‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Các bản hiến pháp sau không tiến bộ hơn bản Hiến pháp đầu tiên.
Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười Một năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành trên ấn bản PDF đề ngày 3/11/2022.
Cách đây hơn 70 năm, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Hiến pháp 1946.
Tuy chưa được áp dụng trên thực tế do hoàn cảnh chiến tranh, nhưng bản Hiến pháp này vẫn mang trong mình những điểm thú vị hơn hẳn các bản hiến pháp về sau.
Hiến pháp 1946 không khẳng định sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái, nhóm hội hay giai cấp nào.
Trên thực tế, trong Quốc hội khóa I có rất nhiều đảng phái và các nhóm khác nhau: Việt Minh, Việt Quốc, Việt Cách, Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ, Nhóm Mác xít.
Đảng phái bắt đầu được đề cập trong Hiến pháp 1959 với việc ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Lao động Việt Nam.
Trong lời nói đầu, Hiến pháp 1959 khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đoàn kết rộng rãi trong Mặt trận dân tộc thống nhất, nhất định sẽ giành được những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà.”
Ngoại trừ đoạn này, Hiến pháp 1959 không đề cập thêm điều gì về đảng phái. Trong thời gian Hiến pháp 1959 có hiệu lực, Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ vẫn tồn tại và hoạt động song song với Đảng Lao động Việt Nam.
Từ “Đảng” chỉ bắt đầu xuất hiện trong các điều khoản chính thức của Hiến pháp 1980. Hiến pháp 1980 không chỉ khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lời nói đầu, mà nó còn quy định cụ thể tại Điều 4. Tuy nhiên nó vẫn thừa nhận sự tồn tại của các “chính đảng” khác tại Điều 9 về Mặt trận Tổ quốc và Điều 86 về Quyền trình dự án luật ra quốc hội.
Năm 1988, Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội tuyên bố giải thể, kết thúc thời kỳ đa đảng chính thức tại Việt Nam. Đến Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013, cụm từ “chính đảng” đã không còn được sử dụng. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định trong cả lời nói đầu và tại Điều 4 của cả hai bản hiến pháp trên.
Nhìn lại 5 bản hiến pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (mà sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), Hiến pháp 1946 không có chữ “đảng” nào, Hiến pháp 1959 có 4 chữ, Hiến pháp 1980 có 15 chữ, Hiến pháp 1992 có 5 chữ và Hiến pháp 2013 có 9 chữ.
Trong Hiến pháp 1946, các quyền công dân đều được quy định rất rõ ràng. Cụ thể, quyền của công dân được quy định tại Điều 10:
“Công dân Việt Nam có quyền:
– Tự do ngôn luận
– Tự do xuất bản
– Tự do tổ chức và hội họp
– Tự do tín ngưỡng
– Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.”
Trong phần còn lại, Hiến pháp 1946 không hề đưa ra một quy định nào giới hạn các quyền công dân này. Hiến pháp 1959 cũng ghi nhận các quyền công dân tương tự Hiến pháp 1946, thậm chí còn đề cập tới các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa khác.Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất lại là việc quy định thêm một “vùng cấm” cho các quyền tự do dân chủ. Cụ thể, Điều 38 Hiến pháp 1959 quy định: “Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.” Điều này được lặp lại trong Hiến pháp 1980 (Điều 67, đoạn 3). Quy định mơ hồ này cũng được tái hiện trong hai điều luật khá nổi tiếng tại Việt Nam những năm gần đây – Điều 258 Bộ luật Hình sự 1999 và Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất lại là việc quy định thêm một “vùng cấm” cho các quyền tự do dân chủ. Cụ thể, Điều 38 Hiến pháp 1959 quy định: “Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.” Điều này được lặp lại trong Hiến pháp 1980 (Điều 67, đoạn 3). Quy định mơ hồ này cũng được tái hiện trong hai điều luật khá nổi tiếng tại Việt Nam những năm gần đây – Điều 258 Bộ luật Hình sự 1999 và Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Đến năm 1992, các quyền công dân đã được quy định chi tiết hơn và thêm một số quyền mới so với các bản hiến pháp trước. Đoạn 3 của Điều 67 Hiến pháp 1980 cũng đã được lược bỏ. Tuy nhiên, Hiến pháp 1992 vẫn có một kẽ hở khiến cho các quyền tự do của công dân có thể bị xâm phạm. Cụ thể, các quyền công dân được quy định trong Điều 68 và 69 của Hiến pháp 1992 được thực thi “theo quy định của pháp luật”.
“Điều 68
Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật.
Điều 69
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Vì “pháp luật” được hiểu là gồm cả luật và các văn bản dưới luật (như nghị định, thông tư) nên cách quy định này khiến cho các quyền của công dân có thể bị bó hẹp.
Đơn cử như Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng. Điều 6 của nghị định này cấm tập trung đông người tại nơi công cộng nếu không được phép của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Đồng thời, nó cho phép bộ máy công quyền cưỡng chế những người vi phạm phải rời khỏi địa điểm tập trung. Đây chính là cơ sở để chính quyền giải tán nhiều cuộc biểu tình tại Việt Nam những năm gần đây.
Cách quy định nêu trên vẫn còn tồn tại trong Hiến pháp 2013 với cụm từ dài hơn: “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.” Về cơ bản, quy định này vẫn giữ nguyên kẽ hở, do đó nhà nước có thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh việc thực hành quyền.
Điểm khác biệt của Hiến pháp 2013 so với các bản Hiến pháp còn lại là sự xuất hiện của cụm từ “quyền con người”, kèm theo đó là quy định về các trường hợp hạn chế “quyền con người” tại Khoản 2 Điều 14: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
Tuy nhiên, Hiến pháp 2013 cũng không giải thích hay định nghĩa cụ thể thế nào là “an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.
Hiến pháp 1946 quy định nghị viện “họp công khai, công chúng được vào nghe” và “báo chí được phép thuật lại các cuộc thảo luận và quyết nghị của Nghị viện” (Điều 30).
Quy định này hoàn toàn không xuất hiện trong các bản hiến pháp 1959, 1980 và 1992. Việc quốc hội họp công khai chỉ được quy định trở lại một cách mơ hồ trong Điều 83 của Hiến pháp 2013. Trên thực tế, kể từ sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực, người dân vẫn chưa được tự do dự thính các phiên họp quốc hội.
Mặc dù Hiến pháp 2013 quy định quốc hội họp công khai, tuy nhiên phải đợi tới tháng 11 năm 2015 thì việc tham dự của công chúng mới được quy định trong Nội quy họp quốc hội (sửa đổi). Theo Khoản 5, Điều 8 của Nội quy thì “công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội”.
Trước khi Nội quy được sửa đổi, người dân vẫn bị hạn chế trong việc dự thính các phiên họp quốc hội. Nói về điều này, trong một lần trả lời phỏng vấn các báo được VOV dẫn lại, đại biểu quốc hội khóa XIV Lê Như Tiến nhận xét: “Ta chưa làm được, chỉ dừng lại mời những người của các cơ quan có văn bản pháp luật đến nghe để chỉnh lý. Vừa qua một vài lần các em học sinh, sinh viên được vào nghị trường. Tôi từng kiến nghị nên để học sinh ở các trường vào nhiều hơn, để các em thấy được không khí hoạt động của Quốc hội và chắp cánh ước mơ làm nghị sĩ. Nên để người dân vào để hiểu hơn hoạt động của Quốc hội.”
Trong một bài trả lời phỏng vấn được đăng tải trên báo Pháp luật TP.HCM ngày 4/6/2017, Tổng thư ký Quốc hội khóa IV Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Văn phòng Quốc hội đang chuẩn bị cơ sở vật chất để người dân thực sự được quan sát, dự thính trực tiếp hoạt động của các đại biểu. Có thể kỳ họp cuối năm hoặc đầu năm sau là triển khai.”
Mặc dù đã có nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về các phiên họp quốc hội, tuy nhiên ông Phúc cho hay: “Tất nhiên như vậy là chưa đủ. Người dân, cử tri có quyền dự thính, theo dõi trực tiếp hoạt động của Quốc hội cũng như những đại biểu mà mình bầu ra. Trước đây, ở Hội trường Ba Đình cũ hay các vị trí mà Quốc hội thuê họp như hội trường Bộ Quốc phòng thì không có điều kiện tổ chức. Còn nay có Nhà Quốc hội mới thì ngay từ đầu khi thiết kế đã tính tới yêu cầu này rồi nên nội quy kỳ họp mới có một khoản để công dân có thể dự thính phiên họp công khai của Quốc hội. Nay chúng tôi hoàn thiện quy chế riêng cho việc tham quan, dự thính, rồi có thể lắp đặt thêm kính cách âm bao lơn phía trên phòng Diên Hồng, lúc đấy có thể tổ chức để người dân đăng ký vào quan sát Quốc hội làm việc.”
Như vậy, dẫu có quy định quốc hội họp công khai thì người dân cũng khó lòng dự thính, khi mà chính quyền lắp kính cách âm tại hội trường quốc hội. Như vậy, quyền tham dự phiên họp quốc hội của người dân trong Hiến pháp 2013 không hề tiến bộ hơn so với bản Hiến pháp đầu tiên.