Café Luật Khoa: Gandhi và Phong Trào Phản Kháng Bất Bạo Động Ấn Độ

Café Luật Khoa: Gandhi và Phong Trào Phản Kháng Bất Bạo Động Ấn Độ

mahatma-gandhiMohandas Karamchand Gandhi, hay còn gọi là Mahatma Gandhi, là người lãnh đạo nhân dân Ấn Độ sử dụng phản kháng dân sự bất bạo động để dành lại độc lập từ Đế quốc Anh năm 1947.

Gandhi sinh năm 1869 trong một gia đình thương gia khá giả. Ông học luật tại Anh và sau đó hành nghề luật sư tại Nam Phi nơi ông lãnh đạo các nhóm kiều dân Ấn Độ đấu tranh bảo vệ nhân quyền của người Ấn tại Nam Phi, nơi họ chịu nhiều áp bức từ chính quyền thực dân Anh.

Dùng những kiến thức và kinh nghiệm thu thập được tại Nam Phi, năm 1915 Gandhi trở lại Ấn Độ và tham gia vào các phong trào giành độc lập của người Ấn trước chính quyền thực dân Anh tại Ấn Độ.

Gandhi trưởng thành qua tranh đấu và trở thành một lãnh tụ của cả phong trào độc lập của người Ấn. Không chỉ là một chính khách và nhà tổ chức tài ba, Gandhi còn là một nhà tư tưởng lớn. Các chiến dịch đấu tranh của ông không chỉ có sự tổ chức và kỷ luật mà còn được xây dựng dựa trên những nguyên tắc và tư tưởng sâu sắc và thống nhất trên nền tảng bất bạo động.

Tư tưởng đấu tranh chính yếu mà Gandhi phát triển là Satyagraha (tạm dịch Kiên Cường Chân Lý). Ông giải thích tư tưởng này như sau:

Chân Lý (satya) bao hàm Tình Yêu, và sự Kiên Cường (agraha) sinh ra Sức Mạnh và theo đó trở thành đồng nghĩa với Sức Mạnh. Vì thế tôi gọi phong trào giành độc lập cho Ấn Độ là Satyagraha, nghĩa là muốn nói rằng, Sức Mạnh sinh ra từ Chân Lý và Tình Yêu hay nói cách khác là sự bất bạo động.”

Không chỉ cương quyết đi theo con đường bất bạo động, Gandhi đã dựng xây cho tương lai của Ấn Độ từ trước khi đất nước hàng trăm triệu dân này giành được độc lập. Một trong những tư tưởng chủ đạo khác mà Gandhi áp dụng trong suốt sự nghiệp của ông là Swaraj (Tự Quản). Gandhi đặt nặng sự tự làm chủ đất nước của người dân Ấn Độ không phải thông qua một chính thể, một nhà nước nào, mà thông qua trách nhiệm và hoạt động cá nhân cùng các hoạt động xây dựng cộng đồng ở cấp địa phương.

Trên nền tảng những tư tưởng này, Gandhi đã lãnh đạo nhân dân Ấn Độ đến độc lập thành công năm 1947 trước khi ông bất ngờ bị ám sát.

Những bài học về phản kháng dân sự mà Gandhi để lại đã thổi sức mạnh cho các phong trào đấu tranh giành độc lập tự do khác trên thế giới bao gồm cả phong trào chống Apartheid của “vị luật sư thắp lửa tự do”, Nelson Mandela.

Cuốn sách “Phản Kháng Dân Sự và Chính Trị Quyền Lực” do các học giả Adam Roberts và Timothy Garton Ash chủ biên cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh về những khía cạnh cả lý thuyết và thực tế của phản kháng dân sự từ các phong trào nổi tiếng đã diễn ra tại 19 quốc gia trên thế giới.

Cafe Luật Khoa tuần này xin giới thiệu với bạn đọc trích đoạn từ chương nói về Gandhi và phong trào độc lập Ấn Độ của tác giả Judith M. Brown trong cuốn sách này.

Trích đoạn Phản Kháng Dân Sự và Chính Trị Quyền Lực”- Chương “Gandhi và phong trào phản kháng dân sự Ấn Độ 1917-1947: Các Vấn Đề Chính

Tác giả Judith M. Brown (Nhà Xuất Bản Đại Học Oxford 2009)

“…Những phức tạp và nhập nhằng trong thái độ tư tưởng đối với việc phản kháng dân sự (civil resistance) tại Ấn Độ được thể hiện qua những vấn đề mà Gandhi gặp phải khi duy trì kỷ luật với những người đang ‘ủng hộ’ ông trong những chiến dịch phản kháng dân sự – bất kể ‘ủng hộ’ có nghĩa là gì trong hoàn cảnh cụ thể của ông. Với Gandhi và với Đảng Quốc Đại, rất quan trọng là những người tham gia các chiến dịch này phải duy trì được sự bất bạo động và tuân theo những chiến lược phản kháng được hoạch định cẩn thận.

Nếu họ không làm thế, họ sẽ để mất thế trận về tay các đối thủ đế quốc và mất đi vị thế đạo đức cao quý của phong trào – trong mắt những người dân Ấn Độ không trực tiếp tham gia, và trong mắt của những quan sát viên và những người cảm thông quốc tế.

Một ví dụ của việc này là vào năm 1942 khi phong trào phản kháng dân sự dẫn đến bùng nổ bạo lực trong lúc đế chế Anh đang lâm vào chiến tranh và cố gắng sinh tồn. Trong hoàn cảnh đó, đế chế Anh không phải ân hận gì khi đàn áp phong trào độc lập và bỏ tù các thành viên lãnh đạo Đảng Quốc Đại bao gồm cả Gandhi. Chính quyền Anh biết rằng họ sẽ ít chịu phê bình từ trong và ngoài nước Anh cho các hành động đàn áp này.

Với Gandhi, để có những chiến dịch dân sự được hoạch định và quản lý cẩn thận thì phải chú ý nhiều đến việc tạo dựng và khéo léo điều chỉnh hình ảnh của các chiến dịch như là những sự phản kháng dựa trên nền tảng đạo đức. Những việc này cũng quan trọng tương đương việc tư duy chiến lược nhằm giúp cho người Ấn Độ có thể được luyện tập hình thành những phẩm chất cần thiết cho việc đạt được swaraj (sự tự quản) và cho việc tạo áp lực lên đối thủ chính trong hoàn cảnh này. Gandhi đã bằng bản năng nhìn nhận ra được là việc phản kháng dân sự theo nhiều cách chính là việc biểu diễn trên một sân khấu của chính trị, nơi mà khán giả cũng quan trọng như diễn viên…

…Gandhi tận dụng những mạng lưới quan hệ riêng với những người ủng hộ có sự tận tuỵ với lý tưởng của ông, và ông tận dụng các trung tâm địa phương không mang tính chính trị như những mắt xích cho việc hoạch định cấp địa phương, giáo dục và duy trì kỷ luật phong trào. Ông cũng không ngừng tận dụng ảnh hưởng và hình ảnh cá nhân của mình để quảng bá và giải thích cho phong trào.

Nhưng công tác tổ chức thường yếu kém và Gandhi phát hiện việc này khi ông tiến hành kiểm tra hoạt động của Đảng Quốc Đại ở các tỉnh địa phương trong lúc ông chuẩn bị cho chiến dịch bất tuân dân sự vào năm 1930. Bên cạnh đó, các chiến dịch dài của Đảng Quốc Đại càng lúc càng gặp khó khăn vì thiếu hụt kinh phí.

gandhi 2]_00000

Vì thế, để điều khiển các chiến dịch của mình, Gandhi tập trung lực lượng vào các vấn đề có khả năng đoàn kết nhiều người dân Ấn Độ nhất và ít tạo điều kiện cho việc bùng nổ bạo lực nhất. Đồng thời, ông điều chỉnh các chương trình hành động để đảm bảo việc biểu tình hoà bình.

Có lẽ ví dụ lớn nhất cho cách làm này là lựa chọn của Gandhi vào năm 1930: ông chọn việc chính quyền độc quyền quản lý muối như là vấn đề chung và là biểu tượng của phản kháng. Ông đã cương quyết tổ chức phong trào dựa trên sự phát triển dần dần qua các bước nhỏ có kiểm soát: Ông bắt đầu từ việc thân chinh đi biểu tình cùng một vài cá nhân do ông tuyển chọn trong cuộc Diễu Hành Muối nổi tiếng đến bờ biển Dandi miền tây Ấn Độ, nơi ông tự tay làm muối biển (trái với luật lệ của nhà cầm quyền thuộc địa – ND) trên bãi biển dưới cái nhìn rõ ràng của truyền thông quốc tế. Bước tiếp theo là việc làm muối trái phép với lượng nhỏ trên toàn đất nước…

