Bolivarism và Sự sụp đổ của Venezuela – Kỳ 4: Nền dân chủ “ngụy biện”

Bolivarism và Sự sụp đổ của Venezuela – Kỳ 4: Nền dân chủ “ngụy biện”
(AP Photo/Jorge Santo)

Venezuela trong thời kỳ Chavismo có rất nhiều đặc điểm của một nền dân chủ đúng nghĩa.

Họ có một hệ thống bầu cử đa đảng. Vị tổng thống của họ được người dân Venezuela bầu ra. Hiến pháp của họ trao quyền cực lớn cho người dân. Và đặc biệt, nhà nước Venezuela thực sự khuyến khích cho người dân nước này tham gia vào việc quản lý xã hội. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, chính quyền sẽ trực tiếp tài trợ cho người dân để họ thực hiện các dự án dân sinh của mình.

Ảnh: AP Photo/Jorge Santo.

Kỳ 1: “Mặt trời chân lý” từ tủ sách phiến quân
Kỳ 2: Tiếm quyền hợp pháp và khởi đầu như mơ
Kỳ 3: Căn Bệnh Hòa Lan
Kỳ 5 và hết: Hugo Chavez vẫn là một nhà yêu nước

Những mô hình dự án ở cấp tiểu khu do người dân làm chủ đó thường được gọi là các “Công xã” (Communal Councils). Trước khi giá dầu thô chạm đáy để lộ ra những yếu kém trong nền kinh tế nước này, kéo theo sự rệu rã về chính trị, khó ai có thể nói Venezuela không dân chủ được.

Nhưng, cái sai của Hugo Chavez về mặt chính trị ở Venezuela lại chính nằm ở hai từ “Dân chủ” đó.

Công xã Venezuela

“Công xã Venezuela” là một hệ thống độc đáo, được đưa vào triển khai lần đầu vào năm 2005. Nó cho phép người dân tại chính địa phương được lập ra những hội đồng khu phố theo dạng công xã nằm giải quyết các vấn đề của nơi mình sống. Đó có thể là một dự án trường học, hoặc một dự án y tế. Nhà nước sẽ có trách nhiệm công nhận sự hình thành các “Công xã” này và tài trợ cho các dự án.

Mô hình này rất phù hợp với những định nghĩa của phương Tây về “nền dân chủ tham chính” (Participatory democracy).  Đây là một lý thuyết cho rằng dân chủ đúng nghĩa có nghĩa là mọi thành phần người dân đều phải được tham gia trong mọi tiến trình quản trị quốc gia, chứ không riêng gì việc thành lập ra Nhà nước, chính quyền.

Trong một nghiên cứu độc lập của GS Kirk Hawkins được đăng trên tạp chí Latin American Politics and Society,[1] ông nhận định rằng mô hình Công xã Venezuela thực sự đã đem lại cơ hội tham gia chính quyền cho rất nhiều người dân Venezuela, đặc biệt là những nhóm đối tượng yếu thế như người nghèo, phụ nữ, người kém học thức.[2]

Nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực (thậm chí là trên thế giới), Venezuela xứng đáng được nêu gương. Chính những “thành tựu” về mặt xã hội này đã giúp Venezuela, và đặc biệt là bản thân Hugo Chavez, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa xã hội mới, là bài học, hình mẫu cho nhiều phong trào cánh tả trên thế giới.

Thực tế, người dân Venezuela có lẽ cũng đã cảm thấy họ thực sự làm chủ đất nước của họ. Trong suốt nhiều kỳ bầu cử liền, Hugo Chavez dường như trở thành một ứng cử viên không thể bị đánh bại. Uy tín của ông ta không chỉ lên cao ở trong nước mà còn trên trường quốc tế.

Mặc dù vậy, điều đáng ngạc nhiên trong các cuộc biểu tình lớn gần đây là sức hút của khẩu hiệu nhân quyền – dân chủ của phe đối lập. Câu hỏi đặt ra đó là, tại sao một mô hình mẫu mực cho nền dân chủ tham chính như các Công xã vẫn không đủ sức thoả mãn người dân Venezuela?

Câu trả lời nằm ở hai khái niệm: tham gia và trao quyền.

