Hoa Kỳ: Bạn có thể kiện cảnh sát, dù họ chỉ có ý định xâm phạm quyền của bạn?

Hoa Kỳ: Bạn có thể kiện cảnh sát, dù họ chỉ có ý định xâm phạm quyền của bạn?

Phạm Nguyên Trường (dịch)

Nếu một nhân viên nào đó bị giáng chức vì người sử dụng lao động nghĩ rằng người này đã tham gia vào những hoạt động chính trị được hiến pháp bảo vệ, thì người đó có thể kiện người sử dụng lao động nếu trên thực tế mình không làm những việc đó? Tuần này, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã đưa ra một câu trả lời khẳng định cho câu hỏi rắc rối này. Trong vụ Heffernan v. City of Paterson, Tòa án đã khẳng định nguyên tắc vốn là nền tảng cho Tu chính án luật Thứ nhất (First Amendment jurisprudence) của chúng ta: các quan chức chính phủ không được nhắm đến quyền tự do ngôn luận một cách tùy tiện – tức là, chỉ dựa vào ý chí của họ để đánh giá, chứ không phải dựa vào bất kì lí do hợp hiến nào.

Đây là kết quả đáng được ca ngợi. Và người ta không thể không nhận thấy rằng Tòa án không phải lúc nào cũng đánh giá một cách thận trọng những lời phàn nàn nói rằng các quan chức chính phủ đã hành động một cách tùy tiện. Điều mà Tòa án làm trong những vụ liên quan đến ngôn luận – cụ thể là, tìm cách xác định mục đích thật sự của quan chức chính phủ và đánh giá tính xác đáng của những mục đích đó – nên và phải được áp dụng cho mọi loại án có liên quan đến môi trường hiến định.

Vụ Heffernan về vấn đề gì? Jeffrey Heffernan, một cựu cảnh sát, đã làm việc hai mươi năm ở Paterson, New Jersey, bị phát hiện đã ra dấu cho thấy ông ta ủng hộ cho ứng cử viên trong cuộc tranh cử với thị trưởng Paterson. Người ta đã báo chuyện này cho cảnh sát trưởng và cấp trên trực tiếp của Heffernan, cả hai ông này đều do thị trưởng bổ nhiệm. Heffernan lập tức bị giáng cấp, từ thám tử xuống thành tuần tra viên.

Ông đã kiện chống lại thành phố theo điều under 42 U.S.C. §1983, đạo luật liên bang cho phép công dân khởi kiện các quan chức vì đã tước của họ “quyền, đặc quyền hay những điều khoản miễn trừ được Hiến pháp bảo vệ”. Heffernan tuyên bố rằng ông đã bị giáng chức nhằm trả thù cho việc mà cấp trên của ông cho là hoạt động chính trị – hoạt động chính trị được Tu Chính Án Thứ Nhất (First Amendment) bảo vệ.

Như đã thấy, cấp trên của Heffernan đã lầm. Heffernan hoàn toàn không tham gia hoạt động chính trị. Không những thế, ông chỉ nhận và vận chuyển giúp các biểu ngữ và bảng ủng hộ chiến dịch tranh cử cho người mẹ đang nằm liệt giường của mình. Tòa án hạt và tòa phúc thẩm khu vực coi sự kiện này cho phép bác bỏ đòi hỏi của Heffernan theo điều khoản §1983.

Tòa án lập luận rằng vì Heffernan không tham gia vào hoạt động ngôn luận được hiến pháp bảo vệ, cho nên các quyền của ông trong Tu chính Án Thứ nhất không hề bị vi phạm. Như vậy, trong khi Heffernan chắc chắn bị tổn thương vì vụ giáng chức, nhưng người ta đã không tước đoạt bất kì “quyền, đặc quyền hay những điều khoản miễn trừ được Hiến pháp bảo vệ” nào và vì vậy mà không thể kiện theo điều khoản §1983.

