Caroline Norton – Đả nữ giành quyền ly dị cho nữ giới Anh

Caroline Norton – Đả nữ giành quyền ly dị cho nữ giới Anh

Café Luật Khoa

Người ta ngày nay thường tấm tắc khen ngợi hình ảnh những quý ông người Anh lịch thiệp, ga-lăng đến say lòng nữ giới. Ít ai biết thứ văn hóa lịch thiệp, ga-lăng, trọng nữ quyền đó là thành quả của bao nhiêu thế hệ những người mẹ, người vợ Anh cương quyết đấu tranh không cam phận. Đàn ông Anh dĩ nhiên phải biết trọng nữ quyền, những người phụ nữ Anh như Caroline Norton dạy họ điều đó.

Caroline Norton, nhũ danh Caroline Elizabeth Sarah Sheridan (1808-1877) là một nhà văn và nhà hoạt động xã hội đấu tranh vì nữ quyền người Anh, ngọn cờ đầu của phong trào đòi quyền bình đẳng, bao gồm cả quyền ly dị chồng, cho nữ giới tại Anh thời Nữ hoàng Victoria giữa thế kỷ 19.

Caroline Norton (Tranh của Frank Stone - Nguồn ảnh: Wikimedia)

Caroline Norton thời trẻ (Tranh của Frank Stone – Nguồn ảnh: Wikimedia)

Thời niên thiếu, Caroline là một cô gái trung lưu không ham mê chính trị gì mà chỉ có một niềm đam mê cháy bỏng với văn chương, được thừa hưởng từ người mẹ là một nhà văn. Cái chết bất ngờ của người cha khi đi công cán tại Châu Phi làm cho gia đình Caroline tán gia bại sản.  Năm 1827, để đỡ đần cho gia đình, Caroline kết hôn với George Norton, một luật sư con nhà quý tộc, có tham vọng chính trị.

Mặc cho cuộc hôn nhân không hạnh phúc vì thói ghen tuông và vũ phu của George Norton, Caroline cam chịu chăm chỉ làm tròn nghĩa vụ người vợ chính khách của mình. Bằng sắc đẹp và trí thông minh sẵn có, bà trở thành một quý bà cuốn hút và giao thiệp rộng trong giới thượng lưu Anh, sử dụng hiệu quả các mối quan hệ quen biết để xây dựng sự nghiệp cho chồng. Phía sau ánh hào quang, Caroline dồn hết đau khổ cá nhân vào sáng tác thơ văn. Các tác phẩm được xuất bản mang lại cho cho bà một nguồn thu nhập riêng ổn định.

Sau 9 năm hôn nhân chịu đựng, Caroline quyết định vùng dậy phản kháng lại người chồng độc đoán. Luật pháp Anh lúc đó không cho phép người phụ nữ ly dị chồng một cách dễ dàng. Caroline vướng vào một cuộc đấu tranh dai dẳng gần tới mức một mất một còn với người chồng, hết giành con lại đến giành thu nhập, tài sản.

Người chồng George Norton không chỉ lợi dụng pháp luật để đe nẹt bóc lột Caroline mà còn vu cho bà tội ngoại tình với Thượng nghị viên Melbourne, một chính khách tài ba, và lúc đó đang là Thủ tướng Anh. Vụ việc trở thành một trong những vụ scandal tình ái lớn nhất thời Victoria, và biến Caroline thành đề tài đàm tiếu trong mọi ngóc ngách xã hội Anh trong một thời gian dài.

Những khốn khổ nhục nhã khi phải làm nạn nhân của hệ thống pháp luật gia đình bất công của Anh quốc làm cho Caroline thấu hiểu thảm cảnh của nữ giới tại Anh, và hun đúc cho bà một lý tưởng tranh đấu mãnh liệt sẽ góp phần thổi bùng phong trào nữ quyền tại Anh giữa thế kỷ 19. Bà chuyển sang giành toàn bộ thời gian viết lách, bút chiến tuyên truyền và vận động cho việc cải cách luật hôn nhân gia đình tại Anh.

Năm 1855, Caroline viết một lá thư dài gửi cho Nữ hoàng Victoria, trình bày nỗi thống khổ của phụ nữ Anh và khẩn xin sự suy xét của hoàng gia.

