Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Như chúng ta đã biết, Cộng hòa La Mã đã tồn tại ổn định hàng trăm năm nhờ vào mô hình chính quyền hỗn hợp. Mô hình ấy trụ vững bởi thế cân bằng quyền lực kiềng ba chân của ba bộ phận là quan Chấp chính, Viện Nguyên lão, và Hội đồng các Century (về sau là Hội đồng Bộ lạc).
Tuy nhiên, càng về gần mốc Công nguyên, thế cân bằng ấy càng bị phá vỡ. Cộng hòa La Mã với gần 500 năm tồn tại đã âm ỉ một loạt các vấn đề như bất bình đẳng xã hội, chính quyền tham nhũng, chính trị hóa quân đội, và suy giảm các đức hạnh truyền thống. Chính những điều ấy đã khiến cho nền tảng của nền cộng hòa bị xói mòn và cuối cùng sụp đổ dưới bàn tay của những kẻ chuyên chế tiếm quyền.
Ngoại trừ tầng lớp nô lệ, xã hội La Mã phân chia thành hai đẳng cấp là giới bình dân và giới quý tộc.
Trong những năm đầu của nền cộng hòa, giới bình dân không được hưởng các quyền lợi công dân như những người quý tộc. Họ không được tham gia vào Hội đồng các Century, không được chia ruộng đất công, và cũng không được xét xử tại tòa. Trong khi đó, giới này lại là nguồn nhân lực chính tham gia vào việc sản xuất cho nền kinh tế, và cũng chiếm phần đông trong lực lượng quân sự quốc gia.
Trải qua cuộc xung đột giai cấp kéo dài gần hai thế kỷ (từ năm 494 TCN đến năm 287 TCN), cuối cùng giới bình dân cũng giành lấy được những quyền lợi pháp lý tương tự như giới quý tộc. Giờ đây, những người bình dân cùng với quý tộc đã có thể cùng tham gia vào chính trị thông qua Hội đồng Bộ lạc (Comitia Tributa) – cơ quan lập pháp chính của Cộng hòa La Mã.
Tuy nhiên, thực chất bất bình đẳng vẫn còn đó, khi phần lớn tài sản và địa vị chính trị trước nay chưa bao giờ tuột khỏi tay giới quý tộc.
Khoảng cách bất bình đẳng lại càng bị khoét sâu thêm khi nền cộng hòa này trở thành bá chủ trong khu vực Địa Trung Hải. Chiến thắng đã mang về cho La Mã một lượng lớn của cải và nô lệ, khiến cho một bộ phận quý tộc trở nên ngày một giàu có. Song song với đó, hàng hóa rẻ từ nước ngoài tràn vào La Mã khiến cho các tiểu địa chủ bị phá sản. Dòng người thất nghiệp ở nông thôn đổ ra thành phố lớn, tuy nhiên lượng công việc lại không đủ để đáp ứng. Hàng loạt vấn đề diễn tiến đã khiến cho mầm bệnh bất ổn xã hội ngày càng âm ỉ.
Rồi cũng đến lúc cơn bạo bệnh bùng phát. Nó không chỉ nổ ra trong giới bình dân, mà còn lây lan tới cả thượng tầng chính trị La Mã. Nó chia rẽ giới tinh hoa La Mã thành hai nhóm: nhóm bảo thủ (đại diện là Viện Nguyên lão) không chấp nhận bất cứ cải cách nào thách thức quyền lợi của họ, và nhóm cải cách (đại diện là các quan Hộ dân – Tribus) theo đuổi các chính sách phục vụ cho đa số người dân.
Năm 133 TCN, một vị quan Hộ dân là Tiberius Gracchus đã đưa ra dự luật cải cách ruộng đất Lex Sempronia Agraria, với ý định tái phân phối đất cho người nghèo nhằm đưa những người này quay về nông trại. Đất đai mà Gracchus đề nghị tái phân phối là đất công của quốc gia, vốn nằm dưới quyền kiểm soát của các vị nguyên lão giàu có và quyền lực.
