Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Một đám đông giận dữ cũng nguy hiểm không kém kẻ độc tài tàn bạo ngồi trên ngai vàng.
Nền Dân Chủ Athens và Nên Dân Chủ Hiện Đại; Dân Chủ Trực Tiếp và Dân Chủ Gián Tiếp; Đâu là lằn ranh giữa dân chủ và nền độc tài đám đông? Loạt bài viết này sẽ cho bạn đọc một các nhìn toàn cảnh và lý giải sự khác biệt cũng như câu hỏi trên. Để khi có người dẫn chứng lời phê phán của Plato, Socrates hay James Madison về nền dân chủ, hãy nhớ rằng họ không nói về cùng nền dân chủ chúng ta mong muốn ngày nay.
Trước tiên, chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa các hình thái dân chủ. Bài viết không nhằm phản đối thể chế dân chủ. Dân chủ luôn luôn là một hình thái nhà nước đáng được tôn trọng nhất bởi trong hình thái nhà nước, do ý kiến của các công dân, kể cả các nhóm yếu thế luôn được cân nhắc, bảo vệ và thể hiện trong chính sách của nhà nước; hình thái nhà nước dân chủ tạo điều kiện cho sự trao đổi, thẩm vấn, kiểm tra và giám sát nhà nước của công dân. Từ đó, công dân tạo nên một hệ thống nhà nước khỏe mạnh, không lạm quyền và thật sự hoạt động vì cộng đồng. Tuy nhiên lại có rất nhiều hình thái dân chủ với các quy chuẩn phân biệt khác nhau, mà nổi bật nhất là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.
Vậy tại sao dân chủ trực tiếp, vốn xét một cách thuần cảm tính, là nơi thật sự để người dân tham gia quyết định các chính sách quốc gia, với tiếng nói rõ ràng nhất mà không cần thông qua các dân biểu đại diện, lại chưa bao giờ là lựa chọn của các nhà nước dân chủ nổi tiếng nhất trong lịch sử?
Độc tài … số đông: lời tự sự của các triết gia
Khi chúng ta nhắc đến các thể chế độc tài, điều gợi lên trong mỗi người trước tiên là các chính thể theo kiểu Orwellian (gọi theo tác phẩm “1984” của tác giả George Orwell nói về một xã hội toàn trị) hoặc Stalinist – theo thiên hướng nhà độc tài Xô-viết Joseph Stalin, nơi mà một nhóm hoặc một cá nhân thâu tóm gần như toàn bộ quyền lực nhà nước với kiểu ứng xử độc đoán thần giáo như thể quyền năng của họ là của Chúa trời. Tuy nhiên, khi mà các chính thể nhà nước như vậy đã và đang dần mất vị thế của mình trên chính trường thế giới; một con quái vật khác đang trỗi dậy tại sân sau của mỗi gia đình, được nuôi dưỡng bởi sự tự thỏa mãn và mất động lực chính trị của các công dân từ những xã hội tiến bộ – “Độc tài số đông”.
“Độc tài số đông” không phải là khái niệm mới mẻ trong triết lý pháp luật và chính trị thế giới, nhưng vì một số lý do khách quan và cũng có thể là do nhầm lẫn thật, người ta thường lạm dụng sự mập mờ giữa “Độc tài số đông” và “Dân chủ”. Sự làm dụng này ít khi được nhắc đến chi tiết. Mặc dù bóng ma của chủ nghĩa đa số thiếu khôn ngoan, không bị kiềm chế đã ám ảnh sức sáng tạo của hoạt động chính trị dân chủ từ Phiên tòa Socrates (The Trial of Socrates) trong thời cổ đại Hy Lạp, khái niệm và nghiên cứu học thuật chuyên sâu về “Độc tài số đông” chỉ được chính thức hình thành trong kỷ nguyên cách mạng dân chủ hiện đại (modern age of democratic revolutions).