Những nỗ lực của bà Caroline Norton cuối cùng góp phần dẫn đến sự ban hành của một loạt các đạo luật về hôn nhân gia đình giúp nâng cao và bảo vệ quyền lợi nữ giới, tạo điều kiện cho họ ly hôn dễ dàng hơn và có quyền nắm giữ tài sản của riêng mình mà không phải phụ thuộc vào chồng.

Trích đoạn “Một Lá Thư Gửi Nữ Hoàng Nhân Dịp Đại Pháp Quan Cranworth Trình Dự Luật Hôn Nhân và Ly Dị”

“A Letter to the Queen on Lord Chancellor Cranworth’s Marriage and Divorce Bill” Caroline Sheridan Norton   

“…Thưa Nữ Hoàng, tôi sẽ không làm một điều không công bằng với Bệ hạ đó là giả định rằng việc luật pháp đối xử phân biệt giữa một nữ quốc vương và một nữ thần dân sẽ làm cho bản thân Bệ hạ trở nên dửng dưng với nỗi khốn khổ của những thần dân; hay với những cải cách có thể được đề xuất đối với những luật lệ đang tác động trực tiếp lên họ.

Vì thế tôi xin đệ trình ở đây một sự vạch trần ngắn gọn và không khách khí các luật lệ liên quan đến phụ nữ, – thứ luật lệ đang được giảng dạy và thực hành tại các học viện luật sư, nơi Nữ Hoàng được thần phục và là nơi Thân vương Albert [chồng Nữ Hoàng Victoria] đã được bầu chọn làm Viện sỹ danh dự.

Một người đàn bà có chồng tại Anh không có sự tồn tại pháp lý: sự tồn tại của cô ta hoàn toàn bị hút vào sự tồn tại của người chồng.

Nhiều năm ly thân hay ruồng bỏ không làm thay đổi điều đó. Trừ phi được ly dị thông qua một sắc lệnh đặc biệt do Thượng viện (House of Lords) đưa ra, còn không giả định pháp lý [của hôn nhân] ràng buộc người đàn bà thành “một” với chồng cô ta, ngay cả khi cô ta không còn gặp hay nghe gì từ anh ta nữa.

Người đàn bà không có tài sản, trừ phi có thỏa thuận giàn xếp đặc biệt; tài sản của cô ta là tài sản của người chồng. Thượng nghị viên Ellenborough từng nhắc đến vụ việc của một người thủy thủ viết di chúc để lại “tất cả những gì ông ta có” cho một người phụ nữ ông ta đang sống cùng. Người thủy thủ này sau đó lại kết hôn tại vùng quần đảo Đông Ấn với một người phụ nữ khác, một phụ nữ giàu có.

Khi người thủy thủ chết, người ta quyết định rằng – bất kể sự phức tạp của vụ việc – bản di chúc kia bốc toàn bộ tài sản từ tay người góa phụ sang tay người tình của tay thủy thủ, cho tới đồng si-ling cuối cùng. Bây giờ thì luật quy định rằng di chúc sẽ mất hiệu lực khi hình thành hôn nhân: nhưng quyền sở hữu của người chồng với tất cả những gì của người vợ nay vẫn tồn tại với hiệu lực toàn phần.

Người vợ Anh không có quyền pháp lý với quần áo hay là nữ trang của cô ta; chồng cô ta có thể lấy những thứ đó và bán đi tùy ý anh ta, ngay cả khi chúng là tặng phẩm từ người thân hay bạn bè, hay mua từ trước khi kết hôn.

Người vợ Anh không được quyền làm di chúc. Cô ta có thể có con cái hay người thân mà cô ta tha thiết muốn trợ cấp; – cô ta có thể đã ly thân với người chồng, kẻ vốn đang sống cùng tình nhân; cũng chẳng có nghĩa lý gì: luật pháp ban những gì cô ta có cho hắn ta, và không bản di chúc nào của cô ta có thể có hiệu lực.

Người vợ Anh không có quyền định đoạt sở hữu đối với những thu nhập cá nhân của cô ta. Cho dù là lương bổng từ lao động chân tay, hay thù lao từ hoạt động trí thức, cho dù cô ta trồng khoai tây, hay quản lý một trường học, lương của cô ta là của chồng cô ta; và anh ta có quyền đòi trả một khoản thứ hai và xem khoản đã trả thứ nhất là vô hiệu, nếu tiền được trả thẳng cho người vợ mà không có sự cho phép của anh ta.

