Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Luật Khoa tạp chí trân trọng giới thiệu cuốn sách “Tinh thần Dân chủ” của nhà nghiên cứu Larry Diamond (Đại học Stanford), được dịch giả Phạm Nguyên Trường dịch sang tiếng Việt, do Nhà xuất bản Giấy Vụn ấn hành. Tác giả Larry Diamond cũng có lời giới thiệu riêng cho ấn bản tiếng Việt này.
Bản e-book của cuốn sách do NXB Giấy Vụn cung cấp cho Luật Khoa để phát hành lần đầu ra công chúng. Độc giả có thể tải sách theo link dưới đây:
Link sách được bổ sung ngày 24/7/2017. Bài giới thiệu sách dưới đây được đăng ngày 17/5/2017.
***
“Dân chủ là kết quả của những cuộc đấu tranh, của chiến lược, sự khéo léo, tầm nhìn, và lòng dũng cảm”, và rằng nơi nào mà nền dân chủ thành công thì nơi ấy cần có sự tận tụy, tài năng, lòng can đảm, và niềm đam mê tự do – “và đó là nơi mà hai từ ‘chính trị’ mang ý nghĩa tốt đẹp nhất”, Larry Diamond đã viết như vậy trong cuốn sách “Tinh thần Dân chủ” của ông.
Giáo sư Chính trị học Larry Diamond là một nhà khoa học xã hội chuyên tâm. Ông từng đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu sự cẩu thả của Mỹ trong việc xây dựng nền dân chủ ở Iraq, và kết quả của nghiên cứu này được trình bày trong cuốn “Squandered Victory”.
Tác phẩm “Tinh thần Dân chủ” (The Spirit of Democracy) là một dự án rộng hơn, nó đi từ Malawi tới Singapore, rồi Venezuela. Trong cuốn sách này, Diamond nghiên cứu các quốc gia có nền dân chủ bị sụp đổ tính từ thời điểm “làn sóng dân chủ hóa thứ ba” bắt đầu vào năm 1974 và cho đến nay (2008) vẫn chưa hồi phục. Ông không chỉ kể ra những quốc gia đã quá phi dân chủ như Nigeria – bị chi phối bởi tham nhũng nặng nề, mà còn cả Nepal, Thái Lan và quần đảo Solomon.
Ông nghiên cứu về cái gọi là “căn bệnh của sự cai trị mang tính cá nhân” ở châu Phi, cũng như vai trò của chế độ quân chủ, chủ nghĩa dân túy và Hồi giáo ở Trung Đông đối với sự sụp đổ của dân chủ. Một nghiên cứu bi quan đến vậy có thể khiến người đọc cảm thấy “Tinh thần Dân chủ” mang một nỗi sầu thê thảm. Song trên thực tế, Diamond lại không hoàn toàn bi quan cho lắm: ông tin rằng rồi đây gần như cả thế giới sẽ tiến tới dân chủ bằng cách này hay cách khác.
Bản đồ chỉ số dân chủ năm 2016 của tạp chí The Economist. Ảnh: chụp màn hình.
Ông viết, “Vào giữa những năm 1990, càng ngày tôi và rất nhiều đồng nghiệp của tôi càng nhận thức rất rõ rằng, nếu ba phần năm các quốc gia trên thế giới (nhiều trong số đó còn nghèo đói và không thuộc phương Tây) có thể chuyển mình thành những nền dân chủ, thì không có lý gì mà phần còn lại của thế giới không làm được điều đó.” Thậm chí, ông còn tin rằng các nước như Trung Quốc và Iran sẽ sớm trở thành các nền dân chủ.
Diamond cảm thấy lạc quan bởi ông đem so sánh cái hiện tại đầy những thất bại về dân chủ so với cái quá khứ hồi năm 1974, khi ông còn là thủ lĩnh sinh viên trong các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Ông nhắc lại rằng, trong quá khứ ấy, tinh thần dân chủ không hề thịnh hành. “Chỉ một phần tư số các quốc gia độc lập lựa chọn chính phủ của họ bằng các cuộc bầu cử cạnh tranh, công bằng và tự do”.
Khuynh hướng Marxist và chủ nghĩa dân tộc đã bắt đầu nổi lên ở châu Á và châu Phi vào thời đó. Diamond nhận thấy rằng, chế độ Haile Selassie sụp đổ ở Ethiopia đã khiến cho “hầu hết các quốc gia Châu Phi hạ Sahara rơi vào tay của quân đội hoặc các chế độ độc đảng”.
