Nhật Bản Minh Trị: Tấu hài độc thoại để … truyền bá tư tưởng pháp luật hiện đại

Nhật Bản Minh Trị: Tấu hài độc thoại để … truyền bá tư tưởng pháp luật hiện đại
Trình diễn Rakugo (Nguồn ảnh: folktales.net)

Café Luật Khoa

Rakugo là một môn nghệ thuật biểu diễn hơn 400 năm tuổi của nền văn hóa Nhật Bản, thường được dịch thoáng là “diễn hài độc thoại” hay “độc diễn tấu hài”.

Hình thức của môn nghệ thuật này rất đơn giản: người nghệ sĩ mặc đồ kimono truyền thống ngồi một mình trên sân khấu theo lối ngồi quỳ chính tọa truyền thống (seiza). Chỉ với hai đạo cụ là một cây quạt và một chiếc khăn tay, người nghệ sĩ sẽ dành cả buổi diễn kể một hoặc nhiều câu chuyện đời thường hài hước cho khán giả nghe. Một mình đóng tất cả các vai trong câu chuyện, người nghệ sĩ sử dụng các giọng nói và điệu bộ khác nhau để trình diễn lời thoại từng nhân vật đối đáp nhau trong nội dung chuyện. Cây quạt và chiếc khăn tay cũng không được nằm yên mà phải biến thành những công cụ khác nhau, phù hợp với nhân vật và cảnh diễn của người nghệ sĩ.

Trình diễn Rakugo (Nguồn ảnh: folktales.net)

Bản thân nội dung các câu chuyện trong rakugo thường thú vị, có kịch tính, và có tính hài hước cao để phục vụ khán giả. Tài năng của người biểu diễn rakugo nằm ở chỗ làm cho câu chuyện thú vị đó trở nên sống động và liên tục thu hút sự chú ý của khán giả bằng tài dẫn chuyện và pha trò của mình.

Một thực tế thú vị không nhiều người biết chính là rakugo đã đóng một vai trò nhất định trong việc truyền bá các tư tưởng pháp lý, đạo đức phương Tây và các cải cách pháp luật theo phương Tây của Nhật Bản thời kỳ Minh Trị (1868-1912).

Thời kỳ Minh Trị Duy Tân là thời kỳ nước Nhật chấn hưng mạnh mẽ nhất trong lịch sử khi người Nhật từ bỏ mô hình chính quyền phong kiến quân vương để chuyển sang mô hình quân chủ lập hiến, tiếp thu phát triển văn hóa khoa học kỹ thuật phương Tây và khai dân trí sâu rộng để cải cách đất nước theo hướng “thoát Á” như học giả người Nhật Fukuzawa Yukichi đã cổ xúy.

Trong bài báo học thuật “Kể chuyện luật pháp tại Nhật: Rakugo trong các tranh luận cải cách luật pháp thời Minh Trị” (Narrating the Law in Japan Rakugo in the Meiji Law Reform Debate), học giả Nhật Bản học người Úc Ian McArthur đã giải thích vai trò đặc biệt thú vị của rakugo trong việc đem các tư tưởng luật pháp tiến bộ của phương Tây đến với khán giả bình dân người Nhật trong một thời đại mà các ảnh hưởng phong kiến Nho giáo Trung Hoa từ các thời kỳ trước vẫn còn mạnh mẽ.

Một nhân vật trung tâm trong bài báo của McArthur là Henry Black, một người Úc giỏi tiếng Nhật sống và hành nghề rakugo tại Nhật thời Minh Trị.

Nghệ sĩ rakugo người Úc Henry Black (Nguồn ảnh: cipango.revues.org)

Trích đoạn

Kể chuyện luật pháp tại Nhật: Rakugo trong các tranh luận cải cách luật pháp thời Minh Trị

Narrating the Law in Japan Rakugo in the Meiji Law Reform Debate – Ian McArthur –

Electronic Journal of Contemporary Japanese Studies đăng ngày 15 tháng 8 năm 2008

“…Văn Minh và Cải Cách Luật Pháp

Cải cách luật pháp và các định chế pháp luật là một mảng quan trọng trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912). Chính phủ Nhật đã cố gắng thay đổi các điều khoản trong các hiệp ước đã được Nhật Bản ký với một số các nước bá quyền phương Tây bao gồm Hoa Kỳ và Anh quốc giữa các năm 1858 và 1869.