Tòa án Tối cao bác bỏ lập luận này. Thẩm phán Steven Breyer, viết lời tuyên án thay mặt đa số, đã dựa vào vụ Waters kiện Churchill (Waters v. Churchill, 1994), trong đó, Tòa đã tuyên rằng một nữ nhân viên không khẳng định chắc chắn về việc người sử dụng lao động đã tin tưởng nhầm nhưng hợp lí rằng hành vi của nhân viên đó không được hiến pháp bảo vệ. “[Trong] luật, nước sốt cho ngỗng cái cũng thường được làm nước sốt cho ngỗng đực”, thẩm phán Breyer viết, ông lập luận rằng vì người sử dụng lao động của Heffernan nghĩ làm rằng hành vi của Heffernan được hiến pháp bảo vệ, cho nên yêu cầu của Heffernan là hợp lệ, xuất phát từ động cơ sai trái của người sử dụng lao động (tức nhầm gây ảnh hưởng lên quyền hiến định của người lao động đó).

Nhưng chờ một chút. Như thẩm phán Clarence Thomas (viết cho mình và cho thẩm phán Samuel Alito thuộc nhóm thiểu số) đã đưa ra kiến phản bác sâu sắc và có sức thuyết phục, yêu cầu theo điều §1983 có giá trị xuất phát từ hành vi vi hiến của chính phủ đòi hỏi phải có lời cáo buộc nói rằng một người nào đó đã bị tước đoạt quyền hiến định, chứ không chỉ đơn thuần là người đó bị chính sách vi hiến làm cho thiệt hại. Sự khác biệt là rất tinh tế, nhưng là khác biệt quan trọng.

“Xin xem xét, ví dụ, đạo luật ủy quyền cho cảnh sát chặn người lái xe một cách tùy tiện để kiểm tra bằng lái và giấy đăng kí”, thẩm phán Thomas viết. Mặc dù “đạo luật đó vi phạm Tu Chính án Thứ tư (Fourth Amendment)”, chỉ có người lái xe thực sự bị giữ trái với hiến pháp là “chịu đúng loại thiệt hại” (được nêu trong Điều §1983 – ND). Theo quan điểm của thẩm phán Thomas, Heffernan chắc chắn đã phải bị thiệt hại, nhưng thiệt hại đó không đúng với hình thức thiệt hại được hiến pháp bảo trợ – quyền tự do ngôn luận của ông ta đã không bị tước đoạt. Vì vậy mà yêu sách theo Điều §1983 của ông ta phải bị bác bỏ.

Ai có lí lẽ xác đáng hơn trong cuộc tranh luận này? Nhóm đa số và nhóm bất đồng đều có phần đúng. Nếu trên thực tế, Heffernan bị giáng chức vì cấp trên của ông tin rằng ông ta có phát biểu mang tính chính trị mà họ không đồng ý, thì quyền hiến định của ông ta đã bị vi phạm. Nhưng Tu chính án Thứ mười bốn (Fourteenth Amendment) là tu chính án có liên quan trực tiếp với các hành động của chính phủ chứ không phải Tu chính án Thứ nhất.

Tu chính án Thứ mười bốn được hiểu đúng đắn là nhằm ngăn cấm những hành động độc đoán của chính phủ – tức là hành động chỉ nhằm áp đặt ý chí của những người có chức có quyền. Thuật ngữ ” due process of law ” trong Tu chính án Thứ năm (Fifth Amendments) và Tu chính án Thứ mười bốn có thể được truy ngược trở lại thuật ngữ “nguyên tắc pháp lý nguồn cội” của Đại Hiến chương Tự do (“law of the land” clause – Magna Carta), mà các luật sư thời kỳ cách mạng và các tác giả của Tu chính án Thứ mười bốn hiểu là đề cập tới khái niệm mang tính quy phạm về luật pháp.

Theo khái niệm này, không phải mọi hành động của chính phủ đầu là luật – để được coi là luật, hành động của chính phủ phải có những đặc điểm nhất định, định hướng xã hội là một trong những đặc điểm đó. Quan chức chính phủ không thể tìm cách chỉ phục vụ một cách hợp pháp lợi ích của các cá nhân hoặc các nhóm có quyền lực chính trị – hành động của họ phải được tính toán nhằm thúc lợi ích công cộng.

Như vậy, trong khi thẩm phán Thomas đã đúng khi cho rằng quyền tự do ngôn luận của Heffernan không bị vi phạm, nhưng Heffernan đã đúng khi cáo buộc rằng ông là nạn nhân của cách hành xử độc đoán của quan chức chính phủ. Điều cấu thành sự tước đoạt “due process of law” và vi phạm quyền hiến định của Heffernan là không bị đối xử một cách tùy tiện. Như vậy là Tòa đã đúng khi cho rằng lời cáo buộc của Heffernan theo §1983 là hợp lệ.