Ở khu vực Mỹ Latin, các chính phủ vốn được bầu lên một cách dân chủ cuối cùng cũng bị quân đội lật đổ và phải chịu đựng những luật lệ cai trị hà khắc. Ở Liên Xô, chủ nghĩa toàn trị không chỉ chi phối khu vực liên bang mà còn bao trùm lên cả các quốc gia vệ tinh Đông Âu quanh nó. Những nơi khác đầy rẫy hỗn loạn. Phe cánh Khmer Đỏ đã sớm kiểm soát Campuchia và giết chết khoảng một triệu đến hai triệu người (trong tổng số bảy triệu dân). Trong cộng đồng các nước Arabs, chỉ có Lebanon là một nền dân chủ.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ lại đang bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh Lạnh trước sự bành trướng của Cộng sản, và rồi phải tìm cách rút khỏi cuộc chiến ở Đông Nam Á – khi mà cuộc chiến đã lấy đi sinh mạng của 58 nghìn công dân Mỹ cũng như hàng triệu người dân Việt Nam.
Vào thời điểm đó, Diamond đã thực hiện một chuyến đi dài ngày để tìm hiểu những nơi đang thay đổi, dù là xấu đi hay đang tốt lên. Điểm dừng chân đầu tiên của ông là Bồ Đào Nha. Vài tháng trước đó, Phong trào các Lực lượng Vũ trang đã tiến hành đảo chính lật đổ chế độ độc tài – bán phát-xít tồn tại suốt gần 50 năm. Tại đây, Diamond đã chứng kiến cảnh lực lượng cộng sản và các lực lượng chính trị khác đối đầu quyết liệt trong một chính phủ mới.
Sau đó, ông đi về phía Nam tới Nigeria, nền dân chủ lớn nhất và hứa hẹn nhất của châu Phi. Tuy vậy, đất nước này đang rơi vào tình trạng “bất ổn kinh tế và chính trị” do bị cuộc nội chiến tàn phá dữ dội.
Từ châu Phi, Diamond đã đi đến Trung Đông, tới Ai Cập và Israel. Cả hai nước này đều đang dần khôi phục sau cuộc xung đột năm 1973. Tiếp đó là Thái Lan, đất nước “đang loay hoay tìm cách xây dựng nền dân chủ”, và Đài Loan, đất nước mà ông gọi là “một trong những quốc gia độc tài quan trọng trong phép màu Đông Á”.
Bản đồ phân loại mức độ tự do của các nước trên thế giới năm 2016 của Freedom House.
Ở một khía cạnh nào đó, thì cuộc hành trình xuyên qua những miền đất ấy đã truyền cảm hứng cho sự nghiệp của Diamond. Qua những trải nghiệm của riêng mình, ông nhận ra rằng số phận của một nền dân chủ không hoàn toàn bị quyết định bởi các sự kiện lịch sử hay thậm chí các lực lượng trong hệ thống chính trị, mà thật sự nó đến từ niềm đam mê và nhiệt huyết của những con người đơn lẻ.
Ông viết rằng, “dân chủ là kết quả của những cuộc đấu tranh, của chiến lược, sự khéo léo, tầm nhìn, và lòng dũng cảm”, và rằng nơi nào mà nền dân chủ thành công thì nơi ấy cần có sự tận tụy, tài năng, lòng can đảm, và niềm đam mê tự do – “và đó là nơi mà hai từ ‘chính trị’ mang ý nghĩa tốt đẹp nhất”.
Ông đưa ra dẫn chứng từ cuộc cách mạng “máy ủi” phi thường của Serbia vào tháng 10 năm 2000, khi một liên minh dân chủ gồm các đảng đối lập, cùng với một nhóm sinh viên và những người nông dân lái máy kéo để về thủ đô Belgrade và huy động hơn một triệu người tham gia cuộc biểu tình. Họ đã lật đổ chế độ cai trị tàn bạo của Slobodan Milosevic – điều mà các chính trị gia bất tài không thể nào làm được trong suốt một thập niên chịu cảnh chiến tranh tàn bạo và suy thoái kinh tế. Cuộc cách mạng ôn hoà này đã trở thành tấm gương cho toàn khu vực, tiêu biểu nhất là ở Georgia và Ukraine.
Cuốn sách “Tinh thần Dân chủ” của Diamond đặt ra câu hỏi rằng, liệu có phải dân chủ chỉ có thể tồn tại ở các nước giàu có và có trình độ học vấn cao, với tầng lớp trung lưu mạnh mẽ. Và có phải tất cả mọi người đều thực sự mong muốn có được nền dân chủ, hay là vẫn có những người – chẳng hạn như người Trung Quốc – tin rằng độc tài là cách tốt nhất để điều hành một quốc gia?