Tham gia (participation) v. Trao quyền (empowerment)

Trong nghiên cứu của Hawkins, ông phát hiện một chi tiết rất thú vị đó là tuy sự tham gia các Công xã của người dân Venezuela ở mức đặc biệt cao, các dự án do Công xã tiến hành lại thường tập trung trong tay một nhóm nhỏ là những người theo chủ nghĩa bolivar thuần tuý.[3]

Nói một cách khác, quyền hành trong các Công xã không nằm trong tay người dân bình thường, mà chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ các cán bộ, thanh niên nguồn của chế độ Chavez. Trớ trêu ở chỗ, các nhà nghiên cứu lại không tìm thấy bằng chứng của việc gian lận bầu cử hay sắp xếp quyền lực trong các Công xã.

Đây chính là biểu hiện rõ nét của một chế độ dân chủ chỉ cho người dân tham gia mà không cho họ quyền lực.

Có lẽ chúng ta cần hiểu rằng, một nền dân chủ không chỉ có nghĩa là sự tham gia của người dân. Một cuộc bầu cử có thể đạt đến con số 98% cử tri đi bầu nhưng nó cũng là một cuộc bầu cử giả dối nếu người dân không thực sự đầu tư cho lá phiếu của mình.

Trường hợp của các Công xã Venezuela cũng là như vậy. Chính quyền của Hugo Chavez, với bản chất dân tuý của mình, chú trọng hơn về số lượng người tham gia một phong trào hơn là sự hiệu quả của phong trào đó.

Ở nhiều nền dân chủ hoàn chỉnh, người ta coi trọng sự trao quyền (empowerment) cho người dân hơn là việc người dân tham gia một cách mù quáng. Trao quyền ở đây có nghĩa là để người dân thực sự làm chủ, họ phải được học cách làm chủ. Học làm chủ thì ngoài những bài học về quản trị quốc gia, người dân còn cần phải hiểu được quyền con người, quyền công dân của họ đến đâu.

Với một chế độ độc tài mang màu sắc dân chủ (hoặc ngược lại) như Venezuela, dạy cho người dân về nhân quyền là điều không thể. Chính vì thế, các Công xã tồn tại và hoạt động chủ yếu dựa vào lý tưởng và lòng tin nhiều hơn là những giá trị thực.

Điều này dễ hiểu tại sao khi khủng hoảng xảy ra, người dân Venezuela không đủ sức khoẻ về mặt chính trị để giải quyết nó. Dường như chưa có một nghiên cứu chính thức nào đong đếm được điều này, nhưng các số liệu kinh tế cũng chỉ ra rằng ngân sách nhà nước dùng đề tài trợ các dự án của Công xã là rất cao và các Công xã gần như không có nguồn tiền nào khác ngoài bầu sữa ngân sách.

Thực tế là khi “Căn bệnh Hoà Lan” bộc phát cũng là lúc các Công xã Venezuela hoàn toàn mất đi chỗ đứng của mình. Một sản phẩm của nền dân chủ bạc nhược, nơi mà người dân “bị” làm chủ khi họ không biết phải làm thế nào cuối cùng đã chết cùng với sự lao dốc của giá dầu thô.

Một chế độ dân chủ xây dựng trên nền tảng độc tài thì không thể chấp nhận việc dạy cho dân làm chủ được. Đó chính là điều nghịch lý. Diễn ngôn của những nhà nước từ chối dân chủ hiện nay, cho rằng dân chủ chỉ thích hợp với một nền dân trí cao, nghe chừng hợp lý nhưng lại rất nguỵ biện nếu chúng ta hiểu rằng ngày đó sẽ không bao giờ đến nếu người dân ngay từ hôm nay không được học những giá trị sẽ giúp họ làm chủ cho mai sau.

Kỳ 5 và hết: Hugo Chavez vẫn là một nhà yêu nước

Tài liệu tham khảo:

[1] Kirk Hawkins – Who Mobilizes? Participatory Democracy in Chávez’s Bolivarian Revolution – Latin American Politics and Society, Volume 52, Issue 3, Fall 2010, trang 31–66

[2] Như trên

[3] Như trên

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.