Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Những tranh cãi về ngày sinh thật sự của Chúa Giê-su giữa các nhà thần học và các sử gia dường như luôn tồn tại và tiếp diễn. Tuy thế, hơn một tỉ tín đồ Công giáo vẫn hân hoan đón chào ngày sinh của đấng mà họ xem là vì cứu chuộc thế gian mà đến, vào nửa đêm 24 tháng 12 hằng năm.
Tranh vẽ Chúa Giê-su qua các thời kỳ. Ảnh: National Geographic
Cuộc đời của Chúa Giê-su và thông điệp kêu gọi con người hãy biết tha thứ cho nhau, yêu thương nhau không chỉ được truyền tụng trong 2.000 năm qua giữa những người Kitô hữu (Christians), mà đó còn là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà đấu tranh nhân quyền trên thế giới. Mục sư Martin Luther King, Jr. hay Đức Đạt Lai Lạt Ma đều đã từng trích dẫn và ngợi ca Chúa Giê-su trong công cuộc đấu tranh của riêng họ.
Cây thông, và cảnh dựng lại máng cỏ hang lừa Bethlehem nơi Chúa Giê-su chào đời trước thánh đường St. Peter’s Basilica, Rome. Ảnh: ABC News.
Một hài nhi của một gia đình Do Thái nghèo khó ở vùng Galilee, cha mẹ vì bị truy đuổi bởi chính quyền La Mã dưới thời Vua Herod nên đã lưu lạc đến Bethlehem để rồi phải sinh con trong máng cỏ hang lừa. Đó là lời dẫn mở đầu cho câu chuyện mang đến niềm tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho hàng tỉ người trong hai thiên niên kỷ qua.
Tranh vẽ “Thiên thần Gabriel báo tin cho Đức Mẹ Maria” (L’Annonciation) của danh họa Philippe de Champagne (1644). Ảnh: Wiki Commons.
Theo Phúc Âm của Thánh Luca (Saint Luke), thiên thần Gabriel mang tin mừng đến với Đức Mẹ Maria, là bà sẽ thụ thai con của Chúa Trời.
Và khi Chúa Giê-su chào đời tại máng cỏ, trong hang đá ở Bethlehem vào lúc nửa đêm, thiên thần Gabriel lại xuất hiện và hát vang: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”.
Tranh vẽ “Các mục đồng đến chúc tụng hài nhi Giê-su” (Adoration of the Shepards) của danh họa Tây Ban Nha – Bartolomé Esteban Murillo. Ảnh: Wikicommons.
Ở nơi xa xôi, hẻo lánh như hang đá ở Bethlehem năm ấy, vốn chỉ có các mục đồng – là những người chăn súc vật trong vùng – sống quanh. Và vì vậy, cũng chỉ có họ là những người đầu tiên đến đón mừng hài nhi Giê-su.
Cũng theo Phúc Âm, những mục đồng ấy đã nhận được quà tặng từ Thiên Chúa là sự tỉnh thức, tính khiêm nhường, đức tin, sự vâng lời và khó nghèo. Và đó cũng là những phẩm giá hàng đầu cho một người Kitô hữu (Christian) về sau này.
Tranh vẽ “Ba nhà Thông thái đến tặng quà cho hài nhi Giê-su” (Adoration of the Magi) của danh họa Hà Lan Rembrandt (1632).
Tin mừng của Thánh Mathew kể thêm, không chỉ những mục đồng mà còn có ba nhà thông thái (magis) từ phương Đông đã theo ánh sáng của vì sao mà tìm đến để tặng quà cho hài nhi Giê-su.
Từ thế kỷ 15, Tin mừng của Thánh Luca và Mathew thường được gộp chung trong các tranh vẽ. Nên câu chuyện minh hoạ về ngày Giê-su giáng sinh thông thường sẽ có hình ảnh của cả mục đồng lẫn các nhà thông thái đến chúc tụng. Đây cũng là một phần lý do người ta thường dùng để giải thích tập tục tặng quà cho nhau ngày Giáng sinh.
Ảnh: Ngôi sao bạc tượng trưng cho nơi được tin là Chúa Giê-su đã sinh ra, tại nhà thờ Church of Nativity ở Bethlehem. Ảnh: Encircle.
Có lẽ, vì hình ảnh của Chúa Giê-su trong Kinh Thánh và sách Phúc Âm do các Thánh tông đồ ghi chép về sau đều rất gần gũi với người nghèo – tức là đa số bình dân bá tánh ở bất kỳ đâu – nên họ luôn dễ dàng nhận thức được và tìm thấy niềm tin vào những gì Giê-su dạy.
