Nhóm lợi ích trong các chế độ độc tài vận hành ra sao
Ở hai phần trước, tác giả đã giới thiệu về sự hình thành, một số đặc điểm và cách thức
Socrates biết người dân thích những câu trả lời dễ dàng, và các chính trị gia khai thác cái ham muốn đó bằng cách nói những gì người dân muốn nghe.
Socrates là một trong những triết gia Hy Lạp cổ đại sống vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Ông là thầy của triết gia Plato và được coi là người đặt nền tảng cho triết học phương Tây. Ảnh: grethexis.comDân chủ chưa bao giờ là hoàn hảo. Thậm chí, nền dân chủ thuần túy chứa đựng rất nhiều nguy cơ và đã dễ dàng tan rã trên thực tế, thể hiện qua nền dân chủ Athens cổ đạị. Đó là lý do mà Socrates đã bày tỏ quan điểm phản đối nền dân chủ từ cách đây hàng nghìn năm.
Winston Churchill đã từng nói: “Dân chủ là hình thái tệ hại nhất của chính quyền, trừ những hình thái khác đã được thử nghiệm từ trước đến nay…”
Quan điểm này thể hiện hai giá trị văn hóa mà nhiều người Mỹ đã được dạy để không lên tiếng phê phán: tính ưu việt của dân chủ và gánh nặng của chính quyền với vai trò là kẻ phản diện tất yếu (nguyên văn: a necessary evil – thành ngữ ám chỉ chính quyền là cơ chế không ai mong muốn nhưng lại là tất yếu để quản lý một quốc gia – ND)
Trong cuốn sách mới nhất của mình với tựa đề Hướng tới Dân chủ (Toward Democracy), nhà sử học Jame T. Kloppenber (Đại học Harvard) cho rằng những ý tưởng này nảy sinh gần đây và ban đầu chủ yếu là từ những tín đồ Tin lành.
Họ ghi nhận rằng “các tư tưởng xem dân chủ như một học thuyết nguy hiểm của đám đông đã được định hình lại thành một lý tưởng” trong cuốn Kirkus. Đa số những chuyển biến này “diễn ra ở một số thuộc địa cũ của Anh quốc mà sau này trở thành Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, nơi mà chí ít theo quan điểm của một quý tộc Anh, nguyên tắc đám đông đã được vận dụng”.
Việc biến dân chủ thành một thứ thiêng liêng đã định hình sự hiểu biết của chúng ta ngày nay về thuật ngữ này.
Phương Tây đã chọn kiến trúc Athen cổ điển và triết học Hy Lạp làm biểu tượng cho dân chủ thuần khiết. Tuy vậy, những ai đã đọc tác phẩm Cộng hòa của Plato đều biết rằng, các triết gia Hy Lạp đã rất nghi ngờ chế độ dân chủ.
Điển hình trong số này là Socrates, người mà theo Alain de Botton trong video Trường Đời (The School of Life), “là một người cực kỳ bi quan về toàn bộ nền dân chủ”.
Trong xã hội lý tưởng mà Socrates xây dựng, ông ủng hộ hạn chế tự do đi lại, kiểm duyệt nghiêm ngặt theo những quy chuẩn đạo đức công dân, một tầng lớp quân nhân bảo hộ và sự cai trị của những vị vua triết gia.
Trong Cuốn VI, Socrates chỉ ra “lỗ hổng của nền dân chủ khi so sánh một xã hội với một con tàu”. Nếu bạn tham gia một chuyến hải trình, “ai là sự lựa chọn lý tưởng để chịu trách nhiệm về con tàu, bất kỳ ai hay chỉ những người được đào tạo về các quy định và yêu cầu của nghề đi biển?”
Nếu chúng ta không muốn trở thành những kẻ ngờ nghệch thì chúng ta phải luôn chọn câu trả lời thứ hai, như Adeimantus trong cuộc nói chuyện với Socrates. Vậy thì tại sao bất kỳ ai trong chúng ta, bất kể trình độ, kinh nghiệm hay học vấn, lại nên được cho phép lựa chọn người lãnh đạo đất nước?
