George Soros và huyền thoại về một “Ông Kẹ” dân chủ của châu Âu
Một doanh nhân tuổi bát tuần đã trở thành một trong những người đàn ông đáng sợ nhất tại Châu Âu như thế nào?
BUCHAREST, Romania – Mùa đông năm ngoái, giữa cao trào của các cuộc biểu tình chống tham nhũng, một phát thanh viên truyền hình cáo buộc rằng George Soros – một tỷ phú chuyên làm từ thiện người Mỹ gốc Do Thái sinh ra tại Hungary – đã trả tiền thuê chó đi biểu tình.
- Lược dịch từ bài “Who’s Afraid of George Soros?” của nhà báo Emily Tamkin đăng trên báo Foreign Policy ngày 10/10/2017.
Các cuộc biểu tình ở Bucharest đã được châm ngòi bởi một dự luật phi hình sự hoá tội tham nhũng do chính quyền Romania đưa ra. Đó là những cuộc biểu tình lớn nhất tại nước này tính từ khi chính quyền cộng sản Romania sụp đổ năm 1989.
Đài truyền hình Romania TV – một cơ quan có liên kết, tuy không chính thức thuộc sở hữu, với chính quyền Romania – tố cáo là những người đi biểu tình đã được trả tiền.
“Người lớn được trả 100 lei [24 đô la Mỹ], trẻ em được trả 50 lei [12.30 đô la Mỹ], còn lũ chó được trả 30 lei [7.30 đô la Mỹ],” một phát thanh viên nói.
Một số người biểu tình phản ứng bằng cách đeo các biểu ngữ lên chó của họ; một số khác nhét tiền vào áo khoác mặc cho chó của mình. Một chú chó đứng cạnh một tấm biển ghi, “Có ai đổi giùm 30 lei sang euro giùm hông?”. Một chú chó khác mang trên người biểu ngữ viết: “George Soros trả tôi tiền để đến đây.”
“Đám phát thanh truyền hình ủng hộ chính quyền, họ luôn nói dối. Trong ba câu thì có đến năm lời nói dối rồi,” nhà báo điều tra Andrei Astefanesei bình luận với báo Foreign Policy (FP) bên ngoài một tiệm bánh mì kẹp thịt nướng ở Bucharest. “Để tôi kể cho nghe một lời nói dối đó: rằng Soros đã trả tiền cho lũ chó đi biểu tình. ‘Nếu anh mang càng nhiều chó ra đường, anh càng có nhiều tiền.” Andrei vừa cười vừa kể.
Đài Romania TV đã bị phạt tiền vì các cáo buộc sai lệch đã nêu về Soros.
Một người đàn ông và con chó của ông trong một cuộc biểu tình chống tham nhũng ở Bucharest vào tháng 2/2017. Ảnh: Daniel Mihailescu/AFP/Getty Images.
Tuy nhiên, cái ý tưởng – rằng xấp xỉ nửa triệu người Romania và lũ chó của họ xuống đường vì Soros sai khiến họ làm thế – đã gãi đúng chỗ ngứa với khá nhiều người.
Ý tưởng đó gần giống với cái ý tưởng rằng chính bản thân Soros đã có công dạy bảo cho đám học sinh trung học tại Romania về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBTQ). Hay cái ý tưởng rằng Soros đã thao túng đám thanh thiếu niên dẫn đầu các cuộc tuần hành chống tham nhũng tại Slovakia. Hay cái ý tưởng rằng các tổ chức dân sự và những gì ít ỏi còn lại của giới truyền thông độc lập của Hungary không thể tồn tại mà không có Soros và Quỹ Xã hội Mở (Open Society Foundations) của ông ta.
Cái ý tưởng rằng ông già 87 tuổi Soros đang một tay khuấy động phong trào phản kháng không chỉ có ở Châu Âu, mà là một hiện tượng toàn cầu. Trên Twitter, Soros còn bị quy trách nhiệm cho sự kiện trưng cầu dân ý đòi độc lập của xứ Catalonia và cả vụ xả xúng giết người hàng loạt mới đây ở Las Vegas.