Phiên tòa Socrates diễn ra vào năm 399 trước Công Nguyên, nhằm xét xử một trong những nhà hiền triết danh tiếng nhất Hy Lạp Cổ Đại – cha đẻ của triết học – Socrates. Ông bị buộc tội “làm tha hóa giới trẻ” và “từ chối chấp nhận những vị thần được công nhận bởi nền dân chủ”. Thực tế, việc ông làm là thường thách thức các niềm tin được công nhận rộng rãi tại Athens với kiểu đối thoại Socrates vòng tròn, kể cả việc đặt vấn đề về niềm tin với các vị thần mà người dân Athens đang thờ phụng. Cách ông phản bác nền dân chủ Athens và giảng dạy về bất tuân dân sự cho dân chúng và các môn đệ của mình cũng bị cho là có dính líu đến Critias, một học trò của ông – và cũng là lãnh đạo của nhóm “Tam Thập Bạo Chúa” (The Thirty Tyrants), một chế độ thiểu số lãnh đạo vô cùng tàn bạo nắm quyền kiểm soát Athens trong 8 tháng (404 đến 403 trước Công Nguyên). Điều khiến các học giả hiện đại thất vọng và đặt câu hỏi với nền dân chủ Athens là 500 công dân Athens đã chấp nhận phiên tòa xét xử một nhà hiền triết chỉ vì những điều ông giảng dạy, và trao cho ông hình thức tử hình dù không có bằng chứng rõ ràng chống lại ông – một bản án chỉ được quyết định chỉ vì đám đông chọn như thế. |
Trước tiên bắt đầu với nhà triết gia John Locke (1632-1704), khi ông nhận thấy được sự trỗi dậy mạnh mẽ của một tầng lớp tập hợp các cá nhân “cấp thấp” của xã hội như là nhân tố cực kỳ quan trọng trong những cuộc nội chiến tại Vương Quốc Anh; và chính thức đặt ra quan niệm về nguyên tắc “đa số thắng” (majority rules) trong tác phẩm Hai Luận Thuyết về Chính Phủ (1690).
Một thế kỷ sau đó, kinh nghiệm cách mạng tại Hoa Kỳ và Pháp bắt được ánh sáng mới của chủ nghĩa “đa số thắng” ở một cường độ mãnh liệt hơn. Chủ nghĩa này là thứ khiến các vị khai quốc công thần của Cách Mạng Hoa Kỳ năm 1776 phải trăn trở trong các tranh luận của họ về việc phải xây dựng mô hình nhà nước dân chủ thật sự hoàn hảo như thế nào.
Khái niệm chính thức được đặt tên “Sự độc tài đa số” – “Tyranny of the majority” bởi nhà sử học và lý thuyết gia chính trị danh tiếng Alexis de Tocqueville (1805–1859) trong ấn phẩm thứ hai của tác phẩm Nền Dân Trị Mỹ; cũng như được ghi nhận trong tác phẩm mang dấu ấn đáng kể nhất của John Stuart Mill (1806 – 1873) – Bàn Về Tự Do.
Nền dân chủ cổ đại trong mắt các nhà lập quốc Hoa Kỳ: Quá nhiều khuyết điểm?
Thành bang Athens sống dưới một chế độ dân chủ cực đoan hóa từ năm 508 đến năm 322 trước Công Nguyên. Các định chế dân chủ vẫn được tiếp tục duy trì và phát triển sau đó bởi các nhà nước mới sau này, nhưng đây mới là 186 năm mà thành bang Hy Lạp được sống trong một nền dân chủ tự ý thức, quyết đoán, thịnh vượng, nhưng cũng không kém phần hỗn loạn – thứ được các sử gia gọi là “Nền Dân Chủ Athens” (Athenian Democracy). Nền dân chủ này khác biệt hoàn toàn với những gì chúng ta biết đến ngày nay.
Nhà nước dân chủ kiểu hiện đại được chia ra thành nhiều nhánh kiểm tra, giám sát; quyền công dân được giới hạn một cách có mức độ ở việc bầu chọn ra người đại diện tại các nhánh quyền lực này – vốn là thành quả lý thuyết nhà nước và pháp luât sau kỷ nguyên cách mạng dân chủ hiện đại. Nền dân chủ Athens, ngược lại, thậm chí còn không phải là một nền cộng hòa.