…Phong trào cá nhân phản kháng nơi công cộng trong giai đoạn Thế chiến thứ hai để chống lại các hoạt động chiến tranh của chính quyền thuộc địa cũng là một màn được điều khiển cẩn thận khác của Gandhi. Vấn đề chính (phản chiến) trong phong trào này rất ít khả năng kích động việc biểu tình bạo lực và những người tham gia được Gandhi tự mình tuyển chọn dựa trên đẳng cấp và tinh thần kỷ luật của họ. Gandhi cũng dần nắm được những cách để trình diễn các phong trào bất bạo động của ông ra trước công luận trong và ngoài nước trong một thời đại mà các phương tiện thông tin đại chúng vẫn còn sơ khai.

Biểu tình bất bạo động nơi công cộng chính là một trong những chiến lược truyền thông của Gandhi. Những chiến lược khác chính là những chuyến đi, những bài diễn văn như không bao giờ hết và hàng loạt những bài báo ông viết. Bản thân ông đối đãi trọng thể các khách viếng thăm bất kể là người Ấn hay người phương Tây tại những nhà tu hành của ông và ông luôn sẵn sàng trả lời phỏng vấn các phóng viên từ nhiều nước như một cách để truyền bá thông điệp của mình.

Một cái nhìn lướt qua các tuyển tập tác phẩm của Gandhi có thể cho chúng ta thấy ông đặt nặng đến thế nào việc tuyên truyền và giáo dục chính trị về việc theo đuổi hoạt động satyagraha.

Gandhi là một chính trị gia và nhà phân tích chính trị tự-học-nghề. Nhưng ông đã luôn có vẻ là nắm vững từ rất sớm một trong các hoạt động then chốt của một phong trào bất bạo động chính là thiết kế ra những cách chọc ngoáy vào các yếu điểm của đối phương.

Nếu đối phương là một thế chế đang nắm quyền thì thường có một loạt những yếu điểm như thế. Thể chế đó có thể bị thách thức dựa trên các yếu tố tư tưởng, bên trong hàng ngũ của chính thể chế đó, trong mối quan hệ với bên bị trị, và trong hoàn cảnh cộng đồng quốc tế rộng lớn nơi tồn tại những bên có trọng lượng và khả năng ảnh hưởng đến thể chế đó. Những bên này có thể quay qua chống lại thể chế đó vì những hành động của nó.

Các thể chế chính trị có thể có yếu điểm về mặt tài chính, đặc biệt khi việc phản kháng dân sự có thể làm cạn kiệt các nguồn thu từ thuế của thể chế hay làm cạn kiệt các nguồn tài chính từ hỗ trợ bên ngoài. Phản kháng dân sự cũng có thể làm cho một chính quyền phải tốn kém tiền của để kiểm soát.

Có lẽ việc hiệu quả nhất mà phản kháng dân sự có thể làm là thử thách những đứt gãy tiềm tàng bên trong các cấu trúc quyền lực và cấu trúc ủng hộ của một chính thể.

Phản kháng dân sự có thể làm sói mòn sự hợp tác của những nhóm chính yếu ủng hộ chính quyền, làm sói mòn lòng trung thành của những nhân viên phục vụ công quyền, nhân viên chính phủ và cả nhân viên trong các lực lượng an ninh thiết yếu.

Hoặc bằng cách khác, phản kháng dân sự có thể tạo ra những mối quan hệ không dễ chịu giữa các cấp chính phủ khác nhau liên quan đến các ưu tiên riêng biệt của họ, ví dụ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phưong, hay trong bối cảnh thuộc địa là giữa các chính quyền đô thị và chính quyền thuộc địa.

Khi Gandhi trở về Ấn Độ từ Nam Phi, ông đã nhận ra rằng phản kháng dân sự phải được thiết kế sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, và phù hợp với những yếu điểm của những đối phương cụ thể.

Sự quán triệt tư tưởng này nằm phía sau khẳng định của Gandhi rằng satyagraha là một môn “khoa học“, và ông chỉ là một nhà khoa học thực nghiệm đang tìm cách thử nghiệm những chiến lược phản kháng khác nhau, sử dụng một số vấn đề đặc biệt mang tính biểu tượng trong những hoàn cảnh khác nhau.