Nhưng một số trong những nơi mà mối nghi ngờ dành cho Soros thể hiện rõ ràng nhất chính là các vùng Trung và Đông Âu.
Ở những nơi đó, Soros khá giống với bảo bối Chiếc gương Ảo ảnh (Mirror of Erised) trong truyện Harry Potter. Nhưng trong khi trong truyện đó bảo bối hư cấu này làm hiển hiện lên những mong ước cháy bỏng nhất của người đứng trước gương, thì ngoài đời George Soros phản chiếu những gì mà một đất nước căm ghét nhất.
Tại Romania, nơi mà lãnh tụ đảng cầm quyền quốc gia từng nói rằng Soros chỉ muốn làm việc ác, vị tỷ phú này không được xem là đáng tin tưởng bởi vì ông là một người Hungary.
Tại Hungary, quê hương ông, Soros lại bị xem là một kẻ phản bội.
Và ở mọi nơi khác, Soros là một người Do Thái. Ngay chính cái tên ông đã gợi lên tinh thần bài Do Thái vốn đã luôn ăn sâu bén rễ trong cả khu vực Đông Âu.
“George Soros đã mua được nhiều người và nhiều tổ chức, và Brussels (thủ phủ liên minh Châu Âu (EU) – ND) cũng nằm dưới ảnh hưởng của ông ta,” Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu trong một buổi phỏng vấn. “Họ muốn phá hủy hàng rào kẽm gai và cho phép hàng triệu dân nhập cư vào Châu Âu, sau đó phân phối đám người này theo một cơ chế ép buộc – và họ muốn trừng phạt những ai không tuân thủ cơ chế đó.”
Soros từ chối trả lời phỏng vấn cho bài báo này của FP, nhưng một phát ngôn viên của Quỹ Xã hội Mở, cơ quan chính điều hành các nỗ lực thiện nguyện của Soros, đã giải thích các chống đối dành cho Soros bằng một lý do: tính thẳng thắn lên tiếng của ông ta.
“Ông ta là một người sẵn sàng đứng lên vì những gì mình tin tưởng,” Laura Silber, một phát ngôn viên của Quỹ Xã hội Mở, chia sẻ với báo FP. “[Những chống đối đó] là những đe dọa phải gặp mỗi khi bạn lên tiếng chống lại những kẻ chuyên quyền hay tham nhũng.”
Những lời đổ tội đầy căm ghét dành cho Soros chính là, mượn lời Karl Marx và Friedrich Engels, một bóng ma (spectre) đang ám ảnh Trung và Đông Âu.
Thế nhưng vị tỷ phú 87 tuổi sống cách xa khu vực đó hàng nghìn dặm đã trở thành bóng ma nổi tiếng nhất ở đó như thế nào?
Trung tuần tháng 10 vừa qua, Soros tuyên bố đã chuyển 18 tỷ USD tài sản cá nhân cho Quỹ Xã hội mở của ông. Ảnh: The New York Times.
Soros bắt đầu công việc từ thiện của ông không phải ở Trung và Đông Âu mà ở Nam Phi trong thời kỳ Apartheid (chế độ phân biệt chủng tộc của Nam Phi tồn tại từ 1948 tới 1991 – ND), cụ thể là năm 1979.
Ở đó, Soros trao học bổng cho một số công dân Nam Phi người da đen để họ vào học trường đại học Cape Town của nước này. Năm năm sau, vào năm 1984, ông ta mới mở cơ sở đầu tiên của Quỹ Xã hội Mở tại Châu Âu ở Hungary.
Tên của quỹ từ thiện này có gốc gác từ cuốn sách của Karl Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó (The Open Society and Its Enemies). Soros gặp Popper khi còn là một sinh viên trường Kinh Tế Chính Trị London (London School of Economics) hàng thập niên trước đó. Và rõ ràng là Soros đã tiếp nhận tư tưởng của nhà triết học Karl Popper sâu sắc tới mức ông đặt tên quỹ từ thiện của mình như vậy.