Trong nền dân chủ Athens, khái niệm “Nhân dân tự quản” (People govern themselves) được thực hiện thật sự trên nghĩa đen, nơi mà những công dân đủ tư cách bỏ phiếu (dĩ nhiên, toàn nam giới và không bao gồm nô lệ) sẽ dùng lá phiếu của riêng mỗi người trong số họ để bầu cho mọi quyết định, từ hành pháp đến tư pháp, từ những việc to tát như quyết định tổ chức chiến tranh cho đến những công việc hằng ngày như quy chuẩn dành cho việc đóng một con tàu. Mô hình này khá lý tưởng với thứ “Công Xã” mà nhà triết học Karl Marx từng mong muốn, nhưng cả mô hình dân chủ Athens và “Công Xã” đều có chung nhiều thiếu sót, đó là sự hỗn loạn, kém tổ chức, thiếu tập trung chuyên môn. Cả hai mô hình này đều đã sụp đổ vì những thiếu sót đó.
Nghiên cứu lịch sử cổ đại và những vấn đề mà nền dân chủ Athens gặp phải, James Madison, một trong các nhà lập quốc Hoa Kỳ, đã cảnh báo về chủ nghĩa dân chủ thuần túy (pure democracy) vốn cũng tương tự như “Nhân dân tự quản”. Ông nhận thấy dân chủ kiểu Athens là một nền dân chủ thất thường và ngắn ngủi, trong khi mô hình cộng hòa La Mã lại tồn tại vững chãi và chắc chắn hơn. Một khai quốc công thần khác, John Adams, nhận xét rằng “Dân chủ thuần túy không thế tồn tại lâu dài”, trong khi nhà bác học Benjamin Franklin sau khi được hỏi rằng mô hình chính thể nào là phù hợp với nhà nước Hoa Kỳ non trẻ, ông đáp ngắn gọn: “Nền Cộng Hòa, nếu anh có thể giữ nó được lâu”. Cảm giác của giới tinh hoa và những nhà sáng lập nhà nước Hoa Kỳ tại thời điểm đó có thể được mô tả hoàn hảo bởi câu nói của Alexis de Tocqueville:
“Nếu chúng ta thừa nhận rằng một cá nhân sở hữu quyền lực tuyệt đối có thể lạm dụng quyền lực của mình để làm điều sai trái, tại sao đám đông đa số không phải chịu sự đánh giá tương tự? Con người không thay đổi bản chất của mình chỉ bởi vì họ tụ tập lại với nhau.”Đây cũng chính là lý do mà nhà nước Hoa Kỳ được hình thành dưới hình thức thể chế cộng hòa, có nền dân chủ được thực hiện bằng cơ chế đại diện, hai cơ quan lập pháp với nhiệm kỳ ngắn cùng chức danh tổng thống quyền lực nhiệm kỳ dài hơn và 9 vị thẩm phán có địa vị phục vụ trọn đời tại Tối Cao Pháp Viện.
Với mô hình này, Hạ Viện và Thượng Viện bao gồm các dân biểu và thượng nghĩ sỹ đại diện cho đám đông dân chúng luôn được thay thế và làm mới thường xuyên mỗi hai hoặc ba năm, tạo điều kiện cho cộng đồng xem xét, trao đổi lại các mục tiêu, quan điểm và thái độ chính trị của mình trong các cuộc bầu cử địa phương.
Tổng Thống là người nắm giữ quyền hành pháp tối cao cũng do người dân bầu chọn, song lại có nhiệm kỳ dài hơn để đảm bảo rằng ông ta có thể làm việc một cách độc lập và được tham vấn, hơn là chỉ để đảm bảo những nguyện vọng nhất thời vốn có thể phi thực tế.
Trong khi đó, những cái đầu lạnh tại Tối Cao Pháp Viện không có quyền lực gì nhiều trong đời sống kinh tế xã hội của nhân dân, nhưng lại là người trọng tài đáng tin cậy để bảo vệ các giá trị pháp lý nguyên thủy nếu hai nhánh quyền lực còn lại vượt quá các định mức cho phép, vốn được vạch ra bởi luật pháp và hiến pháp thành văn.
Điều này đảm bảo rằng mỗi cơ quan, cho dù đại diện cho quyền lực nhân dân, không phải chịu áp lực tuyệt đối từ mong muốn nhất thời của một đám đông nhân dân nào đó – nó được xem là một lời giải hoàn thiện thể chế dân chủ mà người Mỹ luôn tìm kiếm.
Còn tiếp