Điều 292 BLHS: “Cơn Ác Mộng” của Start-Up Việt? – Kỳ 1

Điều 292 BLHS: “Cơn Ác Mộng” của Start-Up Việt? – Kỳ 1
Quốc hội khóa XIII thông qua dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi (Nguồn ảnh: Phương Hoa/TTXVN – VietnamPlus)

Nam Quỳnh

“Cơn ác mộng” mà điều 292 BLHS mang lại thật sự là gì? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên cần nhìn vào các luận điểm từ cả hai phía của vụ việc: phía những nhà làm luật và phía những người làm start-up.

Những ngày qua, đề tài nóng nhất trong làng khởi nghiệp (start-up) trẻ của Việt Nam có lẽ chính là điều 292 trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua năm ngoái và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 tới.

Điều 292 xác định tội danh “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” và áp đặt khung hình phạt tùy theo lợi nhuận hoặc doanh thu từ hành vi vi phạm. Mức phạt tài chính cao nhất có thể là 5 tỷ đồng. Nếu không phạt tiền thì người vi phạm có thể phải chịu mức án tù cao nhất là 5 năm tù. Người vi phạm đồng thời còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc cấm làm một công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Người đầu tiên lên tiếng về vấn đề này là luật sư Trần Đức Hoàng, giám đốc văn phòng luật EZLaw. Luật sư Hoàng bình luận trên trang facebook cá nhân:

Đây là một cơn ác mộng cho hầu hết startup tại Việt Nam. Lý do quá rõ ràng. Đại đa số startup Việt Nam và trên toàn thế giới là tập trung vào công nghệ thông tin và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số trên mạng máy tính và mạng viễn thông. Việc phi hình sự hóa tội kinh doanh trái phép là không có ý nghĩa gì với đại đa số startup, doanh nhân trẻ, hay những nhà lập trình tài năng của đất nước khi mà Điều 292 của Bộ luật hình sự 2015 đang hình sự hóa hầu hết những gì mà chúng tôi muốn làm.”

Tương lai mờ mịt của nhiều người làm start-up Việt? (Nguồn ảnh: mojatu.com)
Tương lai mờ mịt của nhiều người làm start-up Việt? (Nguồn ảnh: mojatu.com)

Các bình luận của luật sư Hoàng đã được đồng tình và chia sẻ rộng rãi, tạo ra nhiều tranh luận trong các cộng đồng khởi nghiệp và luật sư những ngày qua.

Các ý kiến đồng tình với quan ngại của luật sư Hoàng thường nhấn mạnh vào một số điểm:

1A. Các nhà làm luật Việt Nam vẫn nặng tư tưởng “xin-cho”, thay vì cho tự do kinh doanh thì lại bắt cái gì cũng phải có giấy phép, cái gì cũng phải lên ‘vái cửa quan’;

2A. Cho dù được tuyên truyền là đã được thay đổi để thê hiện sự tiến bộ, “bảo vệ quyền con người” hơn nhưng thực chất luật Việt Nam như thế vẫn “hình sự hóa” các hoạt động kinh doanh vốn lẽ ra cùng lắm chỉ nên được xử lý hành chính. Điều này thể hiện tư duy của các nhà làm luật Việt Nam vẫn là “bình mới rượu cũ”, vẫn muốn “đè đầu cưỡi cổ” người dân, đặc biệt là những người biết làm ăn, chứ không phải là bảo vệ họ;

3A. Việc bắt người kinh doanh sử dụng mạng internet phải xin phép tạo thêm điều kiện cho nhà nước ‘hành’ người kinh doanh bằng các thủ tục, giấy phép vốn đã quá lằng nhằng, gây lãng phí thời gian và tiền bạc của người kinh doanh. Việc này sẽ ngăn cản người kinh doanh lanh lẹ chớp cơ hội kinh doanh và nhanh chóng đưa các sáng kiến và sản phẩm của họ đến với thị trường;

4A. Bản chất của các hoạt động kinh doanh sản phẩm công nghệ và dịch vụ sử dụng mạng internet thời đại kỹ thuật số chính là sự sáng tạo, thử nghiệm liên tục không ngừng nghỉ để tìm ra những sáng chế mới, giải pháp mới phục vụ khách hàng và tạo ra lợi nhuận. Nếu những người tham gia quá trình sáng tạo, thử nghiệm này phải chịu những ràng buộc giấy phép, quan liêu cửa quyền và nay phải gánh thêm nỗi sợ việc phải tán gia bại sản và đi tù thì họ sẽ không còn động lực nữa, và môi trường start-up Việt Nam sẽ lụn bại vì sợ hãi, chán nản.