Để trả lời câu hỏi này, Diamond đi tìm hiểu các lực lượng đóng góp cho dân chủ, từ những tác động nội bộ đã dẫn đến hình thành xã hội dân sự, cho tới những áp lực bên ngoài như là thuyết phục ngoại giao hoặc trừng phạt kinh tế. Diamond nhấn mạnh tầm quan trọng của Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED), được thành lập vào năm 1983 để thúc đẩy các nền dân chủ ở nước ngoài, với những nền dân chủ thành công mà nó đã mang đến cho Ba Lan và Nicaragua.
Cuốn “Tinh thần Dân chủ” được học giả Larry Diamond đề tặng ba nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Mahatma Gandhi, Daw Aung San Suu Kyi và Vaclav Havel.
Đáng chú ý nhất là những phân tích của Diamond về sức ảnh hưởng của người dân đến quá trình dân chủ hóa. Diamond lấy ví dụ bằng một câu chuyện về Alejandro Toledo, cựu lãnh đạo của Peru, từ một cậu bé chăn cừu nghèo khổ đã trở thành một tổng thống tham vọng và đầy lý tưởng. Nhiệm kỳ năm năm của Toledo tuy không thành công về mặt chính trị, nhưng Diamond đã coi đây là một bài học ở Mỹ Latinh.
Các cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo dân chủ ở Trung Quốc và châu Phi đã cho chúng ta biết đến những cá nhân đầy lý tưởng đang tìm kiếm sự thay đổi. Ngay cả ở nước Nga hiện nay, nơi mà Diamond tin rằng dân chủ đã không còn tồn tại kể từ thời của Boris Yeltsin, thì vẫn có những nhà báo can đảm như Anna Politkovskaya, người đã bị giết chết vì cố gắng viết ra sự thật.
Dầu mỏ là một yếu tố quan trọng trong câu chuyện về sự thụt lùi của nền dân chủ ở Nga, cũng như ở nhiều quốc gia khác. Trong số 23 quốc gia có nền kinh tế bị chi phối bởi “lời nguyền dầu mỏ”, không hề có lấy một quốc gia nào được coi là dân chủ. Từ Algeria cho tới Venezuela, “tất cả các quốc gia giàu dầu mỏ trên thế giới vẫn tiếp tục chìm trong chế độ độc tài hoặc bị rơi vào nền độc tài kể từ sau năm 1974, năm khởi đầu của làn sóng dân chủ hóa thứ ba”. Theo Diamond, “khi nguồn thu từ dầu mỏ tăng lên, thì dân chủ sụt giảm”.
Cuốn sách “Tinh thần Dân chủ” của Diamond không phải là kiểu sách dành cho tất cả mọi người. Nó chứa quá nhiều số liệu thống kê so sánh, dữ liệu của Ngân hàng Thế giới và các bảng xếp hạng của Freedom House. Nó đòi hỏi độc giả phải thực sự chú tâm. Song nó cũng đưa ra cơ sở vững chắc cho những ai hoài nghi luận điểm của Seymour Martin Lipset, rằng khi đất nước càng giàu thì triển vọng duy trì nền dân chủ càng lớn.
Diamond khẳng định rằng các quốc gia thuộc thế giới thứ ba chưa hẳn sẽ loay hoay mãi trong các chế độ độc tài. Ông chỉ ra, ngay cả những nơi như Burundi và Sierra Leone, sau các cuộc nội chiến tàn bạo và đẫm máu, cũng đã trở thành các nền dân chủ (dẫu còn đối mặt với nhiều rủi ro). Dân chủ có thể là một thứ gì đó xa xỉ, nhưng vấn đề chẳng nằm ở việc quốc gia giàu có hay nghèo khổ. Tất cả phụ thuộc vào sự nhiệt thành và sự tận tâm của người dân.
Thật vậy, thông điệp của cuốn sách được tóm gọn trong lời đề tặng của Diamond cho ba biểu tượng của dân chủ: Gandhi, Vaclav Havel và Daw Aung San Suu Kyi.
Diamond đưa ra một dự đoán đầy triển vọng rằng, ngay cả “những quốc gia như Iran và Trung Quốc, dù có vẻ như vẫn đang miễn nhiễm với các xu hướng dân chủ toàn cầu, song nhiều khả năng sẽ trở thành các nền dân chủ trong hai hoặc ba thập niên tới”.
Vậy thì, “nếu Trung Quốc có thể dân chủ hóa, tại sao toàn bộ thế giới lại không?”