Người vợ Anh không được quyền rời ngôi nhà của người chồng. Anh ta không chỉ có quyền kiện cô ta đòi “khôi phục quyền vợ chồng”, anh ta còn có quyền vào nhà của bất kỳ người bạn hay người thân nào mà cô ta có thể đang xin lánh nhờ, và có thể đang “chứa chấp” cô ta – như cách người ta gọi vậy, – và mang cô ta đi bằng vũ lực, có hay không có sự trợ giúp của cảnh sát.

Nếu người vợ muốn kiện đòi quyền ly thân vì lý do hành vi ác nghiệt của người chồng, sự ác nghiệt phải tới mức “đe dọa tính mạng hay đe dọa mất chân tay,” và nếu cô ta đã tha thứ, hay theo thuật ngữ pháp lý, “dung thứ” [“condone”] các hành vi xâm phạm của hắn ta, thì cô ta không còn quyền kiện tụng nữa; bất kể là những thứ tha trong quá khứ của cô ta chỉ càng làm chứng là cô ta đã cam chịu nhất có thể rồi.

Nếu người chồng tiến hành làm thủ tục ly dị, người vợ không được phép, ở bước sơ thẩm, biện hộ cho chính mình. Cô ta không hề có phương tiện nào để chứng minh sự giả dối trong những cáo buộc của người chồng. 

Cô ta không được quyền có luật sư, và không được xem là một bên có liên quan trong đơn kiện đòi “bồi thường” của người chồng chống lại người bị xem là tình nhân của cô ta. Thượng nghị viên Brougham đã khẳng định tại Thượng viện:

“trong một vụ kiện như thế, nhân cách người phụ nữ là vấn đề trước nhất, cho dù cô ta không hề là bên bị khởi tố. Hậu quả có vẻ thường là nhân cách của người phụ nữ bị tước bỏ bằng những lời tuyên thệ; đã có những trường hợp mà, nhờ vào một sự cấu kết giữa người chồng và một kẻ giả-làm-người-tình, nhân cách người phụ nữ đã bị hủy diệt. Tất cả việc này có thể xảy ra, mà người vợ không có cách bào chữa nào; cô ta bị cấm không được vào điện Westminster [trụ sở chính quyền, nơi Thượng viện họp], và sau lưng cô ta, bằng chính những nguyên lý pháp luật của chúng ta, nhân cách của cô ta bị đem ra xử giữa người chồng của cô ta và một người đàn ông khác vốn được gọi là người tình của cô ta.”

Nếu một người vợ Anh bị phát hiện phạm tội ngoại tình, chồng cô ta có thể ly dị cô ta để tái hôn; nhưng cô ta không thể ly dị chồng a vinculo [giải trừ hôn nhân – tiếng La Tinh] mặc cho việc hắn ta có thể trăng hoa tới mức nào.

Không có tòa án nào có thể làm thủ tục ly dị tại Anh cả. Một sắc lệnh đặc biệt của Nghị viện hủy bỏ hôn nhân phải được thông qua trong mỗi trường hợp. Thượng viện ban hành những sắc lệnh như thế gần như là dĩ nhiên cho người chồng, nhưng không phải cho người vợ. Chỉ có bốn trường hợp (hai trong số đó là các vụ loạn luân) là người vợ được ly dị để có thể tái hôn.

Người vợ cũng không thế khởi kiện hành vi phỉ báng. Chống cô ta phải khởi kiện mới được; và trong các vụ việc có sự thù hằn và ly thân, dĩ nhiên cô ta vô phương.

Người vợ không thể ký hợp đồng thuê bất động sản, hay giao dịch kinh doanh có nghĩa vụ. Người vợ không có quyền đòi trợ cấp, như là một quyền cá nhân, từ người chồng.

Niềm tin chung và quy ước trên hình thức là chồng cô ta có nghĩa vụ chăm lo cho cô ta. Nhưng đó không phải là luật. Người chồng không bị rằng buộc với người vợ, anh ta bị ràng buộc với đất nước; ràng buộc là anh ta phải đảm bảo là vợ mình không làm phiền giáo xứ nơi cô ta cư ngụ.

Nếu có thể chứng minh là có các phương tiện trợ giúp khác mà cô ta có thể sử dụng, từ người thân hay bạn bè, người chồng thoát nghĩa vụ, và không cần phải góp một xu nào: ngay cả khi anh ta chính là bên ruồng bỏ vợ mình, hay là vẫn đang nhận tiền thừa kế vốn giành cho vợ mình.

Người vợ không thể ràng buộc người chồng vào bất kỳ thỏa thuận nào, trừ phi thông qua một bên thứ ba. Ngay cả khi một bản hợp đồng cho dù được một luật sư soạn thảo nghiêm chỉnh, – được ký kết bởi người chồng và có nhân chứng – nó vẫn sẽ vô hiệu dựa trên luật; và người chồng có thể tránh không phải trả một khoản tiền đã được hợp đồng đó bảo đảm, nhờ vào cái trò ngụy biện pháp lý rằng “một người đàn ông không thể ký hợp đồng với chính vợ của anh ta.

Một sự ly thân do có thuận tình từ người chồng, hay là do có bạc đãi từ anh ta, không làm thay đổi mối quan hệ giữa hai người. Người chồng giữ quyền ly dị vợ sau khi ly thân, – như trước đó – cho dù anh ta chính là kẻ không chung thủy.

Trái lại, việc người vợ có một nhân cách không tì vết, và hoàn toàn trong sạch, không cho cô ta một tí lợi thế nào trong luật. Cô ta có thể đã từ bỏ mái nhà của người chồng trong khi biết rằng anh ta đang chung sống với một “người giữ nhà chung thủy” của anh ta; trong khi đã chịu đựng bạo lực dưới tay anh ta; trong khi đã “dung thứ” nhiều lần, và trong khi có thể chứng minh điều đó bằng một lời khai không thể bị bắt bẻ; hay là người chồng có thể đã đóng sập cửa nhà trước mặt cô ta; tất cả những điều này đều khá là vụn vặt: luật pháp không hề nhìn nhận yếu tố nào đáng xem là lý do chính đáng [cho ly dị] cả.

Trong vai người chồng, anh ta có quyền với mọi thứ của cô ta; trong vai người vợ, cô ta không có quyền gì với bất cứ gì của anh ta. Là chồng, anh ta có thể ly dị vợ (nhờ trung thực hay tuyện thệ giả dối), là vợ, điều tốt nhất cô ta có thể giành được, là được cho phép sống một mình, – trong khi vẫn trong tình trạng kết hôn, và phải mang họ anh ta.

Nghi lễ kết hôn là một mối ràng buộc dân sự cho anh ta – nhưng là lời thề nguyền vĩnh hằng ràng buộc cô ta; và quyền lợi với tài sản chung, vốn hay được nhìn nhận một cách ngu dốt là do cái nghi lễ đó đem lại, được biến thành tất cả của anh ta, và thành chẳng có gì của cô ta…

Bạo hành gia đình thời Victoria (Nguồn ảnh: origins.osu.edu)

Bạo hành gia đình thời Victoria (Nguồn ảnh: origins.osu.edu)

…Nghe có vẻ phản lại lòng trung thành của những nữ thần dân của bệ hạ như chính tôi đây, nhưng chính họ sẽ cầu mong mình làm thần dân bất kỳ một nước nào khác; nơi mà ít ra nếu họ phải chịu khốn khổ, họ cũng phải công kích luật pháp, chứ không như ở Anh quốc nơi họ phải khốn khổ mà không thể công kích.

Những tên Haynau* của Anh quốc chính là những kẻ sẽ không giúp thay đổi những luật lệ kia!

Nếu tôi là một người đàn ông, tôi đã tìm ra cách chỉnh sửa và cải cách luật lệ: nhưng tôi chỉ là một người đàn bà – và, trên xứ sở mà Nữ hoàng của tôi trị vì, đàn bà không được xem là gì trong các vấn đề quan trọng.

Tôi chỉ là một người đàn bà – và dựa trên thứ luật pháp đang được dạy tại các học viện pháp luật nơi Đức Hoàng thân đang làm Viện sỹ, sự tồn tại của tôi “bị hút vào sự tồn tại của chồng tôi;” và trí thông minh của tôi chỉ hữu dụng đủ tới mức cho phép chồng tôi đâm đơn đòi các nhà xuất bản [các tác phẩm của tôi] ra tòa, để chứng minh với tòa rằng tôi có thể tự làm tự ăn mà không cần sự chu cấp bắt buộc từ ông ta.