Soros thiết lập mạng lưới các tổ chức của Quỹ Xã hội Mở trên khắp Trung và Đông Âu một phần là vì ông ta lo lắng về hiện tượng chảy máu chất xám. Theo như Jan Orlovsky, trưởng chi nhánh Quỹ Xã hội Mở tại Slovakia, Soros muốn rằng khu vực Châu Âu này phải là một nơi mà người ta thấy rằng họ có thể ở lâu dài – và ở lâu dài trong những xã hội tự do dân chủ (liberal democratic societies). “Tôi không muốn người ta cảm thấy rằng họ phải rời đi,” Orlovsky diễn giải suy nghĩ của Soros như thế.
Tại Slovakia, các tổ chức phi chính phủ (Non-governmental organisations (NGOs)) do Quỹ Xã hội Mở hỗ trợ đã tạo ra chiến dịch “Rung chuyển bằng lá phiếu” (Rock the Vote) năm 1998 khuyến khích thêm người dân đi bầu và dùng lá phiếu loại bỏ Thủ tướng đương nhiệm Vladimir Meciar – nhân vật giới chỉ trích cho rằng đã tạo điều kiện biến Slovakia thành một nhà nước mafia.
Paul Stubbs, một học giả người Anh sống tại Croatia, bình luận rằng một chỉ trích giành cho Soros trong giai đoạn đó chính là nhà từ thiện này đã muốn làm một tay chơi chính trị trong khu vực, và ông ta đã ‘chơi’ bằng cách trao hàng đống tiền vào tay giới tinh hoa địa phương.
“Các thể loại nhân vật được Soros hỗ trợ, những kẻ thường điều hành các chi nhánh Quỹ Xã hội Mở tại địa phương… đã được trao đặc biệt nhiều quyền tự quyết” trong khoảng giữa và sau của thập niên 1990, Stubbs kể.
Trong những năm 90, cái ý tưởng rằng Quỹ Xã hội Mở và Soros có một số ảnh hưởng chính trị, cho dù là gián tiếp, lúc đó không hẳn chỉ là một ý tưởng do các nhà cầm quyền trong khu vực tưởng tượng ra.
Những nhóm được Soros hỗ trợ tài chính là các nhóm tinh hoa địa phương, thỉnh thoảng chống đối những ai đang cầm quyền, và thường là, gọi theo cách của Stubbs, mượn ý từ nhà xã hội học người Mỹ Janine Wedel, “những tác nhân Flexian” (flex actors) – những con người luôn chọn nói những điều ‘đúng đắn’ cho bất kỳ những ai đang nghe họ, với mục đích giành thêm quyền lực và ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tiền của Soros cũng đồng thời giúp đưa các ý tưởng phương Tây đến với người dân, ngay cả khi những ý tưởng đó không được chấp nhận trong nước.
Roxana Marin là một giáo viên trung học và là một người vận động ủng hộ quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới và quyền của người Di-gan, đã từng được Soros hỗ trợ vào những năm 90. Khi ấy, Marin đã được đến Scotland một tháng bằng tiền trợ cấp từ Soros. Soros và tiền của ông ta đã ở khắp mọi nơi vào thời điểm đó.
“Soros thật sự là một cái tên mang tính biểu tượng,” Marin nhận xét.
Nhưng tính biểu tượng đó có những ý nghĩa khác nhau cho những nhóm người khác nhau.
Với những ai đã từng nhận “trợ cấp Soros”, ông ta là một biểu tượng vì ông đã giúp họ được đi ra khỏi đất nước mình lần đầu tiên, thỉnh thoảng bằng những khoản tiền còn nhiều hơn bất kỳ số tiền nào họ từng có trong đời, và giúp họ được học về những ý tưởng mà họ chưa bao giờ biết đến.
Nhưng với những ai chưa bao giờ nhận “trợ cấp Soros”, ông ta là một nhân vật huyền bí gốc Hungary (mà ở Romania, vốn được xem là một điều bất chính) có những khoản tiền đáng kinh ngạc, một nhân vật chịu trách nhiệm cho việc phổ biến các ý tưởng nước ngoài vào trong nước. Soros không đáng tin cậy.
Marin đã ở Scotland đúng một tháng. Khi ấy cô vừa tròn 25 tuổi, cầm trong tay khoản tiền trợ cấp Soros còn nhiều hơn bất kỳ khoản tiền nào cô từng có.
“Chuyến đi đã làm thay đổi cái nhìn của tôi về việc dạy, việc học, về xã hội, về đủ thứ linh tinh trên trời dưới đất. Và đó là lần đầu tiên tôi rời Romania,” Marin kể.
Điều đó là sự thật với nhiều con người sống trong những năm 90. “Bất kỳ ai [được nhận một khoản trợ cấp như vậy] đều tỏ cùng thái độ: “Ồ đúng rồi tôi nhớ cái khoản trợ cấp Soros của tôi, chuyến du hành Soros của tôi.””
Dù gì thì tại nguyên quán của mình, ít nhất là Soros cũng đã được trọng vọng trong những năm 90. Soros đã được vinh danh tại Hungary khi ông thành lập trường Đại học Trung Âu (Central European University), ủng hộ tiền nong cho các tổ chức phi chính phủ, và trao nhiều học bổng cho các sinh viên. Một trong những học bổng ông trao, vào những năm 80, đã đưa một chàng trai trẻ tên là Viktor Orban đến học tại trường đại học Oxford của Anh.
Đại học Trung Âu ở Budapest, Hungary là một sản phẩm trực tiếp của Quỹ Xã hội mở của tỷ phú Soros. Ảnh: CEU.
Trong thập niên đầu tiên của những năm 2000, Soros đã được chào đón nồng nhiệt tại các khu vực Trung và Đông Âu. Mục tiêu của tổ chức của ông, các xã hội mở và sự hội nhập với phương Tây, có vẻ đang dần đạt được. Các chi nhánh của Quỹ Xã hội Mở trong khu vực tài trợ tiền nong cho các tổ chức phi chính phủ, các hội nhóm tranh luận của sinh viên, và các khoá học.
Năm 2004, các nước khu vực Baltic, cùng với Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia gia nhập Liên minh Châu Âu (European Union – EU). Romania và Bulgaria gia nhập theo sau vào năm 2007.
Tại các nước khác mà Soros hoạt động, các thay đổi xã hội còn đến theo những cách ấn tượng hơn. Tại Georgia, cuộc cách mạng Hoa Hồng (Rose Revolution) dẫn đến việc chính phủ Eduard Shevardnadze mất quyền lực. Soros đã từng phê bình Shevarnadze. Quỹ Xã hội Mở tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ và các tác nhân dân sự ủng hộ cuộc cách mạng. Soros cũng trả tiền cho công tác giám sát minh bạch bầu cử.
Năm 2004, cuộc cách mạng Cam ở Ukraine, một đất nước khác mà Soros hoạt động, dẫn đến sự sụp đổ của một nhà lãnh đạo chuyên quyền do Kremlin hậu thuẫn.
Soros đã được xem là một yếu tố trong cả hai cuộc cách mạng, thường được gọi là cách mạng màu, nói trên.
“George Soros đã làm công việc của ông ta rất tốt tại nhiều nơi – ông ta đã ủng hộ cuộc cách mạng Hoa Hồng, các nhóm hoạt động trẻ,” Mikheil Saakashvili, người trở thành tổng thống Georgia sau cuộc cách mạng, nhận xét. “Rõ ràng là vào thời điểm đó, ông ta đã là một đồng minh rất tự nhiên của chúng tôi.”