Đó là, tất cả những oan ức, nhọc nhằn và đau khổ ở thế gian đều sẽ được đền bù đầy đủ cho những ai sống và làm theo lời Chúa: Yêu mến tha nhân, tha thứ cho kẻ thù, và giúp đỡ lẫn nhau truyền bá Tin mừng.
Giáo đồ Chính thống giáo Ethiopia mừng lễ Giáng sinh trong đầu tháng Giêng. Ảnh: Getty images.
Tuy nhiên, cuộc đời của Chúa Giê-su là một đề tài gây tranh cãi ngay cả ở giữa các tôn giáo của người Kitô hữu, chứ không hẳn chỉ là từ những người ngoại đạo.
Hiện nay, đối với các tôn giáo bắt nguồn từ công cuộc truyền đạo của Chúa Giê-su, thì việc tranh cãi thường xoay quanh các ghi chép về Giê-su và vị trí của ngài trong đức tin, chứ không hề phủ định hoàn toàn cuộc đời Giê-su trong lịch sử.
Khung cảnh ăn mừng Giáng sinh ở Bethlehem ngày nay. Ảnh: Israel Today.
Một ví dụ điển hình là việc ăn mừng ngày Chúa Giê-su ra đời được cử hành ở những ngày khác nhau bởi các tôn giáo, thậm chí là ngay tại vùng đất thánh Bethlehem. Người Công giáo La Mã và Kháng cách giáo (Protestants) ăn mừng vào ngày 25 tháng 12. Người Chính thống giáo (Orthodox Christians) ăn mừng vào ngày 7 tháng Giêng, và người Armenians thì vào ngày 6 tháng Giêng (hoặc ngày 18 tháng Giêng nếu họ ở trên Đất Thánh – Holy Land).
Các linh mục trước nhà thờ Nativity ở Bethlehem trong ngày Giáng sinh năm 2015. Ảnh: israel21c.org.
Nhà thờ Nativity (Church of Nativity) ở Bethlehem vẫn là một trong những thánh địa mà người tin vào Giê-su, bất kể là thuộc Công giáo La Mã hay Công giáo Chính thống, đều đến hành hương vô cùng tấp nập hằng năm.
Nhà thờ này được xây dựng vào những năm 330 sau Công nguyên, khi Hoàng đế Constantine của La Mã cải đạo và trở thành Hoàng đế theo đạo Công giáo đầu tiên trong lịch sử.
Một món trang sức tuyên xưng đức tin về Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria của Thượng phụ Theophilos III – người đứng đầu Chính thống giáo Hy lạp toàn vùng Jerusalem và Palestine hiện thời. Ảnh: National Geographic.
Còn đối với những ai không theo đạo, thì các câu chuyện mang đầy tính thần thánh hóa trong Tin mừng về Chúa Giê-su đã ra đời như thế nào, cũng như những phép lạ được lưu truyền về Giê-su – như chữa lành mắt cho người mù, hay khiến kẻ chết sống lại – càng làm tăng hoài nghi về sự hiện hữu của Giê-su trong lịch sử.
Di tích về hồ Bethesda – nơi được ghi chép trong Phúc Âm của Thánh Gioan (Saint John) là Chúa Giê-su đã chữa khỏi cho một bệnh nhân bị liệt. Ảnh: National Geographic.
Thế nhưng, theo giáo sư Khảo cổ học và Do Thái học – Eric Meyers – của Đại học Duke, tuy có rất nhiều tranh cãi xung quanh các dữ liệu về cuộc đời của Giê-su, nhưng không có “bất kỳ học giả nào thực sự nghi ngờ Giê-su không phải là một nhân vật lịch sử”.
Dấu tích lăng mộ Chúa Giê-su ở Nhà thờ Holy Sepulchre tại Jerusalem. Ảnh: Chụp màn hình từ video clip của National Geographic.
Giáo sư Byron McCane của Đại học Florida Atlantic cũng cho rằng, những nghi ngờ về các phép màu của Chúa Giê-su không đủ làm lý do để kết luận Giê-su chỉ là nhân vật thần thoại và chưa bao giờ thật sự xuất hiện.
Một số kết luận từ các cuộc khảo cổ gần đây đã giúp chứng minh phần nào yếu tố lịch sử trong cuộc đời Chúa Giê-su theo những ghi chép trong sách Phúc Âm.