Các hiệp ước này buộc xuất khẩu của Nhật Bản phải chịu các mức thuế xuất do các nước bá quyền này quy định, đồng thời cho phép công dân các nước này hưởng trị ngoại pháp quyền (extraterritoriality) tại một số bến cảng, đảm bảo họ được quyền miễn tố với chế tài pháp lý Nhật Bản. Các điều khoản này làm nhiều đời chính phủ Nhật khó chịu và khiến họ giành nhiều thập niên nỗ lực chấm dứt các hiệp ước này. Nhưng đối với các nước bá quyền Tây phương, sẽ không có sự thay đổi hiệp ước nào được đưa ra chừng nào Nhật Bản còn chưa hiện đại hóa luật pháp, bao gồm các bộ luật của họ.

Các khiếm khuyết luật pháp của thời kỳ tiền – Minh Trị bao gồm việc thiếu vắng nghề luật sư. Việc tư tưởng chủ đạo của quốc gia là tư tưởng tân Khổng giáo (neo-Confucian) khiến cho các lãnh chúa (daimyo) sử dụng các đạo luật mẫu của Trung Quốc cho các đạo luật của họ nhưng, cho dù họ đã bảo đảm được là các đạo luật này không mâu thuẫn nhau ở mức độ chính quyền trung ương, các quy trình pháp lý và hình phạt hình sự không được chuẩn hóa trên toàn đất nước. Các hình phạt thường được ban phát tùy theo cấp bậc xã hội.

Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng mặc cho những sự không thống nhất đó, một số các cơ chế và định chế sẵn có của chính quyền Mạc Phủ (Tokugawa) có thể đã tạo điều kiện cho các cải cách sau năm 1868 thời kỳ Minh Trị Duy Tân. Ví dụ trong luật và thực tế áp dụng luật, nhà nghiên cứu John O. Haley cho rằng ‘sự tồn tại của các định chế, quy trình, ngay cả chuẩn mực trong luật Mạc Phủ vốn có tính tương đồng với phương Tây’ đã đảm bảo là ‘phần nhiều các định chế và cơ chế luật pháp phương Tây, và ngay cả các điều luật phái sinh, có thể được hấp thụ dễ dàng vào văn hóa và hệ thống các định chế Nhật Bản’.

Nước Nhật thời Minh Trị (Nguồn ành: history.artsci.wustl.edu)

Tuy vậy, quá trình cải cách và hấp thụ cải cách vẫn phải kéo dài hàng thập kỷ với nhiều thử thách và sai sót khi các bên liên quan tranh luận, làm luật, bỏ luật, và soạn lại nhiều luật và bộ luật quan trọng. Nhằm trợ giúp việc soạn lại các bộ luật, chính phủ Nhật mới qua nhiều chuyên gia ngoại quốc như Georges Bousquet – một luật sư Tòa phúc thẩm Paris tới Nhật năm 1872, Gustave Boissonade – một giáo sư luật trường đại học Paris, và chuyên gia hiến pháp người Đức Hermann Roesler. Boissonade có ảnh hưởng rất sâu rộng. Ông ta ở Nhật 20 năm trợ giúp việc soạn thảo các bộ luật tố tụng dân sự và tố tụng hình sự, ‘những bộ luật tân kỳ đầu tiên được áp dụng tại Nhật Bản’. Trong các năm đầu thời Minh Trị, nhiều thẩm phán cũng đã được đào tạo về luật Anh và luật Pháp ngay từ trước khi các đạo luật mới của Nhật có hiệu lực, vì thế luật của Anh và của Pháp ngay từ lúc đó đã trở thành các tiêu chuẩn cho việc đưa ra các phán quyết.

Sự ảnh hưởng của các chuyên gia ngoại quốc và sự du nhập song song các đạo luật khác nhau từ Anh và Pháp góp phần tạo ra các tranh luận về việc các luật và bộ luật mới được tạo ra phải phản ánh được truyền thống đạo đức bản xứ của người Nhật như thế nào.

Các tranh luận này một phần cũng vì các phản ứng trái chiều dành cho bộ luật dân sự mới do Boissonade giúp soạn thảo. Ban hành năm 1891 với dự kiến có hiệu lực từ năm 1894, nhưng tới năm 1892 thì phe phản đối đạo luật này đã thành công trong việc trì hoãn áp dụng đạo luật này.

Đánh giá của Haley xác nhận có dấu hiệu cho thấy nhiều tranh cãi đã diễn ra giữa các phe phái những người ủng hộ học phái luật Anh và những người ủng hộ học phái luật Pháp, giữa những người theo chủ nghĩa truyền thống vốn lo ngại đánh mất ‘các giá trị và các lề thói ứng xử truyền thống’, và giữa những người theo chủ nghĩa tiến bộ quốc tế và những người theo chủ nghĩa yêu nước cực đoan. Bằng chứng cho thấy là trong thập nhiên những năm 1890, ‘sự mến chuộng luật của Pháp trở nên yếu đi tại Nhật Bản cũng như tại Châu Âu vốn đang trong tình thế mà khoa học pháp lý của Đức (và sức mạnh kinh tế, quân sự Đức) đang ngày càng lớn mạnh’…

… Nhìn toàn cảnh, việc cải cách bộ luật hình sự thể hiện một sự chuyển hướng căn bản từ nền tảng đạo đức Tân Khổng giáo thời kỳ tiền-Minh Trị sang nền tảng đạo đức phương Tây dựa trên quyền cá nhân.

Các thay đổi luật pháp làm ảnh hưởng đến quyền tài sản, dẫn đến các tác động lên các định nghĩa cơ bản về gia đình, hôn nhân và tư cách công dân trong thể chế và quốc gia. Một dấu hiệu cho thấy mức độ của thay đổi chính là thực tế rằng ngay cả ngôn ngữ của luật lệ ‘cũng đã hoàn toàn được viết lại’. Các thuật ngữ thời tiền-Minh Trị đơn giản là không có khả năng thể hiện những khái niệm mới được du nhập. Vì thế, khó mà cảm thấy ngạc nhiên rằng một rakugoka (nghệ nhân rakugo) có vốn hành nghề là ngôn ngữ Nhật cũng tham gia vào cuộc tranh luận về những thay đổi đó…

…Vào đầu những năm 1880, sự phát triển của kỹ thuật điện tín, kỹ thuật tốc ký, và thay đổi luật pháp cho phép phóng viên vào các tòa án đã tạo điều kiện cho sự tiếp cận thông tin nhanh chóng về các phiên tòa, cho phép công chúng và độc giả có thể theo dõi thường xuyên các sự kiện này. Các bi kịch tòa án trở thành một nguồn chất liệu phổ biến cho những người kể chuyện, nhà văn, và các tác giả chuyên viết tường thuật nhiều kỳ về các phiên tòa trên các báo dạng khổ nhỏ (tabloid). Việc này cũng tạo điều kiện cho các tác giả và người đọc tranh luận về kết quả của các phiên xử án ngay cả trước khi có quyết định cuối cùng về hình phạt.

Henry Black chính thức gia nhập phường hội những người biểu diễn kể chuyện San’yu từ tháng 9 năm 1890 khi ông 31 tuổi. Tháng 3 năm 1891, Black được ban nghệ danh biểu diễn chuyên nghiệp Kairakutei Burakku sau khi ông đạt được chuẩn shin’uchi (người biểu diễn chính) trong phường hội. Sự thăng tiến này thể hiện những mối quan hệ ngày càng lớn mạnh giữa nhóm những người ủng hộ cải cách dân chủ tại Nhật và những người muốn sử dụng ngôn ngữ bản xứ của Nhật  Bản làm công cụ tiếp cận quảng đại quần chúng…

…Rakugo như một màn giải trí đại chúng

…Cho dù phần nhiều các nghiên cứu về rakugo xếp môn nghệ thuật này vào dạng nghệ thuật của người bình dân, sự phổ biến của các sân khấu rakugo (yose), việc đi xem rakugo thường xuyên của các bậc trí thức như (Yukichi) Fukuzawa, và việc một số nhà văn như Natsume Soseki công nhận ảnh hưởng của rakugo lên các tác phẩm của họ, là những minh chứng cho sự phổ biến rộng khắp của rakugo vào thời kỳ đó.

Rakugo không cần tốn kém nhiều để biểu diễn và không có một hệ thống chỉ dẫn và quy luật thành văn chung cho những người biểu diễn. Những yếu tố này tạo điều kiện cho một sự uyển chuyển đủ mạnh để môn nghệ thuật này chống lại sự kiểm duyệt và lách qua những cứng nhắc từ văn hóa truyền thống. Nhờ đó, rakugo trở thành công cụ cho việc chỉ dẫn, khai sáng, và cho giải trí đại chúng. Những tính chất hấp dẫn đám đông và uyển chuyển này biến rakugo thành một hình thức giao tiếp đa văn hóa tối ưu giành cho Henry Black trong một thời đại mà sự cải cách bao gồm cả việc du nhập các chủ đề và phương thức từ phương Tây ngay cả trong các ngành giải trí….

Luật pháp qua những chuyện kể của Black

Áp dụng cùng cách dịch thuật thích nghi với văn hóa Nhật của các dịch giả như Kuroiwa Ruiko, Henry Black dùng tên tiếng Nhật cho các nhân vật trong chuyện và thỉnh thoảng dùng tên địa danh Nhật cho các nơi chốn trong các chuyện của ông, trong khi bối cảnh của sự kiện chính là ở London hay Paris. Nguồn chất liệu nghệ thuật của Black đã luôn luôn được lấy từ các tác phẩm hư cấu trinh thám Châu Âu và như thế tạo điều kiện cho Black trình diễn các thực tế pháp lý kiểu Anh hay kiểu Pháp với khán giả Nhật.

Một ví dụ điển hình là vở Shachu no dokubari (Cây kim độc trên xe ngựamà Black biểu diễn lần đầu năm 1891. Chuyện kể vì một doanh nhân về hưu, một người mặc dù có vai vế xã hội cao lại bị bắt bỏ tù vì tham gia giết người cháu gái của ông là Okatsu và âm mưu giết em gái cô ta Onobu.

Phản ánh bộ luật mới được soạn thảo với sự giúp đỡ của Boissanade vào cùng thời điểm màn diễn ra mắt khán giả, Black cho khán giả thấy cách mà người dân Pháp bình đẳng trước pháp luật và được quan tòa xét xử và ra hình phạt bằng cùng một bộ luật thống nhất. Câu chuyện có vẻ là một sự phóng tác từ tác phẩm “Tội ác trên xe khách” (Le Crime de l’Omnibus) xuất bản năm 1881 của nhà văn trinh thám người Pháp Fortuné du Boisgobey.

Black trình diễn cùng chủ đề trong màn cuối của vở Eikoku Rondon gekijo miyage (Chuyện từ một nhà hát ở London) về John Brown, một người thuộc dòng dõi quý tộc phải chạy tới Paris để trốn tội giết diễn viên Sumerurii nhưng cuối cùng bị thám tử Shiberia Deboato bắt được. Vị thám tử khuyên nhủ Brown đầu thú một cách yên lặng, ông đảm bảo với Brown rằng hắn ta sẽ được đại diện pháp lý tại tòa án, nhưng Brown giằng lấy một khẩu súng và tự vẫn. Vở này là một sự phóng tác truyện ngắn Lần Cuối Cô Ấy Xuất Hiện [Her Last Appearance] của nhà văn Mary Brandom viết năm 1877.

Vấn đề xử lý một cách chính đáng tài sản tư nhân do thừa kế của một nhân vật nữ chính là Onobu chính là nội dung chính của vở Shachu no Dokubari nói trên. Vở diễn phản ánh tầm quan trọng của vấn đề quyền phụ nữ trong cuộc tranh luận cải cách pháp lý. Trong một chi tiết đầu vở Shachu no Dokubari, Black kể với khán giả rằng có rất nhiều người phụ nữ tại Châu Âu “vừa trẻ lại vừa giàu” và:

Tại Nhật Bản, chả ai thích gì việc không có người nối dõi. Người ta nhận con nuôi nếu không có con, và nếu họ có con gái thì họ nhận con rể (muko). Tại Anh, Pháp, Đức và Mỹ, người ta không lo lắng gì về việc có ai nối dõi nhà mình hay không. Không có luật nào tại các nước này về việc nhận con nuôi nối dõi, và bạn không thể nhận một cô gái làm con rể.

Rồi Black giải thích tiếp rằng các cô con gái tại Châu Âu được gả cưới với của hồi môn và nếu người cha qua đời, cô con gái được hưởng quyền thừa kế gia sản của người cha và có thể đem gia sản này với cô ta khi cô ta kết hôn.

Chính cái khái niệm mới lạ này về thừa kế, về khả năng truyền tài sản từ cha sang con gái thay vì giới hạn quyền này cho con trai cả hay con trai nuôi, đã được quy định trong bộ luật dân sự mới của thời Minh Trị. Luật mới ít ra về mặt lý thuyết đã khẳng định được rằng việc truyền tài sản trong định chế ie, mà Haley định nghĩa là “đơn vị gia đình lớn hay gia tộc”, cho con trai cả là không cần thiết trong trật tự tự nhiên của cuộc sống.

Trước thời Minh Trị, các thành viên gia đình chỉ được nhận thừa kế khi có sự cho phép của người đứng đầu gia đình. Bộ luật dân sự mới lần đầu tiên tạo điều kiện cho các thành viên gia đình thực hiện quyền tài sản của chính cá nhân họ. Tới đầu những năm 1890, quyền xử lý tài sản một cách độc lập khỏi định chế ie đã trở thành hiện thân của sự hiện đại.

Thông điệp mà các khán giả của Black nhận được từ vở Shachu no dokubari chính là một thông điệp về sự thay đổi mối quan hệ quyền lực giữa người nam và người nữ. Chính phủ Minh Trị đã tạo ra luật lệ hiện đại và những người hưởng lợi trong trường hợp này là những người phụ nữ. Ví dụ trường hợp Onobu được xem là một sự mường tượng trước những gì sẽ đến.

Trong vở Minashigo, Black bắt chước cách mà nhà văn Charles Dickens đề cập đến vấn đề hình sự trong tác phẩm Oliver Twist khi nhân vật Nancy tới dự phiên tòa để xem chuyện gì đã xảy ra cho nhân vật chính Oliver. Trong phiên bản của Black, chuyến bí mật tới tòa của phiên bản Nhật của Nancy là Omine tạo điều kiện cho Black trình bày cho khán giả thực tế rằng tại Anh, công chúng được phép tới dự các phiên tòa hình sự

… Trong việc duy trì thiên hướng của văn chương hư cấu giật gân trong việc cung cấp các hình mẫu cho cuộc sống hiện đại, các câu chuyện của Black thường có nhiều mẩu chuyện về lợi ích của khoa học và kỹ thuật hiện đại trong việc điều tra tội phạm. Cũng trong vở Shachu no dokubari, Black nhân dịp trình bày cho khán giả thấy mối quan hệ giữa khoa học nghiên cứu hiện trường hiện đại và luật hình sự. Ông cũng giải thích việc các nhà khoa học pháp y thường sử dụng những tử thi vô danh không người nhận cho việc nghiên cứu.

Trong vở Iwade Ginko chishio no tegata (Vân tay máu tại ngân hàng Iwade), Black kể chuyện về cách mà cảnh sát có thể nhanh chóng tìm ra nhân vật tội phạm Matashichi đang chạy trốn từ London tới bến cảng Liverpool cách nhau hàng trăm dặm nhờ sử dụng điện tín và điện thoại để truyền thông tin về hắn ta đến khắp đất nước…”

Xem thêm:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.