Nhận thấy Viện Nguyên lão chắc chắn sẽ phủ quyết đề nghị này, nên để đạt được mục đích, Gracchus đã thực hiện những hành động trái với truyền thống lâu đời của nền cộng hòa. Ông đưa thẳng đề nghị của mình lên Hội đồng Bộ lạc mà không hề tham vấn Viện Nguyên lão.
Trước những hành động đầy tính thách thức của Gracchus, Viện Nguyên lão đã thao túng một vị quan Hộ dân khác là Octavius để phủ quyết dự luật này. Tuy nhiên, Gracchus lại đi kêu gọi Hội đồng Bộ lạc cách chức anh ta. Một lần nữa, hành động của Gracchus đã làm xói mòn một trong những nguyên lý trung tâm của nền cộng hòa: đó chính là tính hợp tác hành động.
Dự luật này rồi cũng được thông qua, nhưng Viện Nguyên lão từ chối cấp tiền để thực thi. Vì vậy, Gracchus lại đề xuất Hội đồng Bộ lạc thông qua một dự luật khác, đòi phải trưng thu thuế từ các khu thuộc địa mới để lấy tiền thực thi ý đồ cải cách ruộng đất của ông. Đây là lần thứ ba Gracchus thách thức truyền thống cộng hòa, bởi xưa nay việc tài chính và đối ngoại vốn thuộc về thẩm quyền của Viện Nguyên lão.
Với niềm tin rằng việc cải cách ruộng đất cần phải được tiến hành quyết liệt hơn nữa, Gracchus tuyên bố rằng ông sẽ tiếp tục làm quan Hộ dân bất chấp nhiệm kỳ sắp kết thúc. Những hành động vì dân chúng của Gracchus bấy lâu nay đã đập tan nền tảng của nền cộng hòa, và lần này là then chốt: ông phá vỡ cả nguyên lý tối cao là quyền lực phải bị giới hạn.
Vậy là, trong khi được coi như một người anh hùng của tầng lớp nhân dân đại chúng, đứng về phía quyền lợi của đa số người dân, thì Gracchus trở thành cái gai trong mắt các Nguyên lão. Cái kết rồi cũng đến khi ông và hàng trăm người ủng hộ bị giết chết ngay trong buổi tái cử của mình – và đây cũng là lần đầu tiên La Mã nổ ra một vụ xung đột đẫm máu.
Những hành động tốt đẹp song lại quá mãnh liệt của Gracchus đã phơi bày điểm yếu chí tử của nền Cộng hòa: Viện Nguyên lão không có quyền thông qua luật. Kẻ nào lợi dụng được kẽ hở này, thì kẻ ấy hoàn toàn có thể bẻ vặn cán cân quyền lực nghiêng về phía mình.
Quan trọng hơn, việc sử dụng bạo lực để đàn áp Gracchus đã đi vào đời sống chính trị La Mã, và trở thành phương tiện trong các cuộc tranh chấp quyền lực. Thói quen hợp tác lâu đời của giai cấp cai trị đã bị phá vỡ. Từ đó về sau, các tranh chấp chính trị không còn được giải quyết thông qua thương lượng nữa, mà bằng gươm đao và mạng người.
Trong khi chính quyền trung ương dần trở nên bạo lực, giới quý tộc và bình dân chia rẽ sâu sắc, thì bộ phận quản lý ở cấp địa phương cũng ngày càng tệ hại.
Tuy liên tục bành trướng và phát triển, song La Mã lại không chú tâm xây dựng một bộ máy quan liêu chuyên nghiệp để đáp ứng quy mô quốc gia. Nó vẫn sử dụng mô hình quản lý thành bang lỗi thời. Theo đó, các quan chấp chính, các pháp quan khi hết nhiệm kỳ sẽ được bổ nhiệm làm tổng đốc để quản lý các địa phương trong thời hạn một năm. Rõ ràng khoảng thời gian một năm là quá ít để các tổng đốc có thể nắm bắt văn hóa địa phương cũng như biết cách quản lý sao cho hiệu quả.