Biển hồ Galilee, nơi Phúc Âm ghi chép Chúa Giê-su đã làm phép lạ chặn đứng cơn bão và đi trên nước. Ảnh: Getty images.
Nếu như ở Bethlehem, việc tìm kiếm các dấu vết lịch sử về một Giê-su có vẻ gặp khó khăn, thì công việc đó có thể trở nên dễ dàng hơn tại vùng Galilee – nơi mà Phúc Âm đã ghi lại về một Giê-su của thành Nazareth.
Từ một người con trong một gia đình nông dân bần hàn ở thành Nazareth vùng Galilee, vào năm 30 tuổi, anh thợ mộc Giê-su đã nhận bí tích rửa tội từ Thánh Gioan Tẩy rửa (John the Baptist) tại bờ sông Jordan là nơi nối với Biển hồ Galilee (Sea of Galilee).
Một trong những tàn tích ở Capernaum cho thấy một ngôi đền có thể đã từng được Chúa Giê-su ghé qua. Gần đó là di tích vừa được các nhà khảo cổ tìm được và cho là nhà của một trong những vị thánh tông đồ đầu tiên, Thánh Peter.
Theo Phúc Âm, chính sau khi nhận được phép rửa thì công cuộc truyền giáo của Chúa Giê-su mới được xem là bắt đầu. Làng đánh cá Capernaum gần Biển hồ Galilee là nơi mà Giê-su đã thu nhận những môn đệ đầu tiên, là hai Thánh Peter và Andrew.
Tàn tích Herodium – một trong những pháo đài kiên cố tượng trưng cho sự áp bức của người La Mã lên người Do Thái thời vua Herod, người đã cai trị dân Do Thái trong thời gian Giê-su được xem là đã tồn tại. Ảnh: National Geographic.
Cuộc đời, sự nghiệp và cái chết của Chúa Giê-su vốn là một câu chuyện được kể về một người đàn ông sinh ra, lớn lên rồi chết đi trong khiêm nhường.
Giê-su của thành Nazareth, người xứ Galilee, đã trưởng thành trong một cộng đồng bị nô lệ và áp bức hàng nghìn năm. Ngài lớn lên cùng với những người nghèo khổ, bần cùng của đáy xã hội. Vì không chấp nhận những điều bất công, mà ngài đã đứng lên, đi từ Galilee đến Jerusalem để kêu gọi chống lại chúng, và phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Tàn tích từ một đền thờ của người Do thái cổ đại vừa được khai quật tại thành phố Magdalene – nơi mà trong Kinh Thánh đã viết, Chúa Giê-su đã từng ghé qua. Ảnh: National Geographic.
Vậy nên, giữa vô vàn những tranh cãi về cuộc đời và sự nghiệp của Chúa Giê-su, có một số học giả mạnh dạn cho rằng, hãy bỏ qua các yếu tố thần thánh hóa và tôn giáo để nhìn nhận Giê-su như là một người dám đấu tranh cho thay đổi xã hội – và thậm chí là thay đổi cả chế độ – có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử.
Di tích được xem là Vườn Cây dầu (Gethsemani) ở Jerusalem, nơi Chúa Giê-su cầu nguyện đêm cuối cùng trước khi bị người La Ma bắt. Ảnh: National Geographic.
Ngay trong Phúc Âm cũng kể lại phần rất con người của Chúa Giê-su. Ngài đã nếm trải nỗi sợ hãi tột cùng lúc đối diện một cái chết bi thảm được dự báo trước trong đêm cầu nguyện ở Vườn Cây dầu (Gethsemani), (ở ngoại ô Jerusalem ngày nay) cũng như chấp nhận giây phút chạm tận đáy của sự tuyệt vọng khi chịu nạn trên thập giá.
Hang đá do người tị nạn Việt Nam dựng ở Trại 2 – Dangrek ở biên giới Việt-Cambodia trong một mùa Noel thập niên 1980. Ảnh: Trinh Huy Chuong.
Nhưng cũng chính cái chết đầy thống khổ, kết thúc một cuộc đời nghèo khó và khiêm nhường của Chúa Giê-su lại truyền cảm hứng cho nhân loại mãi đến tận hàng nghìn năm sau, để vẫn luôn có người vì tin vào lời dạy của Ngài mà đứng lên chống lại bất công.
Như Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói:
“Giê-su là hình mẫu của một vị có đức tin cao cả, một con người tử tế cùng một trái tim nhân ái”.
Tài liệu tham khảo: