đã đưa các chuyên gia về xã hội dân sự và quốc tế chuyên về phòng chống tra tấn tham gia vào quá trình soạn thảo. Quá trình này được chủ trì bởi cựu Chủ tịch của Liên minh Nhân quyền Tunisia Mokhtar Trifi và luật sư nhân quyền Saida Akremi cũng tham gia với tư cách một thành viên. Vào ngày 9/102013 Quốc hội Lập hiến Quốc gia Tunisia cuối cùng đã chấp nhận một đạo luật nhằm xây dựng Cơ quan Quốc gia về Phòng chống Tra tấn và Hình phạt hoặc các Hình thức Đối xử Tàn ác, Vô nhân đạo hay Hèn hạ khác. Cơ quan này bao gồm 16 chuyên gia làm việc toàn thời gian, có thẩm quyền ghé thăm bất kỳ địa điểm nào người dân bị tước đoạt sự tự do để ghi nhận tư liệu về tra tấn và ngược đãi, yêu cầu điều tra về hình sự và hành chính, và đưa ra các khuyến nghị về các biện pháp loại bỏ tra tấn và ngược đãi. Tunisia là quốc gia đầu tiên ở Trung Đông và khu vực Bắc Phi thành lập một cơ chế độc lập trong nước để phòng chống tra tấn[13].

Còn tiếp

Chú giải của người dịch

[1] Một trong các nạn nhân là Chokri Belaid, một luật sư và là nhà sáng lập của Phong trào Dân chủ Ái quốc (Patriots Democrats Movement) – một phong trào theo chủ nghĩa Marx-Lenin gắn liền với chủ nghĩa dân tộc Arab. Phong trào trở nên hợp pháp sau cuộc cách mạng tháng 1/2011 và đã hợp nhất vào Đảng Dân chủ Lao động Ái quốc để trở thành đối tác cánh tả của đảng Hồi giáo Ennahda. Theo Bộ Nội vụ Tunisia, Belaid đã bị giết hại vào ngày 6/1/2013 bởi “những người Salafist cực đoan” vì quan điểm cấp tiến đối với Ennahda và giọng điệu chỉ trích của ông về hiệu quả làm việc của đảng này trong chính phủ.

[2] Xem thêm chương 2 các Báo cáo chung của cơ quan ACAT Pháp hợp tác với tổ chức Liberté et Equité và Tổ chức Chống Tra tấn Tunisia (Tunisian Organization Against Torture) với tựa đề “Vous Avez dit Justice? Etude du phénomène tortionnaire en Tunisie” (Bạn vừa nhắc tới công lý? Nghiên cứu về hiện tượng tra tấn ở Tunisia- tháng 6/2012).

Theo luật pháp Tunisia, người bị tạm giam không có quyền mời luật sư vào giai đoạn tạm giam. Quyền này chỉ phát sinh khi họ xuất hiện lần đầu trước một thẩm phán điều tra, sau khi bị bắt trên 6 ngày. Trong thời gian đó, rất nhiều nghi can đã ký (không có sự hiện diện của luật sư) vào những bản lấy lời khai mà có thể họ đã bị ép cung và chúng có thể được xem là bằng chứng trong phiên tòa.

Xem thêm báo cáo của Human Rights Watch “Cracks in the System: Conditions of Pre-charge Detainees in Tunisia” (Kẽ hở trong Hệ thống: Tình trạng của những người bị tạm giam ở Tunisia – tháng 11/ 2013).

[3] Hội đồng Nhân quyền LHQ, Báo cáo của Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và những hình phạt hoặc hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo hay hèn hạ khác, Juan E/ Méndez, Nhiệm vụ ở Tunisia, A/HRC/19/61/Add.1 (2 /2/2012)

[4] Katalin Wrede, Roland Berger Stiftung, ‘Radhia Nasraoui. Lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại nạn tra tấn ở Tunisia’, (18/11/2011)

<www.human-dignity-forum.org/2011/11/radhia-nasraoui-leading-the-fight-against-torture-in-tunisia>

[5] Xem thêm ‘Opening of the counselling centers SANAD in Kef and Sidi Bouzid’, (tiếng Arab )

<www.omct.org/files/2013/09/22380/cp_ouverture_sanad_ar.pdf>

[6] Xem thêm báo cáo của Human Rights Watch ‘Tunisia: Suspicious Death in Custody’ 13 /10/2014 <www.hrw.org/news/2014/10/13/tunisia-suspicious-death-custody-0> and Amnesty International’s report <La nécessaire réforme pour l’éradication de la torture en Tunisie>, 10 November 2013 <www.youth-for-change.blogspot.com/2013/11/la- necessaire-reforme-pour-leradication.html> accessed 14 June 2015.

[7] Tunisia đã phê chuẩn Công ước chống Tra tấn và những Hình phạt hoặc các Hình thức Đối xử Tàn ác, Vô nhân đạo hay Hèn hạ khác vào tháng 9/1988, và đưa tra tấn ra ngoài vòng pháp luật thông qua điều 101 của Bộ luật Hình sự, bổ sung năm 1999

[8] Xem Điều 5, phần 4 tại <www.legislation-securite.tn/fr/node/30461> truy cập ngày 2/8/2015. Luật pháp Tunisia trước đây quy định thời hiệu đối với tội tra tấn là 10 năm.

[9] Vụ việc liên quan đến sự trấn áp những người theo Salah Ben Youssef, một đối thủ của cựu Tổng thống Habib Bourguiba, trong thời gian Essebi là Bộ trưởng Nội vụ kiêm Giám đốc cơ quan An ninh Quốc gia dưới thời Bourguiba. Xem thêm về tiểu sử Ben Youssef tại <en.wikipedia.org/wiki/Salah_ben_Youssef > truy cập ngày 12/2/2015

[10] Hicham Guesmi, ‘Quyết định hủy bỏ sư tán thành đối với các tội về tra tấn: một bước để đảm bảo quyền lợi các nạn nhân (The Decision to Cancel the Subscription of Torture Crimes: a Step to Ensure the Right of Victim)’ (tiếng Arab) (Jadal, 17/11/2012)

[11] Xem ‘The Defence Committee of Torture Victims of the Yousoufist Movement Acts in Justice against El Béji Caied Essebsi’ (tiếng Arab ) (15 /3/2012, El Mashad Ettounsi) <www.machhad.com/8456>

[12] Bản dịch không chính thức của Trung tâm Quốc tế về Chuyển tiếp Tư pháp. Xem Điều 8 và 9 tại <www.ohchr.org/Documents/Countries/TN/TransitionalJusticeTunisia.pdf>

[13] Xem thêm tại báo cáo của Human Rights Watch ‘Cracks in the System: Conditions of Pre-charge Detainees in Tunisia’ (11/2013) <www.hrw.org/reports/2013/12/05/cracks- system-0> accessed 4 July 2015<www.hrw.org/reports/2013/12/05/cracks-system-0>

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.