Thực tế là, một thành viên nội các của Saakashvili, Alexander Lomaia, đã từng là giám đốc điều hành chi nhánh Quỹ Xã hội Mở tại Georgia. Việc đó cho thấy những mối dây liên kết chặt chẽ giữa những người ủng hộ cách mạng Hoa Hồng và những công tác từ thiện của vị tỷ phú người Hungary.
Soros rất tài trong việc ‘chăm nuôi’ những thể loại phong trào quần chúng giống vậy, Sakaashvili nhìn nhận. Tuy nhiên, vị cựu tổng thống Georgia này cũng có vẻ dè chừng về khả năng Soros muốn làm nhiều hơn thế. “Khi ông ta bắt đầu chơi trò chơi chính trị, ông ta không còn tốt nữa,” Sakaashvili nói.
Công Soros trong cuộc cách mạng Hoa Hồng lớn đến đâu còn là vấn đề phải tranh luận. “Vai trò của Quỹ Xã hội Mở – và vai trò của riêng tôi – đã thường bị thổi phổng,” Soros phát biểu tại Georgia năm 2005. “Tôi cho rằng các bạn ở đây phải biết rằng, hơn bất kỳ ai hết, cuộc cách mạng Hoa Hồng là thành quả của xã hội Georgia.”
George Soros được Tổng thống Ukraine trao Huân chương Tự do năm 2015 vì những đóng góp của ông cho việc kiến tạo dân chủ ở nước này. Ảnh: president.gov.ua.
Tuy nhiên, ngay cả khi những thành quả của Soros có vẻ đang mang lại lãi ròng, tình hình chính trị các nước ông đã có hoạt động từ thiện đều đã có thay đổi, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
“Phần lớn các nước tại đây đều đã và đang có những thiết chế chính trị dân chủ mong manh,” một cựu chính trị gia giấu tên nhận xét. “Trước khi những thiết chế đó được củng cố thì lại xảy ra khủng hoảng tài chính, nó phá hỏng cả quá trình thiết lập dân chủ.”
Cuộc khủng hoảng đó cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc ‘bôi đen’ bất kỳ ai có liên quan đến giới tài chính, ví dụ như một vị tỷ phú.
Về phần mình, Soros phản ứng bằng cách đóng góp 10 triệu USD cho các khu vực Trung và Đông Âu để giúp người dân và các tổ chức phi chính phủ phục hồi.
Tuy nhiên, vào năm 2012, tổng hành dinh Quỹ Xã hội Mở đã đưa ra quyết định là họ sẽ giảm tài trợ cho các nhánh tổ chức trong khu vực. Các tổ chức địa phương sẽ nhận tài trợ đủ để hoạt động thêm vài năm, và sau đó, họ sẽ không còn được nhận những khoản tài trợ ổn định như họ đã có trong quá khứ.
Soros giảm tài trợ cho các tổ chức trong khu vực vì, trong mắt ông, nhiệm vụ đã hoàn thành, Gabriel Petrescu chia sẻ như thế với FP tại trụ sở văn phòng ông này tại Bucharest. Trụ sở này nhìn ra một quảng trường nơi hàng trăm ngàn người đã biểu tình chống tham nhũng mùa đông năm ngoài, và là nơi những chú chó mang biển hiệu đã từng đứng.
“Ông ta nói rằng giờ chúng tôi đã là thành viên EU,” Petrescu – người quản lý Quỹ Serendinno, vốn từng là chi nhánh Romania của Quỹ Xã hội Mở – giải thích thêm. “Ông ta đã hoàn thành nhiệm vụ của mình là khai mở các đất nước trong khu vực.”
Một biển quảng bá cho khảo sát quốc gia về Soros của chính phủ Hungary vào tháng 07/2017 (Ảnh: Attila Kisbenedek/AFP/Getty Images)
Ngay cả khi Soros đang rút dần ra khỏi Đông Âu, bối cảnh địa chính trị khu vực này đang chuyển vần dưới chân ông.