Bên cạnh đó, các tổng đốc không được đào tạo về quản trị, không được trả lương và thậm chí không bị giám sát khi quản lý. Chính vì vậy, họ buộc phải (và hoàn toàn có khả năng) tham nhũng để đảm bảo chi tiêu. Đồng thời, cũng vì không bị ai giám sát nên họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, dẫn đến việc cai trị tùy tiện.
Để khắc phục tình trạng tham nhũng tràn lan ở các địa phương, giới cai trị đã thiết lập một cơ quan để xét xử các tổng đốc tham nhũng. Tưởng chừng như hành động này có thể vớt vát được tình hình, nhưng hóa ra nó lại đẩy nạn tham nhũng tràn lên đến bộ máy cai trị trung ương. Bởi vì giờ đây, các tổng đốc lại dùng tiền tham nhũng để hối lộ cho bồi thẩm đoàn – những người vốn cũng là đồng nghiệp của họ ở Viện Nguyên lão.
Từ khi Cộng hòa La Mã được thành lập cho đến trước khi Marius tiến hành cải cách quân sự vào năm 104 TCN, họ không hề sở hữu một lực lượng quân đội chuyên nghiệp. Lúc bấy giờ, chỉ có các chủ đất mới tham gia vào quân đội. Giới bình dân (không có đất) không được phép phục vụ trong quân đội, ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp.
Vào buổi đầu ấy, các binh lính coi việc tham gia bảo vệ quốc gia là bổn phận, trách nhiệm, cũng như là một đặc quyền. Và họ trung thành với nền cộng hòa chứ không phải với các vị tướng, bởi họ là các chủ đất nên không cần dựa vào tướng lãnh để được ban cho đất đai như một khoản trợ cấp sau khi giải ngũ.
Tuy nhiên, vấn đề trở nên phức tạp khi cộng hòa ngày càng mở rộng và phải đối đầu với nhiều đối thủ nguy hiểm như người Germanic và người Celtic. Nó cần một quân đội thường trực với quy mô lớn hơn, khi mà lực lượng binh lính gồm các chủ đất hiện không đáp ứng được điều đó.
Để giải quyết vấn đề này, Marius đã bãi bỏ yêu cầu về sở hữu đất đai trong việc tuyển quân. Hành động này mở đường cho giai cấp đông đảo nhất của La Mã, tức là giới bình dân, tham gia vào quân đội. Tuy nhiên, giờ đây lại có thêm một vấn đề phát sinh, ấy là việc trợ cấp cho đội quân không ruộng đất này sau khi họ giải ngũ.
Trước đây, Viện Nguyên lão chưa bao giờ cấp đất hay có bất cứ kiểu trợ cấp nào khác cho quân đội vốn là các chủ đất. Sau cải cách, đa số quân đội là giới thường dân, và việc Viện Nguyên lão cần phải làm là thay đổi chính sách này để giữ được lòng trung thành của quân đội với nền cộng hòa.
Tuy nhiên, Viện Nguyên lão đã từ chối. Hành động này đã mở đường cho các binh lính chuyển lòng trung thành của mình sang giới tướng lãnh, mà cụ thể ở đây là Marius, khi ông lấy đất đai trao cho binh lính của mình. Lúc bấy giờ, quân đội đã không còn là lực lượng đấu tranh cho nền cộng hòa, mà họ trở thành đội quân trung thành dưới trướng vị tướng đứng đầu của họ.
Nhiều tướng lãnh khác cũng bắt chước Marius, họ dùng đất đai để thao túng quân đội nhằm theo đổi các tham vọng chính trị. Sulla và Caesar là hai vị tướng điển hình, họ dẫn dắt quân đội tiến vào La Mã để thiết lập nên nền cai trị độc tài, phá vỡ kết cấu cộng hòa truyền thống.