Ngay cả bây giờ, bạn bè tôi vẫn nói với tôi:- “Viết làm gì? Đấu tranh làm gì? Luật là thế rồi! Bà chẳng thể làm gì “tốt” đâu.” Nhưng nếu ai cũng thiếu can đảm và hồ nghi như thế thì chẳng có gì có thể đạt được trên thế gian này.

Nhưng việc này thì tôi sẽ vẫn làm – cho dù tôi có là đàn bà đi nữa. Tôi sẽ ghi vào sử sách – bằng tiếng Pháp, bằng tiếng Đức, bằng tiếng Anh và bằng tiếng Ý – rằng luật pháp dành cho phụ nữ đã như thế nào vào cái năm 1855 của văn minh và Thiên chúa giáo, vào cái năm thứ 16 trong triều đại của một nữ quốc vương!

Chính việc này tôi sẽ làm, và những người khác tới sau tôi có thể làm nhiều hơn nữa.

Con trai tôi, hay cháu trai tôi, có thể sẽ làm Đại pháp quan Anh quốc [Lord Chancellor of England], và có thể làm với sự bất công này điều mà Romilly** và Erskine** (người thứ hai cùng dân tộc với mẹ tôi) đã làm với những bất công trong thời đại của họ; điều mà Brougham*** và Lyndhurst*** đã làm với những bất công trong thời đại chúng ta.

Sự dã man phong kiến của luật lệ giữa “Bá tước và Phu nhân” có thể sẽ tan biến khỏi cuộc đời chúng ta như cách mà một thứ dã man phong kiến khác là tục thách đấu tay đôi [duelling] đã tan biến; tục đó bây giờ đã là một thứ bất công bị ngăn chặn và là một thứ phong lưu bị quên lãng.

Tôi nói đó, con trai tôi, hay cháu trai tôi, sẽ cải cách thành công; và ký ức của tôi sẽ theo cùng với chúng khi chúng làm việc, bất kể tôi bây giờ vô vọng thế nào!

Nhờ sự tích cực tranh đấu, quyền ly dị của nữ giới trở thành một chủ đề chính trị nóng bỏng thởi Victoria (Nguồn ảnh: indiana.edu)

Nhờ sự tích cực tranh đấu, quyền ly dị của nữ giới trở thành một chủ đề chính trị nóng bỏng thởi Victoria (Nguồn ảnh: indiana.edu)

… Như đã nói, tôi học được luật Anh quốc một cách nhỏ giọt, bằng việc chịu khốn khổ dưới những luật lệ đó. Chồng tôi là một luật sư; và ông ta đã dạy luật cho tôi, bằng cách thực hành trên cuộc đời đầy giày vò bất an của tôi mọi trò tinh quái, mọi thứ ngụy biện của sự độc tài trong luật lệ; sự độc tài đó đã được công nhận; – công nhận, tôi nói lần nữa, không phải chỉ bởi những người phụ nữ đang khóc than, căm giận, tuyệt vọng, mà còn bởi chính các vị pháp quan, cựu pháp quan, các nhà cải cách luật pháp, và các thành viên cả hai viện của Nghị viện.

Thế mà chả có gì thay đổi cả! Thật thế, hôm 10 tháng 5 trong phiên họp năm nay khi ngài Phó Chưởng Lý thông báo trước Thượng viện là dự thảo Luật Hôn Nhân vốn đang bị đình trệ sẽ chỉ được đưa ra thảo luận “sau khi Thượng viện đã bày tỏ ý kiến về dự thảo Luật Tài Phán Di Chúc”, đã có tiếng cười xòa cất lên đáp lại cái triển vọng rất mờ mịt vừa được công bố đó. – nhưng không ai tỏ ra bất bình cả; vì chả ai quan tâm lắm rằng nó phải được đưa ra thảo luận khi nào; hay rằng là nó có bao giờ được thảo luận hay không.

