Bốn cách tiếp cận dân chủ hóa ở Việt Nam – Kỳ 3: Tham dự

Bốn cách tiếp cận dân chủ hóa ở Việt Nam – Kỳ 3: Tham dự

Thay vì đối đầu một cách có tổ chức, một số người nổi tiếng trong giới bất đồng chính kiến đã ủng hộ việc tái tạo lại hệ thống bằng cách tích cực tham gia vào nó.

Họ cho rằng, nhiệm vụ cấp bách không phải là xoá bỏ Đảng Cộng Sản (ĐCS) hay tạo ra một hệ thống chính trị đa đảng mà đúng hơn là phải ngăn chặn các chính sách, hành động làm tổn hại đến người dân và sự phát triển.

Theo họ, dân chủ hóa đi cùng với sự cải thiện cuộc sống của người dân. Nó xuất hiện khi đất nước tiến bộ về kinh tế và xã hội. Như một nhà bất đồng chính kiến ủng hộ cách tiếp cận tham dự từng viết, dân chủ “không tự tồn tại, mà gắn liền với các mục tiêu quan trọng khác” như bình đẳng, tự do và phát triển kinh tế xã hội. Hệ thống đa đảng chưa hẳn đã đảm bảo được những điều này, đây cũng là quan điểm mà cách tiếp cận đảng dẫn dắt ủng hộ.

Cách tiếp cận tham dự

Những người chủ trương tiếp cận tham dự ủng hộ việc tương tác và tranh luận với chính quyền và ĐCS ở mọi cấp. Họ phản đối các chương trình và các quan chức gây hại cho đất nước, và họ ủng hộ các chính sách và những vị quan chức nào tốt.

Học giả Benedict J. Tria Kerkvliet, ĐHQG Australia, là người có nhiều năm nghiên cứu về dân chủ hoá, thể chế và vấn đề đất đai ở Việt Nam. Ảnh: ANU.

Theo nhóm này, việc tham dự sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của Việt Nam và dần dần góp phần vào việc dân chủ hóa. Thật vậy, không cần phải “chính trị hóa hay giương ngọn cờ dân chủ” trong cuộc đấu tranh cho sinh kế và thịnh vượng của người dân, vì làm như thế chính quyền có khuynh hướng trở nên đàn áp hơn thay vì có trách nhiệm.

Vì lý do này, và cũng vì một số nhà bất đồng chính kiến ngờ rằng một số tổ chức nhất định (đặc biệt là Khối 8406) bị chi phối bởi các nhóm lợi ích bên ngoài đất nước, nên những người theo cách tiếp cận tham dự thường có ý tránh liên quan đến các tổ chức, các cuộc biểu tình và tránh cả những lời kêu gọi chống lại chính quyền.

Những nhà bất đồng chính kiến này khẳng định, cuộc đấu tranh cho điều kiện sống tốt hơn đã bắt đầu thể hiện được sức ảnh hưởng. Họ nói, ĐCS đã phải tán thành việc giao đất cho người dân trong những năm 1980 do nỗi bất mãn của người nông dân đối với nông nghiệp tập thể, dẫu họ không hề có tổ chức. Sự bất bình lan rộng đối với tình trạng đói nghèo cũng đã buộc ĐCS phải thay thế nền kinh tế tập trung bằng một nền kinh tế thị trường. “Chủ nghĩa cộng sản” và “chủ nghĩa xã hội” hiện nay không còn ý nghĩa gì đối với hầu hết người Việt Nam, và đây chính là thực tế khiến ĐCS phải thay đổi.

Nhà bất đồng chính kiến Lê Hồng Hà

Lê Hồng Hà là một nhân vật nổi tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho cách tiếp cận tham dự này. Ông từng tham gia phong trào chống Pháp vào năm 1939 khi mới 13 tuổi, và là thành viên của ĐCS từ năm 1946 đến năm 1995.

Về sau, ông trở thành Chánh văn phòng Bộ Công an rồi công tác ở Bộ Lao động cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 1991 (ND).

Vài năm sau khi nghỉ hưu, Lê Hồng Hà và một thành viên ĐCS khác đã nghiên cứu và kết luận rằng hàng trăm người đã bị thanh lọc một cách sai trái khỏi đảng trong những năm 1960. Các nhà lãnh đạo ĐCS bác bỏ cáo buộc này và khai trừ cả hai người ra khỏi đảng. Cuối năm 1995, tòa án kết án Lê Hồng Hà hai năm tù giam vì tội tiết lộ bí mật nhà nước, song ông cực lực phủ nhận tội danh này.

Ông Lê Hồng Hà năm 2009. Ảnh: Lương Châu Phước/diendan.org.

Sau khi bị tù đày, ông đã đặt câu hỏi về sự thống trị của ĐCS Việt Nam, từ đó ông bắt đầu tìm cách thay đổi hệ thống. Ông thấy rằng những tiến bộ về mặt kinh tế và ý thức hệ của hệ thống phần lớn là do nỗ lực của người dân trong việc tự cải thiện cuộc sống cho chính mình. Vào năm 2007, Lê Hồng Hà viết rằng “trong 30 năm qua, người dân đã đánh bại Đảng Cộng sản trên các mặt trận kinh tế và ý thức hệ, mặc dù vẫn chưa chiến thắng về chính trị”.

Theo ông, chế độ độc đảng của Việt Nam không bền vững và có khả năng “tự tan rã” vì nó “chống lại sự phát triển”. Hơn nữa, chế độ này đang bị điều hành bởi các quan chức “tham nhũng và suy đồi”, do đó “nó đã mất hết niềm tin” trong mắt nhân dân. Khi chế độ cứ tiếp tục tự hủy như thế, còn người dân vẫn luôn thúc đẩy sự tiến bộ, thì chắc hẳn chế độ sẽ tự sụp đổ “dần dần, từng bước một”.

Lê Hồng Hà đã kêu gọi những người ủng hộ dân chủ đi theo cách tiếp cận này, thay vì tìm cách phá hủy hệ thống bằng một cuộc cách mạng. Nhiệm vụ cụ thể mà ông đề xuất là tách Quốc hội và hệ thống tư pháp ra khỏi ĐCS; tạo ra luật lệ để bảo vệ các hiệp hội và nền báo chí tự do; và làm cho cảnh sát và quân đội bảo vệ quốc gia và người dân chứ không phải bảo vệ ĐCS.

Chuyên gia luật Cù Huy Hà Vũ

Cù Huy Hà Vũ sinh năm 1957, là một chuyên gia luật ở Hà Nội. Tuy ông không công khai ủng hộ cách tiếp cận tham dự, nhưng kiểu hành động của ông cho thấy ông đồng tình với phương pháp này. Cũng giống như những người ủng hộ phương pháp tham dự, ông tránh tham gia vào các tổ chức có mục tiêu loại bỏ ĐCS. Cách đấu tranh của ông là cố gắng thay đổi hành vi của các quan chức và hệ thống bằng cách sử dụng chính luật pháp hiện hành.

Cù Huy Hà Vũ có bằng tiến sĩ luật tại Đại học Sorbonne ở Pháp, nơi ông nghiên cứu và làm việc trong nhiều năm. Trước đó, ông tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và làm việc tại Bộ Ngoại giao. Mẹ ông là y tá, cha là một nhà thơ nổi tiếng, từng giữ nhiều vị trí của chính phủ, bao gồm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Sau khi trở về Hà Nội, Cù Huy Hà Vũ và vợ  – bà Nguyễn Thị Dương Hà, một thành viên của đoàn luật sư – đã thành lập một công ty luật.

Xuất thân từ một gia đình cán bộ cách mạng cao cấp, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị bỏ tù vì hoạt động đấu tranh dân chủ và sau đó phải sống lưu vong ở Mỹ. Ảnh: Victims of Communism Memorial Foundation.

Cù Huy Hà Vũ can dự vào nền chính trị Việt Nam bằng cách cố gắng bảo vệ người dân khỏi các hành động phi pháp của chính quyền, và buộc chính quyền phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, vào năm 2005, ông đã kiện Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, khi cho rằng việc Uỷ ban chấp nhận kế hoạch xây dựng một khu nghỉ mát trong một khu di tích là hành động vi phạm luật bảo vệ di sản. Tuy đây chỉ là một dự án gây tranh cãi ở cấp địa phương, song nhờ những nỗ lực kiện tụng của Cù Huy Hà Vũ mà nó đã thu hút được sự chú ý trên cả nước. Theo báo chí trong nước, vụ kiện này là một sự kiện mới lạ.

Trong khoảng thời gian 2008-2010, Cù Huy Hà Vũ đã đứng ra bảo vệ đại tá Dương Tiến và một số người khác, khi họ bị kết án tù vì tội “xúc phạm nhà nước”, trong vụ này Dương Tiến cũng bị sa thải và bị trục xuất khỏi ĐCS. Tuy nhiên, theo Cù Huy Hà Vũ, thì những người này không có tội. Họ chỉ là nạn nhân bị chính quyền Đà Nẵng trả thù, sau khi họ công bố các báo cáo chi tiết về tội tham nhũng của các vị lãnh đạo thành phố.

Vào năm 2007, Cù Huy Hà Vũ tham gia ứng cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, với tư cách là một ứng viên độc lập – một điều vô cùng hiếm thấy trong các cuộc bầu cử của Việt Nam. Tuy nhiên, ông chỉ nhận được một phần ba số phiếu cần thiết.

Ông cũng đã hai lần đệ đơn kiện Thủ tướng, một điều mà chưa có ai từng làm. Lần đầu tiên là vào tháng 6 năm 2009, khi ông cho rằng thủ tướng đã vi phạm pháp luật khi cho phép các công ty Trung Quốc khai thác và chế biến bô-xít tại Việt Nam. Cả Toà án Nhân dân Hà Nội lẫn Toà án Tối cao đều bác đơn kiện với tuyên bố rằng toà án không có thẩm quyền phán quyết thủ tướng. Kết quả tương tự đã diễn ra khi ông cố gắng kiện Thủ tướng lần thứ hai vào tháng 10 năm 2010, khi Thủ tướng ban hành nghị định ngăn cấm công dân khiếu nại tập thể.

Sau vụ kiện thứ hai này, cảnh sát đã bắt Cù Huy Hà Vũ và đột nhập vào nhà và văn phòng của ông. Họ tịch thu tài liệu của ông và buộc tội ông với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước.

Vào tháng 4 năm 2011, ông bị Tòa kết án 7 năm tù giam. Nhờ danh tiếng gia đình, cùng với sự kêu gọi mạnh mẽ của vợ và người thân, và nhờ những cuộc biểu tình phản đối việc bắt giữ đã khiến cho vụ án của ông nhận được sự chú ý cả trong nước lẫn quốc tế. Các cuộc tuyệt thực của ông trong tù cũng được giới báo chí đưa tin rộng rãi.

Tháng 4 năm 2014, chính quyền thả ông “tạm thời”, theo họ là “vì ông bị ốm yếu”. Nhưng chính quyền buộc ông phải rời khỏi Việt Nam. Họ đưa ông từ nhà tù tới sân bay Hà Nội, và bắt ông và vợ lên máy bay qua Mỹ. Ở đó ông vẫn tiếp tục chỉ trích các hành động và chính sách của chính quyền Việt Nam.

Bài tiếp theo: Kỳ 4: Xã hội dân sự

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.