Gandhi đã luôn hiểu rõ những yếu điểm đặc thù của chính quyền thuộc địa Anh tại Ấn Độ. Nó là một chính thể đế quốc tại nước ngoài nhưng lại dân chủ tại nguyên quán, nơi mà ý kiến công luận trong nội địa Anh quốc luôn có sức nặng nhất định trong vấn đề phải điều hành Ấn Độ như thế nào…

…Gandhi đã tận dụng các mối liên hệ với các nhóm Thiên chúa giáo hoat động trong đời sống công cộng tại Anh, đặc biệt khi ông ghé thăm Anh quốc năm 1931. Hơn nữa, Gandhi biết rằng đối tác chiến lược chính của Anh, Mỹ quốc, là nơi có tinh thần chống chủ nghĩa thực dân. Ông tận dụng cơ hội phát biểu trước công chúng Mỹ năm 1931 và luôn đón chào các nhà báo người Mỹ đến phỏng vấn ông.

Quan trọng hơn cả với chính quyền thuộc địa Anh trong cuộc đối đầu với phản kháng dân sự và với một lãnh tụ chính trị đình đám kiên quyết với tinh thần bất bạo động chính là sự thật rằng chính quyền thuộc địa Anh dựa vào những nền tảng Ấn Độ vốn có thể trở nên không vững vàng nữa.

Ví dụ, khi sang thế kỷ 20, những nền tảng đó bao gồm những người Ấn Độ làm việc cho chính quyền thuộc địa trong các chức vụ dân sự từ cấp thấp đến cấp cao nhất trong Lực Lượng Nhân Viên Hành Chính Ấn Độ và trong các ngành tư pháp. Họ chính là cái xương sống của các lực lượng cảnh sát, lực lượng vũ trang và họ sẵn sàng tiếp tục làm việc trong các địa phương đã được cải hoá, trong ngành lập pháp trung ương và trong cả các cơ quan tự quản địa phương. Những nền tảng đó bao gồm cả những người hợp tác không chính thức vốn có nhiều thể loại, từ các điền chủ đến các trưởng làng, và một nhóm ngày càng đông đúc những người lao động trí thức trong công chúng. Cuối cùng chính những người này mới là những người đóng thuế đang cung cấp nguồn thu cho chính quyền thuộc địa.

Nếu một số lớn những nhóm người này rút lại sự ủng hộ của họ cho chính quyền và không làm việc cho chính quyền nữa, chính quyền thuộc địa sẽ gặp khó khăn cực lớn – như Gandhi đã ghi nhận trong cuốn sách nhỏ có ảnh hưởng lớn của ông là Hind Swaraj xuất bản năm 1909. Gandhi động viên những đồng bào của ông hiểu rằng họ đang nắm chính vận mệnh của chính quyền thuộc địa trong bàn tay họ, và bằng cách quăng đi nỗi sợ hãi họ có thể đối đáp với chính quyền sòng phẳng.

Nehru đã từng bình luận về cái cảm giác mới lạ khi đó, một cảm giác can đảm có khả năng làm say người mà Gandhi đã mang đến cho thế hệ của ông. “Trên tất cả, chúng tôi có một cảm giác tự do và một niềm tự hào dành cho sự tự do đó. Cái cảm giác cũ cảm thấy bị đàn áp và cảm thấy bất mãn đã hoàn toàn tan biến“…”

Bạn đọc có thể tìm đọc thêm:

Sách “Phản Kháng Dân Sự và Chính Trị Quyền Lực” trên Amazon

Tuyển tập các tác phẩm của Mahatma Gandhi trên Project Gutenberg

Sách Tự Truyện Gandhi trên GBook.vn

“Con Đường của Gandhi” –  Báo Nhân Dân

“Người Việt học được gì ở Mahatma Gandhi?” – Blog Hiệu Minh

Lời giới thiệu Column của Ban Biên Tập LKTC:

Luật Khoa tạp chí xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một chuyên mục hàng tuần mới: Café Luật Khoa. Mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, Café Luật Khoa sẽ tuyển chọn và đăng một đoạn trích từ một quyển sách, một bài diễn thuyết hoặc một tài liệu thú vị, giàu cảm hứng và khơi gợi suy nghĩ về các đề tài luật pháp và chính trị từ các tác giả cả trong và ngoài nước, hiện đại lẫn kinh điển.

Coffee-and-book_00000

Hy vọng chuyên mục này có thể giới thiệu được đến với bạn đọc những tác phẩm luật và chính trị sâu sắc, nhiều ý nghĩa, để có thể làm giàu thêm cho tủ sách và vốn đọc của các bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.