Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Do đâu mà một lãnh thổ nhỏ bé và vô danh ở thành Rome trở thành cường quốc hùng mạnh nhất thế giới cổ đại trước Công Nguyên? Một trong những lý do chính là thể chế.
Trong hàng ngũ các danh nhân La Mã thì Marcus Tullius Cicero (106-43 TCN) có lẽ là một cái tên còn khá xa lạ với đại bộ phận độc giả Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại là một nhân vật hết sức quan trọng và đặc biệt trong lịch sử La Mã. Quan trọng bởi Cicero đã đóng góp trong cả thực tiễn lẫn nghiên cứu về hệ thống chính quyền La Mã, và đặc biệt bởi cũng chính Cicero đã dành cả đời mình sống, bảo vệ, và chiến đấu cho những gì mà ông nghiên cứu và tin tưởng.
Ông viết về nhiều lĩnh vực: chính trị, đạo đức, hùng biện… Trong đó, ông đặt ra và khảo sát những câu hỏi mang tính nền tảng. Thế nên sẽ không ngoa khi khẳng định ông là một triết gia, dù tầm vóc của ông đến đâu là điều còn phải bàn. Đặc biệt, về chủ đề chính quyền, các tác phẩm của ông rất đáng chú ý bởi chúng không phải là sản phẩm thuần túy tư tưởng, mà được kết tinh từ chính hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm chính trường dày dạn của ông sau những tháng năm hoạt động trong hệ thống chính quyền Cộng hoà La Mã – một chính quyền vĩ đại nhất thời bấy giờ.
Quyển sách “Bàn về chính quyền” (On Government), do dịch giả Lương Đăng Vĩnh Đức dịch từ nguyên tác tiếng Anh, NXB Hồng Đức kết hợp cùng Omega Plus xuất bản, Alpha Books phát hành, chính là một tập hợp các trích đoạn diễn văn và tác phẩm giá trị của ông về chính trị. Trong đó, ông vừa mô tả lại chính quyền La Mã đương thời, vừa đề xuất một số ý tưởng mới của riêng ông.
Do phương pháp trình bày cuốn sách thuộc dạng diễn văn và đối thoại nên “Bàn về chính quyền” không trình bày một cách hệ thống, súc tích toàn bộ quan điểm của ông. Tuy nhiên, nội dung sách đủ cho ta thấy: nhiều nguyên tắc trọng yếu hiện nay về cộng hòa, về dân chủ đã tồn tại, hoặc phôi thai ngay từ thời Cộng hoà La Mã.
Quá trình phát triển của đế chế La Mã. Thời kỳ Cộng hoà trải dài trong khoảng 500 năm trước Công nguyên. Ảnh: VOX.
Nguyên tắc phân quyền
Hệ thống chính quyền Cộng hoà La Mã khá phức tạp. Và nếu tạm bỏ qua những khác biệt chi tiết, ta có thể nói nôm na nó có đầy đủ cả ba nhánh:
Nhánh lập pháp có chức năng làm luật, thuộc về các hội đồng (tiếng Latin: comitia). Có nhiều hội đồng, một số hội đồng có thành viên là đại biểu của công dân La Mã, có hội đồng có thành viên là toàn bộ các công dân La Mã. Việc tuyển chọn thành viên vào các Hội đồng cũng dựa theo nguyên tắc phân loại về: tầng lớp (quý tộc, bình dân…) hay địa lý (các phân khu của thành Rome).
Các Hội đồng này không chỉ đề xuất, thảo luận, ban hành các đạo luật mà còn bầu cử các chức vụ pháp quan (tiếng Latin: magistratus) – tức các quan chức hành chính và cả quan toà (tiếng Latin: praetor, thuộc nhánh tư pháp).
Nhánh hành pháp có chức năng điều hành mọi hoạt động thường nhật của chính quyền, thuộc về các pháp quan cùng với một cơ quan trọng yếu, áp đảo về mặt quyền lực: Viện Nguyên lão (tiếng Latin: Senatus). Có nhiều loại pháp quan với nhiệm vụ khác nhau và cấp bậc khác nhau, trong đó cấp cao nhất là quan Chấp chính (tiếng Latin: Consul).