Tuy nhiên chiến thắng của Heffernan có cả vui lẫn buồn – một lời nhắc nhở rằng Tòa án không nhất quán trong việc thực thi các điều cấm theo hiến định đối với những hành động tùy ý của chính phủ. Cần lưu ý quan điểm và ngôn ngữ pháp lý của Tối Cao Pháp Viện chỉ trở nên sôi nổi hơn khi xuất hiện những lo ngại về sự bảo hộ trong thị trường của những ý tưởng – nơi mà người ta quan ngại các thế lực chính trị sẽ áp đặt những sở thích mang tính tư tưởng và tính cảm xúc của họ lên những người khác.

Những quy định pháp lý liên quan đến thị trường hàng hóa và dịch vụ không được tính toán để bảo vệ công chúng khỏi sự không đồng nhất, thiếu hụt thông tin hoặc gian lận mà chỉ nhằm áp đặt những sở thích mang tính kinh tế của quyền lực chính trị cũng phạm phải những sai lầm tương tự và đồng thời, cũng cần phải được xem như là hiển nhiên vi hiến. Những quy định như vậy có thể tác động nghiêm trọng đến quyền tự do sống bằng nghề nghiệp theo lựa chọn của người Mỹ – một quyền được bảo vệ một cách thiêng liêng bởi “the Framers” và được công nhận một cách nhất quán bởi hệ thống Tòa Án Mỹ.

Nhưng khi Tòa trong các vụ việc về quyền tự do ngôn luận nỗ lực xác định mục đích thực sự của các hành động của quan chức chính phủ, ít khi Tòa án quan tâm đến việc xác định những mục đích thực sự mà những quy định quản lý kinh tế hướng đến khi thực hiện đánh giá lý tính (rational-basis review) – một phương thức đánh giá tiêu chuẩn trong các án lệ mang tính hiến pháp mà Tòa đã xác định là không liên quan đến các quyền “cơ bản” (quyền tự do ngôn luận là một trong số đó). Gánh nặng liên quan đến các quyền cơ bản thúc đẩy sự xem xét “tăng cường” của tòa án, theo đó chính phủ phải chứng minh – với bằng chứng rõ ràng – rằng những hành động đó được tính toán để đạt được một mục đích quản lý phù hợp.

Các Tòa án cấp thấp hơn áp dụng các nguyên tắc đánh giá lý tính thường chỉ để nhằm từ chối việc theo đuổi mục đích thực sự của các chính sách chính phủ; mà không yêu cầu chính phủ phải đưa ra bất kỳ bằng chứng nào ủng hộ hành động của mình, và thậm chí còn giúp chính phủ đưa ra những giả thuyết biện minh cho hành động của mình. Kết quả là, những gánh nặng tùy ý đặt lên quyền được kiếm sống đang nhanh chóng chuyển hóa giấc mơ Mỹ trở thành một ảo mộng.

Khi Tòa án đã theo đuổi việc tìm ra mục đích thực sự của chính phủ trong các án lệ liên quan đến ngôn luận, không có lý do gì để Tòa án không làm như vậy trong tất cả các vụ việc mang tính hiến pháp khác. Tòa án nên làm rõ rằng tất cả các hành động tùy ý với sự áp đặt của quyền lực nhà nước đối với các cá nhân thì đều đáng lên án dựa theo hiến pháp và khẳng định rằng sự tham gia của tòa án – sự điều tra công bằng, dựa trên chứng cứ về tính hợp hiến của những mục đích thực sự và các phương tiện của chính phủ, mà không tuân theo sự kỳ vọng hay mong muốn của các quan chức chính phủ – là một nhiệm vụ của tòa án, ràng buộc tất cả các thẩm phán suy ra thẩm quyền của họ từ Điều III Hiến Pháp. Duy trì sự thượng tôn pháp luật được hình thành bởi Hiến pháp, vốn đòi hỏi không thấp hơn những yêu cầu đó.

Nguồn bài viết: Can You Sue If the Police Tried to Violate Your Rights, Even If They Didn’t Really?; Evan Bernick; Foundation for Economic Education; 04 tháng 05 năm 2016

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.