Năm 2010, Orban, người từng chịu ơn Soros, một lần nữa trở thành thủ tướng Hungary trong vai trò thành viên đảng bảo thủ Fidesz. Hai năm sau đó, Robert Fico trở lại ghế thủ tướng Slovakia. Năm 2015, Liviu Dragnea trở thành lãnh tụ đảng Dân Chủ Xã Hội của Romania. Cùng năm, đảng bảo thủ Luật Pháp và Công Lý của Ba Lan, do đại biểu quốc hội Jaroslaw Jaroslaw Kaczynski, trở lại nắm quyền. Kaczynski từng cáo buộc rằng Soros đang tìm cách phá hoại các xã hội truyền thống.
Các lãnh đạo lên nắm quyền nói trên đều đến sau cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khi mà người dân các nước đã bắt đầu nghĩ rằng Liên minh Châu Âu không giống như những gì được hứa hẹn, và có lẽ liên minh đó lại còn là một hiểm họa cho lối sống của họ.
Những nhà lãnh đạo đó lên cầm quyền bởi vì “nền dân chủ tự do bây giờ được xem là thứ ác độc”, Orlovsky, người quản lý chi nhánh Slovakia của Quỹ Xã hội Mở nhận xét.
Tuy nhiên, vào năm 2012, khi người dân đã bắt đầu cảm thấy vỡ mộng với Thủ tướng Orban, và trong cảnh không thật sự có một đối thủ chính trị thực sự, vị thủ tướng này đã chuyển sự chú ý của mình đến nhà tỷ phú Soros. Việc này một phần cũng là vì bản thân Orban đã từng phụ thuộc vào Soros và tiền của ông ta.
“Orban, trong khi ông ta bắt đầu dần dần trở nên độc đoán và càng ngày càng theo khuynh hướng ít tự do hơn, đã bắt đầu thù ghét Soros và khước từ những gì liên quan đến Soros trong quá khứ của ông ta, khi mà ông ta đã được hỗ trợ bởi một con người vốn tin vào các xã hội mở. Một phần của vụ việc này mang tính cá nhân.” Vị cựu chính trị gia người Hungary nhận xét.
Đại sứ quán Hungary tại Washington phủ nhận các khẳng định này. “Khẳng định này hoàn toàn vô lý,” một phát ngôn viên viết trong một email gửi FP. “Chính phủ Hungary đang có một mâu thuẫn với ông George Soros, bởi vì ông ta ủng hộ nhập cư, trong khi chính phủ Hungary thì muốn chặn nhập cư.”
Nhưng Soros dù gì thì cũng đang bị khắc họa là một người Hungary đã phản bội đất nước Hungary, một tay kinh tài giàu có với những đồng tiền bẩn, một tay người Mỹ, và quan trọng hơn, một tên Do Thái.
Người ta đã in hình khuôn mặt Soros lên những tấm biển đặt tại các trạm dừng xe buýt kèm theo lời tựa “Hãy ngăn cản Soros”. Đó là một phần chiến dịch của chính phủ Hungary. Ảnh chân dung Soros cũng nằm trên các quảng cáo quảng bá khảo sát quốc gia trên hàng loạt mặt báo tại Hungary.
Đảng cầm quyền của Hungary thì hiện nay đang đàn áp các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ nước ngoài. Nhiều tổ chức trong số đó thực sự đã nhận tiền từ Quỹ Xã hội Mở.
Quốc hội Hungary thì đã thông qua một đạo luật chống lại các trường đại học có liên kết hợp tác với nước ngoài. Trong động thái này, chính phủ khẳng định không hề liên quan đến Soros, người đã thành lập trường đại học Trung Âu tại Budapest năm 1991.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người từng được học bổng của Soros, luôn coi Soros như kẻ thù của chế độ. Ảnh: Halsey News.
Những thứ tương tự cũng đang diễn ra tại Romania, nơi Dragnea và đảng cầm quyền của ông ta đổ trách nhiệm về các vấn đề của đất nước lên đầu Soros.