Viện Nguyên lão gồm khoảng 300 thành viên, có lúc lên đến khoảng 500 thành viên. Viện này bao gồm các cựu pháp quan, và đóng vai trò tư vấn trên danh nghĩa. Viện Nguyên lão có thể thảo luận về mọi vấn đề chính trị của La Mã và thông qua các “sắc lệnh”. Các sắc lệnh này thực chất chỉ là những lời khuyên, không bắt buộc các pháp quan phải tuân theo. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các pháp quan đều tuân theo chỉ thị từ các sắc lệnh này.
Sở dĩ Viện Nguyên lão có được uy tín vượt trội như thế là do nó là một tổ chức lâu đời & người La Mã có nguyên tắc tôn trọng tiền lệ của tổ tiên, bên cạnh đó là do uy tín và phẩm chất của các nguyên lão. Tuy nhiên, nếu sắc lệnh của Viện Nguyên lão mâu thuẫn với luật do các hội đồng ban hành thì luật có hiệu lực cao nhất.
Nhánh tư pháp thuộc về các quan toà và các hội đồng. Các hội đồng sẽ chuyên trách phân xử những vụ trọng án đặc biệt liên quan đến hình phạt tử hình và trục xuất.
Tranh minh hoạ thế kỷ 19 về Viện Nguyên lão. Trong tranh là tác giả cuốn “Bàn về chính quyền” Cicero đang tranh luận với một thành viên khác của Viện. Ảnh: Wikipedia.
Nguyên tắc kiểm soát và cân bằng
Tất cả các chức vụ pháp quan đều do các hội đồng bầu chọn. Trong đó, chức vụ pháp quan cao nhất – Chấp chính quan sẽ chủ trì các buổi họp của Viện Nguyên lão. Có hai vị Chấp chính quan trong một nhiệm kỳ, và vị này có thể phủ quyết vị kia.
Một chức vụ pháp quan khác là Giám quan (tiếng Latin: Censor) đảm nhận các công việc mang tính giám sát, ngoài ra họ còn bổ nhiệm thành viên mới cho Viện Nguyên lão, giám sát hành vi của các nguyên lão và có thể trừng phạt nếu các nguyên lão vi phạm. Các pháp quan cũng chủ trì các cuộc họp hội đồng.
Giới hạn nhiệm kỳ
Ngoại trừ các nguyên lão có nhiệm kỳ suốt đời, các pháp quan chỉ có nhiệm kỳ từ 1 – 5 năm, trong đó đa phần các chức vụ có nhiệm kỳ 1 năm.
Cản trở (tiếng Anh: Filibuster)
Theo niềm tin của người La Mã, các cuộc họp Viện Nguyên lão do thần Jupiter – vị thần của ánh sáng, bảo trợ. Do đó, chúng phải luôn kết thúc vào lúc chạng vạng tối. Đồng thời nguyên tắc hoạt động của Viện Nguyên lão yêu cầu tất cả nguyên lão đều phải tuần tự phát biểu về chủ đề đang thảo luận, không giới hạn thời gian phát biểu. Do đó, một vị nguyên lão có thể dùng quyền này để phát biểu liên tục đến chiều tối nhằm cản trở việc thông qua một kiến nghị nào đó. Nhân vật sử dụng biện pháp này đầu tiên chính là Cato Trẻ (95 TCN – 46 TCN].
Phủ quyết (tiếng Latin: Veto)
Đây là quyền thuộc về quan Bảo dân và quan Chấp chính. Quan Bảo dân là chức vụ pháp quan có nhiệm vụ đại diện cho lợi ích của giới bình dân tại Viện Nguyên lão. Khi phản đối một kiến nghị nào đó, vị quan Bảo dân sẽ phủ quyết, và kiến nghị đó sẽ không được biểu quyết. Hai vị Chấp chính có thể phủ quyết lẫn nhau, do đó, mọi quyết định đều cần sự đồng tình của cả hai.
Công lý – nền tảng của chính quyền
Không chỉ trình bày về cách thức hoạt động thực tiễn của chính quyền Cộng Hoà, Cicero còn giải thích về mặt lý thuyết: đâu là cơ sở cho đường lối hoạt động như vậy. Theo Cicero, cơ sở cho sự tồn tại và vận hành của chính quyền chính là công lý.