Tuy nhiên, chừng nào mà bản chất con người còn vẫn như hiện nay, một số cuộc hôn nhân phải là hôn nhân bất hạnh thay vì theo cái lý thuyết về sự hòa hợp ấm cúng và thiêng liêng mà hôn nhân đáng ra phải đem lại: và theo đó, câu hỏi chính là mối quan hệ giữa những người đang sống trong một trạng thái chia cắt thay vì hòa hợp sẽ phải ra sao, khi mà tất cả mọi luật lệ đang tồn tại đều có cơ sở dựa trên trạng thái thứ hai này, chính rằng hai người đang trong trạng thái hòa hợp – và trên giả thiết đó, hôn nhân trở bất khả xóa bỏ, cho dù là Nghị viện đã quyết định rằng hôn nhân là một hợp đồng dân sự?

Ly dị hay không ly dị, việc luật pháp phải can thiệp là tối cần thiết, nhằm để sắp xếp lại sự xáo trộn gây ra bởi tình trạng không tự nhiên đó. Rõ ràng là rất lố bịch khi chính cái thứ luật pháp đã bổ nhiệm người chồng làm giám hộ pháp lý cho người vợ, lại không nên (khi người chồng đã không còn làm giám hộ, hay đã trở thành một kẻ thù đầy uy quyền) tự nó gánh lấy cái việc bảo vệ người vợ. Cô ta đứng trước luật pháp, sử dụng một minh họa mà tôi hay dùng, như là một kẻ yếm thế bị ngược đãi, và cô ta là kẻ yếm thế duy nhất tại Anh quốc không thể yêu cầu luật pháp bảo vệ mình

… Tôi nói, khi ông Norton làm cho tôi bị công khai phải nhận trát lên hầu tòa, để ông ta có thể bằng một trò ngụy biện bào chữa bản thân thoát khỏi một món nợ công bằng, và đòi tỏa gửi trát bắt các nhà xuất bản của tôi ra tòa gặp tôi, ông ta đã dạy cho tôi rằng cái tài viết lách của tôi rất đáng giá.

Vì ông ta không thể để cho cái tài đó được yên lành tự do trong định mệnh của tôi, cứ để ông ta có cái thắng lợi ngay lập tức trong việc làm cho cái tài đó trở nên cay độc và được khơi dòng hơn nữa.

Ông ta đã làm cho tôi phải ước mơ rằng cái tài đó của tôi có một mục đích cao cả và mạnh liệt hơn hết.- cái tài năng đó, thứ không đến từ một gã đàn ông, mà là từ Chúa trời.

Nó được ban cho tôi để tôi thức tỉnh trái tim những người khác, làm họ phải xem xét cái sự bất công gớm ghiếc của những luật lệ kia, – làm họ phải yêu cầu cái “đất nước của những quý ông hào hiệp” này, cái đất nước mà tôi là thần dân, phải một lần lắng nghe thỉnh cầu của một người đàn bà về chủ đề này.

Việc này không phải vì tôi xứng đáng làm điều đó hơn những người đàn bà khác. Trái lại, tôi biết chắc rằng có hàng trăm những người đàn bà khác, vô vàn tốt đẹp hơn tôi, – sùng đạo hơn, kiên nhẫn hơn, và đỡ liều lĩnh khi chịu đớn đau hơn tôi, – đã phải nhúng bột làm bánh bằng nước mắt!

Lời cầu xin sự chú ý của tôi chính là, bằng việc thỉnh cầu cho bản thân mình tôi có thể thỉnh cầu cho tất cả bọn họ. Không phải vì những khổ đau hay sự bị ruồng bỏ của tôi to lớn hơn của họ; mà bởi vì tôi kết hợp được cái thực tế rằng tôi đã phải chịu oan khuất với cái quyền năng của việc bình luận và giải thích được nguyên do của nỗi oan khuất đó; điều mà ít người đàn bà làm được.

norton

Cho lẽ đó, tôi tin rằng Chúa trời đã cho tôi quyền năng của sự viết lách. Cho lẽ đó tôi hiến dâng quyền năng này. Tôi từ bỏ mọi loại văn chương khác, cho đến khi tôi thấy luật lệ đã được thay đổi.

Tôi không màng sự giễu cợt hay sỉ nhục là kết quả của lời tuyên bố đó. Những ai không thể chịu giễu cợt hay sỉ nhục không đủ sức và không thể theo đuổi bất kỳ lý tưởng gì; và lần nữa tôi phủ nhận rằng đây là lý tưởng của riêng tôi; nó là lý tưởng của mọi phụ nữ Anh quốc.