Theo quan sát của Botton, sự trớ trêu nghiệt ngã đối với Socrates là chính bản thân ông đã bị tử hình sau cuộc bỏ phiếu của 500 công dân Athen. Tuy nhiên, hơn cả chủ nghĩa tinh hoa điển hình về tư duy thuần quý tộc, Socrates khẳng định rằng “chỉ nên bầu cho những ai suy nghĩ về những vấn đề một cách hợp lý và sâu sắc”. Botton cho rằng “chúng ta đã quên sự phân biệt giữa một nền dân chủ trí tuệ với nền dân chủ thừa kế. Chúng ta trao quyền bầu cử cho mọi người mà không gắn nó với trí tuệ .”
Đối với Socrates, cái gọi là “nền dân chủ thừa kế” (birthright democracy) – tức là ai được sinh ra trong xã hội dân chủ thì đương nhiên được hưởng quyền bầu cử – chắc chắn rất dễ mị dân. Socrates biết người dân thích những câu trả lời dễ dàng, và các chính trị gia khai thác cái ham muốn đó bằng cách nói những gì người dân muốn nghe.
De Botton cho rằng, chúng ta nên chú ý đến những cảnh báo của Socrates về sự cai trị của đám đông và tính nguy hiểm của trò mị dân. Botton xem nền dân chủ như là một thứ chỉ có chất lượng tương đương với hệ thống giáo dục xung quanh nó. Đó là một ý kiến có sức thuyết phục, và thường được nhắc lại liên quan đến cảnh báo tương tự của Thomas Jefferson.
Dù vậy, thứ mà de Botton không nhắc đến trong đoạn phim ngắn của mình, là Socrates cũng khuyến cáo: những người cai trị của ông đã nói dối người dân, khiến cho người dân tin mình không phải với những lời hứa suông và xu nịnh quyến rũ, mà họ sử dụng ý thức hệ.
Như Bách khoa toàn thư về Triết học đã tóm tắt trên Internet, Socrates cho rằng “[giới cai trị] phải kể cho công dân một câu chuyện huyễn tưởng; câu chuyện đó phải được các thế hệ sau tin tưởng nhằm khiến cho mọi người đều chấp nhận vị trí của họ trong thành” – và để công nhận tính chính danh của giới cai trị. Câu chuyện huyễn tưởng này giống như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa ưu sinh hiện đại. Theo đó, công dân được phân chia theo một hệ thống phân cấp thiết yếu.
Nhưng, ai là người xác định những sự phân loại này, hay những cử tri nào “hợp lý” hơn, hoặc là thể loại này đòi hỏi những gì? Làm thế nào chúng ta dung hòa được những tiền đề bình đẳng của nền dân chủ với hệ thống đẳng cấp của [Cộng hòa] không tưởng, mà trong đó “bầu cử hợp lý” có nghĩa là bầu cử vì lợi ích của tầng lớp được bầu? Áp dụng công tác tuyên truyền để người dân chấp nhận nhà nước thì sao?
Trong khi đó, ý tưởng về một nền dân chủ trí tuệ của Socrates lại khá xa vời khi đặt nó trước một số nghiên cứu về thần kinh học.
Nhà khoa học về nhận thức và cũng là nhà ngôn ngữ học George Lakoff cho rằng, “hầu hết những suy nghĩ [của chúng ta] là vô thức”. Điều này có nghĩa là – mặc cho trình độ giáo dục và hiểu biết chuyên sâu của chúng ta như thế nào đi chăng nữa, chúng ta “có xu hướng quyết định một cách vô thức” ở mức độ không giải thích được, “trước khi có ý thức về chúng”, ngay cả đối với những quyết định như bỏ phiếu.
Cũng cần phải nhận thức được một khía cạnh khác, đó là những lời phê phán chế độ dân chủ, một mặt cảnh báo chúng ta về sự nguy hiểm của dân chủ, mặt khác, lại được dùng để biện minh cho việc đàn áp quyền bầu cử với những lý do chẳng có gì khách quan và sặc mùi huyễn tưởng.
Dạ Lãm, lược dịch từ Why Socrates Hated Democracies: An Animated Case for Why Self-Government Requires Wisdom & Education, Open Culture, 29/11/2016.