Các ý kiến trên phần lớn từ cái nhìn của những nhà doanh nghiệp, những người làm start-up công nghệ trẻ. Bên cạnh các ý kiến đồng tình với nhận định của luật sư Hoàng cũng có các ý kiến khác cho rằng nhận định của luật sư Hoàng và những người ủng hộ thật sự không chuẩn xác, hơi thái quá.

Các ý kiến phản biện này, phần lớn đến từ cái nhìn của những nhà làm luật, nhà hoạch định chính sách, cho rằng:

1B. Nội dung điều 292 không hề cấm hoàn toàn tất cả các loại hình cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà các start-up đang làm, muốn làm và có thể sẽ làm. Luật chỉ quy định chế tài nặng hơn cho những trường hợp làm kinh doanh không xin giấy phép. Việc phải xin giấy phép trong một số dịch vụ nhất định nằm trong nội dung điều 292 là đương nhiên và bình thường trong một đất nước pháp quyền có các luật lệ rõ ràng. Các start-up cũng phải có tinh thần tôn trọng pháp luật, thượng tôn pháp luật như bất kỳ cơ quan, người dân nào trên đất nước Việt Nam, chứ không thể nghĩ họ là duy nhất đặc biệt, không thể được pháp luật quản lý;

2B. Bản thân nội dung điều 292 chú trọng vào một số dịch vụ đặc biệt cần có quản lý của nhà nước (kinh doanh vàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp, trung gian thanh toán, trò chơi điện tử). Đã có các hiện tượng cung cấp các dịch vụ này trên mạng internet dẫn đến việc nhiều người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (ví dụ xem tại đây, đây, đâyđây). Nhiều người dân đã bị thiệt hại đến tán gia bại sản, tan cửa nát nhà. Nhà nước không tham gia bảo vệ họ bằng cách quản lý chặt các hoạt động dịch vụ này thì ai sẽ làm điều đó? Bảo vệ con người không ở đây thì ở đâu?

3B. Nếu cảm thấy việc kinh doanh của họ bị đe dọa bởi điều 292 khoản 1(e), vốn quy định rất chung chung là việc cung cấp “các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật” cũng có thể là vi phạm, các start-up có thể chủ động thư từ làm việc với các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ ban hành giấy phép để thảo luận giải quyết. Nếu cơ quan chức năng có thể thì họ sẽ giải thích thêm cho các start-up được rõ, nếu không thì việc chủ động thảo luận của các start-up sẽ giúp cho các cơ quan chức năng hiểu thêm về hoạt động kinh doanh của họ và có hướng giải quyết thích hợp. Các start-up không thể chỉ ngồi bù lu bù loa được;

4B. Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2015 đã được phổ biến để lấy ý kiến người dân từ tháng 07/2015. Bộ luật này sau đó mới được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015 với tỷ lệ tán thành 84.01%.  Tại sao giới start-up, doanh nghiệp và luật sư quan tâm đến vấn đề start-up tại Việt Nam chỉ đồng loạt lên tiếng tỏ ra quan ngại về một điều luật liên quan đến họ khi chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là luật có hiệu lực? Nhà nước đã tạo điều kiện cho việc phản biện và góp ý từ người dân chứ không hề bất ngờ đơn phương áp đặt nên việc nhiều người giới start-up và luật sư phản đối và phê bình nhà nước bằng những lời lẽ gay gắt, thiếu kiềm chế là rất không công tâm.

Quốc hội khóa XIII thông qua dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi (Nguồn ảnh: Phương Hoa/TTXVN - VietnamPlus)
Quốc hội khóa XIII thông qua dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi (Nguồn ảnh: Phương Hoa/TTXVN – VietnamPlus)


Các luận điểm của cả hai bên xác đáng tới mức độ nào? Điều 292 có thật sự là một “cơn ác mộng”? Phần tiếp theo của loạt bài sẽ tìm hiểu các câu hỏi trên.

(Còn tiếp)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.