“Với mấy gã trong chính phủ, rõ ràng là Soros không phải là một mối đe dọa, nhưng họ đang sử dụng ông ta – vì, bạn biết đấy, trong các cuộc bầu cử các đảng đối lập rất yếu.” Petrescu, người điều hành Quỹ Serendinno, nhận xét.
Petrescu giải thích rằng, đảng cầm quyền không muốn dựng phe đối lập lên bằng cách xem phe đối lập là kẻ thù chính, vì việc đó sẽ biến phe đối lập thành một hiểm họa chính thức của đảng cầm quyền. Vì vậy, đảng cầm quyền tìm đến Soros. Không phải Soros người đàn ông 87 tuổi, mà Soros nhân vật huyền bí.
“Bọn họ phải sáng tạo ra một bóng ma. Bóng ma đó phải được phóng to lên. Bạn có thể tìm ra chứng cứ cho việc ông ta tham gia vào vài hoạt động, và bản thân ông ta có một câu chuyện, và thế là họ phát hiện ra Soros chính là ứng cử viên hoàn hảo. Chính Orban cũng đã làm điều tương tự,” Petrescu nhận xét.
Một số tổ chức phi chính phủ đang bị cáo buộc là những con rối của Soros trên thực tế đúng là có nhận tài trợ của Quỹ Xã hội Mở. Nhưng một số tổ chức phi chính phủ bị cáo buộc có liên kết với Soros thực sự lại không hề có.
Tại Bucharest, Cosmin Pojoranu, người phụ trách truyền thông cho một tổ chức phi chính phủ là Funky Citizens chuyên giúp nâng cao hoạt động công dân của người Romania, cho FP biết rằng ông đã bị gọi là một con rối của Soros.
“Người ta còn không hề biết rằng có cả một quy trình xét duyệt mang tính cạnh tranh phải vượt qua trước khi được xét duyệt tài trợ, phải đi ra ngoài tìm tài trợ, phải điền giấy tờ đơn từ. Không phải là tôi có một cái điện thoại đâu đó mà tôi gọi cái là nói chuyện được với Soros,” Pojoranu nói. Ông xác nhận tổ chức của mình có nhận tài trợ từ nước ngoài nhưng cho rằng đó không phải là một vấn đề.
“Người ta tưởng tượng là “năm gã ngồi trong một căn hộ có thể thích là gọi cho Soros. Ông Soros, tôi nói thật, ổng quá già rồi,” Pojoranu lớn tiếng. Ông đã quá mệt mỏi với các cáo buộc rằng các tổ chức phi chính phủ đang bị thao túng. “Nếu mấy người không có chứng cứ rõ ràng, thì xin biến đi giùm.”
Tuy nhiên, trong thực tế thì việc có bằng chứng rõ ràng hay không không quan trọng, vì hoạt động của các tổ chức phi chính phủ sẽ luôn bị công kích bất kể hoàn cảnh.
Người đàn ông Soros có thể không còn nhiều ảnh hưởng trong khu vực như ông ta từng có, thế nhưng Soros nhân vật huyền bí, bóng ma, ngôi sao trong mọi âm mưu, thì vẫn hiển hiện lớn hơn bao giờ hết.
“Giá trị quan trọng nhất của các tổ chức phi chính phủ, đồng thời cũng là lý do tại sao các công dân tin tưởng các tổ chức này, chính là tính đáng tin cậy (credibility) của các tổ chức đó,” Sandor Lederer, một nhà hoạt động chống tham nhũng tại Hungary, bình luận. “Việc có thể làm để đánh đổ tính đáng tin cậy đó chính là cho thấy rằng các tổ chức phi chính phủ chỉ là những con rối trong tay các nhóm lợi ích.”
Tác giả Emily Tamkin là nhà báo của Foreign Policy chuyên viết về mảng các hoạt động ngoại giao và hoạt động các tòa đại sứ tại Washington (@emilyctamkin)