Cho dù tôi có thể được chứng mình là đúng và vui vẻ ngày mai, tôi vẫn sẽ đấu tranh và gắng gồng trong lý tưởng đó; và nếu tôi phải chết ngày mai, tôi vẫn sẽ hài lòng rằng mình đã đấu tranh như thế.

Trong khi đó, vì chồng tôi có quyền pháp lý (như ông ta đã công khai chứng minh) với bản quyền của các tác phẩm của tôi. Cứ để ông ta đòi bản quyền LÁ THƯ NÀY và hãy để cho ngài Đại pháp quan, người có chức phận đã được vạch ra trong cuốn sách Hiện Trạng Nước Anh của Chamberlayne là, – “Phán xét, không phải tùy theo Thông Luật, như các tòa dân sự khác phải làm, mà là để tiết chế sự khắc nghiệt của luật lệ tùy theo Lẽ Công Bình (Equity), Lương Tâm (Conscience), và Lý Trí (Reason): và lời thề chức phận là luôn làm điều phải cho mọi Công dân, dù nghèo hay giàu, theo Luật Lệ và Phong Tục xứ sở, và thành thực tư vấn cho Quốc vương,” – hãy để cho ngài Đại pháp quan, tôi nói, – hãy để cho vị “Tối Cao Đại Thần” [“Summus Cancellarius”] của Đại Anh Quốc, vì ông Norton – và theo luật lệ và phong tục của xứ sở Anh quốc này – mà tiêu hủy của tôi cái quyền được hưởng lợi từ công lao khối óc và ngòi bút của mình; và lưu hồ sơ lại, cùng với bao nhiêu những hồ sơ khác đã bị lãng quên tại Tòa đại pháp, dưới cái nhãn nghe như là một phiên bản giễu nhại lời văn khinh khỉnh của Swift:

“Chỉ là cuốn sách nhỏ của một người đàn bà****

Nhưng cũng hãy để cho những hồi tưởng về những gì tôi đã viết, được mãi ở lại trong những ai đã đọc; và trên tất cả, để những hồi tưởng đó ở lại trong bản thân Bệ hạ, người mà tôi đang viết cho đọc; người đàn bà duy nhất tại Anh quốc không bao giờ có thể phải chịu oan khuất gì; và người sẽ đưa ra lệnh hoàng gia chuẩn y cần phải có để bất kỳ dự luật Cải Cách Hôn Nhân nào có thể được thông qua sau khi đã được đồng thuận ban hành bởi ngài Đại pháp quan, các thành viên Thượng viện và Hạ viện trong Nghị viện của đất nước tự do này; nơi có một Nữ hoàng ngồi trên ngai và nơi tất cả những người đàn bà có chồng khác đều “KHÔNG TỒN TẠI” về mặt pháp lý…”

*Haynau chỉ Julius Jacob von Haynau, một viên tướng người Áo nổi tiếng sắt máu trong việc đàn áp các phong trào nổi dậy.

**Cả hai là những luật sư-chính khách, Samuel Romilly chống nạn chiếm hữu nô lệ trong khi Thomas Erskine, người gốc Scotland, tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận.

***Hai cựu Đại pháp quan Anh quốc Henry Brougham và John Copley hiệu Bá tước xứ Lyndhurst. Ban đầu là kỳ phùng địch thủ, sau đó cùng hợp sức đấu tranh chống nạn buôn bán nô lệ.

****Tương truyền, nhà văn Jonathan Swift (tác giả Gulliver du kí) sinh thời có một người bạn nữ rất thân thiết, được đồn đại là người mà Swift cả đời yêu nhưng không dám thể hiện ra. Người bạn nữ này bệnh chết làm Swift rất đau buồn. Khi Swift qua đời, người ta tìm thấy trong phòng ông một chòm tóc phụ nữ được gói lại cẩn thận, nhãn đề “Chỉ là tóc một người đàn bà.”.

Caroline Norton giai đoạn 1850-1860 khi viết lá thư cho Nữ hoàng Anh (Nguồn ảnh: Hulton-Deutsch Collection/CORBIS)

Caroline Norton giai đoạn 1850-1860 khi viết lá thư cho Nữ hoàng Victoria (Nguồn ảnh: Hulton-Deutsch Collection/CORBIS)

Tìm đọc thêm:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.