Bản chất tự nhiên của con người là bất công: lớn thắng nhỏ, mạnh thắng yếu. Chính công lý mới đem lại tiến bộ, bởi công lý là một phẩm chất mà con người phải xây dựng, nó đem lại lợi ích xứng đáng cho tất cả mọi người, không từ một ai. Mà muốn như vậy thì con người phải hợp tác cùng nhau theo cách nào đó và phải chịu sự ràng buộc với nhau. Cách hợp tác đó theo Cicero chính là xây dựng một chính quyền để quản lý mọi vấn đề trong nước, và yếu tố ràng buộc chính là luật pháp.
Điều đó có nghĩa là mọi tầng lớp trong xã hội đều phải cộng tác, đều phải có tiếng nói của mình trong chính quyền. Nếu một tầng lớp chiếm thế áp đảo hơn, nắm nhiều quyền hơn, được nhiều lợi ích phi lý hơn, thì đồng nghĩa là công lý đã bị khiếm khuyết. Do đó, theo ông, một chính quyền lý tưởng là một chính quyền kết hợp được cả ba thể loại: quân chủ chuyên chế, chính trị đầu sỏ, và dân chủ.
Quân chủ chuyên chế là loại hình cổ xưa nhất mà chính La Mã cũng đã từng thi hành. Nhưng theo ông, đó không đúng nghĩa là chính quyền, bởi nó chỉ phục vụ cho mỗi lợi ích của người làm vua – và như thế sẽ không có công lý.
Tương tự như vậy, hình thức chính trị đầu sỏ là dạng chính quyền thuộc về tầng lớp quý tộc, và hẳn nhiên, nó cũng bỏ qua lợi ích của người bình dân.
Riêng về hình thức dân chủ, ông đã sớm nhìn ra rằng: nếu dân chủ một cách tuyệt đối, với mọi vấn đề do toàn thể nhân dân quyết định trực tiếp, thì đó chẳng qua là tình trạng hỗn loạn đằng sau tấm bình phong “tự do”.
Chính quyền Cộng hoà La Mã trong thực tế cũng rất gần với quan niệm của ông – dù rằng trong thời gian tồn tại khoảng 500 năm, nó cũng chuyển biến và thay đổi nhiều.
Những gì còn sót lại của đế chế La Mã rực rỡ một thời. Ảnh: Shutter Stock/FEE.
***
Đọc “Bàn về chính quyền” trong bối cảnh hiện nay, nhìn về thời xưa, nhìn sang phương Đông, ta phải công nhận trí tuệ của Cicero và trí tuệ của dân tộc La Mã. Trong khi Trung Hoa và hàng loạt quốc gia Đông phương khác vẫn duy trì chế độ quân chủ một cách lâu dài, hay thậm chí về tư tưởng còn tìm cách biện minh, củng cố cho nó, thì trái lại, người La Mã sau khi trải qua cảnh quân chủ lạm quyền, họ đã hiểu ngay rằng: quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hoá tuyệt đối và lạm dụng tuyệt đối.
Đó là một lối tư duy rất thực tế, và họ không còn ảo tưởng, trông mong gì vào lòng tốt của “thiên tử”. Họ quyết tâm suy nghĩ để xây dựng một hình thức chính quyền khác, hoạt động theo những nguyên tắc khác mà họ tin tưởng là sẽ tốt đẹp hơn.
Quả thực, họ đã thành công phần nào – chính quyền Cộng hoà La Mã tốt đẹp hơn về nhiều mặt, đã đưa La Mã từ chỗ một dân tộc vô danh với một lãnh thổ nhỏ bé ở khu vực thành Rome trở thành một cường quốc vĩ đại nhất thời ấy. Dù rằng nó cũng còn nhiều khiếm khuyết và cuối cùng phải sụp đổ, những bài học của họ vẫn còn được tiếp thu và bổ sung cho đến tận thời nay.
Tác giả Huỳnh Trọng Khánh là người hiệu đính cuốn “Bàn về Chính quyền” – Marcus Tullius Cicero