Trong hàng trăm năm, Cộng hòa La Mã luôn duy trì thực hành các giá trị truyền thống như danh dự, tự chủ, trung thực, và công chính. Điều này là cơ sở giúp cho nội quốc La Mã ổn định, cũng như giúp nó chiến thắng các đối thủ bên ngoài và trở thành bá chủ khu vực Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, tới tầm thế kỷ II TCN, khi các mối đe dọa bên ngoài không còn nữa, cộng với việc La Mã trở nên giàu có nhờ của cải thu được từ các thuộc địa, các giá trị đạo đức truyền thống bắt đầu dần mai một.
Sử gia Sallust cho rằng trong giai đoạn đầu và giữa của nền cộng hòa, La Mã thường xuyên bị đe dọa, điều này khiến không cá nhân nào có thể theo đuổi danh vọng và quyền lực. Nhưng sau khi chinh phục được Ý và Hy Lạp, La Mã đã loại bỏ được hai mối đe dọa chính. Giới lãnh đạo La Mã giờ đây có thể theo đuổi danh vọng cá nhân mà không cần phải bận tâm nhiều tới an nguy của nền cộng hòa nữa. Cũng vì vậy, họ dần vượt ra khỏi các chuẩn mực chính trị cộng hòa.
Các ứng viên chức vụ công ngày càng biết cách sử dụng các thủ thuật xảo trá để đạt được mục đích. Hối lộ và chính sách dân túy trở thành phương tiện quen thuộc để giành lấy quyền lực. Giới cai trị mua chuộc dân chúng thông qua các bữa tiệc, các thú vui, và các buổi trình diễn để thắng cử cũng như duy trì địa vị của mình.
Học giả cổ đại Plutarch coi Caesar là nhà dân túy thành công nhất, khi có thể giành lấy tình cảm của dân chúng bằng việc tổ chức các buổi trình diễn cũng như hối hộ quy mô lớn cho người dân. Khi nhắc đến Caesar, Plutarch viết rằng, “ông xài tiền một cách vô độ, và nhiều người nghĩ rằng ông ta đang mua danh tiếng tạm thời với cái giá quá đắt, song thực tế là ông ta đang mua vị trí giá trị nhất với một cái giá quá rẻ”. [1]
Tuy vậy, gian lận và chính sách dân túy vẫn chưa phải là thứ tệ hại duy nhất. Giới cai trị còn dùng tới bạo lực và chém giết để giành quyền lực. Những nhân vật hàng đầu đã không hề do dự khi giết chết hoặc trục xuất các đối thủ chính trị. Như trong cuộc xung đột giữa Marius và Sulla vào năm 88 TCN, Sulla đã lập ra danh sách các quý tộc theo phe Marius để vây bắt, tịch thu tài sản, và giết hại hàng ngàn người, trong đó có 90 Nguyên lão và 2600 kị sỹ.
Khi mà nền tảng đạo đức truyền thống bị xói mòn như vậy, kỳ cùng sẽ dẫn đến một nền chính trị suy đồi và những bất ổn xã hội, khiến nền cộng hòa sụp đổ.
—
Những vấn đề này đã thay đổi trật tự chính trị La Mã, phá vỡ thế cân bằng vốn có giữa ba bộ phận quân chủ, quý tộc, và dân chủ trước đây; và cuối cùng, chế độ quân chủ chuyên chế của Octavian cũng thay thế nền cộng hoà.
Sự sụp đổ của nền Cộng hòa La Mã đã để lại nhiều bài học cho người đời sau. Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu xem các nhà lập quốc Mỹ đã kế thừa những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm của Cộng hòa La Mã như thế nào khi thiết lập nền Cộng hòa Mỹ.
Chú thích:[1] John Dryden (chuyển ngữ) 2015, Plutarch, Plutarch Lives: Life of Julius Caesar, CreateSpace Independent Publishing Platform, chương 5, mục 4.
Tài liệu tham khảo: